Ứng dụng men vi sinh chế biến thức ăn chăn nuôi

04/05/2015 17:35

(Baonghean) - Qua khảo sát thực tế cho thấy những năm gần đây, các gia đình, trang trại chăn nuôi đang có xu hướng sử dụng 100% thức ăn hỗn hợp trong chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Kết quả đó phản ánh những tiến bộ đáng mừng của ngành chế biến thức ăn trong chăn nuôi. Nhưng do giá thức ăn gia súc còn quá cao nên một nghịch lý là người chăn nuôi càng sử dụng nhiều thức ăn công nghiệp thì lợi nhuận càng thấp và nhiều khi còn thua lỗ, trong khí đó yếu tố tích cực nhất có thể giúp cho nông dân giảm chi phí tối đa và có lợi nhuận cao nhất đó là khai thác (mua tại chỗ), tận dụng (của gia đình) nguồn nguyên liệu có sẵn để chế biến thức ăn.

Chế biến thức ăn gia súc ở xã Nghi Lâm (Nghi Lộc).
Chế biến thức ăn gia súc ở xã Nghi Lâm (Nghi Lộc).

Hiện nay, Chính phủ và các địa phương đã có nhiều chính sách đối với các doanh nghiệp chế biến thức ăn gia súc nhằm giảm giá đầu vào để giảm giá thức ăn chăn nuôi. Thế nhưng, nhìn chung giá thức ăn gia súc vẫn cao trong khi đó, giá đầu ra của sản phẩm thịt như hiện nay thì người chăn nuôi vẫn khó có lợi nhuận. Đây có lẽ là nguyên nhân lớn nhất làm cho người chăn nuôi hạn chế việc nhân đàn và không ít hộ chăn nuôi đã bỏ nghề (nhất là đối với chăn nuôi lợn). Thực trạng này nếu không được các ngành, các cấp, các doanh nghiệp chế biến thức ăn nhìn nhận để tìm giải pháp khắc phục, chia sẻ thì ngành chăn nuôi sẽ không đạt được mục tiêu phát triển và ngành chế biến thức ăn gia súc cũng khó có được thị trường ổn định.

Từ thực tế trên, gần đây một số cơ quan nghiên cứu, chuyển giao mô hình... khuyến cáo người chăn nuôi áp dụng một số phương pháp chế biến, phối trộn nguyên liệu trong khẩu phần thức ăn trong chăn nuôi hiệu quả, đảm bảo cho nguời chăn nuôi có lãi.

Ở tỉnh Nghệ An, được sự đồng ý của Sở Khoa học và Công nghệ, nhóm nghiên cứu đề tài khoa học cấp tỉnh về: "Ứng dụng công nghệ vi sinh trong chế biến và bảo quản thức ăn chăn nuôi (trâu, bò, lợn) từ cây ngô trên địa bàn Nghệ An" đã xây dựng một số mô hình khảo nghiệm ở một số địa phương (điểm chính ở xã Thanh Ngọc, huyện Thanh Chương). Thông qua các kết quả đạt được từ các mô hình, xin giới thiệu một vài phương pháp phối trộn thức ăn có hiệu quả trong chăn nuôi hiện nay như sau:

Khai thác, sử dụng khoảng 70% nguyên liệu tại chỗ chế biến ủ men phối trộn với khoảng 30% thức ăn đậm đặc công nghiệp. Trong thực tế, hàng ngày, nhiều loại sản phẩm, phụ phẩm trong nông nghiệp sau thu hoạch nếu gặp thời tiết không thuận lợi, không phơi sấy được sẽ bị hỏng và là lãng phí rất lớn. Nhưng nếu thông qua công nghệ men vi sinh thì những nguyên liệu đó có thể đưa vào chế biến và bảo quản thì có thể sử dụng đến cả năm. Cách làm cụ thể như sau:

Các loại sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch có thể dùng làm nguyên liệu chế biến làm thức ăn chăn nuôi của gia đình hoặc mua tại các chợ nông thôn, như củ quả (ngô, sắn khoai...), rau các loại... (kể cả lá sắn...), đảm bảo chất lượng không bị mốc, hấp hơi hoặc có mùi lạ đem rửa sạch; từng loại nguyên liệu đó đem băm nhỏ (tuỳ theo quy mô có thể dùng máy để băm, thái); sau đó dùng các chủng của men vi sinh (Super Bio) trộn đều theo tỷ lệ khoảng 1-10 đóng vào bao nilon hút hết không khí trong bao, buộc chặt để vào kho hoặc nơi khô ráo sau 7-10 ngày đưa ra làm thức ăn cho chăn nuôi.

Tuỳ khả năng về nguồn nguyên liệu tại chỗ để xác định mức phối trộn, nhưng tốt nhất là dùng khoảng 70% hỗn hợp các loại thức ăn đã ủ lên men trộn với khoảng 30% thức ăn đậm đặc công nghiệp để làm khẩu phần cho gia súc ăn. Thức ăn đậm đặc do các nhà máy chế biến thức ăn gia súc cung cấp; thức ăn gồm các loại nguyên liệu tại chỗ đã chế biến ủ men do người chăn nuôi tự phối trộn để tạo ra hỗn hợp thức ăn càng nhiều loại càng tốt. Đối với chủng của men vi sinh (Super Bio) chỉ cần mua 1kg (đã có bán tại các xã thực hiện mô hình), làm theo quy trình trên, người chăn nuôi nhân được 10kg và từ đó có thể tự sản xuất để sử dụng theo nhu cầu.

Với cách làm như trên, bà con có thể khai thác tối đa nguồn nguyên liệu tại chỗ để phối trộn làm thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên có thể tuỳ theo điều kiện và khả năng khai thác, tận dụng nguyên liệu tại chỗ mà bà con có thể quyết định tỷ lệ phối trộn, có thể sử dụng đến 100% thức ăn ủ men đã phối trộn tại chỗ cho gia súc ăn và cũng có thể với tỷ lệ 50 - 50... nhưng chắc chắn nếu tỷ lệ phối trộn thức ăn tự chế càng cao thì khả năng cân đối về dinh dưỡng, khoáng chất trong khẩu phần thức ăn càng hạn chế. Vì vậy, bà con nên sử dụng một tỷ lệ thức ăn đậm đặc sản xuất công nghiệp, sau đó phối trộn một số loại thức ăn ủ men tự sản xuất (như hướng dẫn trên), bảo đảm sẽ tạo ra một hỗn hợp vừa rẻ, chất lượng tốt, vừa sử dụng được các thức ăn sẵn có của gia đình.

Nguyễn Văn Thắng

GĐ Nhà máy TĂGS Con Heo Vàng

Mới nhất

x
Ứng dụng men vi sinh chế biến thức ăn chăn nuôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO