V.League 2018: Đừng để “quýt làm cam chịu”

Đức Dũng 17/03/2018 08:11

(Baonghean.vn) - Sau nhiều ngày chờ đợi, V.League 2018 đã diễn ra. Ngoài ấn tượng về chất lượng chuyên môn và số lượng khán giả đến sân tăng hơn ngày khai mạc mùa giải 2017, thì “điểm nhấn” lớn nhất trong ngày khai mạc giải lại là việc CĐV Hải Phòng đốt pháo sáng trên sân Hàng Đẫy.

Đây được xem là hành vi quá khích, có tính chất bạo lực của một số CĐV đội khách Hải Phòng. Không chỉ đốt pháo sáng trên khán đài, họ còn ném cả xuống sân khiến trận đấu giữa chủ nhà Hà Nội và đội khách Hải Phòng bị gián đoạn.

Đây được cho là hành động quá khích của các CĐV Hải Phòng. Ảnh: Internet
Đây được cho là hành động quá khích của các CĐV Hải Phòng. Ảnh: Internet

Thế nhưng rốt cuộc Ban tổ chức giải chỉ ra được án phạt CLB Hải Phòng 20 triệu đồng và Ban tổ chức sân Hàng Đẫy cũng với mức tương tự, mà không hề đề cập đến việc xử phạt người đốt pháo sáng.

Còn nhớ, ở mùa giải 2017, các CĐV Hải Phòng cũng liên tục ném pháo sáng xuống sân Mỹ Đình và bị Ban tổ chức ra án phạt cấm không được đến sân khách xem những trận đấu còn lại của mùa giải. Tuy nhiên án phạt này đã trở thành “trò hề” vì những trận sau đó, CĐV Hải Phòng vẫn ngang nhiên đến các sân khách mà không hề bị xử phạt. Trong khi đó ban tổ chức sân để xảy ra sự cố đốt pháo sáng lại bị xử phạt vì “không đảm bảo an toàn, an ninh trận đấu”.

Trên các diễn đàn, các trang của Hội CĐV một số CLB cho rằng Ban tổ chức V.League cần có chế tài rõ ràng để xử lý, quy trách nhiệm cụ thể cho những cá nhân có hành vi quá khích, tránh việc đề ra các án phạt chung chung như kiểu “cấm hội CĐV”, “phạt hội CĐV”, hoặc phạt Ban tổ chức sân, đội bóng, trong khi sai phạm lại do một vài cá nhân quá khích gây nên.

Hội CĐV cho rằng không nên xử phạt chung chung vì những trường hợp quá khích chỉ là hiện tượng
Hội CĐV cho rằng không nên xử phạt chung chung mà cần quy trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân. Ảnh: Internet

Như những CĐV chân chính của Hải Phòng nói rằng: Đó là những kẻ muốn thể hiện mình, nhân danh hội CĐV. Không thể vì một vài người như vậy mà cấm tất cả CĐV Hải Phòng chúng tôi, cần xử lý nghiêm những trường hợp này để tránh “con sâu làm rầu nồi canh”.

Theo các chuyên gia, để tránh tái diễn tình trạng CĐV quá khích đốt pháo sáng, gây mật trật tự trên các khán đài, Ban tổ chức giải và Ban tổ chức các sân bóng phải có camera giám sát trên các khán đài, cùng với đó là sự kiểm soát lực lượng chức năng để nhanh chóng nhận diện những đối tượng có hành vi quá khích để xử lý “đúng người, đúng tội”, thì sẽ chấn chỉnh được tình trạng này.

Nếu không, từ đốt pháo sáng, rồi đến ẩu đả trên các khán đài giữa các CĐV quá khích của các đội bóng trong các trận đấu có tính chất quyết định của mùa giải sẽ trở nên phức tạp, khó lường.

Và điều quan trọng là nếu cứ đưa ra các hình thức phạt chung chung, không đúng đối tượng, sẽ dẫn đến tình trạng “hòa cả làng”, không răn đe được những CĐV quá khích.

Trong khi đó, ở một số giải bóng đá nước ngoài – nơi có nhiều CĐV quá khích, được gọi là các hooligan bóng đá cũng phải khiếp sợ trước sự nghiêm khắc của Ban tổ chức giải.

Theo đó, Ban tổ chức các giải đấu này cho rằng hành vi sử dụng pháo sáng, bom khói trên các khán đài có thể gây ảnh hưởng đến an toàn, tính mạng của các CĐV khác nên những người có hành vi này sẽ bị bắt giữ ngay và cấm đến sân trong nhiều năm. Vì thế, gần như các hooligan này không dám gây rối trên các khán đài, mà cùng lắm là chỉ dám ẩu đả trên đường ra về!

Mới nhất

x
V.League 2018: Đừng để “quýt làm cam chịu”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO