Tuyển chọn vận động viên năng khiếu: những bất cập!

23/12/2013 10:41

(Baonghean) - Để phát triển thể thao thành tích cao (TTTTC) thì công tác tuyển chọn và đào tạo VĐV trẻ là vô cùng quan trọng, bởi nếu làm tốt điều này thì nguồn cung cho đội tuyển chính sẽ dồi dào. Tuy nhiên, hiện nay công tác tuyển chọn các VĐV năng khiếu đang gặp không ít khó khăn.

(Baonghean) - Để phát triển thể thao thành tích cao (TTTTC) thì công tác tuyển chọn và đào tạo VĐV trẻ là vô cùng quan trọng, bởi nếu làm tốt điều này thì nguồn cung cho đội tuyển chính sẽ dồi dào. Tuy nhiên, hiện nay công tác tuyển chọn các VĐV năng khiếu đang gặp không ít khó khăn.

Trước đây, việc tuyển chọn các VĐV năng khiếu cho các môn thể thao thành tích cao có nhiều thuận lợi nhờ có được hệ thống tuyển chọn từ cấp cơ sở. Ở môn bóng đá, từ năm 2004, CLB SLNA đã xây dựng được các điểm “chân rết” ở các huyện bằng cách ký hợp đồng với các cán bộ, HLV công tác tại Trung tâm Văn hóa-Thể thao ở các huyện, thành, thị để họ đảm trách việc tuyển chọn tài năng từ cơ sở thông qua những giải bóng đá nhi đồng, thiếu niên cấp huyện và Giải bóng đá Thiếu niên – Nhi đồng Cup Báo Nghệ An hàng năm.

Đến nay, SLNA đã xây dựng được 10 điểm “chân rết” ở TP.Vinh, Quỳnh Lưu, Thị xã Thái Hòa, Hưng Nguyên, Yên Thành, Thanh Chương, Đô Lương, Con Cuông, Anh Sơn, Thị xã Cửa Lò. Còn với các môn thể thao thành tích cao khác như võ thuật, điền kinh, bóng chuyền, cầu mây, đá cầu, bi sắt, bơi lặn…, trước năm 2012, cũng bằng cách ký hợp đồng với các cán bộ, giáo viên thể dục thể thao ở các huyện, các trường học, Trung tâm Đào tạo và Huấn luyện thể thao tỉnh đã duy trì được từ 30- 45 lớp nghiệp dư ở các địa phương trong tỉnh. Từ các lớp nghiệp dư này, trải qua quá trình sàng lọc, trung tâm sẽ tuyển chọn được các VĐV có tài năng để bổ sung cho các đội tuyển của tỉnh. Không những thế, việc mở các lớp nghiệp dư cũng góp phần thúc đẩy phong trào thể dục thể thao ở cơ sở phát triển và mỗi địa phương cũng xác định được thế mạnh riêng của mình. Ví dụ, các môn bơi, vật, võ thuật rất phát triển ở các huyện Quỳnh Lưu, Nam Đàn, môn bóng chuyền là thế mạnh của các huyện Hưng Nguyên, Diễn Châu, Nghĩa Đàn…

Buổi tập của các vận động viên năng khiếu của “lò” SLNA.
Buổi tập của các vận động viên năng khiếu của “lò” SLNA.

Tuy nhiên, thời gian qua, ngoài bóng đá, công tác tuyển chọn VĐV năng khiếu ở các môn thể thao thành tích cao khác gặp không ít khó khăn. Từ năm 2012, do không được tỉnh cấp kinh phí, Trung tâm Đào tạo và Huấn luyện thể thao tỉnh đã phải bỏ các lớp nghiệp dư ở cơ sở. Ông Đặng Ngọc Kim – Giám đốc Trung tâm TDTT huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Trước đây, ở Quỳnh Lưu có các lớp nghiệp dư ở các môn điền kinh, võ thuật (vovinam, karatedo) và bơi lội, không những cung cấp nhiều VĐV năng khiếu cho tỉnh mà còn khiến phong trào tập luyện các môn này trên địa bàn huyện phát triển mạnh. Tuy nhiên, từ khi các lớp này không còn, phong trào cũng lắng xuống và trong khoảng 2 năm trở lại đây, huyện không giới thiệu được VĐV nào thực sự tài năng cho các đội tuyển của tỉnh”.

Không còn các lớp nghiệp dư, để duy trì số lượng và chất lượng VĐV, Trung tâm Đào tạo và Huấn luyện thể dục thể thao đã phải tuyển VĐV năng khiếu bằng cách cử các HLV trực tiếp xuống cơ sở. Thời gian qua, nhiều HLV đã phải lặn lội đi đến các giải phong trào, trường học, thậm chí là vùng sâu, xa để tuyển chọn những em có năng khiếu về để đào tạo. Tuy nhiên, tỉnh ta có địa bàn rộng, dân số đông, trung tâm lại đảm trách đến 16 môn thể thao, trong lúc số lượng huấn luyện viên hiện nay còn khá mỏng (35 người) nên công việc này đòi hỏi không những về trình độ chuyên môn, sự nhạy cảm mà còn cả sự nhiệt tình, tâm huyết của các HLV cũng như chế độ đãi ngộ tốt.

Ngoài việc các huấn luyện viên trực tiếp xuống cơ sở thì Trung tâm Đào tạo và Huấn luyện thể thao tỉnh còn tuyển chọn VĐV bằng cách nhờ các cán bộ thể thao ở các huyện, giáo viên thể dục ở các trường giới thiệu và qua các giải đấu thể thao học sinh. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng Trung – Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo và Huấn luyện thể thao thì những cách này không mấy hiệu quả, bởi việc nhờ các cán bộ thể thao ở các huyện, giáo viên thể dục ở các trường giới thiệu cũng chỉ dựa trên quan hệ tình cảm, không có sự ràng buộc về trách nhiệm nên cũng chỉ “được chăng hay chớ”.

Công tác tuyển chọn qua các giải đấu cũng có nhiều bất cập! Đối với việc xây dựng và phát triển các tuyến VĐV trẻ, năng khiếu, một yếu tố quan trọng là tạo ra sân chơi là các giải đấu để giúp các em được tham gia thi đấu, cọ xát, nhằm tích lũy thêm kinh nghiệm, đánh giá quá trình tập luyện, qua đó tìm kiếm, phát hiện các VĐV năng khiếu, để tuyển chọn và xây dựng các đội tuyển trẻ. Song, bên cạnh những giải thể thao truyền thống như Hội khỏe Phù Đổng, giải việt dã và một vài giải đấu thể thao phong trào hằng năm, tỉnh ta chưa tổ chức được các giải đấu khác dành cho đối tượng học sinh. Nguyên nhân là do thể thao học đường ở tỉnh ta chưa phát triển và khó khăn về kinh phí.

Theo ông Nguyễn Hoàng Trung, thời gian qua, ngành thể thao Nghệ An đã bỏ sót không ít tài năng thể thao trẻ. Nhiều HLV tâm sự rằng, trong năm vừa qua, dẫn học trò đi thi đấu ở các giải trẻ quốc gia, thấy không ít ở các đoàn bạn có VĐV nói giọng Nghệ thi đấu nổi bật, mới cảm thấy tiếc vì mình đã không phát hiện ra kịp thời

Tìm kiếm được các em có năng khiếu đã khó, tìm được những em có năng khiếu và sẵn sàng gắn bó với thể thao không phải là việc đơn giản, bởi nhiều em và gia đình đã không mặn mà với việc trở thành VĐV chuyên nghiệp bởi tuổi nghề ngắn và nhiều rủi ro. Trên thực tế đã có rất nhiều em có tố chất thể thao nhưng sau một thời gian huấn luyện đã bỏ dở vì họ có nhiều sự lựa chọn hơn đối với việc phát triển cho tương lai, khi mà hiện nay các trường cao đẳng, đại học mở ra rất nhiều cơ hội để các em có học lực trung bình, khá có thể theo học.

Thể thao Nghệ An đang có bước chuyển mình mạnh mẽ để hướng tới chuyên nghiệp hóa. Tuy nhiên, để quá trình này thực sự có hiệu quả và quan trọng hơn là thể thao tỉnh nhà tiếp tục khẳng định được vị thế của mình trên bình diện toàn quốc, có nhiều hơn nữa những VĐV đoạt huy chương ở các giải đấu khu vực, châu lục, thế giới, thì công tác tuyển chọn VĐV năng khiếu cần được quan tâm, chú trọng hơn. Để làm được điều này, tỉnh cần sớm cho chủ trương và cấp kinh phí để mở lại các lớp năng khiếu nghiệp dư ở các huyện, các trường học. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xã hội hóa thu hút các nguồn kinh phí để tổ chức nhiều hơn các giải đấu cho đối tượng học sinh để qua đó phát hiện các VĐV có năng khiếu; tăng cường chế độ đãi ngộ đối với VĐV để các em yên tâm theo nghiệp thể thao và về lâu dài, cần đẩy mạnh phát triển thể thao học đường để tạo nền tảng vững chắc cho thể thao thành tích cao.

Minh Quân

Mới nhất

x
Tuyển chọn vận động viên năng khiếu: những bất cập!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO