Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ trong ngành thủy sản

22/08/2011 10:46

                      Thu hoạch tôm thẻ chân trắng ở Quỳnh Lưu .

Với lợi thế bờ biển dài, nhiều sông hồ, đầm lầy, diện tích mặt nước lớn nên thuỷ sản là một trong những thế mạnh của tỉnh Nghệ An. Để phát huy hơn nữa tiềm năng đó, trong những năm gần đây, công nghệ cao trong ngành Thủy sản đã từng bước được ứng dụng vào thực tiễn và thu được một số kết quả lớn.

Nghệ An hiện có 4.301 chiếc tàu, trong đó tàu có 99 chiếc công suất trên 400CV khai thác hải sản xa bờ được trang bị đầy đủ máy móc thiết bị hiện đại như bộ đàm, định vị, máy dò... Đặc biệt, tại xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) đã thử nghiệm với chiếc máy dò ngang có thể phát hiện đàn cá với đường kính khoảng 800 mét, cao gần 10 lần so với máy dò đứng. Nhiều mô hình có hiệu quả đánh bắt cao, chi phí ít, cho thu nhập cao được xây dựng như mô hình "lưới rê đánh cá thu, cá ngừ"; ứng dụng "máy tời thu lưới vây". Nghề khai thác hải sản chuyển biến nhanh theo hướng ra khơi, tăng cơ cấu sản phẩm có giá trị xuất khẩu, đổi mới và ứng dụng khoa học nên sản phẩm được bảo quản tốt hơn và có giá trị hơn. Song song với việc khai thác thì bảo vệ nguồn lợi thủy sản là hết sức cần thiết. Tỉnh đã tổ chức và vận động ngư dân thả chà, rạo, rạn nhân tạo, thả tôm, cá giống ra biển; đồng thời bảo vệ các bãi sinh sản, chỉ đạo ngư dân khai thác đúng mùa vụ, phòng ngừa dịch bệnh trong nuôi trồng thuỷ sản; tăng cường tuyên truyền trong nhân dân, phát động "Toàn dân tham gia bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản", hàng năm tổ chức tập huấn cho ngư dân về an toàn nghề cá.




Thu hoạch tôm thẻ chân trắng ở Quỳnh Lưu .
Ảnh: Công Sáng

Trong nuôi trồng thủy sản, việc ứng dụng công nghệ cao đã có sự chuyển biến đáng kể. Đó là sự đa dạng của đối tượng nuôi, hình thức nuôi, mở ra một hướng đi mới cho ngành nuôi trồng thuỷ sản. Một số loài có giá trị kinh tế được tập trung đưa vào nuôi, thay thế dần loài kém hiệu quả như cá diêu hồng, rô phi đơn tính, nuôi cá chình, tôm càng xanh, cua, ngao bãi triều, cá dò, cá tra...

Nắm bắt được sự tăng trưởng mạnh trong nuôi trồng thuỷ sản, các công ty, trạm, trại sản xuất giống thuỷ, hải sản trên địa bàn Nghệ An đã kịp thời nâng công suất sản xuất, ương các loại giống con cung cấp cho chủ hộ nuôi. Hàng năm, lượng cá bột sản xuất trên 400 triệu con, chủ yếu là các loài: trắm cỏ, chép, cá mè trắng, rô phi đơn tính. Đặc biệt, tỉnh ta đã hoàn thiện và chuyển giao được công nghệ sản xuất giống cá rô phi đơn tính, cá vược. Hiện nay, Nghệ An là tỉnh Bắc Trung bộ duy nhất đi đầu trong sản xuất giống cá vược để cung cấp đủ giống cho các vùng nuôi cá vược thương phẩm trong tỉnh và các tỉnh khác. Về giống nuôi trồng mặn lợ, điển hình năm 2010, Nghệ An đã làm chủ KHCN và cung cấp đủ 100% giống tôm he chân trắng và 70% giống tôm sú cho các địa phương cũng như xuất cho các tỉnh phía Bắc

Ngoài ra, ở Nghệ An đã xuất hiện nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình có mô hình "Nuôi cá lóc đen cao sản", mô hình "Nuôi cá diêu hồng thương phẩm trong trong ao đất", mô hình "Nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa" mô hình "Nuôi cá Hồi ở Kỳ Sơn" đã tạo ra hướng đi mới cho ngành Thủy sản. Trong đó mô hình "Nuôi cá Hồi ở Kỳ Sơn" là một trong những thành công lớn cho ngành Thủy sản tỉnh nhà. Mặc dù yêu cầu kỹ thuật nuôi nghiêm ngặt, nhiệt độ phải phù hợp nhưng ngành Thủy sản đã tiếp thu kỹ thuật, công nghệ nuôi cá hồi và đã nuôi thành công tại Kỳ Sơn mở ra cơ hội mới để phát triển kinh tế ở những xã vùng cao.

Một thành công lớn trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản phải kể đến đó là việc nghiên cứu và sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng bệnh và cải thiện môi trường. Chế phẩm Lymmozyme và WSR là hỗn hợp pha trộn các vi sinh ưu khí và kỵ khí thiên nhiên, enzyme và dinh dưỡng vi lượng. Chúng có chức năng làm tăng tốc quá trình phân hủy chất thải hữu cơ dư thừa trong ao nuôi, ức chế khả năng phát triển của vi khuẩn không có lợi cho môi trường bằng cách cạnh tranh loại trừ các vi khuẩn không có lợi và cải thiện chất lượng nước. Phân sinh học WEGH dùng để gây màu nước ao nuôi, làm cho pH của ao tăng. Tác dụng của việc gây màu nước là tạo điều kiện cho phiêu sinh vật phát triển, giảm độ trong của nước, che bớt ánh sáng, hạn chế sự phát triển của các loại rong, tảo đáy ao, giảm sự dao động của nhiệt độ nước, tăng oxy trong nước ao. Phân sinh học WEGH còn có tác dụng làm sạch ao, do sự tăng nhanh của các vi khuẩn có lợi trong nước ao, chúng chuyển hóa các chất khó tiêu thành các chất dễ tiêu giúp tảo phát triển. Việc sử dụng chế phẩm sinh học định kỳ giúp người nuôi giảm chi phí sản xuất, vì hộ nuôi trồng giảm chu kỳ thay nước, giảm chi phí sử dụng các hóa chất phòng trị bệnh và chi phí hóa chất cải thiện môi trường.

Cùng với việc mở rộng diện tích và hình thức nuôi trồng thuỷ sản, thời gian qua công tác chế biến đang được ngành Thuỷ sản tỉnh Nghệ An chú trọng đầu tư. Các mặt hàng truyền thống như nước mắm, mắm tôm-cá, mắm tôm chua nguyên con, tôm nõn sấy khô, cá tẩm gia vị, cá ướp muối xuất khẩu, chả cá... từng bước khẳng định trên thị trường về chất lượng cũng như giá cả. Việc xây dựng thương hiệu sản phẩm cũng đã được các cơ sở chế biến quan tâm. Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp đều xây dựng và đăng ký thương hiệu sản phẩm. Nhiều cơ sở chế biến đầu tư nâng cấp mở rộng mặt bằng sản xuất, đa dạng hoá sản phẩm và trang thiết bị.

Sự phát triển của ngành Thủy sản phụ thuộc vào nhiều yếu tố về tự nhiên và con người... Trong đó, yếu tố quyết định nhiều nhất vẫn là việc ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực này. Có thể nói, nhờ ứng dụng công nghệ cao, các tiến bộ khoa học kỹ thuật mà ngành Thủy sản Nghệ An có nhiều biến chuyển mạnh, tạo ra hoạt động sản xuất có hiệu quả kinh tế cao, đem lại thu nhập và việc làm cho đông đảo người dân nông thôn. Thủy sản Nghệ An ngày càng khẳng định là một trong những ngành chủ lực của nông nghiệp tỉnh nhà.


Trung tâm ƯDTBKHCN

Mới nhất

x
Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ trong ngành thủy sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO