Tỷ phú làng biển Quỳnh Lập

Thanh Phúc 01/09/2022 14:54

(Baonghean.vn) - Anh Lê Hội Hưng ở xã Quỳnh Lập (TX.Hoàng Mai) là 1 trong 100 gương mặt được tôn vinh Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022. Vừa là lão ngư bám biển, vươn khơi, là Giám đốc HTX hậu cần nghề cá Đoàn Kết, chủ đội tàu công suất lớn, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, anh vừa là một người tâm huyết với rừng, nuôi rừng và giữ rừng…

Chinh phục biển khơi

Chân dung tỷ phú ngư dân Lê Hội Hưng ở xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai). Ảnh: Thanh Phúc

Sinh năm 1979, tại xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai), từ nhỏ, anh Lê Hội Hưng đã quen với tiếng sóng biển, với những sáng ra bến cá cùng mẹ đợi thuyền cha trở về, đã quá thân thuộc với vị mặn mòi, tanh nồng của cá, của tôm, mực. Anh lớn lên từ nghề biển của cha, từ những mớ cá mẹ đi bán chợ xa.

Sau khi tốt nghiệp THPT, thấy nghề biển vất vả và nhiều bạc bẽo, anh đã có ý định thoát ly khi tham gia làm công tác Đoàn rồi theo học lớp bồi dưỡng làm xã đội trưởng. Nhưng rồi, tình yêu với biển cả, với nghề cá đã níu kéo anh, thôi thúc anh bỏ công việc bàn giấy về với biển, với tàu thuyền, với những chuyến đi “ăn sóng, nằm gió”.

Năm 2006, anh cùng với một người anh em hùn vốn chung nhau mua một con tàu và đánh bắt cá. Lênh đênh biển cả, đánh cược số mạng với con sóng bạc đầu, nhưng do tàu công suất nhỏ nên thu nhập không đáng là bao.

Bám trụ 5 năm, anh đành bán tàu, chuyển hướng sang làm các dịch vụ hậu cần nghề cá trên bờ. Anh thu mua hải sản của các tàu đi đánh bắt về rồi chở đi tiêu thụ khắp nơi trong tỉnh, ngoại tỉnh. Siêng năng, chịu thương, chịu khó lại làm ăn uy tín nên anh nhanh chóng có các bạn hàng, việc làm ăn cũng thuận lợi hơn.

Chuẩn bị ra khơi. Ảnh: Thanh Phúc

Sau một thời gian dài lăn lộn mua bán, gom góp được ít tiền lại trúng thời điểm Nhà nước đang có chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu theo Nghị định 67. Anh Hưng dốc toàn bộ vốn liếng tích cóp được cộng thêm nguồn vốn vay và đóng mới đôi tàu công suất 822 CV và quay lại vươn khơi, bám biển, khai thác hải sản. Có tàu to, máy lớn, bám biển vươn khơi, nhờ lộc biển mang lại, anh làm ăn phất lên trông thấy. Có vốn, anh liên tiếp đầu tư mua sắm các đôi tàu công suất lớn để chinh phục các ngư trường xa, tìm kiếm ngư trường mới, đánh bắt ở Hoàng Sa, Trường Sa…, mỗi năm doanh thu đánh bắt gần 10 tỷ đồng; tạo việc làm cho hàng trăm lao động.

Tạo sinh kế cho lao động địa phương

Đội tàu 18 chiếc của anh Lê Hội Hưng đều có cổ phần của anh em bạn thuyền. Ảnh: Thanh Phúc

Người dân địa phương vẫn thường gọi đùa anh Lê Hội Hưng là “tỷ phú”, là “vua tàu cá” khi ông là chủ của đội tàu18 chiếc thường xuyên vươn khơi, khai thác hiệu quả. Song, anh chỉ nhận mình là một ngư dân lão luyện. “Gia sản 18 tàu cá đó không của riêng gì mình. Mình có vốn nhiều hơn nên đầu tư nhiều hơn, còn lại là của anh em bạn thuyền cả. Những con tàu đang vươn khơi ngoài kia tôi đều cho thuyền viên góp vốn, mỗi người là một cổ đông, quyền lợi đi liền với trách nhiệm. Có vậy, họ mới gắn bó lâu dài với mình, với biển”, anh Hưng cho biết.

Nhận thấy ở xã Quỳnh Lập, nghề khai thác hải sản phát triển mạnh khi toàn xã có 146 tàu đánh bắt xa bờ, sản lượng khai thác hàng năm đạt trên 30.000 tấn. Trong khi đó, dịch vụ hậu cần nghề cá lại rất yếu kém. Ngư trường xa, khai thác dài ngày, nếu phải thường xuyên vào bờ để tiếp tế nhiên liệu, đá lạnh, nhu yếu phẩm và vận chuyển hải sản đánh bắt được về bờ thì tốn thời gian, nhiên liệu, tăng chi phí chuyến đi và giảm năng suất khai thác.

Từ khi có tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, ngư dân yên tâm đánh bắt. Ảnh: Thanh Phúc

Anh Lê Hội Hưng cho biết: "Năm 2008, tôi và cùng 9 xã viên thành lập Hợp tác xã Đoàn Kết, thuê đất làm dịch vụ hậu cần nghề cá, chợ thương mại, mở 6 lò hấp sấy cá giải quyết việc làm cho 300 lao động địa phương; riêng tôi đã bỏ vốn đầu tư xây dựng một cơ sở sản xuất đá lạnh, 1 cửa hàng xăng dầu, 1 nhà máy xay bột cá, tạo việc làm thường xuyên cho 140 lao động có mức lương tháng từ 9-10 triệu đồng/tháng”.

Từ khi có tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, ngư dân yên tâm đánh bắt, không lo cá để lâu ngày bị hư hại, tốn chi phí bảo quản; không sợ thiếu dầu, đá lạnh và các nhu yếu phẩm phục vụ cho quá trình vươn khơi. Nhờ đó, sản lượng đánh bắt ngày một tăng, hiệu quả kinh tế nâng lên thấy rõ.

Kho đông lạnh của anh Lê Hội Hưng. Ảnh: Thanh Phúc

“Ngư dân vươn khơi, bám biển, khai thác hải sản, mình thu mua cá, tôm cho họ; tiếp tế nhiên liệu, nhu yếu phẩm cho họ, họ bán lại cá, tôm cho mình, phục vụ các nhà máy, các xưởng sản xuất của mình. Cái này là “đôi bên cùng có lợi”, tương hỗ cùng nhau phát triển. Bà con có đánh bắt tốt, khai thác hiệu quả thì nhà máy của mình mới có nguyên liệu để chế biến; ngược lại, mình làm ăn tốt, làm ăn giỏi, kinh doanh có lãi thì ngư dân, anh em bạn thuyền, lao động địa phương mới có việc làm, thu nhập. Muốn tiến xa, muốn làm ăn bền vững thì phải đoàn kết, sẻ chia, cùng nhau có lợi”, anh Hưng chia sẻ.

Một người vì cộng đồng

Doanh thu hàng năm từ nghề cá và dịch vụ hậu cần nghề cá thu được, anh đều dành một phần để nuôi rừng, giữ rừng. Ảnh: Thanh Phúc

Với số tiền tích luỹ, anh tái đầu tư nâng cấp tàu thuyền, máy móc, nhà xưởng, dây chuyền sản xuất hiện đại để vừa nâng hiệu quả sản xuất, kinh doanh vừa bảo vệ môi trường. Đặc biệt, trong đó, có một phần dành riêng để khoanh nuôi, bảo vệ 21 ha rừng thông, bạch đàn ven biển Quỳnh Lập mà người cha của anh đã trồng từ những năm 1995 đến nay.

“Mỗi năm, chi phí để chăm sóc bảo vệ rừng lên đến hàng trăm triệu đồng. Trong khi đó, do khí hậu ven biển khắc nghiệt, cây thông chậm lớn, nên chưa có khai thác nên đầu tư vào rừng nghèo này nếu tính về kinh tế là lỗ đậm nhưng cái lãi lớn nhất là môi trường sống, là màu xanh cho quê hương, cho tương lai, cho việc chống lại thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu”, anh Lê Hội Hưng chia sẻ.

Anh Hưng luôn sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật trong khai thác, kinh nghiệm trong kinh doanh cho các ngư dân khác. Ảnh: Thanh Phúc

Nếu như cha ông nói “cho bạc, cho vàng không bằng bày đàng làm ăn” thì anh Hưng lại sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật trong khai thác, kinh nghiệm trong kinh doanh để các ngư dân khác đánh bắt, khai thác hiệu quả; hỗ trợ vốn vay, cho ngư dân ứng tiền trước rồi thu hồi dần mà không tính lãi suất; sẵn sàng hỗ trợ, tiếp sức cho các tàu thuyền trên biển khi gặp sự cố... Đồng thời, chiêu mộ các lao động nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vào làm việc tại các xưởng, các nhà máy của mình với mức thu nhập ổn định.

Ngoài ra, anh còn có rất nhiều đóng góp cho cộng đồng: Xây dựng 1,2 km đường bê tông trị giá 1,8 tỷ đồng; ủng hộ quỹ xóa nhà tranh tre, dột nát; xây dựng hệ thống chiếu sáng; nhận hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh nghèo... Làm giàu cho mình, tạo sinh kế cho những người xung quanh mình và luôn đau đáu vì những việc làm có ích cho cộng đồng, anh Lê Hội Hưng xứng đáng là nông dân Việt Nam xuất sắc, là điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp…

Anh Hưng luôn ưu tiên tuyển dụng con em địa phương có khó khăn vào làm việc tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh của mình. Ảnh: Thanh Phúc

Anh Lê Hội Hưng hiện là Giám đốc HTX Đoàn Kết, Đại biểu HĐND xã Quỳnh Lập khóa XIX, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Anh từng được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi giai đoạn 2016-2020; Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Nghệ An chung tay xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020 cùng nhiều Giấy khen của Bộ Tư lệnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng, thị xã Hoàng Mai về thành tích “Bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới”… Anh vinh dự được bình chọn là 1 trong 100 nhà nông tiêu biểu của cả nước được nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2022.
Mới nhất
x
Tỷ phú làng biển Quỳnh Lập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO