Uỷ ban Quốc phòng-An ninh họp phiên toàn thể lần thứ 8
Tại phiên họp, Thường trực Uỷ ban Quốc phòng-An ninh cơ bản tán thành về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật PCCC hiện hành…
Ngày 28/3, tại Quân khu 9, TP. Cần Thơ, Uỷ ban Quốc phòng và An ninh, Quốc hội khóa XIII họp phiên toàn thể lần thứ 8 bàn về nội dung Thẩm tra luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy (PCCC), giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng và Pháp lệnh công an xã và Thẩm tra Pháp lệnh công tác quốc phòng ở cơ quan Nhà nước ở trung ương và địa phương. Đồng chí Huỳnh Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Quốc hội dự và chủ trì hội nghị.
Luật PCCC được Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/6/2001 và có hiệu lực thi hành kể từ 4/10/2001. Qua 10 năm triển khai thực hiện, các quy định của luật đã đi vào đời sống, tạo cơ sở pháp lý cho việc xác định trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác PCCC… Nhờ vậy số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra đã được kiềm chế, các lực lượng PCCC đã kịp thời dập tắt trên 28.000 vụ cháy, cứu nạn và hướng dẫn thoát nạn cho hàng nghìn người.
Tại phiên họp Thường trực UB QP-AN cơ bản tán thành về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật PCCC hiện hành vì, Luật PCCC đã ban hành và có hiệu lực gần 12 năm. Quá trình triển khai thực hiện, luật đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập, vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội và tăng cường công tác quản lý nhà nước về PCCC trong tình hình mới.
Các đại biểu thảo luận bên hành lang hội nghị - Ảnh: báo Biên phòng
Trong đó, tập trung thảo luận về 4 vấn đề trong dự thảo Luật là: Quy định về kinh doanh dịch vụ phòng cháy; quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình; quy định phòng cháy đối với một số loại hình công trình đặc thù; xây dựng lực lượng PCCC và chế độ chính sách cho lực lượng dân phòng.
Cũng trong ngày 28/3, Uỷ ban Quốc phòng và An ninh thông qua nội dung Giám sát “việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Bộ đội biên phòng ”. Pháp lệnh này được UB Thường vụ Quốc hội Khóa IX thông qua ngày 28/3/1997, có hiệu lực thi hành từ ngày 7/4/1997. Pháp lệnh Bộ đội biên phòng (BĐBP) và các văn bản hướng dân thi hành đã cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng về bảo vệ Tổ quốc, xây dựng lượng vũ trang nói chung, BĐBP nói riêng, đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
Nhiều chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước trong tình hình mới được cụ thể hóa bằng các văn bản pháp lý để BĐBP thực hiện nhiệm vụ, xây dựng chính quy từng bước hiện đại, nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, giữ gin trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, vùng biển, đảo của Tổ quốc…
Tuy nhiên hiện tại việc thi hành Pháp lệnh BĐBP còn gặp một số vướng mắc, bất cập như: chưa có văn bản pháp luật quy định, phân công cụ thể chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng trong quản lý, bảo vệ tại các khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu ở biên giới dẫn đến chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, địa bàn hoạt động của các lực lượng trên cùng một địa bàn; chế độ, chính sách đối với BĐBP chưa đồng bộ, chưa phù hợp với nhiệm vụ công tác biên phòng, nhất là đối với địa bàn khó khăn, gian khổ…
Kết luận về nội dung ngày làm việc thứ nhất, đồng chí Huỳnh Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết: “Các ý kiến trong buổi họp sẽ được giao lại cho các đồng chí thuờng trực và có bản thẩm tra chính thức, cụ thể những vấn đề đã kết luận, đã nêu. Những vấn đề cần phải thể hiện chính kiến, có những ý kiến thế này, thế kia nhưng ý kiến chung của Ủy ban là điều gì các đồng chí trong thành viên uỷ ban cần thì đã rõ trong báo cáo thẩm tra kết hợp với ý kiến tiếp thu bổ sung của uỷ ban soạn thảo sẽ tạo điều kiện cho đại biểu quốc hôi thảo luận, thông qua”./.
Theo (vov.vn) - L.T