Tỷ lệ mất ngủ, trầm cảm ở những người từng nhiễm Covid-19
Các trường hợp từng nhiễm Covid-19 có nguy cơ bị rối loạn giấc ngủ cao hơn 41%, trầm cảm cao hơn 39% so với tỷ lệ trung bình ở nhóm không mắc bệnh.
Nghiên cứu công bố trên tạp chí Y khoa Anh dựa trên dữ liệu của 153.000 cựu chiến binh đã hồi phục sau khi nhiễm Covid-19. Nội dung khảo sát chủ yếu về các vấn đề sức khỏe tâm thần.
Trong vòng một năm kể từ khi nhiễm Covid-19, 2,3% người bình phục được chẩn đoán mắc các rối loạn liên quan tới giấc ngủ. So với người không mắc Covid-19, tình trạng này tăng lên tới 41%.
Khảo sát ghi nhận người từng mắc Covid-19 dễ rơi vào tình trạng trầm cảm cao hơn 39%, chứng lo âu cao hơn 35%. Ảnh hưởng sức khỏe tâm thần của Covid-19 có thể kéo dài.
Ziyad Al-Aly, một trong những tác giả nghiên cứu, cho biết: “Vấn đề hậu Covid-19 về lâu dài là những căn bệnh mạn tính để lại tổn thương cho con người suốt đời”.
Ông Al-Aly là người đứng đầu Bộ phận Nghiên cứu và Giáo dục tại Hệ thống Chăm sóc Sức khỏe Cựu chiến binh St. Louis (Mỹ).
“Trong khi tất cả chúng ta đều phải chịu đựng sự đau khổ về tinh thần trong đại dịch, những người mắc Covid-19 có trải nghiệm tồi tệ hơn nhiều. Họ đang gặp phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần lên đến một năm sau khi nhiễm bệnh”, ông Al-Aly nói.
Ảnh minh họa: Indianexpress |
Tỷ lệ người bệnh hậu Covid - 19sử dụng thuốc ngủ nhiều hơn 63%, lạm dụng thuốc giảm đau nhiều hơn 34% so với những người khác.
Tuy nhiên, nhóm tác giả khuyến cáo, các số liệu có thể không đồng nhất trên nhóm dân cư đông hơn. Đối tượng khảo sát bao gồm nam giới, độ tuổi trung bình là 63, nhiễm Covid-19 cách đây hơn một năm nên rất ít người đã được tiêm phòng.
Giới khoa học đang chạy đua để tìm hiểu xem liệu virus SARS-CoV-2 có thể ảnh hưởng trực tiếp đến não hay không. Một số người e ngại nhiễm Covid-19 có thể gây viêm và góp phần vào các triệu chứng rối loạn tâm thần.
Maura Boldrini, Giáo sư tâm thần học tại Đại học Y khoa New York-Presbyterian Columbia, đánh giá: "Các dấu hiệu viêm có thể làm gián đoạn hoạt động của não theo nhiều cách, bao gồm khả năng não tạo ra serotonin, tác động tới tâm trạng và giấc ngủ”.
Giáo sư Boldrini nói thêm, nguy cơ gia tăng bệnh tâm thần ở những người bị Covid-19 có thể do sự kết hợp của các yếu tố sinh học và căng thẳng tâm lý.