Vai trò và sức mạnh của Mỹ?

(Baonghean) - Sau nhiều tháng bị trì hoãn, Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa qua đã chính thức công bố Chiến lược an ninh quốc gia năm 2015” - vốn dự kiến phải được công bố nội trong năm 2014. Bối cảnh an ninh nước Mỹ phải đối diện với nhiều thách thức mới như sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS hay căng thẳng leo thang trong quan hệ với Nga liên quan cuộc khủng hoảng Ukraine, là những lý do khiến chính quyền Obama chậm công bố chiến lược quan trọng này. Vậy, bản chiến lược này có điểm gì mới so với bản chiến lược hồi năm 2010? 

“Chiến lược an ninh quốc gia 2015” là bản chiến lược an ninh quốc gia thứ hai và cũng là cuối cùng của Tổng thống Barack Obama trong 2 nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ. Đây cũng chính là những định hướng quan trọng nhất cho chính sách đối ngoại trong 2 năm cầm quyền tới đây của ông Obama. Vì vậy, dễ hiểu khi ông Obama lùi thời điểm công bố để có những cân nhắc kỹ lưỡng, cẩn thận cho phương châm hành động trong 2 năm (2015 và 2016).
Nhấn mạnh vai trò lãnh đạo thế giới
Dấu ấn nổi bật nhất của văn bản mới này vẫn là mục tiêu xác định và duy trì “vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ”. Bởi có thể nói, giành vị thế “lãnh đạo” thế giới luôn là bất biến đối với tất cả các đời Tổng thống Mỹ qua các thời kỳ. Chiến lược mới mang tên "Chiến lược an ninh quốc gia năm 2015" dài 29 trang gửi Chủ tịch Thượng viện và Hạ viện cũng không phải là ngoại lệ. Trong đó, cụm từ “lãnh đạo” hoặc các từ gần nghĩa đã được nhắc lại tới gần 100 lần, theo tờ New York Times. Trong khi đó theo giới phân tích, việc Tổng thống Obama nhấn mạnh vai trò lãnh đạo còn vì một lý do khác. Lý do này đã được ông Obama nhắc tới trong bản chiến lược an ninh đầu tiên đưa ra hồi năm 2010, khi cho rằng, trong thế kỷ XXI, ưu thế vượt trội của nước Mỹ đã không còn là chuyện hiển nhiên. Theo đó, ưu thế vượt trội của nước Mỹ trước các nước khác đã không còn quá rõ ràng như những năm trước đây. Vì thế, đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ nhấn mạnh vai trò của nước Mỹ là là một việc làm không thể thiếu. 
Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Cụ thể, bản chiến lược cam kết nước Mỹ tiếp tục lãnh đạo liên minh quốc tế trong cuộc chiến đánh bại nhóm vũ trang "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng ở Iraq và Syria, đồng thời tuyên bố tiếp tục cùng các đồng minh châu Âu trong chiến dịch bao vây cô lập nước Nga trong vấn đề Ukraine. Đây cũng thể hiện một điểm rất khác so với Chiến lược an ninh quốc gia 2010, ở đó, ông Obama 5 năm trước đã dành cho quan hệ Nga một vị trí đặc biệt và sẽ phát triển quan hệ hai bên cùng có lợi với Nga - một quốc gia phát triển thịnh vượng, lớn mạnh và yêu hòa bình. Dễ thấy thái độ đã hoàn toàn khác trong bản chiến lược mới, khi Mỹ tuyên bố tiếp tục cùng các đồng minh châu Âu trong chiến dịch bao vây cô lập nước Nga trong vấn đề Ukraine. 
Tuy vậy nhìn tổng thể, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice cho rằng, đây là một chiến lược để tăng cường các nền tảng sức mạnh Mỹ, bao gồm chính trị, kinh tế, quân sự, để duy trì vai trò “lãnh đạo” của Mỹ trong thế kỷ XXI, qua đó giúp Mỹ có thể giải quyết những thách thức hiện tại và nắm bắt các cơ hội trong tương lai. Về cơ bản, Chiến lược An ninh Quốc gia mới của Mỹ vẫn được dẫn dắt bởi 4 lợi ích quốc gia bền vững như đã từng vạch ra trong chiến lược gần nhất được công bố vào năm 2010, đó là: an ninh, sự thịnh vượng, các giá trị và trật tự quốc tế dựa trên luật pháp. 
Bản chiến lược thận trọng
Tuy vậy, bên cạnh nhấn mạnh vai trò lãnh đạo thế giới, ông Obama cũng tỏ ra khá thận trọng trong bản chiến lược an ninh mới khi thừa nhận sức mạnh của Mỹ có hạn. Theo bà Susan Rice, các lợi ích quốc gia của Mỹ trong 5 năm qua là bền vững, tuy vậy đã có rất nhiều thay đổi trong 5 năm qua, vì vậy sự điều chỉnh là cần thiết. Theo đó, ông Obama đã thừa nhận, nước Mỹ không thể một mình giải quyết được các thách thức an ninh toàn cầu trong tình hình thế giới phức tạp và khó dự đoán như hiện nay. Thực ra, sự thận trọng này vừa là bước đi điều chỉnh cho phù hợp với tình hình an ninh hiện nay nhưng cũng là phát triển của chiến lược an ninh quốc gia 2010 của Tổng thống Obama. 
Còn nhớ năm 2010, ông Obama đã đưa ra một bản chiến lược an ninh quốc gia với những điều chỉnh đột phá so với học thuyết của người tiền nhiệm George.W.Bush. Theo đó, chính quyền Obama đã từ bỏ khái niệm “chiến tranh khủng bố” và quyền tấn công phủ đầu của ông Bush. Thay vào đó, ông Obama nhấn mạnh đến tìm kiếm sự đồng thuận và "cam kết và đối thoại”, trong khi sức mạnh quân sự phải hòa hợp với chính sách ngoại giao hướng tới hợp tác toàn cầu, xây dựng các quan hệ đối tác an ninh rộng hơn để giải quyết các mối đe dọa. Vì vậy, so sánh với bản chiến lược an ninh mới năm 2015, việc ông Obama thận trọng thừa nhận, nước Mỹ không đủ sức mạnh để một mình chống chọi với các thách thức an ninh thực tế cũng là lời mời gọi hợp tác với các đối tác trên toàn cầu. Điều này cũng đã thể hiện trong Liên minh quốc tế chống IS do Mỹ đứng đầu hay việc lôi kéo EU để chống lại Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine.
Thách thức trong 2 năm cuối nhiệm kỳ
Thế nhưng, chính sách an ninh quốc gia của Tổng thống Obama từ năm 2010 đã bị phe Cộng hòa chỉ trích là khiến Mỹ trở nên “yếu ớt” trên trường quốc tế. Với bản chiến lược an ninh quốc gia 2015, ông Obama cũng gặp phản ứng tương tự. Theo đó, một số nhà lập pháp đảng Cộng hòa chỉ trích nhà lãnh đạo Mỹ không có những phản ứng thích đáng trước các mối đe dọa toàn cầu như nhóm IS hay vấn đề Ukraine; đồng thời cho rằng ông Obama thiếu một tầm nhìn chiến lược, quá do dự trong việc khẳng định sức mạnh của Mỹ, do vậy phải thụ động đối phó với hết cuộc khủng hoảng này đến cuộc khủng hoảng khác. Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ còn bình luận rằng: “Với tôi, đó chẳng có gì giống một chiến lược cả”.  
Tuy vậy, dường như mục tiêu trọng tâm xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương của Tổng thống Obama lại đang là một trong những vấn đề hiếm hoi mà phe Cộng hòa không đưa ra những lời chỉ trích và phản đối. Có lẽ vì vậy mà ông Obama trong chiến lược an ninh mới đã nhấn mạnh vào các bước đi trọng tâm, như tiếp tục chuyển thêm nhiều nguồn lực kinh tế, quân sự và ngoại giao sang khu vực châu Á; nhấn mạnh tầm quan trọng của các hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 12 đối tác châu Á và Hiệp định Thương mại và Đầu tư (TIPP) với các nước châu Âu. 
Có lẽ, dù phe Cộng hòa có đồng tình hay phản đối, nhưng Tổng thống Obama vẫn đã khẳng định được quyết tâm và mục tiêu chiến lược bất biến của nước Mỹ đó là giữ vững “vai trò lãnh đạo thế giới”. Chỉ có điều, những điều chỉnh bên cạnh mục tiêu bất biến này sẽ được ông Obama thực hiện như thế nào, bởi 2 năm cuối nhiệm kỳ không dài và cũng không ngắn. Vì thế, một dấu ấn cá nhân sau 2 năm nhiệm kỳ Tổng thống, một tấm thảm đỏ cho đảng Dân chủ cho cuộc bầu cử Tổng thống 2016 sẽ là những mục tiêu lớn đang đặt ra với Tổng thống Obama.
Phương Hoa

tin mới

Tổng Thư ký NATO kêu gọi nhanh chóng bổ sung vũ khí cho Ukraine

Tổng Thư ký NATO kêu gọi nhanh chóng bổ sung vũ khí cho Ukraine

(Baonghean.vn) - Trong kỳ họp thứ 78 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, Ukraine cần được khẩn trương bổ sung các phương tiện phòng không cũng như thiết bị bảo trì, đồng thời kêu gọi các nước phương Tây chi tiền mua hệ thống phòng không cho Kiev.

Ông Biden tuyên bố tái tranh cử tổng thống vì nền dân chủ Mỹ đang bị đe doạ

Ông Biden tuyên bố tái tranh cử tổng thống vì nền dân chủ Mỹ đang bị đe doạ

(Baonghean.vn) - Tổng thống Mỹ Joe Biden, người đang gây quỹ phục vụ chiến dịch tái tranh cử của mình khi tới New York để dự các hội nghị với các nhà lãnh đạo thế giới, hôm 18/9 đã thừa nhận những mối quan ngại về tuổi tác của ông, nhưng khẳng định sẽ tranh cử vì nền dân chủ đang bị đe doạ.

Thổ Nhĩ Kỳ có thể ‘chia tay’ với EU

Thổ Nhĩ Kỳ có thể ‘chia tay’ với EU

(Baonghean.vn) -Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ngày 16/9 tuyên bố nước này có thể "chia tay" với Liên minh châu Âu (EU) nếu thấy cần thiết sau khi Nghị viện châu Âu (EP) thông qua báo cáo mới về quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ.

Các nước phương Tây muốn đưa quân tới Ukraine?

Các nước phương Tây muốn đưa quân tới Ukraine?

(Baonghean.vn) - NATO có thể chỉ còn một bước nữa là triển khai quân đội tới Ukraine, Tổng thống Belarus Lukashenko cho biết trong cuộc gặp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin ở Sochi. Ba Lan đã thành lập lực lượng sẵn sàng tiến vào lãnh thổ Ukraine bất cứ lúc nào, ông Lukashenko nói thêm.