Từ vụ 3 cây Sa mu Khu BTTN Pù Hoạt bị đốn hạ: Tăng cường giải pháp bảo vệ rừng

(Baonghean) - Ngày 16/7/2015, Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cơ quan liên quan xử lý nghiêm các đối tượng đốn hạ 3 cây Sa mu tại Khu BTTN Pù Hoạt (bị các lực lượng chức năng phối hợp bắt giữ vào hồi 13h ngày 3/7/2015) và tăng cường công tác tuyên truyền để răn đe phòng ngừa. Nhưng với những khó khăn trong công tác bảo vệ rừng, nhất là những vùng rừng giáp ranh nước bạn Lào, cần có những giải pháp bảo vệ hữu hiệu...

Chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy ngày 16/7 nêu rõ: Ban Nội chính Tỉnh ủy theo dõi, tham mưu chỉ đạo các ngành trong Khối Nội chính xử lý nghiêm các đối tượng chặt phá rừng trái phép nằm trong vùng lõi rừng đặc dụng trên khu vực biên giới Việt - Lào thuộc địa bàn xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan báo chí đóng trên địa bàn tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để răn đe và phòng ngừa.. .
Những cây sa mu hàng trăm năm tuổi tại Tiểu khu 59, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt luôn là
Những cây sa mu hàng trăm năm tuổi tại Tiểu khu 59, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt luôn là "con mồi" mà lâm tặc hướng đến.
Về phía Sở NN&PTNT, sau khi nhận được báo cáo về các hiện tượng vi phạm pháp luật đã có Công văn số 1565/SNN-KL chỉ đạo tăng cường các biện pháp chống chặt phá rừng trái phép. Trong đó, yêu cầu các đơn vị chủ rừng, các hạt kiểm lâm tăng cường công tác tuần tra rừng, nhất là các vùng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn để phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm; chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của các hạt kiểm lâm, trạm kiểm lâm địa bàn, các đơn vị chủ rừng, UBND xã..., nơi xảy ra những vụ việc vi phạm. Trao đổi với đại diện Chi cục Kiểm lâm, nghi vấn có một đường dây trong tổ chức tiêu thụ gỗ khai thác trái phép mà Báo Nghệ An đã nêu ra khi phản ánh tình trạng lâm tặc đốn hạ 3 cây sa mu là có cơ sở. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng (Chi cục Kiểm lâm) cho biết, vào năm 2014, chi cục từng tham gia làm việc với huyện Quế Phong và huyện Sầm Tớ (Lào). Sau buổi làm việc, đã tổ chức tuần tra biên giới và phát hiện tình trạng một số người Việt Nam cư trú trái phép ở huyện Sầm Tớ để tham gia khai thác gỗ hoặc phục vụ cho các đối tượng khai thác gỗ. Ông Tuấn còn chia sẻ thêm: "Một thực tế là người dân Lào không có nhu cầu sử dụng gỗ như ở Việt Nam. Vì vậy, trong vụ việc xảy ra ở Tiểu khu 59, Khu BTTN Pù Hoạt, xác định 5 lâm tặc khai thác trái phép gỗ sa mu rồi tời qua Lào, làm "lý lịch" đưa về Việt Nam tiêu thụ là có cơ sở. Ai có thể làm được những việc này? Đó là những doanh nghiệp đã được cấp phép xuất khẩu gỗ. Họ chỉ cần cho người gom mua. Sau đó, đóng tiền để được cấp hóa đơn, làm "lý lịch". Gỗ khai khác trái phép trên đất Việt Nam khi đó đã chuyển hóa thành "gỗ Lào" và được đưa về qua các cửa khẩu mà không bị các cơ quan chức năng "sờ" đến...". 
Từ ngày 6/7, đơn vị chủ rừng (nơi 3 cây sa mu bị lâm tặc đốn hạ) là Ban Quản lý Khu BTTN Pù Hoạt đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng, trong đó nêu rõ thực trạng vùng rừng Tiểu khu 59  là khu vực giáp biên giới Việt - Lào, chủ yếu là rừng giàu trạng thái IIIa3, tập trung các loài gỗ quý, có giá trị về bảo tồn nguồn gen quý hiếm cũng như giá trị kinh tế cao. Do vị trí cách quá xa bản làng phía Việt Nam nhưng gần với khu vực dân cư và đường dân sinh của Lào, là khó khăn lớn trong công tác tuần tra, bảo vệ của các lực lượng chức năng, trong khi đó, lại thuận lợi cho các đối tượng xâm nhập từ Lào để khai thác rừng trái phép. Qua đó, đề nghị cơ quan pháp luật khẩn trương tiến hành điều tra để xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm.
Để thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, Ban Quản lý Khu BTTN Pù Hoạt xác định, cần tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức về quản lý bảo vệ rừng; phối hợp với các lực lượng, chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ rừng; thực hiện tốt công tác giao khoán và đôn đốc, kiểm tra, giám sát thường xuyên công tác nhận khoán bảo vệ rừng. Bên cạnh đó tăng cường công tác phối hợp tuần tra bảo vệ rừng, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn ngay từ đầu những vụ vi phạm; Sử dụng có hiệu quả các nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng, nguồn vốn sự nghiệp 30a, nguồn sự nghiệp kinh tế, khoán bảo vệ rừng... để nâng cao đời sống cho người dân địa phương, qua đó thay đổi nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ rừng, giảm áp lực lên rừng tự nhiên.
Ông Nguyễn Danh Hùng, Giám đốc Khu BTTN Pù Hoạt cho hay: "Đó là nhiệm vụ mà phía đơn vị chủ rừng chúng tôi phải tập trung thực hiện. Nhưng bên cạnh đó, mong muốn UBND tỉnh và UBND huyện Quế Phong làm việc với chính quyền huyện Sầm Tớ và huyện Mường Quắn của Lào để có sự phối hợp thực hiện ngăn chặn hiện tượng xâm nhập biên giới để khai thác rừng trái phép như vụ việc vừa qua; chỉ đạo UBND các xã giáp biên giới thực hiện tốt công tác quản lý và bảo vệ rừng theo Quyết định 07/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, đề nghị Chi cục Kiểm lâm và các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra chặt chẽ khối lượng gỗ nhập qua cửa khẩu phụ lối mở Thông Thụ, tránh tình trạng lợi dụng khai thác gỗ trái phép từ Việt Nam kéo qua Lào và hợp thức hóa nhập về Việt Nam...".
Về phía huyện Quế Phong, sau khi 5 lâm tặc đốn hạ sa mu bị bắt giữ và bị khởi tố, lãnh đạo UBND huyện đã yêu cầu Công an huyện phối hợp với Viện Kiểm sát đẩy nhanh tiến độ xử lý vụ án, thống nhất với Tòa án huyện phương án xử  lý tang vật vụ án, sớm điều tra, xét xử các đối tượng theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, giao Văn phòng HĐND - UBND huyện liên hệ với chính quyền 2 huyện Sầm Tớ và Mường Quắn để tổ chức phiên làm việc bàn về giải pháp phối hợp ngăn chặn tình trạng khai thác trái phép gỗ rừng vùng biên giới giữa hai nước. Ngày 10/7/2015, UBND huyện Quế Phong đã ban hành Quyết định 317/QĐ-UBND về việc thành lập đoàn liên ngành kiểm tra việc quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Quế Phong, trong đó, đặc biệt chú trọng đến vùng rừng giáp biên thuộc địa bàn các xã Tri Lễ, Nậm Giải, Hạnh Dịch và Thông Thụ. Đoàn kiểm tra liên ngành sẽ thực hiện các nhiệm vụ: tổ chức kiểm tra rừng các vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra khai thác rừng trái phép trên địa bàn; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở địa bàn các xã có diện tích rừng lớn; đề xuất giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trong thời gian tới...
Có thể thấy, các cấp, các ngành có liên quan đều đã rất quan tâm đến sự việc 3 cây sa mu hàng trăm năm tuổi ở vùng rừng nguyên sinh thuộc Khu BTTN Pù Hoạt bị lâm tặc đốn hạ, và đã đề ra những biện pháp cụ thể để công tác bảo vệ rừng được thực hiện tốt hơn. Tuy nhiên, từ thực tế thấy rằng cần phải đề ra những giải pháp hữu hiệu để kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu gỗ qua các cửa khẩu, không để tình trạng nhập nhèm "gỗ Việt" hóa "gỗ Lào" xảy ra. Có như vậy, mới tránh được tình trạng những kẻ hám lợi, liều lĩnh tổ chức khai thác trái phép tài nguyên rừng.
Nhật Lân

tin mới

Bắt đối tượng mang 2.000 viên ma túy đi tiêu thụ

Bắt đối tượng mang 2.000 viên ma túy đi tiêu thụ

(Baonghean.vn) - Vừa bước xuống xe khách, chưa kịp tẩu tán 2.000 viên ma túy tổng hợp, Lô Thị Vân trú tại xã Giang Sơn (Đô Lương) đã bị Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh Nghệ An), Công an huyện Quỳ Hợp đồng chủ trì, phối hợp với Công an huyện Đô Lương bắt giữ.

Có cầu mới vượt sông Hiếu, hơn 3 nghìn người dân Quỳ Châu thoát nỗi lo bị chia cắt cục bộ mùa mưa lũ

Có cầu mới vượt sông Hiếu, hơn 3 nghìn người dân Quỳ Châu thoát nỗi lo bị chia cắt cục bộ mùa mưa lũ

(Baonghean.vn) - Liên tục vài năm gần đây, xã Châu Thắng (Quỳ Châu) luôn chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt, khi nước sông Hiếu dâng cao còn bị chia cắt cục bộ, công tác cứu hộ, cứu trợ gặp rất nhiều khó khăn. Cây cầu mới vừa được xây dựng hoàn thành đã giải quyết dứt điểm vấn đề này.

Chấn chỉnh công tác quản lý thuế, không bỏ sót đối tượng nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp

Chấn chỉnh công tác quản lý thuế, không bỏ sót đối tượng nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp

(Baonghean.vn) - Cục Thuế tỉnh vừa có văn bản đôn đốc các phòng, Chi cục Thuế trực thuộc rà soát, báo cáo, quản lý thuế đối với các trường hợp sử dụng đất chưa có quyết định, hợp đồng thuê đất. Đây là vấn đề Báo Nghệ An đã phản ánh tại bài viết “Nghịch lý phía sau các cụm công nghiệp ở Quỳ Hợp”.

Tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông là gì?

Tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông là gì?

(Baonghean.vn) - Tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông là gì? Luật Hình sự quy định như thế nào? Đó là vấn đề quan tâm của bà Trần Anh Nguyệt (Hưng Hoà, thành phố Vinh, Nghệ An).