Ứng phó với rét đậm, rét hại

10/01/2013 17:39

(Baonghean) Thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài, gây ảnh hưởng bất lợi đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Phóng viên Báo Nghệ An có mặt tại một số địa phương vùng miền núi để phản ánh công tác phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi.

Ông Nguyễn Bá Thức – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tân Kỳ, cho biết: Đợt rét đậm, rét hại có khi xuống 100C gây khó khăn cho bà con nông dân đang giai đoạn đỉnh điểm thu hoạch mía và sắn. Mưa phùn dẫn đến đường sá lầy lội, đi lại khó khăn, tiến độ thu hoạch mía và sắn chậm. Theo báo cáo của Công ty Mía đường Sông Con, đến thời điểm này đơn vị đã thu mua được 110 nghìn tấn mía, tương đương 2 nghìn ha trên tổng số 5.700 ha mía nguyên liệu. Như vậy, còn khoảng 2.700 ha mía nữa mà bà con nông dân phải thu hoạch trong điều kiện thời tiết không thuận lợi.



Cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Tân Kỳ kiểm tra mạ khi thời tiết rét đậm kéo dài.

Về sản xuất vụ xuân, đến thời điểm này, 100% địa phương của Tân Kỳ đã xuống giống và bà con nông dân thực hiện nghiêm công tác giữ ấm cho mạ theo hướng dẫn, chỉ đạo của huyện. Do vậy, toàn huyện chưa có hiện tượng mạ chết do rét. Bên cạnh đó, huyện đã ban hành các văn bản xuống các địa phương chỉ đạo phòng chống rét cho gia súc, như: che chắn chuồng trại, không thả gia súc khi nhiệt độ xuống dưới 160C, đốt lửa hun khói chuồng trại và luôn đảm bảo thức ăn cho gia súc.



Trời rét đậm, gia đình ông Đặng Thanh Long (xã Kỳ Sơn, Tân Kỳ) chăm sóc cho bò. Ảnh: Xuân Hoàng

Tại huyện Con Cuông, trong những ngày qua nền nhiệt dao động từ 14 – 160C. Những ngày này, nông dân trong các bản ở Chi Khê đang ra đồng cày ải. Phải sang tháng 2/2013 toàn xã mới xuống giống vụ xuân. Riêng tại xã Môn Sơn có nhiều diện tích ruộng nước nhất toàn huyện sẽ xuống giống vụ xuân bắt đầu từ 10/1.

Ông Lang Anh Hưng- Trưởng phòng NN&PTNT huyện Con Cuông cho biết, đợt rét này chưa ảnh hưởng nhiều đến tình hình sản xuất của bà con. Chưa có báo cáo về thiệt hại trong đợt rét kéo dài nhất từ đầu mùa này. Tại 2 xã Môn Sơn và Lục Dạ, có 11 học sinh Đan Lai từ bản Thỉn đang ở trong 2 phòng do các giáo viên nhường lại. Thầy hiệu trưởng Lê Văn Từ cho biết: “Tập thể giáo viên nhà trường đã trích lương tháng để mua giường và chăn ấm cho học sinh nội trú. Cho nên về cơ bản, học sinh không thiếu chăn và áo ấm”. Riêng Trường THCS Môn Sơn, nơi có 38 học sinh nội trú đến từ các bản Cò Phạt, Khe Búng ở thượng nguồn sông Giăng, một số ở bản Làng Yên vẫn đang thiếu chăn ấm. Tại đây, mỗi em chỉ có một chiếc vỏ chăn nhung mỏng. Nhiều học sinh không có áo ấm, phải đốt củi sưởi để chống rét.

Theo kinh nghiệm của người dân Con Cuông, năm nay cọ rất sai trái, báo hiệu thời tiết sẽ rất lạnh giá. Tại nhiều nơi bà con đang tích cực cắt cỏ, tích trữ ngọn mía làm thức ăn cho trâu bò trong mùa đông. Thói quen thả rông trâu bò của người dân tại địa phương này cũng đã hạn chế nhiều, nên bà con sẽ chủ động hơn trong việc phòng chống rét cho gia súc.

Còn tại huyện Quế Phong và Quỳ Châu, mặc dù mức độ rét chưa ảnh hưởng lớn đối với sản xuất và đời sống (học sinh các cấp vẫn đi học bình thường, và theo báo cáo nhanh của Phòng Nông nghiệp huyện thì đến thời điểm này, chưa có thiệt hại gì đối với đàn gia súc), nhưng Phòng Nông nghiệp huyện đã tham mưu cho UBND huyện thành lập 3 tổ kiểm tra xuống 3 vùng (trên, dưới và vùng trong) của huyện để chỉ đạo che phủ 100% diện tích mạ; hướng dẫn bà con che chắn chuồng trại trâu bò, dự trữ thức ăn cho gia súc trong chuồng cũng như kiểm tra, bảo vệ đàn gia súc thả rông.

Được biết, Quỳ Châu là một trong những huyện miền núi có tổng đàn gia súc lớn của tỉnh với trên 20 ngàn con trâu, 8.800 con bò, gần 25 ngàn con lợn. Tháng 2 năm 2012, trong đợt dịch tụ huyết trùng huyện có 15 con trâu bò bị chết.

Trước đó, định kỳ mỗi tháng, huyện chỉ đạo Trạm Khuyến nông huyện hướng dẫn và phối hợp với các xã tuyên truyền trên hệ thống phát thanh các thông tin hướng dẫn cho bà con dân bản cách phòng chống rét và dịch bệnh cho gia súc mỗi tháng 2-3 lần. Đồng thời, tranh thủ điều kiện khi thời tiết còn ấm, một số vùng ở Quỳ Châu bà con đã xuống giống sản xuất vụ xuân 2013. Trong đó ,một số xã vùng trong, do chủ động được nước tưới nên bà con đã cấy lúa. Trước tình hình rét còn kéo dài, huyện chỉ đạo các địa phương điều tiết nước tưới hợp lý để giữ ấm cho lúa.

Theo báo cáo mới nhất của Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Quế Phong, mặc dù đã xảy ra hiện tương giá rét nhưng chưa có thiệt hại gì đối với người và vật nuôi. Rút kinh nghiệm các năm trước, ngay từ đầu tháng 12/2012, huyện đã thành lập Ban chỉ chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trong mùa mưa rét; đồng thời ra văn bản quán triệt chỉ đạo UBND các xã chủ động hướng dẫn bà con bảo vệ, dự trữ thức ăn cho gia súc khi có rét đậm, rét hại xảy ra; tổ chức tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh - truyền hình huyện 2 chuyên đề về cách phòng chống rét cho đàn gia súc.


Nhóm PV

Ứng phó với rét đậm, rét hại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO