Tự hào thương hiệu “Lâm trường Con Cuông”
Mãi tới dịp kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ viết “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” (11/6/1948 - 11/6/2013), tôi mới thực hiện được tâm nguyện của mình là đến thăm lâm trường Con Cuông của Anh hùng Lao động Nguyễn Ngọc Lài, nơi phong trào thi đua yêu nước tỏa sáng trong 50 năm nay.
(Baonghean) - Mãi tới dịp kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ viết “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” (11/6/1948 - 11/6/2013), tôi mới thực hiện được tâm nguyện của mình là đến thăm lâm trường Con Cuông của Anh hùng Lao động Nguyễn Ngọc Lài, nơi phong trào thi đua yêu nước tỏa sáng trong 50 năm nay.
Trong cái nắng của vùng đất “chảo lửa” Con Cuông, Phó Giám đốc Lâm trường Nguyễn Ngọc Lam lái xe đưa chúng tôi thăm lại khu rừng từng làm xao xuyến người dân địa phương và cả nước. Có đến 4 thế hệ làm nghề rừng đi cùng chúng tôi: Giám đốc Nguyễn Đức Sơn, Phó Giám đốc Nguyễn Ngọc Lam, kỹ sư trẻ Ngọc Anh và trên ghế đầu của ô tô là cựu Giám đốc, hai lần Anh hùng Lao động Nguyễn Ngọc Lài.
Trời nắng chói chang nhưng xe chúng tôi đi êm ru trong bóng mượt xanh của những rừng mét, rừng cây vạng, cây ràng ràng. Giám đốc Nguyễn Đức Sơn chỉ tay về phía trước nói với tôi: “Con đường này nối Thị trấn Con Cuông với thác Khe Kèm, một trong những thắng cảnh nối tiếng của xứ Nghệ và miền Trung. Trước đây nó được gọi là đường Lâm nghiệp, vì bằng sức người, lâm trường đã tự mở đường vào vùng sâu để khai thác, cải tạo vốn rừng và trồng những khu rừng mới”.
Xe nhẹ nhàng lướt qua những dốc cua gấp và tôi như đang mơ màng trong thiên đường xanh, bỗng từ trước xe vọng lại tiếng ông Lài: “Dừng lại!”. Thì ra ông Lài muốn ngắm nhìn cánh rừng cây vạng, loại cây chính ông đã bao tháng năm trăn trở, kiếm tìm trong rừng sâu, rồi quyết định đưa về ươm, nhân làm giống và sau này đã trở thành một trong những cây chủ lực nhanh chóng phủ xanh những cánh rừng. Sáng kiến có giá trị lớn về kinh tế và lâm sinh ấy đã khẳng định danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới của Lâm trường Con Cuông và ông Nguyễn Ngọc Lài được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động lần thứ hai (năm 2002).
Anh hùng Lao động Nguyễn Ngọc Lài (người đứng trước) cùng Ban Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm trường Con Cuông thăm khu rừng trồng.
Giám đốc Nguyễn Đức Sơn cùng các cán bộ trẻ dẫn cựu Giám đốc Nguyễn Ngọc Lài thăm lại khu rừng. Anh giới thiệu với người tiền nhiệm, người có công lớn với rừng quê hương và Lâm trường: “Công trình của bác, những ý tưởng của bác, các cháu tiếp tục giữ vững và phát huy rất có hiệu quả”. Nhìn những rừng cây vạng, cây ràng ràng, cây keo, cây mét sắp vào mùa thu hoạch, ông Lài nở nụ cười vui sướng. Ông chậm rãi nói: “Nếu không đủ bản lĩnh, không có chính kiến thì Lâm trường Con Cuông đã không còn, và chắc gì vùng này còn được gọi là rừng”.
Từ người thợ khai thác rừng trở thành Tổ trưởng Tổ lao động xã hội chủ nghĩa, rồi Đội trưởng Đội lao động xã hội chủ nghĩa Trung Chính, ông Nguyễn Ngọc Lài được tặng Huy hiệu của Bác Hồ (năm 1973), được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động lần thứ nhất (năm 1985).
Trở về trụ sở lâm trường, Giám đốc Nguyễn Đức Sơn mở đầu: “Nghề rừng có muôn vàn khó khăn, cơ chế quản lý thay đổi quá nhiều, có khi chưa kịp thực hiện chủ trương này đã thấy chủ trương khác dồn tới. Cơ sở chóng mặt vì những thay đổi về chủ trương, cơ chế, chính sách. Nhưng trước mỗi khó khăn, chúng tôi đều nhớ lại những năm tháng trước đây, khi ông Nguyễn Ngọc Lài là Giám đốc lâm trường, khó khăn còn gấp mười, gấp trăm lần hiện nay nhưng lãnh đạo vững vàng, công nhân tin tưởng đã từng bước đưa lâm trường tiến lên”.
Những bài học kinh nghiệm của người đi trước, thế hệ trẻ hôm nay đang tiếp tục nghiên cứu, vận dụng. Trước hết là xây dựng khối đoàn kết nhất trí trong đảng bộ, trong từng chi bộ và trong toàn đơn vị, quan tâm chăm lo cho đời sống mọi mặt của công nhân. Nhớ những ngày rét buốt lao động vất vả trước đây, Giám đốc Nguyễn Ngọc Lài giao tổ hậu cần phải chuẩn bị đủ nước nóng cho công nhân tắm mỗi chiều về. Bây giờ lãnh đạo đơn vị lo từ bữa ăn, chỗ ở cho tất cả công nhân, các gia đình đều có vườn rừng để sản xuất nâng cao đời sống.
Bài học của lâm trường là phải thường xuyên phát động các phong trào thi đua, phong trào nào cũng có tiêu chí cụ thể gắn lợi ích tập thể với quyền lợi cá nhân, có quy chế thưởng, phạt nghiêm minh. Nhiều chuyện trước đây bây giờ càng thấy thấm thía: có người bị phạt mãi sau này khi đã về hưu còn cảm ơn giám đốc, vì sau lần phạt ấy, anh hiểu hơn vai trò ý thức làm chủ tập thể và cũng từ đó anh được thưởng nhiều lần.
Đặc biệt, Giám đốc Nguyễn Ngọc Lài đã 2 lần tự phạt mình với mức phạt bao giờ cũng nặng hơn công nhân. Vì theo ông: “Lãnh đạo sai, hậu quả lớn hơn nên phải chịu trách nhiệm cao hơn”. Những năm gần đây, lãnh đạo lâm trường tiếp tục học và làm theo phương pháp ấy nên đã đạt hiệu quả: “Nội bộ đoàn kết, thống nhất, sản xuất, kinh doanh phát triển, vốn rừng tiếp tục được giữ vững và ngày càng nâng cao”. Một bài học quan trọng là áp dụng nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quản lý và sản xuất, kinh doanh. Hiện tại, lâm trường có trên 70 ha giống cây các loại mang thương hiệu “Lâm trường Con Cuông”. Phần lớn cây giống được nhân ra từ cây bản địa, chất lượng tốt, phù hợp môi trường và chống sâu bệnh tốt.
Vượt qua mọi khó khăn thử thách, Lâm trường Con Cuông luôn khẳng định là đơn vị sản xuất, kinh doanh có lãi, đảm bảo yêu cầu phủ xanh đất trống, đồi trọc, bảo vệ và không ngừng nâng cấp 8.423 ha đất rừng được giao. Doanh số bình quân 5 năm qua đạt từ 10 đến 11 tỷ đồng/năm; nộp ngân sách hàng năm từ 1,6 đến 2,2 tỷ đồng, đời sống công nhân ổn định và ngày càng được nâng cao. Lâm trường được Dự án LEAF (Vương quốc Bỉ) đánh giá là đơn vị có 90% rừng trung bình và giàu, khẳng định tiếp nối và giữ vững vốn rừng.
Tương lai gần, Lâm trường Con Cuông được cấp chứng chỉ Cacbon, Chứng chỉ quốc tế về chất lượng rừng. Sản phẩm của Lâm trường Con Cuông sẽ có giá trị trên thị trường cả nước và thế giới. Đơn vị liên tục được nhận những phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước và của tỉnh Nghệ An: Tập thể Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (năm 2002), Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2007), Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2011), liên tục nhiều năm từ 2000 đến nay đều được UBND tỉnh Nghệ An tặng Cờ đơn vị thi đua xuất sắc.
Cán bộ và công nhân Lâm trường Con Cuông luôn tự hào về danh hiệu tập thể Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, tự hào về Giám đốc Nguyễn Ngọc Lài 2 lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, tự hào về thương hiệu “Lâm trường Con Cuông”, nơi phong trào thi đua yêu nước luôn tỏa sáng.
Lăng Hồng Quang (Huyện Yên Thành)