UBND huyện Kỳ Sơn trả lời về tình trạng chặt phá rừng Pu Lon
(Baonghean) - Ngày 16/10/2013, trên báo Nghệ An điện tử có bài “Lâm tặc chặt phá rừng Pu Lon” (Tây Sơn - Kỳ Sơn). Tiếp đó, ngày 24/10/2013, trên báo Nghệ An hàng ngày đăng bài “Rừng Pu Lon bị “rút ruột” phản ánh về tình trạng chặt phá rừng đang diễn ra ở xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn.
Sau khi tiếp nhận thông tin từ hai bài báo, Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng huyện Kỳ Sơn đã tham mưu cho UBND huyện thành lập đoàn kiểm tra xác minh nội dung bài báo do đồng chí Mùa Nỏ Xử - Phó Chủ tịch UBND huyện làm trưởng đoàn, cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị: Hạt Kiểm lâm, Công an huyện, Ban Quản lý rừng phòng hộ, Ban Chỉ huy Quân sự huyện, UBND xã Tây Sơn và Viện Trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện cùng tham gia. Sau khi kiểm tra, xác minh, UBND huyện Kỳ Sơn có Công văn 573/UBND.NN ngày 1/11/2013 trả lời Báo Nghệ như sau:
1. Kiểm tra xác minh các hình ảnh trong bài báo.
a) Kiểm tra hiện trường số gỗ theo hình ảnh số 1 (số gỗ được phủ bạt) thì phát hiện số gỗ đúng như Báo Nghệ An nêu, cụ thể:
- Số gỗ được tập kết tại vị trí có tọa độ (X:0407117; Y 2136950) thuộc lô 1, khoảnh 15, Tiểu khu 458, xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn với số lượng gỗ: 25 thanh, khối lượng 1,6m3 gỗ de. Qua kiểm tra số gỗ nói trên không có nguồn gốc hợp pháp, số gỗ này là của ông Vừ Bá Hờ ở bản Huồi Giảng 1, xã Tây Sơn. Ông Vừ Bá Hờ khai nhận số gỗ nói trên được khai thác tận dụng từ gỗ bỏ lại của Công ty Lâm đặc sản để làm nhà. Gia đình ông Vừ Bá Hờ mới ra ở riêng tại bản Huồi Giảng 1, xã Tây Sơn và hiện nay chưa có nhà ở. Ông Vừ Bá Hờ là con ông Vừ Tống Xò là gia đình thuộc hộ nghèo. Trước đó ông Vừ Bá Hờ đã làm đơn xin làm nhà gửi UBND xã Tây Sơn.
b) Kiểm tra hiện trường số gỗ theo hình ảnh số 2 (số gỗ được cưa nằm cạnh cây bị chặt hạ) thì phát hiện số gỗ đúng theo Báo Nghệ An nêu, cụ thể:
- Tại vị trí tọa độ (X: 0407276; Y: 2136746) thuộc lô 1, khoảnh 15, Tiểu khu 458, xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn thì phát hiện 1 cây gỗ dẻ bị chặt hạ, đường kính gốc chặt 55cm. Số gỗ được xẻ từ cây bị chặt là 16 thanh (hoành), khối lượng 0,3m3. Qua kiểm tra số gỗ nói trên không có nguồn gốc hợp pháp, số gỗ này là của ông Vừ Bá Bánh ở bản Huồi Giảng 3, xã Tây Sơn. Gia đình ông Vừ Bá Bánh mới ra ở riêng tại bản Huồi Giảng 3 và hiện nay chưa có nhà ở, là gia đình thuộc diện hộ nghèo. Trước đó ông Vừ Bá Bánh đã làm đơn xin làm nhà gửi UBND xã.
c) Kiểm tra xác minh theo hình ảnh số 3 (xe máy chở gỗ), cụ thể:
Qua xác minh nhận dạng theo hình ảnh và chứng thực của chính quyền địa phương đây là ông Vừ Bá Hạ ngụ bản Huồi Giảng 3, xã Tây Sơn. Ông Vừ Bá Hạ đã công nhận việc mình dùng xe máy chở gỗ là đúng theo báo nêu. Theo lời khai của ông Vừ Bá Hạ đây là tấm gỗ mà ông tận dụng cành, ngọn của Công ty Lâm đặc sản sót lại để đóng bàn học cho con. Tổ chức theo lời khai của ông Hạ và kiểm tra nơi cất giấu gỗ thì phát hiện thấy tại sân nhà ông Vừ Bá Hạ 1 tấm gỗ dẻ với khối lượng 0,1 m3.
d) Xác minh hình ảnh số lượng xe máy (hình ảnh số 4)
Qua xác minh theo biển số xe máy thì đây là các xe máy của các hộ dân sử dụng đi vào trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, không phải xe dùng để vận chuyển lâm sản.
2. Kiểm tra vùng rừng thuộc khu vực Pu Lon- xã Tây Sơn.
Kiểm tra khu vực rừng Pu Lon, xã Tây Sơn tại vị trí thuộc lô 3, khoảnh 13; lô 4, khoảnh 14 thuộc Tiểu khu 458 và lô 2, khoảnh 14 thuộc Tiểu khu 457 có một số đường kéo và gốc cây, cành, ngọn, những khúc gỗ bị rỗng ruột do Công ty Lâm đặc sản khai thác từ rất lâu bỏ lại và người dân ở xã Tây Sơn tận dụng đưa về sử dụng, không có hiện tượng chặt hạ cây tươi như báo nêu.
3. Kết luận và biện pháp xử lý.
- Có 1 cây gỗ dẻ bị chặt hạ cưa thành gỗ xẻ dạng hoành nhà.
- Tại khu vực rừng Pu Lon, xã Tây Sơn trước đây có Công ty Lâm đặc sản khai thác gỗ theo chỉ tiêu kế hoạch được cấp phép của UBND tỉnh Nghệ An. Trong quá trình khai thác, vận chuyển có một số cây gỗ bị lao xuống vực và một số cây gỗ chất lượng kém nên Công ty Lâm đặc sản không lấy mà bỏ lại tại rừng, nay dân tận dụng đưa về làm nhà.
- Số lượng gỗ nói trên không có hồ sơ, nguồn gốc hợp pháp, tuy nhiên chủ yếu số gỗ này do các hộ dân tận dụng từ gỗ của Công ty Lâm đặc sản khai thác từ lâu bỏ lại để về làm nhà và làm đồ gia dụng, không có mục đích buôn bán. Không có hiện tượng chủ đầu nậu ở ngoài vào đầu tư khai thác gỗ và cây gỗ bị chặt hạ hàng loạt, nội dung báo nêu là không có cơ sở. Hình ảnh số xe máy để bên đường theo báo nêu là của người dân dùng làm phương tiện đi lại trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm gần đó, không phải sử dụng để chở lâm sản trái phép như báo nêu.
- Số lượng gỗ nêu trên được tạm giữ và vận chuyển về trụ sở UBND xã Tây Sơn để cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.
4. Giải pháp trong thời gian tới:
- Tăng cường công tác tuyên truyền quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn xã Tây Sơn nói riêng, huyện Kỳ Sơn nói chung.
- Kiện toàn ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng xã Tây Sơn.
- Kiểm điểm cán bộ lâm nghiệp xã và kiểm lâm phụ trách địa bàn xã Tây Sơn.
- Tăng cường công tác kiểm tra xử lý nghiêm các đối tượng, hộ gia đình vi phạm về lâm luật.
Trước tiên, Báo Nghệ An chân thành cảm ơn UBND huyện Kỳ Sơn đã kịp thời kiểm tra, xác minh vấn đề báo nêu. Tuy nhiên, qua công văn cho thấy, UBND huyện Kỳ Sơn đang cố tình bao che các sai phạm, dung túng cho các đối tượng chặt phá rừng Pu Lon ở xã Tây Sơn. Những nội dung phản ánh trong các bài viết phản ánh về tình trạng chặt phá rừng Pu Lon của Báo Nghệ An là hoàn toàn khách quan, trung thực, không có chuyện thêm thắt như công văn trả lời. Nhằm làm rõ vấn đề này, chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi với UBND huyện Kỳ Sơn trong số báo tiếp theo.
UBND huyện Kỳ Sơn - Báo Nghệ An