Tướng Giáp trong con mắt nhà sử học nước ngoài
(Baonghean) - “Trong tương lai gần, không có đất nước phương Tây nào mà ta sẽ tìm thấy được danh tướng xuất sắc như Võ Nguyên Giáp”. Đó là câu nói của Giáo sư sử học Hàn Quốc Lý Cùn Yop khi nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trung tuần tháng 11 năm 1996 chúng tôi nhận được bức thư của Giáo sư Đặng Bích Hà, phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua tay một người khách nước ngoài. Đọc thư chúng tôi biết ông là Giáo sư sử học Lý Cùn Yop, người Hàn Quốc. Theo Giáo sư Đặng Bích Hà, Giáo sư Lý Cùn Yop đã dành nhiều thời gian nghiên cứu cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông từng mong có dịp thăm quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Giờ đây ông đã toại nguyện. Trong câu chuyện thân mật, Giáo sư Lý Cùn Yop nói: “Tôi đến Kim Liên bằng trái tim Việt Nam”.
Ông đã tặng chúng tôi cuốn sách: “Cái đẹp trong con người Hồ Chí Minh là Lý Su Sin anh hùng dân tộc Hàn Quốc thế kỷ XVI”. Trong cuốn sách, ông dành một phần để nói về cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Tướng Võ Nguyên Giáp vừa học vừa tham gia phong trào học sinh và nông dân chống Pháp ở trường mình và tốt nghiệp trường này. Sau đó ông theo học Trường Đại học Tổng hợp Đông Dương ở Hà Nội và đỗ cử nhân văn học. Trước khi học tiến sỹ, do hoàn cảnh gia đình, ông làm giáo sư dạy Lịch sử ở Trường Cao học Thăng Long đến năm 1938 thì đỗ Tiến sĩ chính trị học.
Cuộc sống hạnh phúc riêng của ông chỉ yên ổn được 2 năm, tức đến năm 1941 do Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Vợ ông tham gia chiến tranh du kích giành độc lập và giải phóng dân tộc, bị thực dân Pháp bắt giam và mất ở trong tù năm 1943. Chị vợ ông cũng bị giặc tử hình bằng án chém. Các bạn đọc cũng cần biết đến công lao của Giáo sư Đặng Bích Hà, người vợ suốt 50 năm qua luôn ở bên cạnh hết mực thương yêu và động viên chồng mình là Tướng Giáp, một con người đã đánh tan quân Pháp ở Điện Biên Phủ, giải phóng Sài Gòn và thống nhất đất nước.
Là một vị tiền bối của Trường Quốc học Huế, Hồ Chí Minh học nhiều và có tri thức rất rộng. Người tổ chức phong trào chống thuế, chống Pháp, và sau 4 năm ở trường, Người bỏ học vào Sài Gòn rồi sang châu Âu và nhiều nơi trên thế giới, đi theo con đường của một nhà lý luận tư tưởng. So với Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp vừa hoạt động chống Pháp vừa học để đỗ bằng học vị nên ông hoàn toàn là con người hành động thực tiễn. Có thể nói chính sự kết hợp tuyệt vời của hai con người này trong lịch sử phong trào độc lập lâu dài của Việt Nam đã đưa Việt Nam tới thống nhất”.
Bernard Fall đã nói về Võ Nguyên Giáp là “Giáo sư sử học giàu tình cảm của những năm 30, vị chỉ huy du kích tự học đầu những năm 40, và là nhà chiến lược ngời sáng của những năm 50”, như sau: “Trong một tương lai có thể thấy trước. Phương Tây chưa thể đào tạo được một vị tướng nào sánh kịp với Võ Nguyên Giáp”.
McNamara, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thời chiến tranh Việt Nam thăm Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 20 năm giải phóng Sài Gòn đã khóc và nói với Tướng Giáp, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam thời chiến tranh Việt Nam: “Chúng tôi đã sai lầm, sai lầm ghê gớm”. Nghe vậy, Tướng Giáp đã trả lời: “Lấy cớ là chúng tôi phóng ngư lôi vào hai chiến hạm của Mỹ ngày 2 và 4 tháng 8 năm 1964, Mỹ đã ném bom Hà Nội và Hải Phòng. Nhưng làm gì có chuyện chúng tôi đã phóng ngư lôi như vậy”. Với câu trả lời đó, quả Tướng Giáp đã tỏ ra xứng đáng là một nhà sử học.
Chúng ta học được rất nhiều điều từ những suy nghĩ của Hồ Chí Minh khi Người tính toán rằng có thể chiếm được Điện Biên Phủ nhưng cái giá sinh mệnh phải trả sẽ là 100%. Vì lẽ đó, người đã không đồng ý với phương án đánh nhanh thắng nhanh của cố vấn Trung Quốc và đồng ý với cách đánh của Tướng Giáp, người thiên về chiến thuật đánh du kích và cuối cùng đã giành toàn thắng ở Điện Biên Phủ. Phương châm tác chiến thận trọng này lại được Tướng Giáp vận dụng trong trận đánh Quảng Trị thắng 5/1972 có tính chất quyết định đối với cuộc chiến tranh Việt Nam lúc đó.
Vào dịp 20 năm thất bại ở Việt Nam, cựu Bộ trưởng Quốc phòng McNamara trong hồi ký của mình đã thừa nhận rằng “Chúng ta đã đánh giá quá mức về nguy cơ cộng sản và đánh giá quá thấp tinh thần dân tộc của Hồ Chí Minh”. Lời thú nhận đó có sức thuyết phục.
Giáo sư Lý Cùn Yop đánh giá cao lòng tin của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc, người cộng sự tài năng đã làm nên thắng lợi to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc thống nhất đất nước .
Nguyễn Minh Châu (Nguyên Giám đốc Khu Di tích Kim Liên)