Pháp luật

Từ vụ việc ở tiệm cắt tóc, hé lộ mô hình giúp đảm bảo an ninh trật tự ở các làng quê

Đặng Cường 15/07/2025 16:31

Chỉ ít ngày sau vụ hành hung nghiêm trọng xảy ra tại một tiệm cắt tóc ở chợ Cồn (xã Xuân Lâm), cơ quan Công an đã nhanh chóng xác định được nghi phạm nhờ vào hình ảnh từ hệ thống camera an ninh tại khu vực. Vụ việc không chỉ cho thấy vai trò của công nghệ trong phòng, chống tội phạm, mà còn là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của mô hình “Tổ dân cư tự quản” đang được triển khai sâu rộng tại nhiều vùng quê Nghệ An.

Phát triển hệ thống camera an ninh

Vụ hành hung táo tợn xảy ra tại một tiệm cắt tóc ở chợ Cồn xã Xuân Dương (nay là xã Xuân Lâm) vào chiều 22/5 đã khiến dư luận địa phương không khỏi bàng hoàng. Nạn nhân là chị Y., chủ tiệm cắt tóc, bị một đối tượng lạ mặt xông vào tấn công rồi nhanh chóng bỏ trốn khỏi hiện trường.

Chỉ sau ít ngày điều tra, nhờ vào hình ảnh ghi lại từ hệ thống camera an ninh trong khu vực, cơ quan Công an đã nhanh chóng xác định được nghi phạm là Nguyễn Đình Cường (SN 1985), trú xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên cũ (nay là xã Hưng Nguyên). Không chỉ là bằng chứng quan trọng giúp phá án, đoạn video từ camera anh ninh còn cho thấy vai trò ngày càng rõ nét của công nghệ và sự tham gia của người dân trong việc giữ gìn an ninh, trật tự tại cơ sở.

“Nếu không có camera, chắc cũng khó mà biết rõ ai gây ra. Giờ xóm làng ai cũng lắp camera là rất cần thiết, vừa bảo vệ người dân, vừa răn đe kẻ xấu”, ông Nguyễn Văn Hiến - một người dân chia sẻ.

1.ảnh pv
Cơ quan Công an nhanh chóng xác định nghi phạm Nguyễn Đình Cường nhờ vào hình ảnh từ hệ thống camera an ninh. Ảnh: CANA

Thực tế từ 4 năm trước, khi mô hình “Tổ dân cư tự quản” bắt đầu triển khai, không ít người dân vẫn chưa hình dung được hiệu quả thực tế. Thế nhưng, đến hôm nay, tại nhiều vùng quê nơi đây, người dân đã nhận thấy rõ sự đổi thay từ chính nếp sống, an ninh đến cảnh quan, môi trường...

123.ảnh pv
Hệ thống camera an ninh được triển khai rộng khắp tại địa các địa phương. Ảnh: Hải Việt

Trưởng thôn 3, xã Kim Bảng, ông Nguyễn Sỹ Hồng, người nhiều năm làm trưởng thôn không giấu được niềm phấn khởi khi nhắc tới hiệu quả của mô hình. “Ngày trước, chuyện trộm vặt hay mâu thuẫn hàng xóm không phải hiếm, nhưng từ khi có tổ tự quản, mọi người ý thức hẳn. Ai cũng hiểu rằng, giữ gìn an ninh là giữ cho chính mình, cho con cháu mình”, ông chia sẻ.

Bà Trần Thị Hòa, ở xã Đại Đồng cho biết, mô hình đã giúp khu dân cư không chỉ an toàn hơn mà còn nề nếp hơn. “Tổ tự quản thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở từng hộ về vệ sinh môi trường, không phơi lúa ra đường, không xả nước thải bừa bãi. Mỗi người một tay góp vào, xóm làng cũng sạch, đẹp, văn minh hơn trước”, bà nói.

Đáng chú ý, không chỉ đóng vai trò nòng cốt trong lĩnh vực giữ gìn an ninh, trật tự, các tổ dân cư tự quản còn phát huy vai trò quan trọng trong phát triển sản xuất, hỗ trợ nhau trong đời sống. Các buổi sinh hoạt tổ trở thành nơi để bà con trao đổi kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi, nhắc nhau tiêm phòng gia súc, xây dựng mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng. Không khí đoàn kết, thân tình giữa các gia đình cũng vì thế mà gắn bó hơn.

Mở rộng mô hình

Thực tế, qua 4 năm triển khai kể từ tháng 6/2021, đến nay, tại các xã Cát Ngạn, Tam Đồng, Hạnh Lâm, Sơn Lâm, Hoa Quân, Kim Bảng, Bích Hào, Đại Đồng và Xuân Lâm đã xây dựng được 2.344 tổ dân cư tự quản, phủ khắp 234 khối, xóm, bản. Với sự đồng thuận, tham gia tích cực của người dân, mô hình đạt được những kết quả rất cụ thể.

Trong lĩnh vực an ninh, trật tự, mô hình tổ dân cư tự quản đã phát huy vai trò then chốt. Đến nay, 100% tổ đã duy trì tốt công tác tự phòng, tự quản, không để xảy ra hoạt động mê tín, truyền đạo trái phép. Khoảng 87% tổ không có người vi phạm pháp luật, 69% tổ không để phát sinh mới người nghiện ma túy hay các tệ nạn xã hội khác.

Từ nguồn tin do người dân cung cấp qua tổ tự quản, lực lượng Công an đã phá hàng chục vụ án, làm rõ nhiều hành vi vi phạm pháp luật. Hệ thống camera an ninh được lắp tại 1.254 tổ, với 1.540 thiết bị đã hỗ trợ xác minh, xử lý 78 vụ trộm cắp tài sản (thu hồi tài sản cho người dân hơn 800 triệu đồng), 30 vụ cố ý gây thương tích, 25 vụ gây rối trật tự công cộng; bắt, xử lý 58 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về ma túy; phát hiện, xử lý, làm rõ 40 vụ tai nạn, vi phạm về TTATGT…

Về xây dựng đời sống văn hóa, các tổ đều đạt tiêu chí “3 không”: không có học sinh bỏ học; không có bạo lực gia đình; không có người đưa thông tin xấu, độc lên mạng xã hội. Việc cưới, việc tang được tổ chức văn minh, gọn nhẹ, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến an ninh, trật tự địa phương. Trong lĩnh vực phát triển cộng đồng, các tổ dân cư tự quản cũng đóng vai trò tích cực. Nhân dân đã đóng góp hơn 142 tỷ đồng để làm mới trên 578 km đường giao thông nông thôn, gần 22 tỷ đồng cho hệ thống đèn chiếu sáng và hàng nghìn tỷ đồng cho các công trình công ích khác. Nhiều tổ còn tổ chức các hoạt động nhân đạo, khuyến học, hỗ trợ hộ nghèo, đặc biệt vào dịp lễ, Tết, góp phần gắn kết cộng đồng ngày càng bền chặt.

Trong lĩnh vực sản xuất, các tổ cũng đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận: 94,5% tổ đạt tiêu chí về cơ cấu giống cây trồng theo kế hoạch của địa phương; 100% tổ hoàn thành tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, hơn 2.500 buổi sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm sản xuất đã được tổ chức, thu hút hơn 127.000 lượt người tham gia.

Đáng nói, các tổ tự quản đã nhắc nhở các thành viên tích cực hưởng ứng phong trào “Nói không với thực phẩm bẩn” bằng các hành động cụ thể như không sản xuất, chế biến, buôn bán các loại thực phẩm có sử dụng các chất cấm hoặc sử dụng chất bảo quản, phụ gia quá liều lượng quy định, các loại rau phun thuốc hóa học chưa hết thời gian cách ly, giết mổ gia súc, gia cầm bị bệnh để bán...

0.ảnh pv
Cán bộ và nhân dân xã Thanh Phong (nay là xã Đại Đồng) ra quân chỉnh trang bồn hoa, cây xanh và mở rộng lề, nền đường. Ảnh tư liệu: Mai Hoa

Từ thực tiễn triển khai mô hình “Tổ dân cư tự quản” cho thấy, có được kết quả trên là nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, trong đó, lực lượng Công an cơ sở đóng vai trò nòng cốt; cách tiếp cận đặt người dân làm trung tâm, phù hợp với đặc điểm từng vùng, miền; đồng thời, kết hợp hiệu quả giữa công tác bảo đảm an ninh với các phong trào văn hóa - xã hội, phát huy sức mạnh toàn dân trong giữ gìn trật tự và phát triển địa phương.

Mô hình “Tổ dân cư tự quản” không chỉ giúp nâng cao hiệu quả quản lý xã hội, đảm bảo an ninh từ cơ sở mà còn là minh chứng cho tư duy đổi mới, bám sát thực tiễn trong xây dựng nông thôn mới. Với những hiệu quả rõ rệt trong thực tế, mô hình đã được Bộ Công an đánh giá cao, biểu dương và lựa chọn để nhân rộng trên toàn quốc như một hướng đi phù hợp trong xây dựng cộng đồng an toàn, văn minh và phát triển bền vững.

Sau khi vận hành chính quyền 2 cấp, cũng như các địa phương khác, xã Đại Đồng sẽ tiếp tục duy trì, củng cố và mở rộng mô hình “Tổ dân cư tự quản”. Đây không chỉ là giải pháp giữ gìn an ninh từ cơ sở, mà còn là nền tảng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Cấp ủy địa phương sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, huy động các lực lượng cùng vào cuộc, phát huy vai trò người dân để mô hình ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.

Ông Trình Văn Nhã - Bí thư Đảng ủy xã Đại Đồng

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Từ vụ việc ở tiệm cắt tóc, hé lộ mô hình giúp đảm bảo an ninh trật tự ở các làng quê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO