Tự sự phố và rừng (phần V)

13/06/2011 19:35

Nhớ lại mấy năm trước tôi vượt Cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) sang huyện lỵ Lạc Xao thuộc tỉnh Bô Ly Khăm Xay của Lào theo chuyến khảo sát “tua” du lịch của ngành Du lịch Nghệ An. Bên miền chùa chiền Phật giáo Lạc Xao ấy, tôi đã không ngộ được cái tĩnh tại vô nhiên tự nhiên như ở trong chuyến hành trình “độc thoại” ngẫu hứng trên đất nước Triệu Voi lần này…

(Baonghean) - Nhớ lại mấy năm trước tôi vượt Cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) sang huyện lỵ Lạc Xao thuộc tỉnh Bô Ly Khăm Xay của Lào theo chuyến khảo sát “tua” du lịch của ngành Du lịch Nghệ An. Bên miền chùa chiền Phật giáo Lạc Xao ấy, tôi đã không ngộ được cái tĩnh tại vô nhiên tự nhiên như ở trong chuyến hành trình “độc thoại” ngẫu hứng trên đất nước Triệu Voi lần này…

Hành trình từ Noọng Hét lên Phôn Xa Vẳn với chúng tôi là một hành trình “độc thoại” khi không mảy may biết một từ Mông lẫn Thái. “Xiều” không hơn gì tôi, anh Vinh thạo tiếng bản địa nhưng lại ngồi tít ghế trên. Nếu không là cái xe khách hãng Toyota 24 chỗ già nua cũ kỹ, nếu gã xế không là một gã Mông khó đoán tuổi ăn mặc nhếch nhác, dép tông mòn vẹt, thì trông anh Vinh ở ghế trên oai vệ như một quan chức Lào có cỡ. Anh có tưởng mình thế không, mà suốt hành trình 120 cây số chẳng thèm ngoái lại dù để nhấm nhẳn với chúng tôi một câu.

Thu gom nông sản

Sau này mới biết, anh đang choáng với khả năng điểm tâm bữa sáng siêu phàm của tôi và “xiều”: mỗi đứa tròm trèm 2 tô phở Lào ú ụ bánh phở và thịt bò, mà nếu tính khối lượng bằng cỡ 4 bát phở Chiến nổi tiếng ở cạnh trụ sở Bộ đội biên phòng Nghệ An bên phố Vinh; giá mỗi tô chỉ 10 ngàn kip (khoảng 25 ngàn đồng tiền Việt). Ít màu mè gia vị, bánh phở cắt thô và thịt bò chần còn nặng mùi…bò. Nhưng, như chưa có bữa phở sáng nào ngon đến vậy. Chắc là do “lạ nước”!

Có chuyến trước hay không? Nhưng từ lúc lên xe quãng bảy giờ rưỡi sáng, chắc cú rằng tuyến Noọng Hét – Phôn Xa Vẳn chỉ mỗi cái Toyota 24 chỗ ọc ạch này thôi. Khách hầu hết đàn bà con gái, địu gùi địu con lỉnh kỉnh dụng cụ đi nương đi rẫy. À ha! Bên này đồng bào đi làm nương bằng ô tô chuyến giống công chức bên mình đi làm bằng xe buýt vậy. Quãng quãng người lên, người xuống, líu lo chào hỏi, thanh toán tiền xe bằng những đồng kip lẻ. Tài xế đút tiền vào túi mà không bao giờ đếm. Có người không trả tiền, gửi lại bao ngô hạt (mà tôi đoán là nhờ nhà xe lên chợ Phôn Xa Vẳn bán, tính trừ tiền sau).

Người dân chuẩn bị “hành trang” chờ ô tô...đi rẫy!

Bên Tây Trường Sơn này thời tiết có vẻ đỏng đảnh hơn phía Đông bên Việt. Ban mai ưng ửng đã rõ ra mấy tia nắng, bỗng đột ngột mây mù ở đâu tràn về và trời lắc thắc mưa. Lúc này là quyến rũ của cơ man những triền cúc dã quỳ dậy thì mùa hoa vàng rực. Nông sản Noọng Hét chủ yếu là ngô. Có nhiều doanh nghiệp chế biến thức ăn gia súc bên Việt mình sang tận đây phát triển vùng ngô nguyên liệu. Rẫy thì ở tít tắp đâu trong rừng sâu chẳng rõ, nhưng ngô bắp thì cứ vô tư ngồn ngộn vàng ươm trong những con chòi không cửa nả bên đường. Nhớ có lần anh Văn Phênh – Đài PTTH Lào bảo, trong tiếng Lào không có từ “ăn cắp vặt”…

Dọc đường thi thoảng lại thấy một ô tô trọng tải nhỏ mua bán bầu bí và các loại rau củ quả khác. Người mua người bán cứ nhẩn nha. Mà cảm giác như người dân đất nước Triệu Voi này đi lại, làm gì cũng cứ nhẩn nha. Không thấy đàn ông đi rẫy, tuyền đàn bà con gái nhưng ai nấy đều như đi hội vậy. Họ như không để ý đến hai gã đàn ông Việt ngơ ngẩn chúng tôi và tự nhiên hết sức trước ống kính máy ảnh. Họ người lên sau, kẻ xuống trước ân cần nhường nhịn nhau, mắt nhìn mắt thân thiện, nói cũng không quá to và dường như cũng không quá thừa. Trên đường tịnh không nghe một tiếng còi xe ô tô và suốt cả tuyến quốc lộ 120 km chỉ mỗi một chốt cảnh sát giao thông 2 người, mà cũng chẳng thấy phải tuýt còi kiểm tra ai cả…

“Chốt” CSGT duy nhất trên tuyến đường Noọng Hét – Phôn Xa Vẳn

Nhớ lại mấy năm trước tôi vượt Cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) sang huyện lỵ Lạc Xao thuộc tỉnh Bô Ly Khăm Xay của Lào theo chuyến khảo sát “tua” du lịch của ngành Du lịch Nghệ An, có thời gian ghé chùa Vàng, chùa Xén U Đôm và các kiến trúc khác mang đậm tinh thần Phật giáo. Tôi còn gặp gỡ đông đảo đồng bào đi lễ chùa, trò chuyện với các nhà sư (chỉ tiếc chiếc lá bồ đề tôi thọ hái ở vườn chùa Vàng nổi tiếng đã thất lạc đâu mất). Nhưng, bên Lạc Xao tôi đã không ngộ được cái tĩnh tại vô nhiên tự nhiên như ở trong chuyến hành trình “độc thoại” ngẫu hứng trên đất nước Triệu Voi lần này. Mới hay, mọi giáo lý và nỗ lực thực hành giáo hóa không tạo sự bừng ngộ như khi được cô độc cảm nhận bản năng thiện của con người. Mà, bản năng thiện chính là cái đích văn minh cơ bản của nhân loại…

Lan man thế là vì còn nhớ thêm chuyện bên Việt. Sư phụ Lâm quê Nam Định, lấy vợ thường trú xã Nghi Phú (TP. Vinh). Sư phụ được coi là nhà cảm xạ học bậc nhất ở phố Vinh; mấy cái nhà hàng, ki-ốt kinh doanh trên tường có lắp đặt kim tự tháp pha lê kèm các “phụ kiện” đá phong thủy đều là tác phẩm của sư phụ cả đấy. Từng đặt chân lên khắp các miền đất nước, trải tột bậc hỉ - nộ - ái - ố lẫn tham - sân – si, nay sư phụ chủ trương tiết giảm dục vọng, hạn chế thái quá, lấy tĩnh tâm làm đầu để nhìn đời và hành thiện. Tôi ngưỡng mộ sư phụ, nhưng để lấy trường lực của khí nhằm vận lấy cái tĩnh tâm mà điều hành cuộc sống cá nhân trong cái động vô cùng vô tận của xung quanh ồn ã phố phường với tôi thật khó! Chợt khao khát thuật cho sư phụ Lâm nghe chuyện được chung hành trình với những con người đầy bản năng thiện ở đất nước Triệu Voi biết nhường nào.

…Một ấn tượng nữa trong hành trình Noọng Hét – Phôn Xa Vẳn là nhà cửa hai bên đường đều kiến trúc một mô-típ nhiều mái, nóc nhọn. Nhưng tiểu tiết, vật liệu, quy mô thì vô cùng đa dạng. Hay nói cách khác đó như một bộ sưu tập khổng lồ về kiểu dáng nhà dân. Trước nhà thường có một chiếc chảo truyền hình to đùng. Trạm xăng bên đường kiểu cách cũng khác bên Việt; trông đơn giản hơn và thường quanh mái có chăng thêm lưới giảm nhiệt.

Chúng tôi sẽ phải qua huyện Mường Khăm rồi mới tới được Phôn Xa Vẳn. Nếu Noọng Hét là miền ngô và lúa rẫy, thì Mường Khăm là vựa lúa nước của tỉnh Xiêng Khoảng rộng lớn. Vì thế, Mường Khăm trông trù phú và nhộn hơn. Xe vào địa phận Mường Khăm là bắt đầu những triền rừng thông thưa thớt với những chú trâu Lào béo mẫm, sau đó là những đám rừng khộp xanh tốt dăm năm tuổi trồng bên đường. Rồi đôi mắt đang tù túng bất chợt được thỏa thích trước mênh mang cánh đồng Mường Khăm mà không biết đâu là nắng, đâu là cánh lúa vàng vào vụ gặt. Thời điểm này bên Việt lại đang sắp sửa vào vụ cấy Đông Xuân.

Tôi điện thoại về phố Vinh. Ba cuộc gọi về mới có một cuộc trả lời. Bên nhà gió mùa. Tôi như cảm nhận được cái buốt lạnh u u con ngõ nhỏ cuối đường Phan Chu Trinh, nơi có cái quán nước chè kẹo lạc đặc quánh chuyện quê của cụ bà hay chuyện. Hẹn với “cuộc gọi thứ ba” một món quà đất nước Triệu Voi để thêm phần náo nức cho chặng hành trình phía trước…

(Còn nữa)


Đình Sâm

Mới nhất
x
Tự sự phố và rừng (phần V)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO