Ung thư cổ tử cung và cách phòng ngừa, phát hiện
(Baonghean.vn) Theo các nghiên cứu, ở Việt Nam, ung thư cổ tử cung (UTCTC) đứng hàng thứ 2 sau ung thư vú tại Hà Nội và đứng đầu tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Độ tuổi thường gặp nhất là từ 48 - 52 tuổi. Nguyên nhân của bệnh chủ yếu là do virus HPV, chiếm tới 70%, 30% còn lại là do các nguyên nhân khác như có quan hệ tình dục sớm, có nhiều bạn tình, viêm nhiễm bộ phận sinh dục... Với những tiến bộ của y học hiện đại, bệnh này có thể chữa khỏi gần 100% nếu phát hiện sớm. Ở giai đoạn muộn, việc điều trị rất khó khăn và tốn kém. Trên thế giới, cứ 2 phút lại có 1 phụ nữ chết vì UTCTC.
Triệu chứng của bệnh ở giai đoạn sớm thường là ra khí hư hoặc máu bất thường ở âm đạo, rong kinh kéo dài, ra máu sau khi giao hợp, khí hư lẫn máu, có mùi hôi. Đau vùng hạ vị thường ít gặp hơn. Biểu hiện của bệnh ở giai đoạn muộn thường là đau nhiều vùng chậu, chảy nước tiểu hoặc phân qua đường âm đạo, sụt cân, hạch trên đòn, có khi chảy máu âm đạo nhiều, suy thận...
UTCTC có thể phòng ngừa được bằng 2 cách:
- Khám tầm soát định kỳ và tiêm vắcxin để phòng nhiễm các tuýp HPV gây UTCTC.
- Khám tầm soát bằng xét nghiệm tế bào cổ tử cung, được thực hiện nhanh, đơn giản, không đau, có thể phát hiện dấu hiệu sớm của bệnh.
Hiện nay đã có vắcxin phòng ngừa UTCTC, chủ yếu phòng ngừa nhiễm virus HPV gây UTCTC. Theo khuyến cáo của tổ chức y tế thế giới, thời điểm hiệu quả nhất để tiêm phòng ngừa cho bé gái và phụ nữ trẻ là trước khi có quan hệ tình dục. Lịch tiêm: Mỗi người 3 mũi, mũi thứ 2 nhắc lại sau 2 tháng, mũi thứ 3 nhắc lại sau 6 tháng.
Cần nhớ rằng, dù có tiêm phòng vắcxin thì vẫn phải khám tầm soát UTCTC bằng xét nghiệm tế bào cổ tử cung vì chỉ 70% UTCTC là do virus HPV còn có tới 30% là do các nguyên nhân khác.
Thục Phương