Thói quen lướt điện thoại trên giường tăng nguy cơ mất ngủ đến 59%
Lướt điện thoại trước khi ngủ tưởng chừng vô hại nhưng lại âm thầm gây hại cho giấc ngủ. Nghiên cứu cho thấy, chỉ một giờ sử dụng thiết bị trên giường có thể làm tăng nguy cơ mất ngủ lên đến 59%.
Không ít người trong chúng ta có thói quen dán mắt vào điện thoại trước khi ngủ, dù biết là tốt hay không tốt. Nhưng thói quen tưởng chừng vô hại ấy lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Các chuyên gia khuyến cáo, đã đến lúc nên để điện thoại ngoài phòng ngủ vào ban đêm.
Theo một nghiên cứu mới, việc sử dụng thiết bị có màn hình vào buổi tối không chỉ làm tăng nguy cơ mất ngủ mà còn rút ngắn đáng kể thời lượng ngủ mỗi đêm.
Một trong những khảo sát quy mô lớn nhất về chủ đề này cho thấy, Viện Y tế Công cộng Na Uy đã phân tích dữ liệu từ 45.202 người trẻ trong độ tuổi 18–28.
Kết quả cho thấy, chỉ một giờ sử dụng màn hình khi nằm trên giường cũng có thể làm tăng nguy cơ mất ngủ lên đến 59% và khiến thời gian ngủ giảm trung bình 24 phút mỗi đêm.
Đáng chú ý, loại nội dung sử dụng trên màn hình dường như không tạo ra sự khác biệt rõ rệt. Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí khoa học Frontiers in Psychiatry (Thụy Sĩ) không tìm thấy mối liên hệ đáng kể nào giữa việc dùng mạng xã hội so với các hình thức giải trí khác trên thiết bị.
Điều này mâu thuẫn với những giả thuyết trước đó, vốn cho rằng mạng xã hội gây mất ngủ mạnh hơn vì kích thích cảm xúc và tăng tính tương tác.
Thay vào đó, các nhà nghiên cứu kết luận rằng việc nhìn chằm chằm vào màn hình và đặc biệt là thời gian tiếp xúc mới chính là yếu tố ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng giấc ngủ.
Thời gian ngủ bị rút ngắn: Vấn đề đáng lo ngại
Tiến sĩ Gunnhild Johnsen Hjetland, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết rằng điều đáng lo không phải là bạn đang làm gì trên điện thoại, mà là bạn dành bao nhiêu thời gian nhìn vào màn hình khi nằm trên giường.
“Chúng tôi không nhận thấy sự khác biệt rõ rệt giữa việc lướt mạng xã hội hay thực hiện các hoạt động khác trên thiết bị. Chính thời gian tiếp xúc với màn hình mới là yếu tố then chốt làm rối loạn giấc ngủ, có thể vì nó làm thay đổi nhịp sinh học và thời điểm ngủ”, bà Gunnhild Johnsen Hjetland giải thích.
Giấc ngủ đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe tinh thần và thể chất. Tuy nhiên, xu hướng ngủ ít hơn đang diễn ra trên toàn cầu và việc sử dụng thiết bị trước khi ngủ chính là một phần nguyên nhân.
Các nhà nghiên cứu chỉ ra nhiều cách mà thiết bị có thể can thiệp vào giấc ngủ như tiếng thông báo liên tục làm gián đoạn thời gian nghỉ ngơi, ánh sáng xanh từ màn hình kéo dài sự tỉnh táo, và việc "cắm mặt" vào điện thoại khiến chúng ta trễ giờ đi ngủ hơn. Tất cả đều góp phần phá vỡ đồng hồ sinh học tự nhiên của cơ thể.
Điều đáng chú ý là nghiên cứu lần này không chỉ tập trung vào học sinh mà còn mở rộng ra nhóm người trưởng thành trẻ tuổi, giúp củng cố thêm bằng chứng về tác động sâu sắc của việc dùng thiết bị đến giấc ngủ.
“Các rối loạn giấc ngủ đang trở nên phổ biến ở giới trẻ và ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe tinh thần, hiệu quả học tập cũng như chất lượng cuộc sống nói chung”, Hjetland cảnh báo.
Màn hình và giấc ngủ: Không chỉ là vấn đề của mạng xã hội
Trong nghiên cứu, người tham gia được yêu cầu tự báo cáo thói quen sử dụng màn hình khi nằm trên giường, bao gồm các hoạt động như xem video, chơi game, lướt mạng xã hội, truy cập Internet, nghe nhạc và đọc tài liệu học tập.
Dựa vào phản hồi, họ được phân thành 3 nhóm: nhóm chỉ dùng mạng xã hội, nhóm hoàn toàn không dùng mạng xã hội, và nhóm thực hiện nhiều hoạt động khác nhau (bao gồm cả mạng xã hội) trước khi ngủ. Dù thuộc nhóm nào, điểm chung là càng sử dụng thiết bị lâu, chất lượng giấc ngủ càng giảm.
Đây là một phát hiện khá bất ngờ. Nó cho thấy mất ngủ không nhất thiết đến từ nội dung gây kích thích mà đến từ việc màn hình thay thế thời gian nghỉ ngơi quý giá. Nói cách khác, chỉ cần nhìn vào màn hình quá lâu, bất kể bạn làm gì cũng đủ làm giấc ngủ suy giảm.
Dù vậy, các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng kết quả này phản ánh bối cảnh văn hóa tại Na Uy, và cần thêm nhiều nghiên cứu ở các quốc gia, nền văn hóa khác để xác định tính phổ quát của vấn đề. Đồng thời, họ cũng nhấn mạnh rằng mối tương quan không đồng nghĩa với quan hệ nhân quả.
Còn cách khắc phục thì sao? Tiến sĩ Hjetland khuyên: “Nếu bạn đang gặp rắc rối với giấc ngủ và nghi ngờ nguyên nhân đến từ việc dùng điện thoại, hãy thử giảm thời gian sử dụng thiết bị trên giường, tốt nhất là nên dừng hẳn trong vòng 30 đến 60 phút trước khi đi ngủ”.
Tuy nhiên, bà cũng thừa nhận rằng việc "chia tay" chiếc điện thoại không hề dễ dàng. “Nếu bắt buộc phải dùng, ít nhất hãy tắt thông báo để hạn chế sự gián đoạn vào ban đêm”, Hjetland gợi ý.