Vấn đề toàn cầu mới nước Mỹ phải đối mặt?
(Baonghean) - Nhìn chung, giới nghiên cứu xác định những vấn đề toàn cầu dựa trên bốn nội dung có liên quan chặt chẽ với nhau: Thứ nhất, đó là vấn đề có tính khách quan của sự phát triển và có thể xuất hiện ở mọi nơi trên toàn cầu; Thứ hai, đó là vấn đề có quan hệ đến hoạt động sống của mọi người, đến sự phát triển của toàn nhân loại và liên quan đến vận mệnh tất cả các quốc gia; Thứ ba, đó là những vấn đề đòi hỏi phải tập trung giải quyết, bởi nó đe dọa phá hủy cơ sở tồn tại của con người; Cuối cùng là, việc giải quyết vấn đề này đòi hỏi sự nỗ lực tối đa và sự phối hợp với toàn nhân loại.
Nhân viên y tế chuyển thi thể nạn nhân của dịch Ebola tại thủ đô Monrovia, Liberia. Nguồn: AFP/TTXVN |
Ebola – vấn đề toàn cầu
Căn cứ 4 cơ sở trên, có thể xác định vấn đề bệnh dịch virus Ebola đang trở thành một trong những vấn đề toàn cầu hiện nay. Theo thông tin của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dịch bệnh do virus Ebola tiếp tục gia tăng cả về số ca mắc và số người tử vong tại các quốc gia Tây Phi, đáng sợ hơn, virus này đã xâm nhập vào nước Mỹ, lan đến châu Âu và đã được đánh dấu bằng các “lưỡi hái” của thần chết. Theo WHO 6 ngày qua (từ ngày 5/10 đến ngày 10/10), đã tăng 306 trường hợp mắc và 168 trường hợp tử vong. Tính từ tháng 12/2013 đến ngày 10/10/2014, thế giới đã xác định 8.470 trường hợp mắc, trong đó, 4.076 trường hợp tử vong. Đặc phái viên Liên Hợp quốc về Ebola cho biết, con số nhiễm virus Ebola hiện đang theo cấp số nhân. Điều mà cả thế giới lo ngại là hiện vẫn chưa có biện pháp gì khả quan để chặn đứng thảm họa này. Các nhà khoa học cũng đang bế tắc khi chưa tìm ra liệu pháp chữa trị cho người bị nhiễm loại virus này. Thông tin khiến bất cứ ai cũng cảm thấy “ớn lạnh”, đó là tỷ lệ tử vong do nhiễm virus Ebola có thể lên đến 90% nếu không được điều trị kịp thời. Dịch bệnh này đe dọa tác động trực tiếp đến đời mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa của các quốc gia. Những thông tin tương tự như thế này có thể rồi sẽ nhiều hơn nữa: Chính phủ Moroccan đề nghị hoãn tổ chức giải bóng đá Cúp Các quốc gia châu Phi, vốn dự kiến diễn ra vào năm 2015 vì lo ngại dịch Ebola lây lan rộng. Liberia hoãn kế hoạch tổ chức bầu cử thượng viện, vốn dự tính sẽ diễn ra vào tuần tới nhằm giảm nguy cơ cử tri gieo rắc virus “tử thần” ra phạm vi rộng hơn...
Tại thời điểm này, Ebolla càng nhân lên nỗi lo sợ khủng khiếp hơn, khi các chuyên gia an ninh và quân sự Mỹ, Anh cảnh báo rằng, các phiến quân nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) có thể sử dụng virus Ebola như một loại vũ khí sinh học tự sát để chống lại phương Tây. Như vậy, virus ebolla còn có thể “tham gia” vào tổ hợp những mâu thuẫn gay gắt nhất hiện nay.
Nước Mỹ - “nhà giàu cũng... khiếp”!
Nước Mỹ được xem là một trong những “thành trì” được kiểm soát gắt gao nhất, với hàng loạt những hàng rào an ninh, hải quan, y tế... được triển khai tất cả các cửa khẩu, sân bay, để bảo vệ cho quốc gia này “đứng ngoài” thảm họa nhân loại. Thế nhưng, ngày 10/10 vừa rồi, dư luận nước Mỹ rúng động khi có thông tin chính thức tại xứ sở cờ hoa đã có bệnh nhân thứ 2 bị nhiễm virus Ebolla. Cả hai trường hợp này đều được xác định tại Bệnh viện Texas Health Presbyterian ở Thành phố Dallas, bang Texas. Truyền thông thế giới lan truyền thông tin này như là một trong những điều tồi tệ ghê gớm nhất mà người Mỹ đã nỗ lực hết sức nhưng vẫn không thể vượt thoát. Trong hai trường hợp được xác định bị nhiễm virus Ebolla tại Mỹ, trường hợp đầu tiên là Thomas Duncan, quốc tịch Liberia, đã qua đời ngày 8/10 vừa qua. Trường hợp thứ 2 hiện đang được bảo mật danh tính, đó chính là nhân viên y tế đã tiếp xúc với Thomas Duncan. Được biết, ít nhất 10 người đã tiếp xúc với ông Duncan và 38 người khác từng tiếp xúc với 10 người này đang được theo dõi chặt chẽ để kịp thời phát hiện dấu hiệu lây nhiễm. Những trường hợp này đang tạm thời chịu cảnh “cách ly” và họ phải tự kiểm tra thân nhiệt 2 lần mỗi ngày.
Trong khi nước Mỹ đang ráo riết thực hiện các cuộc không kích nhằm truy sát, tìm diệt lực lượng Nhà nước Hồi giáo, điều lo ngại sẽ bị lực lượng này tấn công ngược từ lâu đã được tính đến. Với những phần tử “thánh chiến” cực đoan vô cùng nguy hiểm, luôn sẵn sàng “tử vì đạo”, thì không có điều gì là không thể xảy ra. Các chuyên gia về các vấn đề an ninh tại Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ cho rằng, các phần tử khủng bố sẽ tìm cách để tiếp xúc với bệnh nhân bị nhiễm virus Ebola, sau khi mang trong mình “mầm mống của cái chết”, chính các phần tử này biến bản thân mình thành những “lưỡi tầm sét của thần chết” để tìm đến các quốc gia mà chúng muốn tấn công. Lo ngại đó hoàn toàn có lý. Tạp chí Forbes nhận định: “Những kẻ khủng bố tiếp xúc với virus Ebola sẽ trở thành vật chủ mang mầm bệnh. Trong bối cảnh khủng bố như hiện nay, nhiều khả năng IS sẽ dùng chính phiến quân của mình để gieo rắc dịch bệnh”.
Chính vì những lo ngại nói trên, từ ngày 11/10, các sân bay ở Mỹ đã bắt đầu giám sát kiểm dịch hành khách nhằm ngăn chặn dịch sốt Ebola lây lan từ Tây Phi sang Mỹ. Trong đó, nhân viên kiểm tra sẽ “chăm sóc” đặc biệt đối với các hành khách đến từ Liberia, Sierra Leone và Guinea - 3 nước Tây Phi bị nhiễm dịch nặng nề nhất. Hơn thế, Mỹ đã “chặn” các chuyến bay trực tiếp nào đến từ 3 nước Liberia, Sierra Leone và Guinea.
Tuy vậy, công dân của Mỹ vẫn không thể yên tâm. Để “thử” độ chắc chắn của các cơ quan chức năng, không ít người Mỹ đã giả làm bệnh nhân có những triệu chứng giống như nhiễm Ebola đến phòng cấp cứu của bệnh viện để “mục sở thị” những biện pháp ứng phó của hệ thống y tế nội địa. Nhưng đó cũng chỉ là những nỗ lực để vơi bớt đi nỗi bất an bủa vây nặng nề lúc này. Bởi lúc này, mức độ Mỹ càng leo thang tấn công tiêu diệt lực lượng Nhà nước Hồi giáo cũng tỷ lệ thuận với nguy cơ bị tấn công trả đáp trả bằng virus ebolla.
Chí Linh Sơn