Vai trò già làng nơi phên dậu Tổ quốc
(Baonghean) - Để góp phần giữ gìn đường biên, cột mốc, xây dựng và tô thắm tình hữu nghị đoàn kết Việt - Lào, trong những năm qua, huyện Quế Phong đã có nhiều cách làm hay, đặc biệt là phát huy vai trò người uy tín, tiêu biểu trong tuyên truyền, vận động nhân dân…
Cán bộ mặt trận và các già làng, trưởng họ bản Pà Khổm tuyên truyền vận động bà con không di, dịch cư trái phép. |
Pà Khổm là 1 trong 10 bản Mông của xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. Nhiều năm trước đây, người dân Pà Khổm vì cái đói, cái nghèo, nghe lời kẻ xấu đã bán nhà, bỏ đất, bỏ bản kéo nhau phiêu bạt sang Lào, nuôi ảo vọng làm giàu trên vùng đất mới. Thế rồi, cuộc sống ở trên đất bạn cũng chẳng khá hơn, bà con người Mông Pà Khổm lại kéo nhau về bản cũ.
Như con nai, con hoẵng lạc đàn nay về lại chốn xưa, bà con buồn vui lẫn lộn. Vui thì đã rõ, buồn là vườn tược, nhà cửa đều bán hết rồi, bà con tay trắng loay hoay chẳng biết bắt đầu gây dựng lại cuộc sống như thế nào. Giữa lúc đó, may nhờ có Đảng, các cơ quan, đoàn thể, chính quyền địa phương giúp đỡ tận tình từ cái ăn, cái mặc, giúp dựng nhà, cho đất, cho ruộng, bày cho cách làm ăn, Pà Khổm mới được gây dựng lại. Đó là năm 2008… - Già làng Thò Chư Hờ, người uy tín tiêu biểu họ Thò ở Pà Khốm kể. Người Mông vốn siêng năng, lại được các cán bộ bày cho con đường sáng để làm ăn thế nên cuộc sống nơi đây dần đi vào ổn định. Bản có gần 100 hộ, trong đó có nhiều hộ trở nên khá giả nhờ trồng trọt, làm lúa nước, lúa rẫy và chăn nuôi. Tiêu biểu là gia đình ông Thò Giống Nụ nuôi trên 80 con trâu bò, gia đình ông Thò Nọ Pó nuôi được 65 con trâu, bò. Ở bản đã có 39 hộ thực hiện mô hình làm rẫy măng đắng – khoanh nuôi, bảo vệ có hiệu quả cao cho 10 - 15 triệu đồng/ năm, nhiều hộ khác tiến hành trồng đào cũng cho hiệu quả tương tự.
Theo chân ông Lang Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBMTTQ về Pà Khổm hôm nay đã thấy một Pà Khổm yên bình: Người lớn đều đi rừng lên rẫy, ở nhà chỉ có trẻ nhỏ vui đùa và người già hồn hậu bên bếp lửa. Bếp của các gia đình đều âm ỉ lửa, trên bếp còn treo chảo gang to. Theo cán bộ huyện Quế Phong: Dấu hiệu để nhận biết bà con còn lưu trú tại nhà hay là bỏ đi nơi ở rồi là chiếc chảo gang đó. Theo quan niệm của người Mông – chiếc chảo chính là tài sản giá trị lớn nhất… Pà Khổm hôm nay với nhiều khởi sắc là vậy nhưng chỉ mới mấy tháng trước thôi vẫn còn nhiều xao động.
Ông Lang Mạnh Hùng kể: Trong thời gian từ quý IV năm 2013 đến quý I năm 2014, Pà Khổm đã có 17 hộ với 138 nhân khẩu muốn rời nơi đây di cư về vùng Nhọt Huôi Ton thuộc địa bàn xã Quang Phong, huyện Quế Phong. Chẳng là vùng Nhọt Huôi Ton nằm trong khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống có nhiều đất màu mỡ có thể khai hoang, rừng già có thể săn bắn, cách xa sự quản lý của xã Quang Phong. Điều đáng lưu ý là 17 hộ muốn kéo về đây để lập bản mới đều khá giả, có ruộng nước sản xuất 2 vụ, không thiếu ăn. Nắm bắt được ý định này, xã Tri Lễ và huyện Quế Phong đã tìm đến tuyên truyền, vận động phân tích cho bà con thấy sự thiệt hơn, cũng như hiểu thấu đáo về vùng đất khu bảo tồn.
Vùng biên có yên thì nội địa mới phát triển, nhận thấy những vấn đề còn tồn tại ở Pà Khổm, giữa tháng 2/2014, Huyện ủy, UBMTTQ huyện Quế Phong đã tiến hành khảo sát và đưa vào thực hiện mô hình “Phát huy vai trò già làng, trưởng bản, người uy tín tiêu biểu, để vận động bà con đồng bào Mông không di, dịch cư trái phép, không tái trồng cây thuốc phiện, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo tại bản Pà Khổm”. Cách làm là: Cán bộ huyện và xã đã về cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con, đến nói chuyện cùng những người già, người có uy tín trong các họ tộc về những chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và địa phương. Người già, người uy tín một khi đã thông thì sẽ nói cho con cháu trong họ tộc. Trong lễ tục người Mông, người già đã nói thì mọi người phải nghe. Trên cơ sở này, Ban Thường trực UBMTTQ huyện đã đưa các ông Thò Chư Hờ - người uy tín tiêu biểu họ Thò, ông Và Chia Nênh - người uy tín tiêu biểu họ Và, ông Lỳ Lìa Cha – Trưởng họ Lỳ, ông Thò Nọ Pó - người uy tín tiêu biểu họ Thò, ông Và Dua Lầu – Trưởng họ Và vào ban thực hiện mô hình.
Kết quả bước đầu, những người uy tín tiêu biểu được MTTQ huyện và xã vận dụng đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm đi đầu trong việc vận động đồng bào họ tộc mình thực hiện tốt Luật Biên giới quốc gia, Luật Phòng, chống ma túy, Luật Hôn nhân gia đình... để ổn định cuộc sống. Ông Và Dua Lầu, bản Pà Khổm phấn khởi khoe: Lời hay có lý, có tình, 17 hộ này đã nghe theo và yên tâm an cư, ổn định ở lại Pà Khổm. Vừa qua, trưởng hai dòng họ Lỳ và họ Và đã hòa giải thành công vụ tranh chấp đất sản xuất giữa hộ ông Lỳ Sấy Dếnh và hộ ông Và Bá Câu.
Được hai trưởng họ và người uy tín trong họ nói chuyện, khuyên giải với tinh thần anh em tình làng nghĩa xóm “Bát gạo đổ hốt lại không bao giờ đầy như ban đầu” mà hộ ông Dếnh đã nhường lại phần đất đó cho hộ ông Câu; Ông Và Bá Câu lại có một ít vật chất và lời cảm ơn ông Lý Sấy Dếnh. Vụ tranh chấp đã tự hóa giải với nhau ổn thỏa, êm đẹp... Thời gian tới, với việc Nhà nước tiếp tục đầu tư giống cây trồng, vật nuôi, tạo mặt bằng cho đồng bào khai hoang trồng lúa nước 2 vụ cùng với hoạt động hiệu quả của ban thực hiện mô hình như hiện nay, chắc chắn Pà Khổm sẽ ổn định, ngày càng ấm no hơn.
Thực ra ở huyện miền núi rẻo cao, đặc biệt khó khăn Quế Phong, những vụ việc có tính chất tương tự như đã xảy ra ở Pà Khổm không phải là quá hiếm. Bà con vẫn còn mang nặng một số tập quán sinh hoạt, canh tác lạc hậu. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, đặc biệt là 4 xã biên giới, đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với các tầng lớp nhân dân. Từ đó trên địa bàn 73 km đường biên của huyện đã có nhiều vấn đề nảy sinh như di, dịch cư tự do trái phép, tình trạng tái trồng cây thuốc phiện, hiện tượng tàng trữ và buôn bán ma túy, truyền đạo trái phép…
Năm 2008, số đồng bào Mông hồi cư từ Lào về là 113 hộ, gần 1.000 nhân khẩu. Các hội này khi đi đã bán hết ruộng vườn, nay trở về không có nhà, đất sản xuất. Để giúp đỡ số hộ dân này, MTTQ đã phối hợp với các tổ Đồn Biên phòng 519 qua các vị uy tín tiêu biểu, trưởng các dòng họ đã đi đến từng nhà tại 10 bản Mông vận động nhân dân tiếp đón số đồng bào hồi cư, đồng thời vận động nhường đất làm nhà, đất sản xuất và giúp đỡ hàng trăm ngày công làm nhà, quyên góp hàng trăm kg gạo giúp đỡ đồng bào. Đến nay, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước các hộ dân hồi cư đã ổn định đời sống - Ông Lô Văn Bảo, Chủ tịch UBMTTQ huyện Quế Phong cho hay.
Năm qua, UBMTTQ huyện đã phối hợp cùng các ban, ngành, 3 đồn biên phòng trên địa bàn tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 06/2008 của Thủ tướng Chính phủ về phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. UBMTTQ huyện đã tranh thủ được 191 vị là các già làng, trưởng dòng họ, là những người có uy tín tiêu biểu trong cộng đồng; Khi đã xây dựng được tình cảm với người uy tín, Mặt trận Tổ quốc tiến hành nâng cao kiến thức mọi mặt cho các cụ để các cụ truyền đạt tới con cháu và đồng bào. Từ chỗ mọi người đã được các cụ truyền đạt, trang bị kiến thức, chủ động đề cao cảnh giác với các loại tội phạm thì Mặt trận Tổ quốc phát động các hộ, trưởng các dòng họ cam kết không vi phạm pháp luật như không di, dịch cư tự do, không trồng cây thuốc phiện, vận chuyển ma túy, chấp hành tốt nội quy, quy chế biên giới; đẩy mạnh lao động sản xuất, chăn nuôi, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, tạo nguồn thu nhập cho gia đình, xóa đói, giảm nghèo. Kết quả cho thấy, việc phối hợp và phát huy vai trò của các già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín tiêu biểu đã giúp giải quyết tốt nhiều vụ việc nổ cộm xảy ra trên địa bàn, góp phần ổn định an ninh biên giới…
Ông Lô Văn Bảo, Chủ tịch UBMTTQ huyện Quế Phong cho biết: Nhờ nguồn tin của Trưởng dòng họ Thò ở bản Huối Xái 2 mà các cơ quan chức năng đã kịp thời trục xuất Già Bá Dênh, 40 tuổi, dân tộc Mông, trú tại Thường Xuân, Thanh Hóa đến xin nhập cư, có biểu hiện truyền đạo trái phép. Phát huy vai trò các già làng, trưởng các dòng họ Lỳ, họ Thò, họ Và tại các bản Mường Lống, Nậm Tộc và Pà Khổm, MTTQ đã thuyết phục thành công một số hộ từ bỏ ý định di, dịch cư tự do nội huyện đến các xã Quang Phong và Hạnh Dịch. Đến nay tình trạng di cư tự do tại xã Tri Lễ đã không còn xảy ra…
Cùng với đồng bào Mông, những người có uy tín tiêu biểu trong các dân tộc khác như Thái, Khơ Mú đã thường xuyên phối hợp vận động con em đẩy mạnh chuyển đổi tập quán sản xuất lạc hậu, chăm sóc sức khỏe, vệ sinh môi trường, làm tốt công tác giáo dục. Đặc biệt, các cụ uy tín tiêu biểu ở xã Thông Thụ, Đồng Văn đã gương mẫu chấp hành và vận động 1.400 hộ con cháu, họ hàng, dân bản chuyển nhà về nơi ở mới khu tái định cư kịp tiến độ ngăn dòng công trình Thủy điện Hủa Na. Bên cạnh đó, các cụ đã tích cực động viên con cháu tham gia tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn được sự đoàn kết giữa các dòng họ, các dân tộc, thôn bản dọc biên giới Việt – Lào.
Đặc biệt, trong năm vừa rồi, thông qua vai trò của những người có uy tín tiêu biểu mà Ủy ban MTTQ đã phối hợp tổ chức tốt lễ kết nghĩa giữa bản Mường Piệt xã Thông Thụ với bản Nậm Táy, cụm Viêng Phăn, huyện Sầm Táy, tỉnh Hủa Phăn (Lào) và giữa bản Huồi Mới 2, xã Tri Lễ với bản Đẻn Đỉn, cụm Phăn Thong, huyện Mường Quắn, tỉnh Hủa Phăn, nước bạn Lào. Việc kết giao này rất có ý nghĩa, đã tạo điều kiện cho nhân dân 2 nước qua lại thăm thân, trao đổi hàng hóa. Thông qua đó thường xuyên duy trì được chế độ giao ban trao đổi thông tin giữa ta và bạn, kịp thời giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến chính quyền và nhân dân 2 nước… “Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng. Đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức. Nước bị mất, phụ lão cứu. Nước suy sụp, phụ lão phù trì”. – Có lẽ hơn ai hết, chính các già làng, trưởng họ tộc, người có uy tín ở Quế Phong đã xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ kính yêu. Họ đã góp phần quan trọng làm cho kinh tế xã hội địa phương phát triển, đời sống nhân dân được nâng lên, lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng được củng cố, tăng cường.
Thanh Sơn