Vai trò tổ liên ngành trong giải quyết đơn thư, tranh chấp ở Quỳ Hợp

Đặng Cường 07/05/2024 14:54

(Baonghean.vn) - Trên cơ sở ban hành các quy chế phối hợp, tổ công tác liên ngành xử lý, giải quyết các đơn thư, tranh chấp, vụ việc phát sinh trên địa bàn huyện Quỳ Hợp đã được thành lập, đi vào hoạt động. Đây là mô hình đầu tiên được triển khai trên địa bàn tỉnh, bước đầu cho thấy hiệu quả.

Nhiều mâu thuẫn, tranh chấp được giải quyết

Lật giở chồng hồ sơ với hàng trăm vụ việc đã được giải quyết, ông Đào Văn Đạt - Chánh án Tòa án nhân dân huyện Quỳ Hợp cho biết: Là một huyện miền núi với dân số hơn 11,5 vạn người (đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 52%), diện tích rộng, đứng thứ 7 toàn tỉnh.

Do lịch sử về quản lý, sử dụng đất đai trước đây còn nhiều hạn chế, cho nên tình trạng tranh chấp đất trên địa bàn ngày càng nhiều. Trong khi, chưa có quy định cụ thể làm hành lang pháp lý để ràng buộc chính quyền các xã, thị trấn phải vào cuộc trong quá trình Tòa án nhân dân thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến cấp xã và ngược lại, nhất là trong việc hòa giải đối thoại giải quyết các tranh chấp đất đai. Dẫn đến nhiều vụ việc giải quyết còn kéo dài.

bna_Tổ công tác trao đổi hướng giải quyết tranh chấp tại thực địa. ảnh pv.jpg
Tổ công tác trao đổi hướng giải quyết tranh chấp tại thực địa. Ảnh: PV

Từ thực tế trên, Tòa án nhân dân huyện Quỳ Hợp đã đề xuất Ủy ban nhân dân huyện ban hành Quy chế số 01/QC-PH ngày 13/01/2021 về phối hợp trong công tác giữa Tòa án nhân dân huyện Quỳ Hợp với Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn. Tiếp đó là “Quy chế phối hợp trong công tác xử lý, giải quyết các đơn thư, tranh chấp, vụ việc phát sinh trên địa bàn huyện” ngày 23/5/2022 giữa Ủy ban nhân dân huyện, Tòa án nhân dân huyện và Viện Kiểm sát nhân dân huyện. Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Quỳ Hợp đã ban hành Quyết định số 827 thành lập “Tổ công tác liên ngành xử lý, giải quyết các đơn thư, tranh chấp, vụ việc phát sinh trên địa bàn huyện”.

Với sự phối hợp chặt chẽ, mang tính đồng bộ, nhất là sau khi có quyết định thành lập tổ công tác liên ngành, nhiều vụ việc trên địa bàn đã được giải quyết dứt điểm, không phải ra tòa.

Đơn cử như vụ việc tranh chấp đất kéo dài của gia đình ông T.V.Nh, tại xóm Cồn Tô, xã Hạ Sơn. Cụ thể, tháng 11/1996, gia đình ông Nh. bị hỏa hoạn cháy nhà và chuyển về nhà ông nội ở tạm, sau đó chuyển ra ở chỗ khác cho đến nay. Mảnh đất trước đây có nhà bị cháy với diện tích 1.600m2 đã được cấp bìa ngày 29/12/1996, ông Nh. cho vợ chồng ông P.V.Đ và bà T.T.Th mượn đất làm nhà ở, sau đó, bà Th. đã làm bìa. Bỏ bẵng gần 30 năm, ông Nh. viết đơn đề nghị giải quyết tranh chấp, với mục tiêu đòi lại đất. Có thời điểm 2 gia đình đã mâu thuẫn đến mức xô xát lẫn nhau.

Với sự vào cuộc của tổ công tác trên cơ sở căn cứ các quy định của pháp luật, cũng như sự mềm dẻo, linh hoạt của các thành viên, sau nhiều lần hòa giải đã thành công. Ông Nh. thống nhất phương án để huyện thu hồi lại Giấy chứng nhận QSDĐ trước đây, bởi thực tế ông không sử dụng gần 30 năm; đồng thời, cấp đổi lại các thửa đất nông nghiệp trên, trong đó, cắt cho bà Th. 800m2, đúng như diện tích bà Th. đang sử dụng. Chưa kể ông Nh. còn đồng ý hỗ trợ tiền làm nhà, khoan giếng cho bà Th. với số tiền 40 triệu đồng, với lý do nếu không có bà Th. tu bổ, tôn tạo, sử dụng cho đến nay thì diện tích đất nói trên đã bị Nhà nước thu hồi.

bna_Tổ công tác giải quyết tranh chấp tại xã Châu Thành. ảnh pv.jpg
Tổ công tác giải quyết tranh chấp tại xã Châu Thành. Ảnh: PV

Tương tự, vụ tranh chấp đất giữa gia đình ông N.X.L. và ông N.V.M ở xã Châu Lý xảy ra từ năm 2019. Cụ thể, ông L. cho rằng, đất được gia đình ông lên khai hoang để ở và làm vườn từ năm 1968 và sử dụng cho đến nay. Việc cấp đất lâm nghiệp cho hộ ông M. trồng keo có một phần chồng trên diện tích của gia đình ông L. Khi ông M. liên hệ để cắm mốc giới thì ông L. không đồng ý và xảy ra tranh chấp.

Để giải quyết vụ việc, tổ công tác ngoài nêu rõ trách nhiệm của địa phương, cấp, ngành trong việc trước đây cấp bìa chồng lấn, buộc phải thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp sai, còn đề cao tình làng, nghĩa xóm tối lửa tắt đèn có nhau. Qua đó, 2 gia đình từ chỗ căng thẳng không tìm được tiếng nói chung, đã đồng ý phương án cắm lại mốc theo thực địa để xác định ranh giới.

Tiếp tục phát huy vai trò tổ liên ngành

Theo ông Đào Văn Đạt - Chánh án Tòa án nhân dân huyện Quỳ Hợp: Mặc dù thời gian hoạt động chưa nhiều, nhưng tổ liên ngành thành lập theo Quyết định 827/QĐ-UBND đã bước đầu đạt được một số kết quả quan trọng. Việc phối hợp công tác đã huy động được trí tuệ của nhiều cá nhân, nhiều phòng, ngành trong xem xét hồ sơ, khảo sát thực địa, tổ chức làm việc giữa các bên liên quan, nên khi giải quyết các vụ việc sẽ mang tính toàn diện hơn, sát đúng và có sự đồng thuận về hướng giải quyết. Mặt khác, tại các cuộc làm việc, hầu hết các trưởng ngành đều có mặt và phát biểu, nên đã có sức thuyết phục cao, tạo dựng được niềm tin cho nhân dân, làm cho các bên liên quan nhận thức đúng và đầy đủ về sự việc, thuận lợi trong quá trình giải quyết.

Qua gần 2 năm hoạt động, tổ liên ngành đã xử lý được gần 300 vụ việc; tỷ lệ hòa giải thành đạt trên 90%. Qua đó, đó lượng đơn thư chuyển lên huyện giải quyết ngày càng giảm (năm 2022 có 659 đơn, đến năm 2023 còn 459, giảm 200 đơn).

Để có được kết quả trên, theo ông Đào Văn Đạt, trước khi tiến hành phiên hòa giải, tổ công tác phải làm việc riêng với từng bên nguyên đơn, hoặc bị đơn để nắm bắt các yêu cầu khởi kiện. Sau khi lựa chọn thời điểm tiến hành hòa giải, với vai trò là người trung gian, tổ công tác phải giải thích rõ những quy định của pháp luật có liên quan đến vụ việc, giúp người dân hiểu rõ hơn quyền lợi, nghĩa vụ của mình trên cơ sở đó tìm ra phương án thỏa thuận đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích của các bên.

bna_Tổ công tác họp bàn giải quyết vụ việc tranh chấp đất trên địa bàn xã Hạ Sơn. ảnh pv.JPG
Tổ công tác họp bàn giải quyết vụ việc tranh chấp đất trên địa bàn xã Hạ Sơn. Ảnh: PV

Là một người dân trên địa bàn, ông Nguyễn Cung ở xã Đồng Hợp cho rằng: Việc triển khai ký kết các quy chế phối hợp, thành lập tổ công tác liên ngành xử lý, giải quyết các đơn thư, tranh chấp, vụ việc phát sinh trên địa bàn huyện là cách làm hay. Bởi thực tế để giải quyết một sự việc, các cấp, ngành sẽ cùng ngồi lại với nhau, có sự tham gia của người dân để trao đổi, thống nhất phương án giải quyết mang tính tối ưu nhất, góp phần giảm chi phí, thời gian đi lại cho người dân, chưa kể thông qua đó tình làng, nghĩa xóm được hàn gắn...

Trao đổi với chúng tôi, ông Quán Vi Giang - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Quỳ Hợp cho rằng: Sự ra đời của các quy chế phối hợp và tổ liên ngành đã góp phần quan trọng trong giải quyết các đơn thư, tranh chấp, vụ việc phát sinh trên địa bàn huyện. Chính sự kết hợp của nhiều cán bộ tâm huyết trong công việc, biết vận dụng linh hoạt lý và tình để vừa hòa giải, vừa đối thoại đã bóc gỡ được nhiều nút thắt, nhiều tình tiết phức tạp, giúp giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc khiếu kiện kéo dài, nhiều vụ việc đã trên cả chục năm, giảm áp lực đơn thư cho chính quyền địa phương.

Để nâng cao hiệu quả của tổ công tác liên ngành trong thời gian tới, theo ông Quán Vi Giang, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân; các thành viên tổ công tác cần không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trau dồi kiến thức xã hội. Bởi với mục tiêu đi đến hòa giải, công việc này không chỉ vận dụng kiến thức pháp luật, mà còn đòi hỏi kinh nghiệm sống, sự nhạy bén trong xử lý vấn đề, từ đó, giúp các bên tìm ra được những giải pháp tốt nhất để giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp.

Mới nhất

x
Vai trò tổ liên ngành trong giải quyết đơn thư, tranh chấp ở Quỳ Hợp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO