Tỷ phú nông dân

13/01/2014 15:48

(Baonghean) - Ngót 20 năm về trước, khi còn đang đương chức ở một công ty lớn tại Cần Thơ, ông chăm chỉ học thêm về kinh tế thương mại của một trường đại học. May mắn được nghe những bài giảng của các chuyên gia kinh tế đầu ngành, thấy người ta nhắc đến kinh tế trang trại, ông mê lắm. Rồi ông mơ giấc mơ, ấy là người nông dân Việt Nam cũng sẽ như nông dân Nhật Bản, cưỡi xe hơi ra thăm vườn, thăm ruộng; trong nhà có máy cày, có ô tô tải để vận chuyển sản phẩm đi tiêu thụ…

Và những cồn đất hoang hóa, đầy cây dại của một tuổi thơ vất vả, lam lũ cứ chập chờn ẩn hiện trong ông, dù

Ông Tuấn trong rừng keo của mình.
Ông Tuấn trong rừng keo của mình.
bao nhiêu năm cách xa, bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời đã trải…Còn bây giờ, ông đang ngồi trước mặt tôi, trong căn nhà dạng biệt thự lớn đang được hoàn thiện trên chính vùng đất hoang hóa ngày xưa, giữa vườn cây trĩu quả ngọt sau khi tự tay lái chiếc xe bán tải trị giá cả tỷ bạc dẫn tôi tới thăm trang trại lợn, ao cá của mình. Ông đã khiến tôi đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác: Trong cái bộ quần áo xanh của công nhân rất giản dị, có phần tuềnh toàng ấy, cái con người tự nhận mình là nông dân “chính gốc” ấy đã từng làm người quản lý, đứng đầu một doanh nghiệp lớn nổi tiếng vì “dám quyết, dám làm”, đã từng là người đàn ông “hào hoa” hay nói như ông “cũng tay chơi lắm”

Trong cuốn kỷ yếu của Hội nghị đại biểu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ 4, những dòng về ông được ghi rất ngắn gọn: Đặng Anh Tuấn, sinh năm 1957; xã Xuân Sơn, huyện Đô Lương; Hội viên Hội Nông dân Việt Nam. Và sau đó là những thông tin về mô hình sản xuất, kết quả sản xuất… Thấy tôi ngạc nhiên về con số doanh thu tới 16,500 tỷ đồng/ năm, lại nghe thông tin từ Phó Chủ tịch xã Xuân Sơn nói rằng ông còn bỏ tiền, bỏ công ra giúp đỡ bà con xóm 7 của ông cùng giàu từ trang trại, ông cười xòa: Có gì đâu, tôi có được thành công là nhờ bà con chòm xóm.

Sinh ra trong gia đình có 7 người con mà ông là thứ 6, vất vả, nghèo khổ nhưng ông may mắn vẫn được tới trường. Học trung cấp xây dựng tại Hà Nội, ra trường ông vào lập nghiệp tại Cần Thơ, sau đó học lên đại học. Năm 1990, Công ty ông làm giải thể, thay vì nhận lời mời về tỉnh Thanh Hóa (quê vợ) làm giám đốc công ty vật tư ngành chè, ông mở cữa hàng kinh doanh tại Thanh Hóa cho vợ làm và nghĩ đến chuyện vợ làm kinh doanh để “nuôi” chồng làm kinh tế trang trại tại quê nhà Đô Lương. Nghĩ là làm, năm 2004 ông trở về quê, đấu thầu gần 20 ha đất hoang hóa, một mình cặm cụi giấc mơ làm giàu. Khi ông về, làng Hiếu Thiện của ông nghèo xơ xác, mang tên Hiếu Thiện vậy mà nổi tiếng vì nghèo và…thích gây gổ.

Một cái lán, một niêu cơm nấu cho cả ngày, một cái cuốc, một cái thuổng trong tay, ban ngày quần quật dọn cây tạp, ban đêm ông kéo điện ra đào đất đồi để làm luống, đánh bậc thang giữ nước trồng cây. Ông tự ra định mức cho mình, một đêm trồng bao nhiêu cái cây, gánh bao nhiêu gánh nước, làm xong mới được phép ngả lưng. “Nghĩ cũng gan, chớ một đêm tui gánh 300 gánh nước leo đồi”- ông kể-“Bà con trong xóm, thấy tui kéo điện làm cả đêm, thế là họ kéo sang giúp đỡ rất vô tư”. Người dân Hiếu Thiện nổi tiếng gây gổ ở đâu thì không biết, nhưng trong thẳm sâu thì vẫn là sự chân chất, hiền lương. Ông Tuấn nói: “Cái tình ấy của bà con những ngày vất vả ban đầu, tôi mãi mãi không bao giờ quên. Chính cái tình của người dân quê khiến tôi tin mãnh liệt mình sẽ thành công dù đã vấp phải không ít thất bại. Chính cái tình ấy đã giữ tôi lại với quyết tâm phải làm, không bỏ cuộc.” Vợ ông về quê, nhìn thấy tình cảnh chồng “cực” quá, bán hết cửa hàng kinh doanh tại Thanh Hóa vào chung tay giúp chồng.

Dăm năm đầu, trồng nhãn khi thu hoạch thì đúng kỳ rớt giá, trồng lạc gặp hanh thì héo hết cả, coi như đã “âm” vốn. Ông quyết tâm làm lại từ đầu với hướng đi khác, chuyển sang nuôi gà. Đến 2003, gặp dịch cúm gà, ông lại lần nữa trắng tay. Ông chạy vạy, vay mượn tới rớt nước mắt từng đồng vốn ở các ngân hàng. Một lần nữa, những người dân quê, một số đoàn thể của xóm, xã lại tìm cách giúp đỡ ông từng triệu bạc. Lần này, ông đầu tư làm trang trại lợn. trồng hơn 10 ha keo và nâng cấp mở rộng ao cá, rồi tiến tới mở đại lý thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, ông còn trồng cả cây ăn quả (cam, quýt…) nữa. Vừa làm, vừa học, tiếp thu tiến bộ KHKT. Trang trại lợn không ngừng được mở rộng, đã có lúc có tới 300 con nái, gần 2.000 con lợn thịt. Bây giờ ông đã có thêm một trại nuôi lợn bằng đệm lót sinh học. Ông nói: “Có đêm ngủ cùng với chúng tại đây. Nuôi bằng đệm lót sinh học, lợn sạch sẽ lắm. Mình lúc nào cũng phải chịu khó đọc, xem, nghe mà tiếp thu tiến bộ KHKT vào sản xuất mới mong không bị tụt hậu”.

Giấc mơ làm giàu đã thành hiện thực. Ông Đặng Anh Tuấn đã trở thành tỷ phú nông dân, thành tấm gương sáng về ý chí, nghị lực của làng Hiếu Thiện xưa (xóm 7 nay) của xã Xuân Sơn. Nhưng, không phải làm giàu để tận hưởng, mà ông nghĩ mình giàu còn để trả nghĩa, để chia sẻ, để nói với lớp trẻ nông thôn về một cách lập nghiệp trên chính quê hương. Thu nhập trên 10 tỷ mỗi năm, trừ chi phí ông cũng thu lãi mỗi năm hàng tỷ đồng, ông còn giúp cho 12 lao động có thu nhập ổn định, hàng chục lao động thời vụ khác, giúp trên 80 hộ chăn nuôi đầu tư con giống, thức ăn trả chậm không tính lãi với số vốn hàng năm 1 tỷ đồng. Ông cũng đầu tư 150 triệu đồng giúp đỡ 150 hộ dân xây dựng bể Biogas xử lý chất thải, góp phần bảo vệ môi trường. Tất cả các phong trào hoạt động của xóm, xã đều nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của ông.

Điều khiến vị tỷ phú nông dân này vui nhất là: Xóm 7 đã trở thành xóm mạnh của xã. Có thêm nhiều triệu phú, tỷ phú nông dân nhờ học được cách ông làm. Ví như chàng thanh niên Nguyễn Thọ Đức (sinh năm 1982) khi cưới vợ chỉ có đôi tay trắng, mẹ bệnh tật, hoàn cảnh nghèo nhất xóm. 2 vợ chồng sang làm cho trang trại ông Tuấn, tích lương và tích lũy kinh nghiệm để lập trang trại riêng. Khi ra làm riêng, anh Đức còn nhận được sự giúp đỡ hàng trăm triệu của ông Tuấn. Đến nay, anh đã trở thành điển hình thanh niên lập nghiệp giỏi của tỉnh. Dân xóm 7 lấy gương ông Tuấn dạy cho con cái nên đã có một lớp trẻ năng động, chịu thương chịu khó lớn lên trên đất này. “Bây giờ, xóm 7 không có người hư, không có tệ nạn. Bọn trẻ lớn lên nếu không đi học thì cũng làm trang trại. Bà con thì thương nhau, giúp nhau, sống rất thuận hòa. Ngày lễ tết lại í ới gọi nhau làm chung cỗ, chia nhau từng món ăn ngon”- Ông Tuấn nói, rồi chỉ ra khu vườn trước mặt: “Cháu nhìn xem, vườn cây ăn quả nhà tui không có bờ rào. Tui trồng vườn cây bây giờ không phải để bán nữa mà để cho các cháu trong xóm lúc nào thích ăn thì lấy về”.

Được biết, các em sinh viên xóm 7 đi học xa về quê những ngày thứ 7, Chủ nhật, các dịp nghỉ lễ, nghỉ hè đều được ông Tuấn “mời” vào làm công theo buổi trong trang trại. Ông nói với các em: “Các cháu đi học, thấy bố mẹ ở nhà vất vả thế nào chứ. Vậy nên bấm chí mà học, mà tiết kiệm chi tiêu. Làm ở đây để mà hiểu, cũng để mà học, và cũng là một cách giúp đỡ bố mẹ trang trải phần nào”. Thế là các dịp lễ, ngày nghỉ, các em học sinh, sinh viên lại rủ nhau tới trang trại ông Tuấn để làm việc. “Ban đầu có đứa còn ngần ngại, giờ thì đứa nào cũng làm, thành nếp rồi. Các cháu vì thế nên ngoan lắm”- ông Tuấn chia sẻ.

Tạm biệt ông chủ nông dân ấy, tôi được ông chở ô tô qua khỏi quãng đường gập ghềnh ra đường cái. Ông nói với tôi, hai con ông đều đã trưởng thành, đều lập nghiệp xa, nhưng rồi đây ông sẽ hướng cho cậu con trai trở về quê hương, tiếp nhận trang trại của bố mẹ. Ông thấy mình may mắn, hạnh phúc vì được sống giữa người quê, đất quê bằng tất cả tình thương mến.

Bài, ảnh: Thùy Vinh

Mới nhất
x
Tỷ phú nông dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO