Vấn đề hạt nhân Iran: Về đích sau hơn 12 năm

15/07/2015 06:58

(Baonghean.vn)- Sau cuộc đàm phán ma-ra-tông kéo dài 18 ngày tại Thủ đô Vienna của Áo, cuối cùng thì Iran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức) đã đạt được thỏa thuận cuối cùng về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran. Như vậy, sau những phiên làm việc thâu đêm về các nội dung gai góc nhất như phạm vi thanh sát các cơ sở hạt nhân Iran, tiến độ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran…, qua 4 lần bỏ lỡ các thời hạn chót chỉ trong vòng hơn 2 tuần, các nhà đàm phán của cả hai bên đã mang tới một kết quả được dư luận quốc tế mòn mỏi trông đợi suốt hơn 12 năm qua.

Niềm vui khi đạt được thỏa thuận lịch sử, ảnh Internet.

Cuộc đàm phán cam go

Sau thỏa thuận khung đạt được tại Lausanne, Thụy Sĩ hồi đầu tháng 4, Iran và nhóm P5+1 bước vào vòng đàm phán nước rút tại Vienna, Thụy Sĩ với quyết tâm rất cao là đạt được thỏa thuận cuối cùng về vấn đề hạt nhân Iran vào ngày 30/6. Ngay trước thời điểm này, các nhà đàm phán của cả hai bên đều bày tỏ tin tưởng có thể đạt mục tiêu này, khi các nội dung của bản thỏa thuận đã hoàn tất được tới 90%. Tuy nhiên, chính 10% còn lại với là những vấn đề cam go nhất mà các bên phải giằng co quyết liệt trên bàn đàm phán, bao gồm hoạt động thanh sát các cơ sở hạt nhân của Iran và tiến độ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt với nước này.

Đối với hoạt động thanh sát, P5+1 yêu cầu quyền được tiếp cận tới bất kỳ nơi nào nghi ngờ có cơ sở hạt nhân bí mật, kể cả các cơ sở quân sự của Iran. Tuy nhiên, Iran kiên quyết phản đối yêu cầu này, cho rằng phương Tây có thể viện cớ thanh sát để tiến hành do thám hoạt động quân sự của Iran. Đối với tiến độ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, Iran yêu cầu phải được dỡ lệnh cấm vận vũ khí của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, cho rằng vấn đề này không liên quan gì đến chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, đây là yêu cầu khó có thể được phương Tây chấp nhận bởi sự lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực. Bởi vậy, bất chấp những phiên làm việc thâu đêm, các nhà đàm phán đã bỏ lỡ thời hạn chót 30/6, và rồi hàng loạt những thời hạn mới tiếp tục được đề ra sau đó: 7/7, 10/7 rồi 13/7.

Cuộc đàm phán vào ngày 13/7 được cho là cam go nhất khi kéo dài tới gần 18 tiếng đồng hồ, cho thấy quyết tâm và nỗ lực bền bỉ của Iran và phương Tây trong việc phải đạt được thỏa thuận cuối cùng. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã thể hiện lập trường của Mỹ rằng không thể chấp nhận kéo dài mãi cuộc đàm phán, và các bên cần quyết định: hoặc hoàn tất đàm phán hoặc chấp nhận thất bại, đưa hồ sơ hạt nhân Iran trở về điểm xuất phát ban đầu. Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini cũng khẳng định: đã đến thời điểm các bên cần nói “có” hay “không”. Và thật may mắn, câu trả lời “có” đã đến trong ngày 14/7. Mặc dù chi tiết của bản thỏa thuận không được công bố cụ thể, song giới phân tích cho rằng các bên đều đã có những nhượng bộ nhất định, đảm bảo một thỏa thuận “win-win” cho cả Iran và phương Tây.

Theo đó, các lệnh trừng phạt do Mỹ, Liên minh châu Âu và Liên hợp quốc áp đặt sẽ được dỡ bỏ, đổi lại, Iran phải đồng ý hạn chế dài hạn chương trình hạt nhân mà phương Tây nghi ngờ là nhằm chế tạo bom hạt nhân. Một số lệnh trừng phạt có thể được áp đặt lại trong vòng 65 ngày nếu Iran vi phạm. Lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc vẫn tiếp tục duy trì trong 5 năm, lệnh cấm mua công nghệ tên lửa được duy trì trong 8 năm. Đối với việc tiếp cận của các thanh sát viên của Liên hợp quốc, bản thỏa thuận cho rằng, không nhất thiết yêu cầu thanh sát bất cứ điểm nào phải được thông qua.

Và nếu được thông qua, việc thanh sát có thể bị trì hoãn – một điều kiện mà các nhà phân tích diễn giải rằng có thể giúp Iran có đủ thời gian để xử lý những dấu hiệu về việc không tuân thủ thỏa thuận. Đây được coi là một bước tiến lớn trong quan điểm của Iran khi trước đó, các nhà lãnh đạo cấp cao cũng như các nhà đàm phán của nước này đều kiên quyết cho rằng Iran không bao giờ cho phép thanh sát viên tới những điểm nhạy cảm như vậy. Vượt qua hai “chướng ngại vật” này, Iran và nhóm P5+1 đã mang lại một kết quả mà dư luận thế giới hết sức trông đợi trong suốt hơn 12 năm qua – kể từ thời điểm Iran chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với P5+1 từ năm 2003.

Những phản ứng trái chiều

Việc đạt được thỏa thuận lịch sử vào ngày 14/7 tại Vienna, Áo được coi là chiến thắng lớn về chính sách đối ngoại đối với cả Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani. Chỉ vài giờ sau khi có thông tin gửi về từ đoàn đàm phán, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết bản thỏa thuận đã “mở ra chân trời mới” cho nước này khi “cuộc khủng hoảng không cần thiết” đã được giải quyết. Còn Tổng thống Barack Obama trong bài phát biểu tại Nhà Trắng đã nói rằng, Iran đã không còn có cơ hội để sở hữu vũ khí hạt nhân, và bản thỏa thuận cho thấy chính sách đối ngoại của Mỹ có thể mang lại “những thay đổi thực sự và có ý nghĩa”.

Cũng trong bài phát biểu này, ông Obama đã cảnh báo Quốc hội Mỹ về việc ông sẽ sử dụng quyền phủ quyết của mình trước những nỗ lực nhằm ngăn cản việc thực thi thỏa thuận này. Theo các chuyên gia, việc giải quyết được hồ sơ hạt nhân Iran – một trong những hồ sơ gai góc nhất của lịch sử quốc tế đương đại – sẽ là một dấu ấn đậm nét trong nhiệm kỳ cuối của ông Obama. Bởi vậy, tuyên bố cứng rắn này của ông Obama sẽ không phải là lời nói đùa, cho dù theo quy định, Quốc hội Mỹ sẽ có 60 ngày để xem xét thông qua bản thỏa thuận với Iran.

Mỹ, Iran, châu Âu và nhiều nước khác trên thế giới đều bày tỏ hoan nghênh với bản thỏa thuận lịch sử về vấn đề hạt nhân Iran. Nhưng đây chắc chắn không phải là thái độ của một nước đã từng dùng mọi biện pháp để cản trở bản thỏa thuận này: Israel. Thủ tướng Isral Benjamin Netanyahu gọi thỏa thuận với Iran là “sai lầm lịch sử của thế giới”, trong khi Thứ trưởng Ngoại giao nước này – ông Tzipi Hotovely thì cho rằng “thỏa thuận là một sự đầu hàng lịch sử của phương Tây trước trục ma quỷ do Iran đứng đầu”. Đứng cùng phe với Israel còn có các quốc gia Arab tại khu vực, nhất là Arab Saudi – những nước luôn lo ngại về vị thế lớn hơn của Iran sau khi đạt thỏa thuận với P5+1.

Rõ ràng, khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, Iran sẽ tiến tới một “chân trời mới” như nhà lãnh đạo Rouhani đã gọi, nơi mà Iran có thể hội nhập sâu rộng vào không gian kinh tế, chính trị khu vực và toàn cầu, có thể phát huy vai trò trong giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế như cuộc khủng hoảng tại Yemen hay Sirya. Tác động tới cục diện chính trị khu vực Trung Đông của bản thỏa thuận tại Vienna, Áo không chỉ thể hiện ở sự tương quan giữa các nước trong khu vực, mà còn giữa các thế lực lớn đang tranh giành ảnh hưởng tại khu vực này – Mỹ, Nga và Trung Quốc. Với nguồn lực dầu mỏ khổng lồ cộng thêm quyền kiểm soát eo biển chiến lược Hormuz, chắc chắn Iran sẽ trở thành mục tiêu mà các cường quốc đều muốn nắm giữ, muốn sử dụng vị thế mới của Iran phục vụ cho các ý đồ chiến lược tại khu vực.

Tất nhiên, mọi dự đoán về những thay đổi tích cực của thỏa thuận hạt nhân Iran đối với tình hình khu vực và thế giới sẽ chỉ trở thành hiện thực nếu các bên nghiêm túc thực hiện những cam kết đưa ra. Trong các hồ sơ nóng của thế giới, việc các thỏa thuận được ký kết rồi lại bị phá vỡ không phải là chuyện hiếm. Bởi vậy, dư luận đang trông đợi một chặng đường êm đẹp sau ngày 14/7, khép lại bộ phim dài tập mang tên “Hạt nhân Iran”.

Thúy Ngọc

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Vấn đề hạt nhân Iran: Về đích sau hơn 12 năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO