UNESCO xét hồ sơ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương
Từ ngày 3 đến 7-12, Phiên họp lần thứ 7 Ủy ban liên chính phủ của Công ước 2003 về bảo tồn văn hóa phi vật thể được diễn ra. Theo lịch trình vào ngày 5-12, phiên họp sẽ xét danh sách các đề cử di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của nhân loại, trong đó có hồ sơ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
Từ ngày 3 đến 7-12, Phiên họp lần thứ 7 Ủy ban liên chính phủ của Công ước 2003 về bảo tồn văn hóa phi vật thể được diễn ra. Theo lịch trình vào ngày 5-12, phiên họp sẽ xét danh sách các đề cử di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của nhân loại, trong đó có hồ sơ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, Việt Nam có nhiều cơ sở để chờ đón tin vui có thêm một di sản văn hóa quý báu và độc đáo được thế giới công nhận.
Hồ sơ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của Việt Nam trình lên UNESCO nêu rõ giá trị của di sản là thể hiện lòng tôn kính với tổ tiên.
Nội dung làm việc được chú ý nhiều nhất trong phiên họp lần này của Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 là xét duyệt hai danh sách các đề cử di sản văn hóa phi vật thể. Một là danh sách các di sản cần bảo vệ khẩn cấp (năm nay có 7 đề cử). Danh sách thứ hai là các di sản văn hóa phi vật thể có tính tiêu biểu đại diện của nhân loại gồm 37 hồ sơ đề cử, trong đó có hồ sơ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Việt Nam. Theo lịch trình, vào tối 5-12 (giờ Việt Nam), Ủy ban liên chính phủ sẽ công bố kết quả xét duyệt hai danh sách này.
Bà Cécile Duvelle, Trưởng Ban Thư ký của Công ước cho biết, lần này hồ sơ của Việt Nam được chuẩn bị tốt và nêu bật thành tựu trong bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể.
“Việt Nam đã rất tích cực từ lâu và năm nay đến lượt Việt Nam cho thế giới thấy những gì các bạn đã làm, những nỗ lực tổng thể, hoạt động của các Ủy ban, các viện bảo tồn. Rõ ràng, Việt Nam là một hình mẫu cho thấy không phải là quốc gia giàu có nhất mới đưa ra được những biện pháp bảo tồn tốt nhất. Hồ sơ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được làm rất tốt” - Bà Cécile Duvelle cho biết.
Còn Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO ông Dương Văn Quảng, cho biết: “Điều thú vị ở chỗ, đây là di sản, nhưng đôi khi chúng ta không có nhận thức hết, chưa hình dung được, nhất là văn hóa phi vật thể. Ví dụ tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng là di sản văn hóa chứ không phải là di tích”.
Cũng theo Đại sứ Dương Văn Quảng, có 5 tiêu chí quan trọng mà một hồ sơ phải đáp ứng đủ cả 5 thì mới có thể được UNESCO công nhận là một di sản văn hóa phi vật thể có tính tiêu biểu đại diện của nhân loại. Trong đó, đáng chú ý, di sản phải làm bật một giá trị mang tính toàn cầu, và phải khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó.
Hồ sơ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của Việt Nam trình lên UNESCO nêu rõ giá trị của di sản là thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên, theo tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”. Việc công nhận hồ sơ sẽ giúp khích lệ nhận thức về lòng biết ơn tổ tiên ở nhiều quốc gia trên thế giới cũng như nhận thức chung về tôn trọng đa dạng văn hóa trong cộng đồng.
Theo (QĐND)-LC