“Tuổi trẻ đẹp nhất là những năm tháng gắn bó với màu áo xanh”

Tôi biết Cao Thị Hằng khi chị vừa mới chân ướt, chân ráo về Huyện đoàn Hưng Nguyên công tác và ấn tượng với nữ cán bộ Đoàn vui tươi, năng động, xông xáo, nhiệt tình. Cho đến bây giờ khi đã trở thành “thủ lĩnh” thanh niên của huyện nhà, Hằng vẫn giữ nguyên sự nhiệt thành, sôi nổi ấy. Lần nào gặp cũng thấy Hằng bận rộn, tất bật. Sau nhiều lần hò hẹn, một ngày tháng Hai nắng rực rỡ, tôi cũng có dịp đồng hành với Hằng cùng đi thăm mô hình chăn nuôi sạch kết hợp trồng rau, trồng hoa ở vùng đất bãi sông Lam của đoàn viên Nguyễn Văn Hiếu ở xã Long Xá mà BTV Huyện đoàn nhận hỗ trợ.

Dẫn chúng tôi đi quanh những vườn rau xanh ngút mắt, những vườn hoa khoe sắc rực rỡ, Hiếu chia sẻ: “Tốt nghiệp ngành Nông nghiệp (Đại học Vinh) với tấm bằng loại giỏi, em đã có 5 năm đi làm ở công ty nông sản xuất khẩu; sau đó quyết tâm về gây dựng trang trại ở vùng Bãi Trường với quy mô 5 ha. Ngoài chăn nuôi lợn sạch thả rông, chăn nuôi 20 con trâu, bò, em còn trồng 2 ha rau sạch cung cấp cho các trường học và lấy sản phụ phẩm phục vụ chăn nuôi, trồng hơn 400 gốc ổi, thu nhập bình quân trừ chi phí được 200 – 250 triệu đồng. Nhìn thế này thôi chứ lúc mới khởi nghiệp thì khó khăn trăm bề từ vốn đến đầu ra. Lúc đó thị trường chưa có, tổ chức Đoàn đã hỗ trợ em tìm đầu mối tiêu thụ cho (50% khách hàng bán lẻ hiện nay là do tổ chức Đoàn đưa tới)”.

“Nhất là đợt mưa lụt và thực hiện cách ly phòng, chống Covid-19 năm vừa rồi, không có Bí thư Cao Thị Hằng và Huyện đoàn kêu gọi giải cứu trên trang cá nhân và trang thông tin Huyện đoàn thì rau, củ không thể tiêu thụ được. Huyện đoàn còn kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ vợ chồng em mấy chục triệu đồng để khôi phục sản xuất, nhờ vậy mà vợ chồng em mới có động lực để tiếp tục phát triển…”, chàng kỹ sư nông nghiệp cho hay.

Sâu sát với thanh niên, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng chính đáng của thanh niên, không chỉ gỡ khó về đầu ra mà trong năm 2020, BTV Huyện đoàn Hưng Nguyên và phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã góp ý, chỉnh sửa hồ sơ để Nguyễn Văn Hiếu tham gia Cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn lần thứ IV và đạt giải Khuyến khích.

Đây không phải là mô hình thanh niên lập nghiệp duy nhất được nữ “thủ lĩnh” Cao Thị Hằng và BTV Huyện đoàn Hưng Nguyên quan tâm, gỡ khó mà còn có nhiều trường hợp khác trên địa bàn được đồng hành, hỗ trợ. Điển hình như mô hình sản xuất nước đóng chai, đóng bình tinh khiết của anh Hoàng Văn Lành ở xã Hưng Tây. Trong năm 2020, Huyện đoàn Hưng Nguyên đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thông qua tổ TK&VV của tổ chức Đoàn tại xã Hưng Tây giải ngân số tiền 50 triệu đồng từ nguồn giải quyết việc làm với lãi suất ưu đãi 7,2%/năm để giúp mô hình có điều kiện mở rộng.

Bên cạnh đó, Huyện đoàn cũng chủ động liên hệ để sản phẩm nước đóng chai của anh Lành được tiêu thụ tại cơ quan Huyện ủy, cơ quan UBND huyện, cơ quan Khối dân huyện và một số trường học trên địa bàn. Hay mô hình trang trại chăn nuôi gà sạch, gà thả đồi của anh Hoàng Kim Vị ở xã Hưng Yên Nam cũng được hỗ trợ giải ngân 50 triệu đồng từ nguồn giải quyết việc làm với lãi suất ưu đãi 3,6%/năm và làm hồ sơ gửi Quỹ Thanh niên lập nghiệp Nghệ An thẩm tra, xem xét giải ngân số tiền 50 triệu đồng để tiếp tục mở rộng mô hình. Ngoài ra, BTV Huyện đoàn Hưng Nguyên đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện góp ý vào đề án, lựa chọn gửi tham gia giúp mô hình đạt giải Ba Cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn lần thứ IV, năm 2020.

Chia sẻ với chúng tôi, Bí thư Huyện đoàn Cao Thị Hằng cho biết, trăn trở trước thực trạng thanh niên ly hương đi làm ăn xa nhiều, dẫn tới chất lượng hoạt động Đoàn bị giảm sút, chị cùng BTV Huyện đoàn luôn quan tâm đồng hành với thanh niên nông thôn trong lập thân, lập nghiệp, nhất là trong công tác kêu gọi vốn, kêu gọi đầu ra cho sản phẩm. Trong năm, BTV Huyện đoàn đã tham mưu hỗ trợ cho các mô hình thanh niên vay vốn phát triển kinh tế với tổng số tiền là 250 triệu đồng, tạo động lực cho đoàn viên mạnh dạn khởi nghiệp trên chính mảnh đất quê hương. Đến nay nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách do Đoàn thanh niên quản lý là hơn 65 tỷ đồng.

Khi được hỏi về bí quyết để tạo sức bật trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên trong tình hình hiện nay, Cao Thị Hằng mỉm cười: “Em nghĩ chỉ cần phát huy tinh thần “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” thông qua các hoạt động có chiều sâu phù hợp với từng đối tượng, hoàn cảnh, từng thời điểm và mang lại ý nghĩa thiết thực cho cộng đồng”.

Chẳng thế mà các hoạt động của các cấp bộ Đoàn – Hội trên địa bàn huyện Hưng Nguyên thời gian qua luôn để lại dấu ấn và thu hút đoàn viên, thanh niên và cả cộng đồng tham gia. Ngay dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu vừa qua, nhiều chương trình vì người nghèo đã được Cao Thị Hằng và BTV Huyện đoàn Hưng Nguyên triển khai sâu rộng trên địa bàn.

Điển hình như Chương trình “Chăn ấm yêu thương” ngay từ khi mới phát động đã thu hút gần 30 tình nguyện viên tham gia. Suốt mấy tuần liền, tiếng nói, tiếng cười, tiếng máy chạy đều đều rộn ràng cả xưởng may Đức Anh, đích thân Bí thư Huyện đoàn Cao Thị Hằng cũng xuống tham gia cùng các tình nguyện viên. Kết thúc chiến dịch, đã có 440 chăn ấm đã được may và trao tận tay cho người nghèo và gia đình chính sách trong và ngoài địa bàn. Nhận quà và chăn ấm từ thủ lĩnh Huyện đoàn Hưng Nguyên Cao Thị Hằng, ông Hồ Xuân Vững – Chủ tịch Hội Người mù huyện Hưng Nguyên xúc động: “Chăn ấm yêu thương thật sự là hoạt động có ý nghĩa, tuy giá trị vật chất không lớn nhưng là sự động viên, lan tỏa yêu thương tới hội viên hội người mù chúng tôi”.

Chị Cao Thị Hằng (bên trái) cùng các tình nguyện viên triển khai Chương trình “Chăn ấm yêu thương” tặng người nghèo. Ảnh: CSCC
Chị Cao Thị Hằng (bên trái) cùng các tình nguyện viên triển khai Chương trình “Chăn ấm yêu thương” tặng người nghèo. Ảnh: CSCC

Ngoài Chương trình “Chăn ấm yêu thương”, Chương trình “Cặp bánh tri ân” cũng đã được duy trì qua năm thứ 4 và nhận được sự đồng tình ủng hộ của cấp ủy, chính quyền và người dân. Trong Tết Nguyên đán Tân Sửu đã có 1.600 cặp bánh chưng được gửi đến gia đình chính sách; gần 300 chiếc bánh chưng tặng cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Nhận thức rõ nguồn kinh phí để triển khai hoạt động Đoàn khá hạn chế nên Cao Thị Hằng luôn khuyến khích các tổ chức Đoàn cơ sở tổ chức các công trình, phần việc phù hợp với thực tế như phong trào rửa xe gây quỹ; làm đồ chơi từ vật liệu tái chế thành các bập bênh, xích đu, ghế ngựa, cầu trượt dành tặng các em học sinh; xây dựng tuyến đường thanh niên xanh – sạch – đẹp với hơn 3.000 gốc cây chuỗi ngọc và hoa chiều tím ở các xã Hưng Trung, Hưng Yên Bắc… Đặc biệt, những thời điểm khó khăn, khi mà cộng đồng, người dân cần đến sức trẻ, thì đoàn viên, thanh niên phải có mặt kịp thời.

Như trong đợt mưa lớn kéo dài trong tháng 10 và 11/2020 làm ngập các tuyến đường dân sinh và nhiều nhà dân tại các xã trên địa bàn, BTV Huyện đoàn đã chỉ đạo các xã huy động ĐVTN túc trực tại các tuyến đường bị ngập nước để di chuyển đồ đạc giúp nhân dân, hỗ trợ các trường học khắc phục hậu quả sau thiên tai; triển khai chương trình gói “500 bánh chưng xanh ấm lòng đồng bào vùng lũ”…

Hay trong công tác phòng, chống dịch Covid -19, ngoài việc chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng các hình thức trực tiếp tại các khu vực công cộng và trên mạng xã hội, BTV Huyện đoàn còn tổ chức xây dựng “Con đường bích họa” tuyên truyền phòng, chống dịch; thành lập 10 đội thanh niên tình nguyện với 150 ĐVTN tham gia phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự huyện dọn dẹp vệ sinh, phục vụ công tác hậu cần tại khu cách ly trong 14 ngày. Đích thân Bí thư Huyện đoàn Cao Thị Hằng đã xắn tay áo tham gia cùng các tình nguyện viên… Bên cạnh đó, Hằng cùng chồng và hai con nhỏ còn nhường căn nhà của mình làm nơi ăn nghỉ cho các chiến sỹ công an là đồng nghiệp của chồng làm nhiệm vụ tại các khu cách ly.

Nói về những tháng năm gắn bó với màu áo xanh, Cao Thị Hằng chia sẻ đó là “cái duyên”, ngay từ khi còn học THPT. Với khả năng làm MC và tính cách sôi nổi, Hằng đã tích cực tham gia công tác Đoàn ở trường và khối xóm. Sau khi tốt nghiệp đại học, từ năm 2011, Hằng vào công tác tại Huyện đoàn Hưng Nguyên cho đến bây giờ. Cô từng là đại diện tiêu biểu của tỉnh nhà tham dự Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc năm 2009 và có sáng kiến về Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi huyện Hưng Nguyên được UBND huyện công nhận sáng kiến kinh nghiệm cấp cơ sở. Trải qua quá trình rèn luyện, phấn đấu, năm 2018, Hằng trở thành nữ thủ lĩnh của Huyện đoàn và đến nay tinh thần nhiệt huyết trong Hằng chưa bao giờ tắt. Cô nói: “Đó vừa là tình yêu, vừa là trách nhiệm khi đã khoác trên mình màu áo xanh”.

Là cán bộ Đoàn đã vất vả, lại là nữ “thủ lĩnh” có 2 con nhỏ lại càng vất vả hơn, chuyện đi sớm về khuya hay làm việc cả trong những ngày nghỉ, ngày lễ là chuyện bình thường. May mắn Hằng được chồng – một chiến sỹ công an và gia đình chia sẻ, ủng hộ, được đồng nghiệp, cấp ủy, chính quyền và Đoàn cấp trên tin tưởng, giúp đỡ. Đó là động lực để cô gái trẻ khắc phục mọi khó khăn hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Tuy nhiên, để có được sự tin tưởng, đồng hành ấy, ngoài sự gương mẫu, luôn có mặt trên mọi mặt trận, trong chỉ đạo hoạt động Đoàn – Hội, Hằng luôn chọn những mô hình thiết thực, hướng về cơ sở. Trong đó, có những hoạt động xuyên suốt nhiều năm và ghi được dấu ấn như chương trình xây dựng sân bóng chuyền cho đồng bào vùng giáo trên địa bàn huyện.

Huyện đoàn Hưng Nguyên xây dựng sân bóng chuyền tại các xóm vùng giáo. Ảnh: CSCC
Huyện đoàn Hưng Nguyên xây dựng sân bóng chuyền tại các xóm vùng giáo. Ảnh: CSCC

Bắt đầu triển khai từ năm 2013, đến nay, Huyện đoàn Hưng Nguyên đã tặng 13 sân bóng chuyền cho các xóm tại vùng đồng bào có đạo. Kinh phí xây dựng sân bóng chuyền bằng xi măng trị giá 20 triệu đồng và toàn bộ cọc, bóng, lưới do ĐVTN trong toàn huyện đóng góp. Ngoài ra, ĐVTN còn trực tiếp tham gia ngày công lao động cùng với nhân dân các xóm. “Hoạt động này vừa tăng cường công tác mở rộng, đoàn kết, tập hợp thanh niên vùng giáo vừa góp phần đưa Đề án “Thanh niên chung tay xây dựng nông thôn mới đi vào cuộc sống có hiệu quả”, nữ thủ lĩnh Cao Thị Hằng chia sẻ.

Không chỉ chú trọng hoạt động tình nguyện tại chỗ, các hoạt động hướng về vùng sâu, vùng xa cũng được Hằng và anh em Huyện đoàn quan tâm. Điển hình như Chương trình “Xuân tình nguyện” tại xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn.

Cứ dịp Tết đến, Xuân về, Huyện đoàn – Hội LHTN – Hội đồng Đội huyện Hưng Nguyên lại phát động gói bánh chưng, quyên góp quần áo ấm, kinh phí cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là trẻ em vùng cao. Đích thân Bí thư Cao Thị Hằng dẫn đầu đoàn tình nguyện lên huyện Kỳ Sơn tổ chức Chương trình “Bữa cơm tất niên” cho gần 300 học sinh Trường Tiểu học và THCS Nậm Càn. Bữa cơm tuy đơn giản, mộc mạc nhưng đã tạo không khí ấm cúng, gần gũi với các em học sinh. Bên cạnh đó, đoàn còn tặng 60 áo phao, 100 áo len ấm, 58 chăn ấm, 1 bộ loa máy và nhiều phần quà, nhu yếu phẩm cho nhà trường, các em học sinh và người dân nghèo ở xã Nậm Càn.

Hằng cho biết, sở dĩ chọn xã Nậm Càn bởi nơi đây có em Và I Ya, trú tại bản Thăm Hín được BTV Huyện đoàn nhận chăm sóc giúp đỡ thường xuyên. Năm nào, Huyện đoàn cũng vào tận bản để thăm, tặng quần áo, sách vở động viên I Ya, tặng con giống cho gia đình em phát triển kinh tế và tặng quà cho nhân dân trong bản…

Bí thư Huyện đoàn Hưng Nguyên Cao Thị Hằng và đoàn công tác tổ chức chương trình bữa cơm tất niên, mùa đông ấm, xuân tình nguyện cho các em nhỏ xã Nậm Càn (Kỳ Sơn). Ảnh: CSCC
Bí thư Huyện đoàn Hưng Nguyên Cao Thị Hằng và đoàn công tác tổ chức chương trình bữa cơm tất niên, mùa đông ấm, xuân tình nguyện cho các em nhỏ xã Nậm Càn (Kỳ Sơn). Ảnh: CSCC

Dẫu đã có những tháng năm đẹp nhất của tuổi trẻ gắn bó với màu áo xanh, từng nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp, ngành, trong đó có giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2020, nhưng với Cao Thị Hằng phần thưởng lớn nhất chính là “sự ủng hộ, niềm tin của ĐVTN huyện nhà”. Đó là động lực để nữ “thủ lĩnh” áo xanh phát huy tinh thần trách nhiệm, cùng với BTV Huyện đoàn Hưng Nguyên tiếp tục đưa công tác Đoàn và phong trào thanh niên đi vào chiều sâu, ghi dấu ấn trong cộng đồng.