Tỷ lệ giải ngân vốn vay nước ngoài của Nghệ An thuộc tốp trên cả nước
(Baonghean.vn) - Tại Nghệ An, tổng số vốn nước ngoài kế hoạch năm 2021 đã được giải ngân đạt 8,5% kế hoạch, trong khi tỷ lệ giải ngân trung bình cả nước là 2,97%.
Sáng 14/6, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương về tình hình thực hiện giải ngân các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài.
Đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Nghệ An.
Tỷ lệ giải ngân rất thấp
Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy: Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện vốn đầu tư công trung, dài hạn nhưng việc giải ngân của các địa phương gặp nhiều khó khăn, thấp hơn hẳn tỷ lệ giải ngân cùng kỳ năm 2020. Nhiều địa phương có tỷ lệ giải ngân bằng không.
Đến 31/5, vốn đã giải ngân là 1.100,66 tỷ đồng, bằng 1,73% dự toán. Mới có 15/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 3% là Cao Bằng, Tuyên Quang, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Bình Định, Khánh Hòa, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Bạc Liêu. Và có tới 37 địa phương có tỷ lệ giải ngân 0%.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương về tình hình thực hiện giải ngân các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài tại đầu cầu Nghệ An. Ảnh: Thu Huyền |
Trên cơ sở ý kiến phát biểu của các địa phương, lãnh đạo Bộ Tài chính đã có ý kiến cụ thể đối với từng vấn đề cụ thể của từng địa phương...
Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết: 5 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nước ngoài rất thấp. Việc chậm trễ có thể do các nguyên nhân khách quan như dịch Covid-19 hay chủ quan, nhưng giải pháp quan trọng nhất vẫn là nâng cao vai trò của các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án.
Các đại biểu theo dõi hội nghị tại đầu cầu Nghệ An. Ảnh: Thu Huyền |
Bộ Tài chính cũng đề nghị các chủ dự án, Ban quản lý dự án phải có khối lượng đầu tư xây dựng hoàn thành điều kiện thanh toán để gửi đơn rút vốn cho nhà tài trợ thực hiện giải ngân theo chế độ quy định… nhưng tình hình giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn nước ngoài vẫn chậm.
Đối với các địa phương, cần rà soát việc phân bổ lại dự toán phù hợp với tiến độ các dự án; Ưu tiên bố trí phần vốn còn lại phù hợp với cơ chế tài chính của các dự án đang triển khai, thực hiện trên địa bàn của các địa phương. Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh chủ trương đầu tư và điều chỉnh hiệp định vay, không để việc điều chỉnh làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai và giải ngân của các dự án...
Nghệ An giải ngân nằm trong tốp khá, đạt 8,5%
Tại Nghệ An, tính đến 31/5/2021, tổng số vốn nước ngoài kế hoạch năm 2021 đã được giải ngân: 52 tỷ 275 triệu đồng/kế hoạch giao 616 tỷ 350 triệu đồng, đạt 8,5% kế hoạch (tỷ lệ giải ngân trung bình cả nước là 2,97%).
Nếu tính theo khối lượng thực hiện của các dự án đến 31/5/2021 là 149,71 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 24,29% so với kế hoạch vốn được giao (trong đó chưa giải ngân 97,435 tỷ đồng hiện đang làm thủ tục nghiệm thu để thanh toán giải ngân, trong số đó đã có 18,1 tỷ đồng đã thực hiện xong kiểm soát chi tại Kho bạc Nhà nước).
Nguyên nhân được cho là thủ tục thực hiện đối với các chương trình, dự án vốn ODA phải qua nhiều bước, dẫn đến thời gian lựa chọn nhà thầu kéo dài hơn, chậm trao hợp đồng so với các dự án trong nước ít nhất 6 tháng nên ảnh hưởng đến tiến độ. Do vậy, khối lượng giải ngân thường tập trung vào 6 tháng cuối năm.
Cầu Găng nối xã Nghĩa Hưng với xã Nghĩa Hiếu (Nghĩa Đàn) được đầu tư mới từ nguồn vốn dự án LRAM. Ảnh: Thu Huyền |
Ngoài ra, do dịch bệnh diễn biến phức tạp trong những tháng đầu năm ảnh hưởng đến tiến độ thi công và giải phóng mặt bằng của một số dự án gây chậm trễ trong công tác giải ngân. Giá cả vật liệu tăng cao đột biến, đặc biệt là thép xây dựng cũng đã làm ảnh hưởng đến huy động nguồn lực và tiến độ thi công của nhà thầu.
Báo cáo tại hội nghị, Nghệ An đề nghị Bộ Tài chính hỗ trợ, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ, thủ tục thẩm định phê duyệt đơn rút vốn. Có ý kiến với các nhà tài trợ về việc rút ngắn thời gian, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ xem xét, cho ý kiến đối với công tác đấu thầu, đền bù tái định cư, chính sách an toàn theo quy định nhà tài trợ đối với dự án. Nghiên cứu rút ngắn thời gian thanh tra, kiểm toán các dự án để các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án tập trung nhân lực tối đa cho công tác triển khai thực hiện và giải ngân các chương trình, dự án...