Tục cúng tiễn ông bà ngày mùng 3 Tết

13/02/2013 12:43

(Baonghean.vn) Dù giàu hay nghèo, mỗi gia đình cũng cố gắng sắm sửa một mâm cơm tươm tất cúng tiễn ông bà tổ tiên vào ngày mồng 3 Tết và cầu mong một năm mới an lành, nhiều may mắn.

Từ nhiều năm nay, bà Trần Thị Lương (Khối 7, thị trấn Dùng) cứ ngày mùng 3 Tết luôn thức dậy từ 5h sáng, lục đục làm mâm cơm cúng ông bà. Bà cho biết: “Ngày mùng 3 Tết là tất cả con cháu trong gia đình lại sum họp để thực hiện việc cúng tiễn ông bà, tổ tiên. Nếu vào ngày 29 tháng Chạp chúng ta đã rước ông bà long trọng như thế nào thì hôm nay khi đưa ông bà đi cũng phải chuẩn bị tươm tất không kém để phải phép với những bậc tiền nhân. Gà trống cúng ngày mùng 3 phải chọn con thật no tròn, chắc nịch, có cặp chân đẹp, bày biện thật đẹp. Mâm cơm phải có canh rau, đồ xào, các loại nước chấm, trà rượu để ông bà thưởng thức. Chân gà giữ lại để treo đằng cửa cùng với hình ông cọp, bộ tiền vàng mã cũng phải chuẩn bị thật chu đáo để làm lộ phí tiễn ông bà lên đường. Điều đó thể hiện lòng quan tâm hướng đến ông bà của con cháu trong gia đình.”



Đội cỗ đi nhà thờ họ cúng tổ tiên



Thành kính hướng về tổ tiên.



Hóa vàng mã

Trước kia, lễ tiễn ông bà kết thúc Tết Nguyên đán có thể diễn ra vào mùng 5-7-10 nhưng nay, lễ tiễn ông bà thường được tiến hành vào trưa, chiều ngày mùng 3 tết. Cũng như ngày rước ông bà về, ngày tiễn đưa con cháu phải tề tựu đông đủ. Trong ngày này, nhà nhà tấp nập chuẩn bị cho mâm cơm cúng, thường có đủ những món ăn truyền thống như gà luộc, bánh chưng, bánh tét, thịt kho, củ kiệu… để dâng lên ông bà tổ tiên.

Trong những ngày Xuân quây quần sum họp bên nhau, con cháu vẫn luôn hoài niệm tri ân về tổ tiên đã khuất. Tục lệ rước ông bà về sum vầy ăn tết và tiễn đưa ông bà đi là sự thể hiện lòng thành kính hướng về tổ tiên của dân tộc ta. Đó là một trong những nét đẹp văn hóa của người Việt.


Thanh Phúc

Tục cúng tiễn ông bà ngày mùng 3 Tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO