Tự sự phố và rừng (phần VI)

28/06/2011 10:58

Từng biết con sông Lam bên quê nhà được bắt nguồn từ dòng Nam Khan trên cao nguyên Xiêng Khoảng. Không biết ruộng đồng Mường Khăm có được tưới tắm bằng dòng nước Nam Khan không? Nhưng bản Lào giữa thung lũng lúa vàng Mường Khăm cũng thanh bình lắm lắm như thôn mạc miền trung du ven Lam giang bên Việt…

(Baonghean) - Từng biết con sông Lam bên quê nhà được bắt nguồn từ dòng Nam Khan trên cao nguyên Xiêng Khoảng. Không biết ruộng đồng Mường Khăm có được tưới tắm bằng dòng nước Nam Khan không? Nhưng bản Lào giữa thung lũng lúa vàng Mường Khăm cũng thanh bình lắm lắm như thôn mạc miền trung du ven Lam giang bên Việt…

Thung lũng lúa nước vùng giữa huyện Mường Khăm rộng dễ hàng nghìn héc-ta. Nhưng nhìn cách canh tác của nông dân Lào và cánh đồng chi chít bờ vùng bờ thửa, chắc chắn họ chưa làm chuyển đổi điền địa như ta. Người trồng lúa hình như không phải chịu thuế nông nghiệp thì phải. Nhiều nhà nông đã sắm máy cày đa chức năng và các loại nông cụ cơ khí khác. Ở những cánh đồng trải dài ven đường quốc lộ, lúa vàng cứ bời bời và mang một vẻ đẹp hoang sơ như tranh danh họa Văn-gốc.
Đi qua vùng lúa nước là vùng trung tâm huyện Mường Khăm. Chợ trung tâm Mường Khăm quả là một ngôi chợ độc đáo. Nếu như ở phố Vinh, sẽ cứ ngỡ đây là một khu gian hàng được xây dựng vội phục vụ cho một hội chợ triển lãm. Chợ nằm trên một triền đồi thoai thoải, hoang hóa cỏ dại. Nhìn từ xa vào, đó là một dãy liên hoàn các gian nhỏ lợp mái nhọn, thưng ván gỗ. Hàng hóa không bày biện ngồn ngộn như chợ bên mình mà trên sạp cứ rạch ròi món nào ra món nấy. Mua bán cũng không ồn ào và rất chóng vánh.


Pa-nô in hình đồng tiền Lào ở trung tâm Mường Khăm.

Trung tâm Mường Khăm mang dáng vẻ đô thị hơn dưới Noọng-Hét nhiều. Phố xá quy củ hơn cho thấy đã có bàn tay của nhà quy hoạch. Xe khách nhỏ ra vào bến nhộn nhịp và bắt đầu xuất hiện một vài xe “Tuk tuk”. Lạ nhất là bên sân vận động trung tâm lại dựng một cái pa-nô lớn in hình đồng tiền Lào. Sau này nghe nói đó là để họ tuyên truyền tôn vinh đồng tiền kip hay còn gọi là để chống “đô – la hóa”; vì ở Lào bên cạnh đồng kip, trên thị trường lưu thông rất nhiều loại tiền khác: phổ biến là đô-la Mỹ, sau đó đến bạt Thái Lan, Việt Nam đồng và gần đây hình như có cả đồng nhân dân tệ Trung Quốc…

Xế trưa, xe đến Phôn-Xa-Vẳn, thủ phủ của tỉnh Xiêng-Khoảng.

Rất nhiều người bên mình cho rằng Phôn-Xa-Vẳn là thị xã tỉnh lỵ của tỉnh Xiêng-Khoảng. Nhưng theo như anh Vinh cho biết thì Phôn-Xa-Vẳn là tên gọi chung một huyện. Trung tâm của Phôn-Xa-Vẳn cũng chỉ là một bản có tên gọi riêng, và đồng thời cũng là nơi đứng chân của các cơ quan đầu não tỉnh Xiêng-Khoảng (ở Lào không có cấp xã). Nhìn diện mạo, cái trung tâm này giống một đô thị trẻ bên Việt mình. Tuk tuk là loại mô-tô ba bánh được du nhập từ Thái Lan sang, nay trở thành một trong những loại phương tiện chuyên chở phổ biến ở đây. Tôi nhảy lên một chiếc Tuk tuk làm một “cuốc” lưu niệm và phải trả tới 6 nghìn kip cho chưa đầy một cây số lòng vòng…


Một góc phố mới của trung tâm Phôn Xa Vẳn.

Trung tâm Phôn-Xa-Vẳn hình như chỉ có một cái “Hotel Xiêng Khoang” gọi là cơ sở lưu trú khả dĩ; ngoài để đón tiếp các đoàn khách đối ngoại, chủ yếu phục vụ lác đác khách Tây. Các công sở, nhà bưu điện, trung tâm thương mại nằm quây một vòng rộng quanh một khu đất trống rộng rãi tựa như một quảng trường của một thành phố lớn. Phôn Xa Vẳn có cả sàn nhảy “thiên đường người Mông” với các ngón tiêu tiền không kém các sàn nhảy ở phố Vinh. Nếu không muốn nói, lối chơi ở đây còn “tây” hơn bên mình vì có thể nhờ quen biết mối lái, sẽ có bạn nhảy xinh đẹp là Tây ba-lô đến từ Châu Âu. Tuy nhiên tiền “bo” là hơi mắc, phóng tay một chút là hết cỡ một triệu tiền Việt. Nghe đâu sàn nhảy này có tiền đầu tư của “Mông kiều” ở Mỹ…

Sau bữa nhậu với bạn bè, anh Vinh hết một két rượu dán nhãn hiệu hoa Chăm-pa, anh Đức - một doanh nhân người Việt có cỡ ở Xiêng Khoảng nhiệt tình đánh xe ô tô riêng đưa chúng tôi “đi thăm thú” theo cách nói của anh. Nhưng đây là dịp chuẩn bị Đại hội Đảng Nhân dân cách mạng Lào tỉnh Xiêng Khoảng, các dịch vụ giải trí sống động như Karaoke, quầy Bar xanh đỏ ở Phôn-Xa-Vẳn gần như bị đóng cửa. Về mặt này thì có thể nói bạn đang quá nghiêm ngặt so với ta. Nhờ tài ngoại giao của anh Đức, khi nghe nói có khách Việt, là nhà báo nữa, một ngôi quán lá “đặc cách” mở cửa đón khách.

Anh Đức có hộ khẩu thường trú ở đường Nguyễn Văn Cừ bên phố Vinh, nhưng anh là một “Nghệ kiều” sành sỏi ở bên đất nước Triệu Voi này rồi…


Sau một “cuốc” Tuk tuk ở trung tâm Phôn Xa Vẳn.

Thứ rượu trong vắt dán nhãn hoa Chăm-pa uống mãi không làm người ta đổ gục, cũng không làm người ta say đến độ kích động. Mà là một thứ say xui khiến người ta trôi đến một nỗi buồn có chút ảo giác lả tả rơi. Thêm một chầu bia Lào nữa, tôi nghe tiếng anh Vinh lào thào dụ dẫn bên tai… Rồi mọi người biến mất đâu chả rõ. Tôi chẳng biết nói gì với ông chủ quán có gương mặt không buồn, không vui và chẳng cười bao giờ, nhưng đôi mắt tinh nhanh luôn đón được ý khách một cách chính xác. Và lần đầu tiên tôi được cạn cốc bia Lào với một người Lào. Tôi lơ mơ nhớ về anh Kẹo, sinh viên Lào học ở Đại học Y Thái Bình 20 năm trước…

Kẹo là cách gọi thân mật của họ hay tên của anh tôi không biết. Nhưng tôi nhớ Kẹo là một sinh viên chất phác nhất trong số các sinh viên Lào mà tôi biết ở các trường đại học miền Bắc thuở ấy. Kẹo yêu Hằng – bạn học hồi phổ thông của tôi. Kẹo theo Hằng về quê tôi, mặc quần soóc, đi dép tông, cởi trần phô nước da đồng hun, lui cui ra vườn nhà tôi hái rau thơm chuẩn bị cho bữa nhậu. Nhưng Kẹo không ăn thịt chó. Kẹo uống rượu nhắm với chuối xanh chấm muối và kể về nhà mình đâu đó ở gần Long Chẹng phía Tây nam Cánh đồng Chum. Long-Chẹng – địa danh tôi đã quen thuộc qua tác phẩm nổi tiếng “Ký sự Xiêng Khoảng” của nhà văn Bùi Bình Thi. Hằng và Kẹo sau đó cưới nhau, đưa nhau về Long-Chẹng, là kết quả một mối tình đôi lứa Việt – Lào thật đẹp.

Long Chẹng có xa? Không biết tôi có thể gặp được Kẹo và Hằng không nhỉ?...

(còn nữa)


Đình Sâm

Mới nhất
x
Tự sự phố và rừng (phần VI)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO