Ước mơ ngày trở về

27/06/2015 09:58

(Baonghean) - Đã trở thành hoạt động thường niên, chương trình giao lưu văn hóa - văn nghệ “Ước mơ ngày trở về” do Bộ Công an phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức tại Trại giam số 6 trở thành diễn đàn gửi gắm những thông điệp tốt đẹp của những người lầm lỡ, qua đó, thắp lên ước mơ hoàn lương…

Trong chiếc áo phạm nhân, chị Võ Thị Kiều Thanh (SN 1982) được mời lên sân khấu với tư cách đại diện cho những phạm nhân có thành tích cải tạo xuất sắc năm 2014 của phân trại 3, Trại giam số 6. Sinh ra và lớn lên tại khối 4, phường Lê Lợi (TP. Vinh), nơi được xem là “điểm nóng” về tệ nạn xã hội, Thanh sớm vướng vào lao lý vì tội buôn bán ma túy. Cuối năm 2008, Thanh bị bắt, bị khởi tố và phải nhận bán án 13 năm tù giam vì tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Đến nay, Thanh đã trải qua gần nửa thời gian thụ án.

Chừng đó là quá đủ để người phụ nữ này nhận rõ được sai lầm của mình và quyết tâm làm lại cuộc đời. Thanh tâm sự: “Lúc mới nhập trại, em sốc lắm, mất thăng bằng, cảm thấy bất cần. May mà có cán bộ động viên, định hướng, nếu không em đã buông xuôi mọi thứ”. Nhìn vào đôi mắt ngân ngấn nước của Thanh, chúng tôi hiểu được sự khao khát trở về đến cháy bỏng: “Em chỉ mong khi trở về sẽ được mọi người chấp nhận, giúp đỡ và tìm kiếm được một công việc ổn định để mưu sinh. Em cũng mong bố mẹ và con gái em sẽ tha thứ và sẽ là chỗ dựa vững chắc giúp em hòa nhập, trở thành một người công dân có ích”.

Các thành viên trong buổi giao lưu “Ước mơ ngày trở về”.
Các thành viên trong buổi giao lưu “Ước mơ ngày trở về”.

Sân khấu của chương trình giao lưu như chùng xuống khi nữ phạm nhân Vi Thị Hiền cầm micro, đưa tay lau khóe mắt. Với chất giọng đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái, Hiền kể: Em sinh ra ở bản Na Nhí, xã Mường Nọc, huyện Quế Phong. Gia đình rất nghèo, Hiền kết hôm sớm và lần lượt sinh 3 con vào các năm 2002, 2004 và 2005. Khi Hiền lo lên rẫy nuôi con thì bão ma túy ập đến, chồng của Hiền dính vào cái chết trắng và bị bắt. Hiền làm đơn ly dị, một mình nuôi 3 con nhỏ và mẹ già. Ở bản của Hiền, ngày đó, việc mua bán ma túy dễ như mua kẹo. Không kìm nổi cám dỗ của đồng tiền, Hiền cũng sa chân vào con đường tội lỗi này. Bị bắt vào năm 2012 với bản án 12 năm tù.

Trong 2 năm rưỡi ở trại, các con được bà nội đem về nuôi. Cách đây hơn 1 tháng, bà nội đưa 3 đứa con lên thăm. Gặp nhau trong tù, nhìn các con đen nhẻm, Hiền không nói được câu gì. Chỉ biết cầm tay từng đứa, dặn các con ngoan, cố gắng học và chờ mẹ về. Tuyệt đối đừng sa ngã như bố mẹ. Cô cho biết, dù chặng đường phía trước còn rất dài nhưng cô sẽ tích cực lao động, học nghề để sớm được trở về. “Đêm nào em cũng tự nhủ với lòng mình, khi quay về sẽ cố gắng bù đắp để làm tròn nghĩa vụ của người mẹ mà em đã đánh mất trong suốt thời gian qua. Nhưng em không biết gia đình, họ hàng có bỏ qua cho em có cảm thông với những lỗi lầm mà em đã gây ra?”, lời tâm sự của Hiền khiến nhiều phạm nhân nữ phía dưới đăm chiêu, nhiều người không cầm được nước mắt...

Hiện nay, Trại giam số 6 (Bộ Công an) có trên 4 nghìn phạm nhân đang thụ án. Trong những năm qua, tại Trại giam số 6 cũng thường xuyên diễn ra các chương trình giao lưu văn hóa – văn nghệ nhằm khơi dậy trong các phạm nhân lòng quyết tâm, sự nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, từng bước làm lại cuộc đời. Mỗi chương trình hướng tới một đối tượng phạm nhân riêng. Nếu như năm 2013 là Chương trình “Thắp sáng ước mơ hoàn lương” do Hội LHTN tỉnh Nghệ An phối hợp tổ chức, hướng tới những phạm nhân là thanh niên thì “Ước mơ ngày trở về” lại hướng đến những phạm nhân nữ.

Tại buổi giao lưu, chị Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam khẳng định: Đây là cơ hội để những người mẹ, người vợ, người con lầm lỡ có cơ hội được chia sẻ những tâm tư, những cảm xúc sâu lắng trong tận đáy lòng đối với các thành viên trong gia đình thân thương của mình và nói lên tiếng nói tri ân đối với những người đã bỏ qua định kiến, kỳ thị, sẵn sàng dang tay giúp đỡ, nâng bước họ trên con đường hoàn lương. Đây cũng được coi chiếc cầu nối của tổ chức Hội LHPN Việt Nam, của lực lượng công an địa phương và chính quyền các cấp cũng như gia đình, cộng đồng đưa phạm nhân sớm về ổn định cuộc sống, phòng ngừa tái phạm; gợi mở cho nữ phạm nhân cách thức cụ thể để tiếp cận với cộng đồng, chủ động tìm đến tổ chức hội, tìm đến sự giúp đỡ của các cấp chính quyền trên bước đường đầy gian khó khi hết hạn tù...

Đại tá Nguyễn Viết Hoàn, Giám thị Trại giam số 6, người đã có hơn 20 năm gắn bó với công tác cải tạo phạm nhân tâm sự rằng, ở đời ai cũng có những ước mơ và hoài bão, khi đã có ước mơ thì chúng ta sẽ có mục đích để phấn đấu. Với những con người không may sa chân vào pháp luật, bị tù tội thì niềm ước mơ lớn nhất của họ là sớm được trở lại đoàn tụ với gia đình, người thân, hòa nhập xã hội. Con đường trở về với gia đình, với cộng đồng xã hội của họ sẽ gần hơn nếu họ biết phấn đấu lao động, cải tạo tốt để được hưởng sự khoan hồng của Đảng và Nhà nước. Những phạm nhân rất cần nhận được sự bao dung và giúp đỡ của cộng đồng xã hội dành cho mình. “Những chương trình giao lưu như “Ước mơ ngày trở về” cần được nhân rộng để đem đến cho xã hội cái nhìn toàn diện hơn, thấu hiểu và cảm thông hơn về những lỗi lầm, xóa bỏ định kiến, chung tay giúp đỡ phạm nhân mãn hạn tù, sớm tái hòa nhập cộng đồng, trở thành công dân có ích cho xã hội” - Đại tá Hoàn tâm sự.

Bài, ảnh: Minh Quân

Mới nhất

x
Ước mơ ngày trở về
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO