Tự phê bình và phê bình cần chân thành, thẳng thắn

27/08/2012 16:36

(Baonghean) - Tự phê bình và phê bình là một trong những vấn đề quan trọng của Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI). Xung quanh vấn đề này, báo Nghệ An xin trích đăng một số ý kiến của các đảng viên nguyên là lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã nghỉ hưu.

Đồng chí Bạch Hưng Đào (Nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ): Cần tập trung kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã dành 16 ngày để kiểm điểm tập thể và cá nhân. Với tinh thần nghiêm túc, thẳng thắn, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã phát huy tự phê bình, phê bình rất chân tình. Để có kết quả tự phê bình và phê bình ở địa phương đạt kết quả tốt, theo tôi cần học tập kinh nghiệm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đó là chuẩn bị thật kỹ, thật tốt bản kiểm điểm tập thể Ban Thường vụ và bản kiểm điểm của từng đồng chí trong Ban Thường vụ. Bản kiểm điểm của tập thể cũng như cá nhân phải thực sự cầu thị, tiếp thu ý kiến của tổ chức và cá nhân, các vấn đề mà dư luận phản ánh, không chạy theo dư luận nhưng cũng không coi thường dư luận. Dư luận xã hội phải được quan tâm xử lý để tránh tình trạng gây tâm lý nghi ngờ trong nhân dân.

Tự phê bình phải có tinh thần dũng cảm của người cộng sản, dám nói thẳng những khuyết điểm của mình, không sợ kỷ luật, không sợ chê bai. Phê bình cũng phải dũng cảm, không sợ thành kiến, không sợ trù dập. Phê bình không phải “ vạch lá tìm sâu” mà phải chân thành chỉ ra ưu điểm và khuyết điểm, nêu rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan. Phê bình phải có lý có tình: lý là nguyên tắc của Đảng, còn tình là tình đồng chí, tình người.

Trong quá trình quản lý theo dõi đảng viên, là cán bộ lãnh đạo phải biết điểm mạnh, điểm yếu của từng người, từ đó gợi ý cán bộ chủ chốt các ngành, các huyện để chuẩn bị kiểm điểm tự phê bình cho tốt… Tôi không dám kỳ vọng đợt kiểm điểm lần này sẽ giải quyết được tất cả các vấn đề, nhưng chí ít cũng phải giải quyết được những vấn đề cơ bản về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Theo tôi, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cần tập trung kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan về một số vấn đề hiện dư luận đang bức xúc như: quản lý tài nguyên và môi trường; xung quanh quản lý các dự án về đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, vấn đề tái định cư. Kiểm điểm công tác cán bộ. Vấn đề quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ.

Đồng chí Trần Văn Nghi (Nguyên Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh): Tự phê bình tốt mới có phê bình tốt.

Tôi tin tưởng đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong Đảng để góp phần ngăn chặn những khuyết điểm, những biểu hiện lệch lạc của cán bộ, đảng viên. Tin là các đồng chí lãnh đạo tỉnh nhà có bản lĩnh tự phê bình và phê bình sửa chữa khuyết điểm. Những góp ý của cán bộ lão thành, góp ý của tổ chức cơ sở là hết sức quan trọng, nhưng tập thể, cá nhân các đồng chí lãnh đạo phải thực sự tự giác, cầu thị để nghiêm túc kiểm điểm, tự phê bình, phê bình, nhất là về phẩm chất đạo đức cán bộ. Điều quan trọng là tự phê bình phải làm cho tốt, có tự phê bình tốt thì mới có được phê bình tốt, bởi bản thân cá nhân phải nói được ưu, khuyết điểm rõ ràng, thẳng thắn, thì người khác mới góp ý chân thành, cởi mở, trên cơ sở tình đồng chí. Tự phê bình và phê bình gắn bó với nhau nhưng tự phê bình là yếu tố quyết định. Cần chống tư tưởng cá nhân, hẹp hòi, cơ hội, lợi dụng tự phê bình và phê bình để hạ uy tín của nhau.

Đối với công tác cán bộ, theo tôi muốn thực hiện tốt lãnh đạo phải biết nghe cấp tham mưu, người đứng đầu phải hết sức thông suốt. Cơ quan tham mưu phải khách quan và có chính kiến. Người đứng đầu phải công tâm. Phẩm chất cán bộ là yếu tố đảm bảo đoàn kết nội bộ.


Hữu Nghĩa (ghi)

Tự phê bình và phê bình cần chân thành, thẳng thắn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO