Tương lai nào cho những nhân viên trường học ký hợp đồng với huyện?

Tiến Hùng - Mỹ Hà 26/11/2022 06:40

(Baonghean.vn) - 15 nhân viên kế toán, văn thư của các trường học được huyện Quỳnh Lưu ký hợp đồng từ 8 - 22 năm nay với mức lương bèo bọt. Tuy vậy, khi huyện có chỉ tiêu tuyển dụng, những người có thâm niên này vẫn không được ưu tiên khi xét tuyển.

Cuộc sống chật vật

Hơn 20 năm nay, công việc của chị Nguyễn Thị Hồng Sen (49 tuổi) là nhân viên văn thư của trường học, nhưng thu nhập chính để nuôi sống gia đình lại đến từ nghề... bán cá.

Trước khi về công tác tại Trường Tiểu học Quỳnh Lâm B gần 1 năm nay, chị Sen có hơn 20 năm làm văn thư tại Trường THCS Tiến Thủy. Chị Sen kể, chị bắt đầu làm văn thư tại trường học từ năm 1998. Đến ngày 1/1/2000, chị được huyện Quỳnh Lưu ký hợp đồng lao động, với mức lương theo hệ số 1,4.

Mức lương ấy của chị Sen giữ nguyên suốt hơn 22 năm, cho đến khi huyện Quỳnh Lưu quyết định điều chỉnh, nâng lên chút đỉnh vào tháng 8/2022. Nhà ở thị trấn Cầu Giát, mỗi ngày chị Sen phải vượt quãng đường 13km mới tới được trường.

“Vì chồng công tác xa, trưa nào tôi cũng phải về với các con rồi chiều lại đến trường. Tính ra mỗi ngày tôi phải vượt quãng đường hơn 50km. Trong khi đó, những năm đầu không có xe máy, tôi phải đi xe đạp. Vất vả là thế, mức lương lại bèo bọt, nhưng tôi vẫn cố gắng, với hy vọng có ngày vào biên chế rồi được nâng lương”, chị Sen ngậm ngùi kể.

Tuy nhiên, hy vọng nhỏ nhoi đó cứ ngày một xa vời.

Để đỡ vất vả, chị Sen vay tiền mua xe máy. Nhưng lương lại quá thấp, có tháng còn chẳng đủ để đổ xăng. Để có tiền trang trải cuộc sống, giúp chị theo đuổi giấc mơ vào biên chế, chị Sen quyết định đi buôn cá.

“Ở gần Trường THCS Tiến Thủy có cảng cá, vì thương tình tôi lương thấp quá nên các giáo viên trong trường bày cho cách buôn cá lên thị trấn bán để tăng thu nhập, vì đằng nào cũng tiện đường đi làm”, chị Sen kể.

Kể từ đó, cứ sau mỗi buổi làm việc ở trường, chị Sen lại tranh thủ ra cảng cá mua ít hải sản, rồi lại chạy lên thị trấn Cầu Giát bán. Sau 20 năm chạy xe máy quãng đường xa mỗi ngày, một bên tai của chị đã bị ảnh hưởng, phải dùng trợ thính mới nghe được.

“Đã rất nhiều người hỏi tôi với mức lương bèo bọt vậy, sao có thể bám trụ lâu được đến thế. Thật sự nhiều lúc tôi cũng nản. Những năm đầu cứ hy vọng được vào biên chế, được nâng lương theo thời gian cống hiến. Còn những năm sau này thì tiếc, không nỡ nghỉ việc, vì dù sao cũng làm việc và đóng bảo hiểm hàng chục năm rồi”, chị Sen kể.

Chị Sen và 14 nhân viên hợp đồng văn thư, kế toán tại các trường học ở huyện Quỳnh Lưu hiện nhận mỗi tháng 3,6 triệu đồng, sau khi được huyện điều chỉnh, nâng lương theo mức lương tối thiểu vùng vào tháng 8/2022. Đây là lần đầu tiên, 15 người này được nâng lương kể từ khi ký hợp đồng với huyện. Còn trước đây, dù bằng cấp thế nào, dù thâm niên ra sao, họ đều phải hưởng mức lương theo hệ số 1,4. Tức là mỗi tháng chỉ được vỏn vẹn hơn 2,1 triệu đồng. Trừ đi các khoản như bảo hiểm, có người chỉ nhận về chừng 1,5 triệu đồng mỗi tháng.

Chị Tịnh làm nhân viên hợp đồng của trường học 13 năm nay với mức lương bèo bọt. Ảnh: Tiến Hùng

Cùng cảnh ngộ với chị Sen là chị Tăng Thị Tịnh (40 tuổi), nhân viên văn thư của Trường Tiểu học Sơn Hải. Chị Tịnh được huyện Quỳnh Lưu ký hợp đồng vào làm văn thư tại trường này từ năm 2009, mỗi ngày đi làm cách nhà 7km.

“Trước khi được nâng lương đợt vừa rồi, mỗi tháng tôi chỉ nhận được khoảng 1,6 triệu đồng. Trong tháng mà có vài đám cưới là coi như hết lương”, chị Tịnh nói và cho hay, vì lương quá thấp, tương lai lại mịt mờ, chồng nhiều lần yêu cầu chị nghỉ việc. Tuy nhiên, vì yêu công việc hiện tại, lại được hứa hẹn, chị cứ hy vọng từ năm này qua năm khác.

Cũng ký hợp đồng với huyện Quỳnh Lưu thời điểm 2009 với chị Tịnh là chị Đào Thị Thúy (40 tuổi), nhân viên văn thư của Trường Tiểu học Quỳnh Minh. Chị Thúy kể rằng, thời điểm đó chị đã có bằng đại học ngành Kế toán, nhưng lại được phân công về trường làm văn thư. Khi huyện có chỉ tiêu tuyển dụng vị trí văn thư, chị Thúy nộp hồ sơ nhưng bị loại, với lý do bằng đại học của chị là ngành Kế toán, không phải văn thư.

“Để được vào biên chế, tôi lại tranh thủ thời gian để đi học, lấy cái bằng văn thư. Tuy nhiên, đến khi xét tuyển lần sau tôi cũng không được với lý do họ đưa ra là phải chờ thêm 3 năm sau khi được cấp bằng. Tôi cũng chả hiểu được. Nếu không cho vào biên chế, ít ra cũng tăng lương định kỳ cho chúng tôi”, chị Thúy nói.

Mòn mỏi chờ biên chế

Trong số 15 nhân viên hợp đồng này, có 7 người là kế toán. Tháng 10/2022, huyện Quỳnh Lưu đã tổ chức xét tuyển vào biên chế 3 vị trí kế toán tại các trường học. Tuy nhiên, 7 nhân viên hợp đồng thâm niên đều không được ưu tiên tuyển dụng. Thay vào đó, 3 vị trí kế toán đều được tuyển mới. Điều này đã khiến các nhân viên hợp đồng bức xúc, cùng làm đơn kiến nghị gửi lên UBND huyện Quỳnh Lưu mong xem xét.

“Khi ký hợp đồng thì họ hứa hẹn này nọ. Nhưng đến khi có chỉ tiêu tuyển dụng biên chế thì họ lại không ưu tiên cho chúng tôi. Dù sao chúng tôi cũng có kinh nghiệm làm việc, bằng cấp đầy đủ, ai cũng thâm niên hơn 10 năm cả”, một nhân viên kế toán xin được giấu tên nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An, ông Nguyễn Hữu Bộ - Trưởng phòng Nội vụ huyện Quỳnh Lưu cho biết, ngoài 15 trường hợp này, trên địa bàn huyện còn có 9 giáo viên cũng ký hợp đồng tương tự với huyện. Tất cả những hợp đồng này được huyện Quỳnh Lưu ký vào giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2014.

“Tuy nhiên, sau đó tỉnh yêu cầu rà soát và kết luận những hợp đồng này huyện Quỳnh Lưu ký trái thẩm quyền, không đúng với quy định của pháp luật. Tỉnh đã yêu cầu huyện Quỳnh Lưu phải thanh lý. Nhưng huyện chưa có điều kiện để thanh lý được”, ông Bộ nói.

Cũng theo ông Bộ, vừa qua, huyện Quỳnh Lưu đã tổ chức tuyển dụng biên chế 3 vị trí kế toán. Có 4 trong tổng số 7 nhân viên hợp đồng kế toán đạt tiêu chuẩn về bằng cấp để dự tuyển. Do tiêu chuẩn là phải có bằng đại học ngành Kế toán hoặc Tài chính ngân hàng, nên những người còn lại không đủ điều kiện dự tuyển.

“Quá trình xét tuyển, 4 nhân viên hợp đồng phỏng vấn không đạt. Còn 3 người trúng tuyển đều mới ra trường”, ông Bộ nói và khẳng định, quá trình xét tuyển “đúng quy trình, công khai, minh bạch, không có tiêu cực”.

Trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An, ông Nguyễn Hữu Bộ cho biết, tiêu chuẩn tuyển dụng vào vị trí kế toán phải có bằng đại học. Tuy nhiên, theo đại diện Phòng Tổ chức - cán bộ (Sở Giáo dục và Đào tạo), theo quy định chỉ cần bằng cao đẳng đã đạt tiêu chuẩn. Ảnh: Mỹ Hà

Theo đó, huyện Quỳnh Lưu xét tuyển theo hình thức phỏng vấn. Ban Giám khảo đều là cán bộ huyện.

“Do không có quy định cộng điểm ưu tiên nên không thể ưu tiên cho các nhân viên hợp đồng làm việc thâm niên. Còn những người trúng tuyển đều đạt tiêu chuẩn, điều kiện. Với 15 nhân viên hợp đồng, chúng tôi cũng biết cống hiến của họ dù mức lương thấp, nhưng thật sự huyện cũng không hứa được gì cho tương lai của họ. Sắp tới có thể sẽ xin chủ trương của tỉnh để giải quyết, đồng thời sẽ làm việc với từng cá nhân để động viên tinh thần”, ông Bộ nói và cho hay, việc huyện đã quyết định nâng lương tối thiểu vùng trước khi tổ chức xét tuyển chính là động thái động viên tinh thần các nhân viên hợp đồng.

Còn ông Nguyễn Văn Thưởng - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết, tất cả 15 nhân viên này đều do huyện ký hợp đồng trong quá khứ do thiếu người, nhưng thời điểm đó các văn bản không chặt chẽ.

“Vì thế, sau khi rà soát, tỉnh cho rằng, huyện ký hợp đồng không đúng thẩm quyền. Năm 2017, tỉnh yêu cầu thanh lý những hợp đồng không đúng thẩm quyền. Tuy nhiên, lúc đó có 2 lý do. Một là các cô hầu hết ký hợp đồng trên 10 năm rồi, thanh lý cũng tội các cô, huyện không nỡ lòng nào. Ngoài ra, vì nhu cầu của các nhà trường cũng cần thiết nên không thể thanh lý. Cứ để các cô chờ cơ hội vào biên chế. Vừa rồi có 3 suất biên chế kế toán, các cô đều thuộc đối tượng như thí sinh tự do khác, không thuộc đối tượng ưu tiên nên không thể cộng điểm”, ông Thưởng nói.

Trong khi đó, trao đổi về vấn đề này, đại diện Phòng Tổ chức cán bộ (Sở Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, các địa phương cần ưu tiên tuyển dụng những đối tượng hợp đồng lâu năm trước, nếu họ đủ các điều kiện theo quy định.

“Tại nhiều địa phương, cụ thể như ở TP. Vinh mới đây, khi có chỉ tiêu biên chế, họ không tuyển dụng lao động mới mà chỉ ưu tiên chọn trong số hợp đồng lao động đã công tác lâu năm ở địa phương và có nhiều cống hiến cho các nhà trường”, vị này nói và cho biết, về tiêu chuẩn, huyện Quỳnh Lưu đưa ra quy định phải có bằng đại học là sai, khiến nhiều nhân viên hợp đồng mất cơ hội dự tuyển. Bởi theo quy định, thì kế toán nhà trường chỉ cần trình độ từ cao đẳng trở lên là đạt chuẩn.

Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo có văn bản hướng dẫn, trong đó yêu cầu các địa phương trong quá trình tuyển dụng cần xem xét ưu tiên tuyển dụng các đối tượng hợp đồng lao động lâu năm, có nhiều đóng góp cho ngành Giáo dục và được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ trở lên.

Mới nhất
x
Tương lai nào cho những nhân viên trường học ký hợp đồng với huyện?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO