Từ thơ “Nguyên tiêu” đến Ngày Thơ Việt Nam
(Baonghean) Về bài thơ chữ Hán mang tựa đề “Nguyên tiêu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có lần nhà ngoại giao - nhà thơ Xuân Thủy cho biết một tư liệu rất quý.
Đầu năm 1948, sau khi dự một hội nghị quan trọng, Bác Hồ xuôi thuyền về nơi căn cứ. Trăng sáng, cảnh đẹp nên thơ, Bác cảm hứng đọc hai câu thơ bằng chữ Hán. Sau đó, Người thêm hai câu nữa. Thế là thành bài thơ “Nguyên tiêu” trọn vẹn. Cùng đi thuyền với Bác là đồng chí Xuân Thủy và một số đồng chí khác. Có người đề nghị tác giả cho dịch ra tiếng Việt để nhiều người cùng thưởng thức, Bác vui vẻ bảo: “Có Xuân Thủy đây, Xuân Thủy dịch đi!”. Suy nghĩ một lúc, nhà thơ Xuân Thủy trong niềm đồng cảm sâu sắc đã đọc bản dịch theo thể thơ lục bát dân tộc:
Rằm xuân lồng lộng trăng soi,
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân.
Giữa dòng bàn bạc việc quân,
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.
Nghe xong bản dịch thơ mình, Bác nhận xét: “Dịch thế là lưu loát, giữ được chất thơ. Nhưng dòng thứ hai có ba chữ xuân hòa vào nhau, mà bản dịch thì có hai chữ xuân, như thế là ý đủ mà chữ còn thiếu”. Nhà thơ Xuân Thủy thấy Bác có lý. Cho đến nay bản dịch của Xuân Thủy phổ biến rộng rãi, ở câu thứ hai của bài “Nguyên tiêu” vẫn chỉ có hai chữ xuân mà thôi! Tuy vậy, đã có thêm nhiều bản dịch thơ bổ sung, không kém phần tài hoa...
Thời tiết sang xuân, mùa đông lạnh lẽo vừa qua. Khởi đầu của một năm là trăng sáng, bầu trời trong trẻo ấm áp, mặt đất lan tràn sức sống mới. Cái đáng trân trọng nhất của trăng Rằm tháng Giêng, có lẽ là ở đấy. Hai câu đầu của bài thơ “Nguyên tiêu” tạo thành một bức tranh xuân tuyệt đẹp, đến câu chuyển, câu thứ ba, thì tứ thơ đột xuất.
Và câu cuối bài, kết lại tác phẩm bất ngờ, đầy dư vị. Một hình ảnh dễ gợi buồn nhất là “yên ba thâm xứ” (ở sâu trong khói sóng). Nhưng với “Nguyên tiêu” của Bác, “yên ba thâm xứ” là để “đàm quân sự” (bàn việc nước, việc quân). Trên thuyền, thì ra đâu phải một lãng tử, một du khách vô sự ngồi thưởng ngoạn thiên nhiên, mà đó là một vị chỉ huy tối cao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Cách mạng lúc này đã có bước chuyển, nhưng còn nhiều gieo neo, khó khăn chồng chất từ sau ngày dành chính quyền. Vậy nên tất cả phải khẩn trương, bí mật. Bộ chỉ huy làm việc căng thẳng cả vào giữa đêm, trên một chiếc thuyền chốn thâm sơn cùng cốc. Thế rồi nửa đêm, công việc bàn định xong, thì “nguyệt mãn thuyền” (ánh trăng đầy thuyền). Đẹp và nên thơ quá! Đấy là cái đẹp, cái nên thơ của nền thơ kháng chiến, mà Bác Hồ trở thành người có công khởi đầu.
Ngày Thơ Việt Nam năm nay, theo thông lệ tổ chức vào Rằm tháng Giêng, đã là lần thứ mười. Thời gian ấy đủ để biến Ngày Thơ hàng năm của một quốc gia yêu thơ như Việt Nam trở thành một tập tục, một mỹ tục, góp phần xây dựng con người mới bước vào hội nhập với thế giới mà vẫn đậm đà bản sắc dân tộc. Nghệ An còn có thêm vinh dự là quê hương của tác giả bài thơ “Nguyên tiêu”. Đón Ngày Thơ Việt Nam năm Nhâm Thìn này, những người yêu thơ trên quê hương Bác có quyền đặt tiếp niềm tin, niềm hy vọng mới cho một Ngày Hội thực sự của thơ ca!
Nhật Thi