Ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp

11/07/2015 12:11

(Baonghean) - Những năm qua, công nghệ sinh học được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất giống cây, con bằng công nghệ lai tạo, công nghệ mô hom, sản xuất phân hữu cơ vi sinh trong nông nghiệp. Nhờ đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi và bảo vệ môi trường.

Tăng năng suất, giảm chi phí

Một trong những chính sách quan trọng để thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KHCN, trong đó có công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp. Xác định được tầm quan trọng đó, thời gian qua, Sở NN&PTNT đã nghiên cứu xây dựng các mô hình kỹ thuật cao trong trồng trọt như thâm canh lúa cải tiến SRI ở Nghi Lộc, Quỳ Hợp, năng suất đạt từ 15 - 20%, các mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP, tăng thu nhập từ 20 - 60%, đạt 50 - 110 triệu đồng/ha/vụ như mô hình trồng dưa chuột tại xã Xuân Lâm (Nam Đàn), bí xanh và cà chua tại xã Thuận Sơn (Đô Lương), sản xuất hoa cúc bằng giống sạch bệnh qua phương pháp nuôi cấy mô tế bào tại 4 xã của Thành phố Vinh...

Các doanh nghiệp, các đơn vị thực hiện nhiều dự án ứng dụng các công nghệ sinh học, công nghệ enzim, công nghệ nuôi cây mô tế bào, công nghệ lai ghép... vào trong các lĩnh vực chế biến, nông lâm, thủy, hải sản, nhằm sản xuất một số giống cây con như lúa, ngô, lạc, chè, mía và bò sữa. Các sản phẩm chế biến như chè, bia, sữa, đường và sản phẩm mới như nấm ăn bước đầu đáp ứng nhu cầu thị trường.

Nuôi cấy mô tế bào giống chuối tiêu hồng tại Trạm Giống cây trồng công nghệ cao - Trung tâm Giống cây trồng Nghệ An.
Nuôi cấy mô tế bào giống chuối tiêu hồng tại Trạm Giống cây trồng công nghệ cao - Trung tâm Giống cây trồng Nghệ An.

Có thể kể đến một số ứng dụng công nghệ sinh học khác nữa đang cho hiệu quả như nghiên cứu, tiếp nhận và làm chủ công nghệ sản xuất chế phẩm sinh học Compost Maker để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phế phụ phẩm nông nghiệp; biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM đang được triển khai rộng khắp mang lại hiệu quả lớn, giảm đáng kể lượng thuốc trừ sâu, hướng tới một nền nông nghiệp sạch. Nghiên cứu và hoàn thiện công nghệ sản xuất và sử dụng chế phẩm vi sinh vật (Biogreen) phân hủy tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, sản xuất và ứng dụng chế phẩm sinh học Bioem xử lý chất thải chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Chị Nguyễn Thị Liên ở xã Minh Thành (Yên Thành) cho biết: Sau khi nhân giống chuối tiêu hồng của Trung tâm Giống cây trồng Nghệ An, năm 2013 gia đình tôi trồng thử theo mô hình. Sau 1 năm trồng, thấy giống chuối này cho quả to, sinh trưởng phát triển tốt, sạch bệnh, hiệu quả gấp 4 - 5 lần trồng lúa. Hiện nay, giống chuối tiêu hồng đang được sản xuất mô hình tại xã Đại Sơn (Đô Lương), Minh Thành (Yên Thành), Kỳ Tân (Tân Kỳ)... Các giống cây lâm nghiệp như keo lai, bạch đàn bằng phương pháp cấy mô ban đầu cho hiệu quả cao hơn so với các phương pháp nhân giống khác, rút ngắn thời gian sinh trưởng. Trong khi phương pháp nhân hom, ươm hạt 7 - 8 năm mới cho thu hoạch nhưng phương pháp mới chỉ khoảng 5 năm. Hiện nay phương pháp cấy mô đã được ứng dụng rộng rãi ở tất cả các huyện có rừng. Công nghệ sinh học cũng được áp dụng trong công tác tuyển chọn giống cây trồng.

Trong những năm qua, trung tâm đã tuyển chọn được một số giống lúa mới ngắn ngày, năng suất cao, phù hợp điều kiện khí hậu Nghệ An được nông dân ưa chuộng như giống lúa lai Kinh sở ưu 1558, giống lúa thuần SL9, TH 17... Điển hình như giống lúa Khang dân cải tiến có thời gian sinh trưởng ngắn từ 85 - 87 ngày, vụ hè thu rất thích hợp cho vùng chạy lụt. Ông Lê Hữu Bắc, Phó Giám đốc trung tâm cho biết: “Hàng năm ở Nghệ An có khoảng 20.000 ha trong diện chạy lụt nên việc nghiên cứu, đưa vào sản xuất giống lúa ngắn ngày là rất cần thiết. Giống lúa này có đặc điểm như Khang dân 18, cho năng suất tương đương nhưng chất lượng gạo ngon, thơm dẻo do hoạt chất amylose thấp, từ 19-20%. Tuy nhiên, đặc tính kháng rầy đang được trung tâm tiếp tục đánh giá”.

Ngoài ra, Trung tâm giống cây trồng cũng đang tiến hành khảo nghiệm, đánh giá một số giống chè chịu hạn như PH8, PH 9, Thúy Ngọc, ngô nếp... trong đợt nắng hạn vừa qua, hơn 1 ha chè thử nghiệm trồng tại Long Sơn (Anh Sơn) tỷ lệ chết do hạn chỉ 10%.

Nâng nhận thức về ứng dụng công nghệ sinh học

Thời gian qua, ý thức được vai trò của công nghệ sinh học, một số dự án quy mô lớn đã bắt đầu triển khai như trồng và chế biến chuối theo công nghệ nuôi cây mô tại xã Viên Thành (Yên Thành) với quy mô 200 ha, nay đã trồng được 60 ha chuối và xuất khẩu được gần 200 tấn chuối quả sang Hàn Quốc, mô hình sản xuất, nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ nấm ăn và nấm dược liệu tại huyện Tân Kỳ, sản xuất giống chanh leo, giống gấc bằng nuôi cấy mô của Công ty CP thực phẩm Nghệ An tại Quế Phong, sản xuất rau, củ, quả và hoa xuất khẩu trong nhà kính tại huyện Nghĩa Đàn do Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm làm chủ đầu tư...

Riêng về dự án này, hiện nay doanh nghiệp đã hoàn thành 4 ha nhà kính và triển khai sản xuất các loại cây trồng có giá trị cao, dễ bị rủi ro trong điều kiện ngoài trời như dưa vàng, cà chua cumato, ớt ngọt và gieo ươm thử một số loại hoa, cây ăn quả khác. Công ty đang trồng 15 ha rau trên cánh đồng, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Trường Đại học Vinh cũng có Công trình Trichodecma đang được chuyển giao cho Công ty vật tư nông nghiệp Nghệ An để sản xuất chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh trên cây lạc, sẽ mở rộng nghiên cứu trên nhiều loại cây rau, củ khác giúp nông dân phòng trừ sâu bệnh hiệu quả, không phải dùng thuốc trừ sâu, đề tài khai thác và phát triển nguồn gen cá chuối hoa, cá lóc đen, cá ngạnh ở Bắc Trung bộ đang chuyển giao công nghệ nuôi thương phẩm nhằm khai thác phát triển nguồn gen 3 loài cá bản địa trên phục vụ phát triển nuôi trồng thủy sản....

Ông Hoàng Nghĩa Nhạc, Trưởng phòng quản lý khoa học - Sở KHCN cho biết: “Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 50 - CT/TW, việc phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học vào các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, ngày càng được ứng dụng rộng rãi và có hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, việc phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất và đời sống vẫn chưa tương xứng với các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Một số ngành, doanh nghiệp và người dân vẫn chưa nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ sinh học”.

Ông Nguyễn Văn Lập, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Việc ứng dụng công nghệ sinh học đang tập trung vào “lượng” là chủ yếu, chưa quan tâm đến “chất”, chưa sát với nhu cầu của người tiêu dùng, với thị trường. Chính vì thế, chất lượng một số sản phẩm chưa cao, chưa tạo được thương hiệu mạnh đối với những nông sản chính như chè, cà phê,... nên thiếu tính cạnh tranh. Một số sản phẩm như lợn siêu nạc, gà sinh học... chưa được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn sử dụng. Đó là những hạn chế mà ngành sẽ tiếp tục nghiên cứu, đưa ra những giải pháp khắc phục để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp trong thời gian tới.

Thu Huyền

Mới nhất

x
Ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO