Từ Trúc lâm Yên Tử đến Trúc lâm Yên Thành

02/04/2015 10:40

(Baonghean) - Cách Thành phố Vinh 45 km về phía Bắc, từ Quốc lộ 1A ngược theo Tỉnh lộ 538 về phía Tây 7 km, huyện Yên Thành có diện tích hơn 54,2 ngàn ha, 39 xã, thị trấn, gần 28 vạn dân, nằm ở vị trí trung tâm của vùng Đông Bắc tỉnh Nghệ An.

Xưa và nay Yên Thành là vựa thóc của Nghệ An: “Yên Thành là mẹ là cha; Đói cơm rách áo thì ra Yên Thành”. Những di chỉ khảo cổ học về rìu đá tại xã Bảo Thành cho thấy: Yên Thành là một cái nôi của người Việt cổ. Là “phên dậu quốc gia”, thế kỷ thứ 10 hoàng tử Lê Ngân Tích, thế kỷ 11 hoàng tử Lý Nhật Quang; thế kỷ 13 Quốc công Trần Quốc Khang, thế kỷ 16 Quốc công Mạc Ngọc Liễn, những công thần bậc nhất được các triều đại trước cử về trấn giữ; Thế kỷ 19, tiến sỹ Nguyễn Xuân Ôn và Phó bảng Lê Doãn Nhã lấy lèn Vũ Kỳ làm căn cứ của Cuộc khởi nghĩa cần vương chống Pháp.

Mảnh đất này cũng đã sản sinh ra nhiều văn quan, võ tướng thao lược, tài ba, nhiều nhà khoa bảng lừng danh qua các thời kỳ: Sát hải đại vương Hoàng Tá Thốn; “Anh hùng sơn cước” Nguyễn Vĩnh Lộc; Thái phó Lai quốc công Phan Công Tích; đồng chí Phan Đăng Lưu người sáng lập Tân Việt cách mạng Đảng và là nhà lãnh đạo ưu tú của Đảng ta. Từ thời Trần đến thời Nguyễn có 4 Trạng nguyên, 3 Thám hoa, 3 Hoàng giáp, 7 Tiến sỹ, 4 Phó bảng. Trạng nguyên Bạch Liêu khai khoa xứ Nghệ, trạng nguyên Hồ Tông Thốc, Hồ Tông Đốn, Hồ Tông Thành, Thám hoa Phan Tất Thông, Phan Duy Thực, Phan Thúc Trực... Con người Yên Thành chân chất, mộc mạc, chung thuỷ, cần cù trong lao động, kiên cường trong chiến đấu, yêu nước, hiếu học và cách mạng.

Toàn cảnh chùa Chí Linh (Xuân Thành - Yên Thành).Ảnh: hồ các
Toàn cảnh chùa Chí Linh (Xuân Thành - Yên Thành). Ảnh: Hồ Các

Trong tiềm thức của người Yên Thành, Nho giáo, Lão giáo, Phật giáo hoà quyện, ăn sâu vào máu thịt chứng minh độ đậm đặc của các di tích lịch sử - văn hoá, theo thống kê hiện nay trên địa bàn huyện có 520 di tích danh thắng, trong đó có trên 200 di tích danh thắng đã được lập danh mục quản lý, với 21 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 36 di tích xếp hạng cấp tỉnh... Truyền thống rất đỗi tự hào, nhưng trong nền kinh tế thị trường, nếu vẫn chỉ dựa vào sản xuất nông nghiệp và tâm đắc với truyền thống thì rất khó làm giàu.

Sau nhiều lần bàn tính, Ban Thường vụ Huyện ủy khóa XXV đi đến kết luận: Muốn phát triển bền vững phải khơi dậy tiềm năng thiên nhiên, phát huy bản sắc văn hoá, đặc biệt là văn hoá tâm linh, thông qua du lịch để quảng bá hình ảnh, cảnh sắc và con người Yên Thành. Ban Thường vụ Huyện ủy chủ trương xây dựng một khu du lịch văn hoá gắn với tâm linh, sinh thái để thu hút khách thập phương. Điểm nhấn của giải pháp là lấy Rú Gám, Sông Dinh - biểu tượng, vượng khí, niềm tự hào, kiêu hãnh của Yên Thành làm cốt lõi.

Là điểm thuộc chân dãy Trường Sơn hùng vỹ, Rú Gám là một ngọn núi cao 269 mét còn có tên khác là Thứu Lĩnh, Côn Sơn, Phượng Sơn, Động Nhôn. Lưng chừng núi phía Đông có hai lèn đá trắng: hòn đá bạc to và hòn đá bạc nhỏ. Bên trái Hòn đá bạc to là một phiến đá phẳng lỳ, chiều rộng 6 mét, chiều dài 9 mét như một bàn cờ tiên. Đứng trên đỉnh núi hôm đẹp trời có thể quan sát toàn cảnh vùng Đông Bắc Nghệ An. Rú Gám là một khu rừng nguyên sinh, thảm thực vật phong phú, nhiều chủng loại gỗ quý như trắc, trai, sưa, gụ, lim, sến, trầm... nhiều dược liệu quý như hoài sơn, tuyết nhung, cao đằng, hà thủ ô... hiện còn một số cây gụ chu vi 4 người ôm. Nhiều loại động vật quý như cầy hương, trăn, sóc, cáo, vẹt... Rú Gám có đền thờ Bạch Thạch thần (thần đá trắng) và đền Nhà Ông thờ Lý Thiên Cương - một vị nhân thần chiêu dân lập ấp. Do tính chất linh thiêng của các ngôi đền này mà Rú Gám còn giữ được sự cổ kính, nguyên sinh.

Phật tử gần xa về dự ngày lễ trọng ở chùa Gám.Ảnh: Thích Tuệ Minh
Phật tử gần xa về dự ngày lễ trọng ở chùa Gám. Ảnh: Thích Tuệ Minh

Xung quanh Rú Gám là một quần thể di tích lịch sử, văn hoá: đền thờ Bạch Y công chúa (Bạch Y là con vua Hồ Quý Ly về dựng chùa tu và mất tại đây), đình Sừng (thủ phủ châu Hoan thời thuộc Đường ở xã Lăng Thành), đền Đức Hoàng (Phúc Thành), nhà thờ Sát hải đại vương Hoàng Tá Thốn (Long Thành), nhà thờ trạng nguyên Hồ Tông Thốc (Thọ Thành), đền Cả, chùa Bảo Lâm, Khu lưu niệm đồng chí Phan Đăng Lưu (Hoa Thành), Khu di tích Bác Hồ về thăm, đền Cố Đá (Vĩnh Thành), khu tưởng niệm 72 chiến sỹ cách mạng bị thực dân Pháp xử bắn trong phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh (Mỹ Thành)... Xung quanh Rú Gám là một quần thể danh thắng: Sông Dinh qua các xã Văn Thành, Hoa Thành, Tăng Thành và Thị trấn Yên Thành, Nhà thờ đá, núi đá Bảo Nham (Bảo Thành), hang Mặt trăng (Minh Thành), hang lèn Vũ Kỳ... một số danh thắng nhân tạo như kênh Vách Bắc, đập Vệ Vừng, Mả Tổ, Quản Hài, Nhà trò...

Đền, chùa Gám là trung tâm văn hóa tín ngưỡng của một vùng dân cư rộng lớn. Hàng năm vào mùa lễ hội nhân dân trong vùng tổ chức rước các vị thần linh từ Rú Gám về đền, chùa để tế lễ. Đền, chùa Gám là cụm công trình văn hoá tâm linh nổi tiếng. Đền thờ các vị thần có công bảo quốc, hộ dân: Cao Sơn, Cao Các, Sát hải đại Vương, Tam tòa Đại Vương và Tứ vị thánh Nương. Chùa Gám (Chí linh tự) là công trình kiến trúc cổ thờ Phật, có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật. Các mảng điêu khắc và hoa văn hoạ tiết hết sức tinh xảo. Cũng chính các mảng điêu khắc đó đã xác định được từ xa xưa Phật giáo tại chùa Gám theo tông phái Trúc Lâm, một tông phái phát triển rực rỡ dưới các triều đại Lý, Trần. Ở chùa Gám có đôi câu đối như một lời sấm:

“Dinh thuỷ đông hồi nhiêu quang vụ

Phượng Sơn tây phục hướng minh đường”

Phía Đông có sông Dinh long mạch làm cho mùa màng tươi tốt, bội thu, phía Tây có Rú Gám long chầu hổ phục tạo nên sơn thuỷ hữu tình. Cũng có thể hiểu, Rú Gám sẽ mở ra hướng phát triển tươi sáng của huyện Yên Thành.

Tiềm năng du lịch rất lớn, nhưng làm thế nào để phát huy được tiềm năng đó là một bài toán khó. Theo tư vấn của một số nhân sỹ về Phật học, vua Trần Nhân Tông - một vị vua anh minh và nhân từ, sau khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử lãnh đạo nhân dân cả nước đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông, củng cố vững chắc nền độc lập, tự chủ của dân tộc đã nhường ngôi cho con rồi lên núi Yên Tử đi tu, lập nên tông phái Trúc Lâm Yên Tử. Tông phái Trúc Lâm Yên Tử được Hoà thượng Thích Thanh Từ vận động khôi phục cuối thế kỷ 20 nhằm khôi phục tư tưởng đạo Phật của vua Trần Nhân Tông.

Sinh hoạt tín ngưỡng tại chùa Gám. Ảnh: Hồ Các
Sinh hoạt tín ngưỡng tại chùa Gám. Ảnh: Hồ Các
Hội liên hiệp VHNT tỉnh và Tạp chí Sông Lam trao quà cho chùa Gám
Hội liên hiệp VHNT tỉnh và Tạp chí Sông Lam trao quà cho chùa Gám. Ảnh: Hồ Các
Giao lưu thơ - nhạc khúc hát quê hương
Giao lưu thơ - nhạc khúc hát quê hương. . Ảnh: Hồ Các

Đường hướng mục vụ là kết hợp tu và thiền. Chủ trương của tông phái là đào tạo con người có tâm hồn trong sạch, lối sống chân thật, xả thân cứu khổ chúng sinh, kiên nhẫn tu hành, hiểu sâu sắc về phật và phật pháp. Người tu hành theo phái Trúc Lâm Yên tử là tu tập, học mà không thi lấy bằng cấp, tu tại gia hoặc tu theo các đạo tràng, thiền viện. Tông phái Trúc Lâm Yên Tử đề cao tôn chỉ: “Đạo pháp, dân tộc, Chủ nghĩa xã hội”. Do mục đích, tôn chỉ, phương thức hoạt động hợp lòng dân nên tông phái Trúc Lâm Yên Tử đã và đang phát triển mạnh mẽ, có số lượng đông đảo tăng ni, cư sỹ, tín đồ nam nữ khắp đất nước và cả ở nước ngoài. Sau khi lãnh đạo huyện làm việc với Hoà thượng Thích Thanh Từ, Hoà thượng đã cử đặc phái viên về khảo sát thực địa, sau đó đồng ý cử sư trụ trì chùa Chí Linh và chỉ đạo xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Yên Thành.

Cuối năm 2010, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An thống nhất chủ trương cho phép UBND huyện Yên Thành lập Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu du lịch văn hoá tâm linh sinh thái Rú Gám. UBND huyện đã phối hợp với Công ty kiến trúc Hoàng Đạo của giáo sư Hoàng Đạo Kính - một trong những công ty kiến trúc hàng đầu của Việt Nam để thống nhất phương án kiến trúc.

Ngày 28/10/2012, UBND huyện Yên Thành đã long trọng tổ chức lễ công bố Quyết định của UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu du lịch sinh thái và tâm linh Rú Gám. Theo Quyết định này, tổng diện tích quy hoạch trên 316 hecta, được chia thành 5 khu chức năng:

Khu di tích gốc: Gồm đền, chùa Chí Linh, hội trường, bãi để xe phục vụ du khách và phật tử về lễ chùa được mở rộng khuôn viên, nâng cấp, trùng tu, tôn tạo khang trang, diện tích 19,6 hec ta, mật độ xây dựng 30%;

Khu tâm linh - lễ hội: Bố trí tại sườn phía đông Rú Gám, diện tích 100,2 hecta. Trong đó Thiền viện tăng là nơi giảng đạo và hướng dẫn thiền cho các môn sinh nam, bố trí tại đền Gám, phía trước thắng cảnh Hòn đá bạc to, gồm 40 ngôi nhà dạng chùa có diện tích xây dựng gần 9,8 ha, trong đó ngôi lớn nhất (Tổ đình) có diện tích 700m2, mật độ xây dựng 30%; Thiền viện ni để giảng đạo và hướng dẫn thiền cho môn sinh nữ được bố trí tại sườn núi phía Đông Bắc tại khu vực Hòn đá bạc nhỏ, gồm 29 ngôi nhà dạng chùa, diện tích xây dựng gần 4,85 ha, mật độ xây dựng 30%; Khu vườn tháp bao gồm đỉnh núi là tượng Phật tổ Thích ca, lưng chừng núi phía Đông Nam là các điện thờ Bồ tát, Di lặc và các khu vườn Lâm tỳ ni, Bồ đề, Bảo tháp..., diện tích xây dựng 0,78 hecta;

Khu đền Bạch Y: Được bố trí phía Bắc khu tâm linh - lễ hội, thờ phụng Bạch Y công chúa, Tam toà thánh mẫu, Đức Thánh Trần, Phật Quan âm..., tổng diện tích 7,89 hecta;

Khu nghĩa trang liệt sỹ: Ở phía Đông Bắc khu tâm linh - lễ hội, gồm các công trình: Điện thờ kiêm bảo tàng liệt sỹ, Nhà bia, vườn cây xanh và nghĩa trang liệt sỹ, diện tích 6,8 hecta, mật độ xây dựng 20%;

Khu nghỉ dưỡng sinh thái và dịch vụ tổng hợp: Phía Tây Bắc khu tâm linh - lễ hội, diện tích 157,75 hecta, có 3 khu chức năng: Khu nghỉ dưỡng sinh thái tại hồ Xuân Nguyên gồm khách sạn, biệt thự ven hồ, Bungalow, nhà hàng và hệ thống công trình dịch vụ giải trí, công trình phụ trợ khác, diện tích 27,91 hecta; Khu du lịch tổng hợp bố trí ở đỉnh núi phía Tây đến sát mép hồ Xuân Nguyên, gồm các công trình như nhà ẩm thực truyền thống, quán giải khát, chòi ngắm cảnh, vườn tượng, bể bơi..., diện tích đất 4,06 hecta; Khu công viên chuyên đề bố trí phía Nam khu du lịch tổng hợp, gồm các công trình như nhà bảo tàng sinh quyển, chòi ngắm cảnh, nhà hàng, các công trình giải trí và công trình phụ trợ khác, diện tích đất 0,82 hecta.

Tại hội thảo phê duyệt đồ án thiết kế do UBND tỉnh tổ chức tháng 2/2012, Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Hồ Đức Phớc (nay là Bí thư Tỉnh ủy) kết luận: Nguồn vốn để xây dựng khu du lịch tâm linh gồm khu di tích gốc, khu tâm linh - lễ hội, khu đền Bạch Y và đường nội bộ kết nối giữa đền, chùa với thiền viện, giữa các hạng mục thành phần của thiền viện do tông phái Trúc Lâm đảm nhận. Tỉnh và huyện sẽ kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong, ngoài tỉnh đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái. Đền thờ liệt sỹ do huyện huy động ngân sách và kêu gọi đóng góp của cộng đồng.

Dự án tuy có quy mô xây dựng rất lớn nhưng lại không phá vỡ cảnh quan môi trường, các công trình tâm linh đều nằm dưới tán của rừng đặc dụng đã được Tổng cục Lâm nghiệp cho phép lập quy hoạch xây dựng dự án, Ủy ban nhân dân huyện đang triển khai xây dựng và bảo vệ dự án quy hoạch rừng đặc dụng Rú Gám. Tính khả thi của dự án rất cao, nhưng để dự án đi vào hiện thực còn nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có sự ủng hộ, giúp đỡ, liên kết của nhiều cấp, ngành, địa phương, nhiều tổ chức và cá nhân, đặc biệt là nỗ lực rất cao của Đảng bộ và nhân dân Yên Thành.

Dự án xây dựng Khu du lịch văn hoá tâm linh sinh thái Rú Gám sẽ mở ra một tương lai, diện mạo mới của huyện Yên Thành. Hàng năm thu hút một lượng lớn du khách trong, ngoài nước, giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động; kết cấu hạ tầng được cải thiện; giáo dục đạo đức con người hướng tới chân, thiện, mỹ; khắc phục và đẩy lùi các tệ nạn xã hội, từng bước khôi phục các giá trị văn hoá, tâm linh.

Từ Trúc Lâm Yên Tử đến Trúc Lâm Yên Thành, chặng đầu khắc đậm dấu ấn của sự phát triển bền vững và dấu ấn văn hoá, tâm linh Việt Nam trong mỗi người dân huyện lúa anh hùng.

Nguyễn Tiến Lợi

(Chủ tịch UBND huyện Yên Thành)

Mới nhất

x
Từ Trúc lâm Yên Tử đến Trúc lâm Yên Thành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO