Ứng phó với “bão giá” điện, xăng

(Baonghean) - Trong vòng chưa đầy 2 tuần, có tới hai lần điều chỉnh giá đối với 2 mặt hàng thiết yếu: điện và xăng. Theo đó, giá các loại vật tư, thiết bị khác cũng leo thang. Điều này tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, khiến nhiều doanh nghiệp lao đao.

Từ doanh nghiệp (DN) lớn, đến các tiểu thương đều chung nỗi lo hàng hóa tăng giá, trong khi sức mua yếu kéo dài. Chi phí sản xuất bị đội lên, trong khi giá sản phẩm đầu ra khó mà tăng thêm do đơn hàng sụt giảm, các DN, nhà sản xuất lo sụt giảm doanh thu vì không có khách hàng, mất thị trường...

Theo ông Lê Xuân Đạt - Giám đốc Nhà máy gạch Granite Trung Đô: Ngành nghề chính của công ty là sản xuất gạch ốp lát và ngói đất sét nung. Doanh số sản xuất bình quân mỗi năm đạt hơn 2.000 m2 gạch granite và 2.034 viên ngói. Nếu dây chuyền sản xuất của công ty chạy hết công suất, với tiền điện bình quân mỗi tháng hết khoảng 7 tỷ đồng thì sau khi điện tăng giá, tiền điện mỗi tháng đã đội lên gần 500 triệu đồng.

Đóng gói sản phẩm ở Nhà máy gạch Granite Trung Đô.

Ngoài ra, nhà máy còn phải sử dụng khoảng 3.000 tấn than/tháng để phục vụ đốt lò nung. Với mức giá tăng hơn 30% từ tháng 3/2013, chi phí đầu vào đã "đội" từ 4 tỷ lên 4,4 tỷ đồng. Chưa kể phí vận chuyển đều đã tăng đáng kể, bởi nguyên vật liệu đầu vào chủ yếu phải mua từ các tỉnh phía Bắc và thị trường tiêu thụ sản phẩm của công ty ở khắp các tỉnh trong cả nước, tăng lên 10 - 15%. Giá nguyên liệu tăng đồng loạt cùng một lúc, đã đội chi phí đầu vào của công ty tăng thêm hàng tỷ đồng mỗi tháng.

Những con số không nhỏ trên là “lực cản” khiến sản xuất, kinh doanh khó để có lãi. Các giải pháp nhằm tiết giảm chi phí đầu vào như: sắp xếp bố trí hợp lý dây chuyền sản xuất; cải tiến công nghệ, phương tiện, kỹ thuật nhằm tiết kiệm tối đa nguồn tiêu hao nhiên liệu để bù vào khoản đội chi phí trên đang là bài toán khó của công ty. Trong khi đó, để cạnh tranh, giữ ổn định thị trường, đảm bảo cơ chế ưu đãi với khách hàng truyền thống, công ty không thể tăng giá bán sản phẩm.

Sau nhiều lần liên tiếp tăng giá, hiện tại ở TP Vinh giá xăng A92 là 25.060 đồng/lít; dầu diesel 0,05S giá 22.650 đồng/lít... Những chỉ số về giá cả này đã khiến các DN kinh doanh vận tải gặp nhiều khó khăn. Dù vậy, chủ trương của các DN là cố gắng cầm cự, chưa tăng giá cước trong thời điểm này. Lý do mà các DN đưa ra là việc xăng, dầu tăng giá thời gian qua đã kéo nhiều mặt hàng khác tăng theo, người tiêu dùng đã phải "thắt lưng buộc bụng " nên doanh thu từ dịch vụ vận tải hành khách cũng giảm mạnh. Tăng giá cước vào thời điểm này sẽ ảnh hưởng lớn đến việc thu hút hành khách đi xe.

Ông Phan Hữu Mân - Chủ nhiệm HTX vận tải Bình Minh (TP.Vinh) cho biết: HTX có hơn 120 đầu xe khách chạy trong, ngoài tỉnh. Trong đó xe chạy tuyến Vinh- Sài Gòn 20 chiếc; 15 xe chạy Vinh - Hà Nội/ngày, gần 80 xe chạy các tuyến trong tỉnh và một số tỉnh khác. Trước đây, khi giá xăng hơn 22.000 đồng/lít thì một chiếc xe khách chạy tuyến Vinh - Hà Nội và chiều ngược lại tiêu hao hết khoảng 5,3 triệu đồng tiền xăng, bây giờ cũng chạy chặng đường đó chi phí nhiên liệu đã đẩy lên 5,9 triệu đồng. Đầu tư mua mỗi chiếc xe giường nằm hết gần 4 tỷ đồng. Mỗi xe có 37 giường nằm, thông thường chỉ đạt 70% số khách.

Tính từ tháng 6 tới nay, giá xăng, dầu đã 3 lần điều chỉnh tăng, dù biên độ mỗi lần tăng không nhiều từ 370 đồng đến 460 đồng/lít xăng, nhưng tổng cộng lại trong hơn 1 tháng đã tăng thêm 1.250 đồng/lít. Trước đó, là phí bảo trì đường bộ, giờ "gánh" thêm giá xăng liên tục tăng, chắc chắn lợi nhuận sẽ giảm rất nhiều. Tuy nhiên, tăng phí dịch vụ vào thời điểm này là khá rủi ro, nên chúng tôi quyết định không tăng giá để giữ ổn định lượng khách hàng".

Mặc dù xăng tăng giá, song các hãng xe taxi đang hoạt động trên địa bàn TP. Vinh cơ bản vẫn đang giữ ổn định giá cước. Tuy nhiên, đối với các hãng taxi thì phần thiệt thòi (do xăng tăng giá) lại không nằm ở phía các chủ doanh nghiệp mà là ở cánh lái xe.

Anh Nguyễn Văn Phong- một tài xế của hãng taxi Vạn Xuân cho biết: Xăng tăng giá được 1 tháng nhưng hãng vẫn chưa điều chỉnh giá cước, lý do là xăng tăng không đáng kể. Tuy nhiên, nếu tính cả 3 lần xăng tăng giá liên tiếp gần đây thì mỗi tháng chúng tôi cũng mất gần 600.000 đồng. Xăng tăng giá chỉ có cánh tài xế là thiệt thòi hơn cả, vì tiền kết nối bộ đàm, tiền phần trăm hàng tháng vẫn phải nộp đủ cho công ty...".

Cùng chung nỗi niềm, anh Nguyễn Văn Hội - lái xe chở vật liệu xây dựng cho hay: Chi phí đầu tư, giá phụ kiện cao, chúng tôi luôn phải đầu tư nâng cấp sửa chữa xe, để có xe chất lượng tốt mới cạnh tranh được với các nhà xe khác. Việc xăng tăng giá "nhỏ giọt" khó mà được tăng giá cước, mặc dù đối với những xe tải cỡ lớn, trung bình một ngày "uống" từ 50- 70 lít dầu diezel, thì việc tăng giá dầu là chi phí không nhỏ... Nếu giá xăng không có khả năng giảm, thì chắc chắn phải tính tới việc tăng giá cước.

Dệt may là ngành sản xuất chủ yếu gia công là chính, nên giá cả nguyên, vật liệu và chi phí sản xuất đồng loạt tăng đã gây không ít khó khăn cho DN. Một chủ doanh nghiệp may ở khu công nghiệp Bắc Vinh cho biết, có những sản phẩm của DN này là nguyên liệu của DN kia, khi xăng, điện tăng giá, gây ra tác động tăng dây chuyền, chứ không phải tăng đơn lẻ theo từng ngành hàng nữa. Trước những thách thức này, các DN phải chấp nhận mức lãi thấp nhất, để trang trải thêm các khoản chi phí. Quan trọng nhất là làm sao duy trì được hoạt động sản xuất, để công nhân có việc làm, đời sống của họ được đảm bảo. Trong khi đó, DN may thường ký kết các đơn hàng sản xuất với các đối tác nước ngoài ngay từ đầu năm, hoặc từ  năm trước, nên không thể đàm phán, thay đổi đơn giá được.

Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa - Thể Thao và Du lịch ) phát động chương trình kích cầu du lịch, các DN lữ hành và các địa phương rất ủng hộ tham gia. Nhưng việc tăng giá xăng, dầu, điện thời gian qua, khiến các DN lữ hành đứng ngồi không yên. Bài toán đặt ra là phải điều chỉnh giá tour hợp lý mà vẫn giữ được du khách.

Ông Lê Quang Hưng - Phó Giám đốc Công ty Du lịch Tầm nhìn Việt (Viet Vision Travel) cho rằng: Chi phí vận chuyển chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu giá thành của một chương trình du lịch. Đối với tour có sử dụng máy bay và ôtô, chi phí này chiếm khoảng 40 - 50%, thậm chí lên tới 60% giá tour, nếu có chương trình tham quan bằng tàu thuyền. Còn trường hợp chỉ sử dụng đường bộ, chi phí dao động ở mức 20 - 25%.

Tuy nhiên, trong tháng 6 và 7 vừa qua, giá xăng, dầu tăng 3 đợt, đã gây sức ép rất lớn lên các doanh nghiệp vận tải. Thực tế, trong hai lần tăng trước (diễn ra vào ngày 14/6 và ngày 28/6), nhiều DN vận tải chưa tăng giá cước nhưng với lần tăng giá mới vào ngày 17/7, và gần đây nhất là việc tăng giá điện 5% thì nhiều khả năng mọi việc sẽ khác. Vấn đề đáng lo ngại đối với các hãng lữ hành là sự tăng giá của các đơn vị cung ứng dịch vụ sẽ tăng theo giá xăng, dầu, giá điện, nhưng nếu tăng giá tour, thì các DN lữ hành sẽ mất lợi thế cạnh tranh, du khách quốc tế lẫn nội địa sẽ sụt giảm... Trước mắt, các DN lữ hành đều cam kết giữ giá tour, tránh sự tăng giá bất thường, bỏ những chi phí không cần thiết trong chương trình tour, sử dụng hướng dẫn viên tại chỗ để giảm chi phí đi lại, ăn ở... chất lượng bảo đảm theo cam kết với khách hàng. Tuy nhiên, thời gian tới, nếu giá một số dịch vụ cung ứng khác leo thang theo giá điện, xăng dầu, chắc chắn giá tour không thể giữ nguyên như hiện nay...

Những DN trong lĩnh vực dịch vụ như siêu thị, nhà hàng, khách sạn cũng đang đối mặt với nhiều nỗi lo khi chi phí nhiên liệu đầu vào tăng giá. Giá điện tăng nhưng không thể tăng giá sản phẩm vì sức mua trên thị trường đang giảm mạnh. Điều này sẽ tạo thêm áp lực cho các DN trong bài toán tồn tại của mình. Đây không phải là lần đầu tiên các DN đối phó với khó khăn lạm phát, giá cả tăng cao. Những bài học trong thời khủng hoảng kinh tế trước đây đã phần nào giúp DN tìm được cách thích ứng. Vì sự sống còn, các DN luôn xác định đây là khó khăn chung không chỉ của DN mà của cả cộng đồng. Vậy nên, tái cấu trúc về quản lý và đầu tư có hiệu quả, giảm tối đa chi phí không cần thiết, thực hiện tiết kiệm triệt để là giải pháp hữu hiệu của các DN trong cuộc “sinh tồn” chống trả với “bão giá” điện - xăng.

Ngọc Anh

tin mới

Khoai mài, chuối sáp miền Nam 'bén duyên' trên đất Anh Sơn

Khoai mài, chuối sáp miền Nam 'bén duyên' trên đất Anh Sơn

(Baonghean.vn) - Từ sự năng động của lãnh đạo UBND, Hội Phụ nữ xã Thành Sơn (Anh Sơn) xây dựng mô hình chuyển đổi cây trồng, đưa giống cây củ mài và chuối sáp từ miền Nam về trồng tại xã Thành Sơn. Qua 1 năm thử nghiệm, mô hình mang lại thu nhập cao, người dân phấn khởi tiếp tục sản xuất.

Các mẫu xe đời mới hầu hết sử dụng nhiên liệu diesel đạt tiêu chuẩn Euro 5. Ảnh: Văn Trường

Người dùng ô tô ở Nghệ An vất vả tìm dầu diesel đạt chuẩn khí thải Euro 5

(Baonghean.vn) -Theo quy định của Chính phủ, từ ngày 1/1/2022, các mẫu xe ô tô mới bán ra tại thị trường Việt Nam đều phải đạt chuẩn khí thải Euro 5. Tuy nhiên tại địa bàn Nghệ An, số lượng cửa hàng bán xăng, dầu đạt chuẩn Euro 5 hiện vẫn còn rất hạn chế, khiến người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn.

Nghệ An sẽ có khoảng 4.200 ha lúa thiếu nước trong sản xuất vụ hè thu - mùa

Nghệ An sẽ có khoảng 4.200 ha lúa thiếu nước trong sản xuất vụ hè thu - mùa

(Baonghean.vn) - Theo tính toán dựa trên dự báo thời tiết và nguồn nước hiện tại, vụ hè thu - mùa 2024, Nghệ An có trên 4.200 ha lúa có nguy cơ hạn hán, thiếu nước tưới. Chủ động giải pháp chống hạn là nội dung ngành Nông nghiệp và các địa phương cần tập trung thực hiện ngay từ đầu vụ sản xuất.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng thuỷ lợi

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng thuỷ lợi

(Baonghean.vn) - Ngành Nông nghiệp và PTNT đã nỗ lực thu hút các nguồn vốn đầu tư vào hệ thống thuỷ lợi, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp hiện đại, thích ứng biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

Mực nháy

Du khách chen chân mua đặc sản mực nháy tại phố biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Mực nháy là đặc sản nức tiếng tại phố biển Cửa Lò mà bất cứ du khách nào khi trở về cũng đều muốn thưởng thức. Vào mỗi đêm, ánh đèn của tiểu thương hoà lẫn vào ánh đèn đô thị khiến khu chợ mực nháy sáng bừng, tiếng nói cười râm ran cả một vùng...

Xuân Hoàng

Du lịch Tân Kỳ cần cú hích từ giao thông

(Baonghean.vn) - Huyện Tân Kỳ có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng và sinh thái, danh lam thắng cảnh. Tuy nhiên, hiện nay một số tuyến đường giao thông chính trên địa bàn xuống cấp, hoặc có điểm du lịch như cây sanh nghìn tuổi ở xã Giai Xuân chưa được đầu tư làm đường nên dần bị lãng quên.