Tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT giảm, lo hay mừng?

18/06/2013 10:51

(Baonghean) - Theo thống kê mới nhất, tính đến ngày 17/6 có 28 tỉnh thành trong cả nước chính thức công bố kết quả kỳ...

(Baonghean) - Theo thống kê mới nhất, tính đến ngày 17/6 có 28 tỉnh thành trong cả nước chính thức công bố kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2013. Theo đó, trong khi một số tỉnh hệ phổ thông đạt tỷ lệ cao như Nam Định (99,8%), Đồng Tháp (99,7%), tiếp theo là các tỉnh đạt trên 99% như: Thanh Hóa, Quảng Bình, Hải Dương... Trên 98% như TP Hồ Chí Minh, Sóc Trăng, Phú Thọ, Bắc Cạn, Lâm Đồng. Trên 97% như Hà Nội, Quảng Nam…

Dù mới có 28 tỉnh công bố, nhưng theo đánh giá chung, bên cạnh những tỉnh đạt tỷ lệ cao và xấp xỉ bằng năm ngoái thì năm nay nhiều tỉnh tỷ lệ thi đỗ tốt nghiệp xu hướng giảm nhẹ ở hệ trung học phổ thông và giảm khá sâu ở hệ giáo dục thường xuyên. Ví như tỉnh Đắc Lắc, trong khi hệ phổ thông trung học đạt 95,7% thì khối “bổ túc” chỉ đạt 55,1%, giảm 15% so với năm trước. Cũng hệ này ở Tuyên Quang, tỷ lệ đỗ 92%, trong khi năm ngoái đạt 100%; tỉnh Ninh Thuận giảm tới gần 20% còn khối phổ thông đạt 98,4% giảm 1%; các tỉnh khác như Bắc Giang, Bắc Cạn có tỷ lệ đỗ của hai hệ này đều giảm từ 3 đến 10%. Riêng Nghệ An, tỉnh đầu tiên công bố kết quả trong cả nước thì hệ phổ thông đạt 96,8%, hệ giáo dục thường xuyên đạt 85,1%. So với năm trước, cả hai hệ có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đều giảm theo thứ tự là 2,1% và 5,6%.

Chỉ nghe qua tỷ lệ đỗ của các tỉnh dù tăng hay giảm nhẹ, giảm sâu thì nhiều người vẫn cho là tỷ lệ giảm đó vẫn chưa phản ánh thực chất. Trao đổi về thông tin trên, một hiệu trưởng trường THPT ở miền xuôi cho rằng, nếu thi cho thật nghiêm túc thì tỷ lệ đỗ bình quân chỉ đạt từ 60 đến 70% là cùng. Ý kiến của hiệu trưởng trên không phải không có lý. Còn nhớ, kỳ thi tốt nghiệp năm 2007, kỳ thi đầu tiên của Cuộc vận động “Hai không” trong ngành Giáo dục do tân Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân phát động thì tỷ lệ đỗ tốt nghiệp năm đó trong cả nước chỉ đạt 67,5%. Thấp rất nhiều so với 92% năm 2006. Lại nhớ năm đó, các tỉnh miền núi như Tuyên Quang hệ phổ thông chỉ đỗ 14%, Bắc Cạn 20%. Nhiều trường phổ thông hay giáo dục thường xuyên trên cả nước không có thí sinh nào đỗ tốt nghiệp hoặc đỗ rất ít.
Kết quả năm đó đã làm những người quan tâm đến nền giáo dục nước nhà “giật mình” nhưng ngẫm lại thấy mừng. Mừng vì đó là một mùa thi được dư luận đánh giá là thực chất, là thước đo để xem xét lại chất lượng dạy và học của ngành giáo dục. Tuy nhiên, những người trong ngành ở một số tỉnh đạt thấp lại thấy mình “dại” vì tham gia phong trào “Hai không” quá tích cực (?) để ngành mình, địa phương mình và thí sinh thiệt đơn thiệt kép!

Hồi đó, Nghệ An từ tỷ lệ đỗ 98% năm 2006 xuống còn 44,5%. Dù tỷ lệ giảm tới gần 54% nhưng nhiều người có trách nhiệm lại mừng vì đây chính là bài học nghiêm túc cho cả thầy và trò đất học. Không biết có phải thế không mà kỳ thi sau, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2008 tỷ lệ này tăng lên 68% trong khi cả nước tỷ lệ này bình quân là 76,5%. Và, đến những năm 2011, 2012 thì tỷ lệ tốt nghiệp của hệ phổ thông và hệ giáo dục thường xuyên của Nghệ An cũng như cả nước trở lại như trước khi có Cuộc vận động “Hai không”. Nghĩa là ở mức “ngất ngưỡng”. Mặt khác, một vài hiện tượng lộn xộn trong thi cử lại được phát hiện, năm ngoái là vụ “Đồi Ngô” (Bắc Giang) gây chấn động dư luận còn năm nay là một điểm thi ở Hà Nội đang được cơ quan chức năng xác minh để có kết luận rõ ràng. Xem ra, “bệnh thành tích” trong giáo dục, trong thi cử từng được cảnh báo và ngăn chặn hồi năm 2006, 2007 vẫn cứ tràn lan đến bây giờ.

Những số liệu và hiện tượng nêu trên khiến dư luận quan tâm đặt câu hỏi, từ sau năm 2007, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT trong cả nước tăng nhanh và gần đạt “đỉnh” liệu đã phản ánh đúng chất lượng dạy và học? Và nếu cứ tình hình như thế này thì liệu có nên bỏ thi tốt nghiệp, một kỳ thi tốn không ít tiền của khi mà tỷ lệ đỗ gần 100%, và hầu như những người trong cuộc đều dự đoán được?


Việt Long

Tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT giảm, lo hay mừng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO