Ứng phó với biến đổi khí hậu những nỗ lực

22/07/2013 17:56

(Baonghean) - Biến đổi khí hậu mà trước hết là sự nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng là một trong những thách thức lớn nhất của nhân loại trong thế kỷ 21. Theo dự báo, Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Nghệ An cũng vậy, ngay từ bây giờ, mỗi người dân với những hành động nhỏ của mình cũng có thể góp phần vào chống biến đổi khí hậu.

(Baonghean) - Biến đổi khí hậu mà trước hết là sự nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng là một trong những thách thức lớn nhất của nhân loại trong thế kỷ 21. Theo dự báo, Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Nghệ An cũng vậy, ngay từ bây giờ, mỗi người dân với những hành động nhỏ của mình cũng có thể góp phần vào chống biến đổi khí hậu.

Thống kê của Trung tâm Khí tượng thủy văn Bắc Trung bộ cho biết: Trong những năm qua ở Nghệ An đã có những biểu hiện của biến đổi khí hậu: Nhiệt độ trung bình có xu hướng tăng lên, lượng mưa nhiều vùng đã giảm rõ rệt, hạn hán ngày càng trầm trọng hơn, bão lũ cũng khắc nghiệt hơn, nước mặn lấn sâu hơn vào các sông và xuất hiện hiện tượng xâm thực bờ ở một số địa phương ven biển, đất đai nhiều vùng ngày một khô hạn, đa dạng sinh học giảm mạnh, nhiều dịch bệnh mới xuất hiện…

Lượng mưa ở Nghệ An thống kê trong 3 thập kỷ cuối thế kỷ XX có xu thế chung là giảm dần. Trong những năm gần đây, số đợt rét đậm và rét hại có xu thế tăng lên. Năm 2005 và năm 2007, tổng số đợt rét đậm và rét hại lên tới 7 và 6 đợt. Trong khi đó số lượng cơn bão đổ bộ vào Nghệ An lại có xu hướng giảm. Năm 2009: Có 6 đợt lốc xoáy, mưa đá, sét đánh và đợt mưa lũ lớn tháng 9/2009 làm chết 25 người, bị thương 53 người, thiệt hại 444 tỷ đồng. Năm 2010 Nghệ An có 9 đợt lốc xoáy, mưa đá, lũ quét và 1 cơn bão số 3, có 2 đợt lũ là từ 1 đến 5/10 và từ 14- 20/10, gây thiệt hại lớn. Trong đó, cơn bão số 3 có sức gió cấp 10, 11 giật cấp 12, gây mưa lớn. Đợt lũ từ ngày 14- 20/10 làm ngập sâu vùng đồng bằng trong nhiều ngày.

Ngành nông, lâm, ngư nghiệp được dự báo chịu ảnh hưởng rất lớn của biến đổi khí hậu do thiên tai, dịch bệnh phát triển. Để chống biến đổi khí hậu, những năm qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh các dự án trồng rừng như Dự án Kfw4, Dự án trồng rừng Việt – Đức, Dự án Wb 3, Dự án phát triển ngành Lâm nghiệp. Nhờ vậy độ che phủ rừng của Nghệ An cao nhất cả nước (trên 53%).



Triển khai Dự án trồng cây cao su ở xã Thanh Đức (Thanh Chương).

Bên cạnh đó, các hoạt động khoanh nuôi bảo vệ rừng tái sinh, khai hoang, phục hóa đất bạc màu, đất đồi núi ở các huyện Đô Lương, Tân Kỳ, Anh Sơn, trồng rừng ngập mặn chắn sóng ở Diễn Kim, Diễn Vạn (Diễn Châu), Nghi Thiết (Nghi Lộc). Bà con nông dân các huyện đã đưa các ứng dụng mới trong sản xuất, chăn nuôi, các giống cây, con mới để thích ứng với biến đổi khí hậu, các phong trào sản xuất xanh như: Tân Kỳ sản xuất phân vi sinh tại hộ; trồng chè sạch ở Anh Sơn; trồng rau an toàn ở TP Vinh, Quỳnh Lưu. Nhiều dự án bảo vệ môi trường như: trồng rau an toàn theo hướng VietGAP tại Quỳnh Minh, nuôi lợn an toàn sinh học ở xóm 4 (Quỳnh Đôi); mô hình ứng dụng phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM), 3 giảm 3 tăng (ICM), thâm canh lúa cải tiến, mô hình sử dụng nấm xanh Metarhizium trong phòng trừ rầy hại lúa, được triển khai ở nhiều xã trên địa bàn tỉnh.

Trong những năm qua, nhiều công trình thuỷ lợi được đầu tư sửa chữa, khôi phục, nâng cấp và làm mới như hệ thống thủy lợi Bắc, hệ thống thủy lợi Nam, công trình Kẻ Cọc, Khe Nhã, Hồ Sông Sào, Kẽm Ải, Phà Lài, cụm hồ đập Thanh Chương, Đô Lương, Anh Sơn, Yên Thành... Toàn tỉnh đã kiên cố hoá hơn 4.420 km kênh mương, đưa tổng diện tích tưới lên 225.000 ha, trong đó diện tích tưới ổn định 175.000 ha. Công tác tu bổ đê điều và phòng, chống lụt, bão cũng được đầu tư đáng kể. Tuy nhiên, mức đầu tư trong những năm qua cho tu bổ hệ thống thuỷ lợi và đê điều vẫn còn thấp so với yêu cầu, nhiều nơi đã xuống cấp nghiêm trọng...

Chúng ta mặc dù đã rất cố gắng song cũng đang như “muối bỏ biển”, bởi công nghiệp hóa đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới, dẫn đến nhiều thành phố lớn ngột ngạt thiếu cây xanh và không khí. Từng người dân đều có thể tham gia chống biến đổi khí hậu. Tắt đi một ngọn đèn điện không cần thiết, điều hòa nhiệt độ không bật ở mức lạnh quá, giảm sử dụng bao ni lon, dùng thức ăn, thực phẩm hợp lý, tránh lãng phí, mỗi năm trồng thêm một cây xanh, có thái độ tích cực với những hành vi gây ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nước sạch, tiết kiệm xăng, dầu, bảo vệ rừng... tất cả đều là những hành động để chống nhiệt độ không nóng lên quá nhanh, để tài nguyên thiên nhiên không bị cạn kiệt.

Ở TP. Vinh, chúng tôi đã gặp nhiều phụ nữ đưa làn đi chợ để tránh dùng bao ni lông, đã thấy nhiều người dân tham gia trồng cây xanh ở nhà mình, ngày cuối tuần tự nguyện dọn dẹp vệ sinh ngõ xóm phố... Ở Đô Lương, Thanh Chương, có phong trào dọn sạch bao bì chứa thuốc bảo vệ thực vật ở ngoài đồng, ở TX. Cửa Lò, người dân có sáng chế ra sàng cát để nhặt rác trên bãi biển...

Nghệ An cũng đã xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh giai đoạn 2011- 2015 (có tính đến 2020) gắn với kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu của quốc gia. Mục tiêu là đánh giá được mức độ tác động của biến đổi khí hậu đến điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên, sự phát triển của KT-XH, đời sống và sinh kế của nhân dân trên cơ sở các kịch bản biến đổi khí hậu do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố.

Tuy nhiên, nếu không đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức đến cộng đồng, không có sự vào cuộc của các cấp, ngành, của toàn dân, thì sẽ không đạt hiệu quả mong muốn.


Châu Lan

Mới nhất
x
Ứng phó với biến đổi khí hậu những nỗ lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO