UBTV Quốc hội thảo luận dự án Luật đất đai sửa đổi

18/09/2012 07:10

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bao gồm 14 chương và 190 điều, tăng thêm 6 chương và 44 điều so với Luật Đất đai hiện hành.

Ngày 17/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chương trình phiên họp thứ 11, cho ý kiến về dự án Luật đất đai (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dự phiên họp.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bao gồm 14 chương và 190 điều, tăng thêm 6 chương và 44 điều so với Luật Đất đai hiện hành. Dự thảo Luật quy định lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất gồm 3 cấp: cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện để khắc phục tình trạng thiếu tính liên kết, đồng bộ trong quy hoạch giữa các tỉnh, các vùng, đồng thời tiết kiệm được chi phí và rút ngắn thời gian lập quy hoạch sử dụng đất, nhất là cấp xã.



Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Tuy nhiên, theo ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Uỷ ban tài chính- ngân sách: quy hoạch sử dụng đất cấp xã là quy hoạch chi tiết để phục vụ cho công tác quản lý đất đai. Do đó, nếu chỉ quy hoạch ở 3 cấp như quy định trong dự thảo Luật sẽ dễ dẫn đến tình trạng quy hoạch “treo”, gây lãng phí tài nguyên đất và làm cản trở sự phát triển.

Đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với quy định thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân là 50 năm, không phân biệt đất trồng cây hàng năm và cây lâu năm. Việc kéo dài thời hạn sử dụng đất lên 50 năm sẽ khắc phục được sự bất bình đẳng giữa thời hạn sử dụng đất của nông dân với doanh nghiệp, làm cho nông dân gắn bó hơn với đồng ruộng, yên tâm đầu tư sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Tán thành với việc chuyển quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, không nên quy định mức hạn điền mà chỉ nên cho thuê đất trở lại đối với những người có nhu cầu sử dụng đất. “Tôi thì tán thành điểm này vì thực tế hiện nay trong sản xuất nông nghiệp là vẫn sản xuất nhỏ, rải rác bởi hạn điền rất hạn chế. Ta chưa cho chủ trương tích tụ đất đai để có ở quy mô sản xuất lớn. Và trên thực tế hiện nay ta đã áp dụng ở nhiều địa phương cánh đồng mẫu lớn tất nhiên cơ chế cũng khác nhưng cũng theo hướng để sản xuất lớn, áp dụng khoa học công nghệ thì rõ ràng thấy hiệu quả lớn. Ở đây có những người có điều kiện để sản xuất lớn như vậy nhưng diện tích lại quá hạn chế. Nên tôi đồng ý chủ trương nên cho tích tụ ruộng đất và nên mở rộng mức hạn điền. Tất nhiên ở đây phải đảm bảo quyền lợi cho người nông dân”.

Liên quan đến giá đất, bà Nguyễn Thị Nương, Trưởng ban Công tác đại biểu cho rằng: Hiện nay chúng ta quy định nhiều loại giá: giá của nhà nước, giá theo cơ chế thị trường, giá của chủ đầu tư... Tuy nhiên, thu hồi đất cho phát triển kinh tế thì lại không được quy định cụ thể trong Hiến pháp. Bà Nương cho rằng, vấn đề này tạo ra những mâu thuẫn lớn, do đó cần phải có quy định chặt chẽ hơn về các căn cứ để thu hồi đất phát triển các dự án về kinh tế.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cơ quan soạn thảo chủ động nắm bắt chủ trương sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để thiết kế các quy định của dự án Luật phù hợp với Hiến pháp (sửa đổi) và vẫn giữ đúng tiến độ, thời gian thông qua dự án Luật, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của cử tri cả nước.

Trong buổi làm việc chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Xuất bản (sửa đổi). Hôm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp, cho ý kiến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân với các quyết định hành chính về đất đai và dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)./.


Theo (vov.vn)-L.T

UBTV Quốc hội thảo luận dự án Luật đất đai sửa đổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO