Vận động lao động về nước đúng thời hạn

24/04/2014 09:03

(Baonghean) - Nghệ An là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về số lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng hạn, ở lại cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Thời gian qua, tỉnh ta đã có nhiều nỗ lực trong việc vận động số lao động này trở về nước, nhằm phục hồi lại thị trường lao động thu nhập cao này...

(Baonghean) - Nghệ An là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về số lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng hạn, ở lại cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Thời gian qua, tỉnh ta đã có nhiều nỗ lực trong việc vận động số lao động này trở về nước, nhằm phục hồi lại thị trường lao động thu nhập cao này...

Nghệ An bắt đầu đưa lao động sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS từ năm 2005. Theo thống kê, đến nay, toàn tỉnh có gần 5.500 lao động sang làm việc tại Hàn Quốc. Từ năm 2007 - 2012, bình quân hàng năm toàn tỉnh có từ 500 – 700 lao động được các doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn, đưa sang làm việc. Đặc biệt, riêng năm 2011, toàn tỉnh có 2.307 người sang làm việc tại Hàn Quốc. Mức lương hàng tháng từ 1.000 – 1.500 USD/người. Đây là nguồn thu nhập đáng kể cho người lao động và gia đình có người đi làm việc tại Hàn Quốc, giúp họ có điều kiện cải thiện cuộc sống hàng ngày, trang trải các khoản chi phí sinh hoạt, góp phần giải quyết việc làm, xoá đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng và tăng nguồn thu ngoại tệ cho tỉnh nhà.

Người lao động nghe tư vấn về XKLĐ Hàn Quốc tại Trung tâm GTVL Nghệ An.
Người lao động nghe tư vấn về XKLĐ Hàn Quốc tại Trung tâm GTVL Nghệ An.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2010 đã phát sinh tình trạng người lao động Việt Nam sau khi hết hạn hợp đồng không về nước mà ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, Nghệ An là 1 trong 5 tỉnh dẫn đầu cả nước có số lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng hạn mà ở lại cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, cùng với Nam Định, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Phú Thọ) khiến phía Hàn Quốc dừng thực hiện thỏa thuận phái cử lao động Việt Nam sang Hàn Quốc từ tháng 8/2012 đến tháng 12/2013. Điều này không những làm ảnh hưởng đến hình ảnh lao động Việt Nam, mà còn ảnh hưởng đến công tác giải quyết việc làm, XKLĐ của tỉnh, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Hậu quả là có 2.075 lao động đạt yêu cầu qua kỳ kiểm tra tiếng Hàn, trong đó có hơn 200 lao động ở các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, phải chờ đợi cơ hội để được xuất cảnh.

Người lao động nghe phổ biến các quy định về lao động ở Hàn Quốc tại Trung tâm GTVL Nghệ An.
Người lao động nghe phổ biến các quy định về lao động ở Hàn Quốc tại Trung tâm GTVL Nghệ An.

Theo ông Đặng Cao Thắng - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, Hàn Quốc là một thị trường lao động có thu nhập cao, do vậy nhiều lao động sau khi hết hạn hợp đồng không muốn về nước mà tiếp tục ở lại lao động “chui”. Những lao động này chỉ biết đến lợi ích cá nhân, không nghĩ đến lợi ích chung của đất nước, lợi ích của cộng đồng. Trước tình trạng này, trong những năm qua, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo đối với công tác này, trong đó yêu cầu các địa phương tập trung rà soát, thống kê các đối tượng thuộc diện phải về và sắp đến hạn; tích cực tuyên truyền, vận động, phối hợp với thân nhân người lao động kêu gọi con em về nước đúng hạn; kiên quyết trong việc ký cam kết xác định trách nhiệm của gia đình người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc… Nhờ đó, tỷ lệ lao động Nghệ An cư trú bất hợp pháp từ 74% năm 2011 giảm xuống còn 71,3% năm 2012 và đến năm 2013 còn 45,68%. Cụ thể, năm 2012, đã vận động được 234/788 lao động về nước đúng hạn (đạt 29,7%); năm 2013 vận động được 603 lao động về nước đúng hạn trên tổng số 1.110 lao động phải về nước (đạt 44,32%). Đến hết năm 2013, số lao động hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp giảm xuống chỉ còn 507 lao động/1.110 lao động (chiếm 45,68%)”.

Nghi Lộc là một trong những huyện có số lao động hết hạn hợp đồng ở lại Hàn Quốc khá đông. Ông Trần Hữu Lam - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Trong 2 năm (2012 - 2013), huyện có hơn 2.600 người đi XKLĐ ở thị trường các nước, trong đó có gần 300 người sang làm việc tại thị trường Hàn Quốc. Tính đến năm 2013, trên địa bàn huyện vẫn còn 82/147 lao động ở lại cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc sau khi hết hạn hợp đồng lao động, chiếm tỷ lệ 55,8%. Để giảm thiểu số đối tượng này, thời gian qua, huyện đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến những chính sách của Hàn Quốc và Việt Nam đối với lao động hết hạn hợp đồng tự nguyện về nước; tổ chức ký cam kết trách nhiệm, phối hợp với thân nhân người lao động vận động, kêu gọi con em về nước; thường xuyên niêm yết công khai danh sách người lao động cư trú bất hợp pháp, lao động gần hết hạn hợp đồng ở Hàn Quốc tại nhà văn hóa các khu dân cư và thông báo trên hệ thống truyền thanh từ huyện đến xã; đưa vào tiêu chí xếp loại gia đình văn hóa và các danh hiệu thi đua khác”.

Ông Nguyễn Đức Thịnh ở xóm 2, xã Nghi Hợp – bố của anh Nguyễn Thành Nhơn (SN 1984) đang làm việc tại Hàn Quốc cho biết: “Còn mấy tháng nữa là con trai tôi sẽ hết hạn hợp đồng lao động tại Hàn Quốc. Được các tổ chức đoàn thể và cán bộ xóm vận động, trước những lợi ích cũng như những khó khăn phải đối mặt nếu như tiếp tục ở lại khi đã hết thời hạn, tôi sẽ vận động con mình về nước theo đúng thời gian quy định”.

Số người đi XKLĐ của Thành phố Vinh là 1.014 người, trong đó có 209 người sang làm việc tại Hàn Quốc. Đến năm 2013, TP. Vinh có số lao động ở lại Hàn Quốc là 60 người/145 người hết hạn hợp đồng. Năm 2014 có 20 đối tượng đến hạn phải về nước. Nhằm hạn chế tình trạng lao động cư trú bất hợp pháp tại nước bạn, ngoài tổ chức ký cam kết, tuyên truyền, vận động, đánh giá thi đua, thành phố tập trung chỉ đạo công an phường, xã cùng vào cuộc; quản lý chặt chẽ nhân, hộ khẩu và số lao động xuất khẩu trở về địa phương; yêu cầu đội ngũ cán bộ phòng LĐ-TB&XH phối hợp chặt chẽ với thân nhân người lao động trong việc vận động con em họ về nước đúng hạn. Vì vậy, năm 2013, TP.Vinh đã vận động được 85 lao động trở về nước và những tháng đầu năm 2014 này là 2 người.

Trở về nước sau hơn 4 năm làm việc tại Hàn Quốc, 2 lao động ở TP.Vinh là Hồ Văn Sỹ (SN 1987) ở xóm 13B, xã Nghi Kim và Nguyễn Hữu Đông (1987) ở khối 8, phường Trung Đô dành dụm được gần 1 tỷ đồng. Hai anh cho biết, với công việc chuyên môn là thợ cơ khí, mức lương bình quân hằng tháng, sau khi trừ hết mọi chi phí, mỗi người để dành được từ 800 - 1.000 USD/tháng. “Khi chuẩn bị hết hợp đồng thì đa số bạn bè ở Hàn Quốc đều khuyên ở lại, cố thêm vài năm nữa rồi về một thể. Em phải đấu tranh tư tưởng mãi mới quyết định về. Tiền thì cần thật nhưng vi phạm pháp luật ảnh hưởng rất lớn đến danh dự của mình và gia đình. Về nước nhưng bọn em vẫn có cơ hội trở lại Hàn Quốc làm việc; nếu không thì với số vốn tích lũy được, em có thể mở xưởng cơ khí tại nhà, với kinh nghiệm làm việc bên đó, nếu chịu khó cũng cho thu nhập ổn định” , anh Nguyễn Hữu Đông cho biết.

Với những cố gắng của tỉnh cũng như của cả nước về việc giảm thiểu số lao động hết hạn hợp đồng trở về nước và về đúng hạn trong thời gian qua, cuối tháng 12/2013, phía Hàn Quốc đã đồng ý ký kết bản ghi nhớ đặc biệt về việc phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS có thời hạn đến tháng 11/2014. Theo đó, 2.075 lao động của tỉnh đã đỗ kỳ kiểm tra năng lực tiếng Hàn năm 2011 và 2012, lao động huyện nghèo đi làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp và những lao động về nước đúng hạn đã đỗ kỳ thi tiếng Hàn sẽ có cơ hội được phía Hàn Quốc tuyển dụng. Hiện nay, đã có 1.702 lao động hoàn thiện hồ sơ và đã có 50 lao động của tỉnh được doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho công tác XKLĐ của tỉnh nói chung và của người lao động nói riêng.

Trong năm 2014, có 3.594 lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng lao động tại Hàn Quốc phải về nước, trong đó riêng Nghệ An có 173 người, chiếm tỷ lệ 4,8% của cả nước. Trong đó nhiều nhất là các huyện: Quỳnh Lưu, TP. Vinh (20 người), Hưng Nguyên (16 người), Nam Đàn, Nghi Lộc, TX. Cửa Lò (15 người), Thanh Chương (14 người), Diễn Châu, Đô Lương (12 người)... Để giảm tối đa tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng lao động không về nước, ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp, thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng cho nhân dân và người lao động biết về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu lao động, đặc biệt là đối với lao động đi làm việc tại Hàn Quốc; Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS; Triển khai nghiêm túc việc thực hiện Quyết định số 1465/QĐ-TTg ngày 21/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện ký quỹ đối với người lao động làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS.

Theo đó, người lao động trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc phải ký quỹ đảm bảo thực hiện hợp đồng lao động với mức tiền ký quỹ tối thiểu là 100 triệu đồng; thời hạn ký quỹ 5 năm 4 tháng; Tiếp tục thực hiện ký bản cam kết xác định trách nhiệm của gia đình người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc; Đưa chỉ tiêu vận động người lao động về nước đúng hạn vào xếp loại thi đua đối với UBND các xã, phường, thị trấn của địa phương.

Hy vọng với những giải pháp này, cùng sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, tình trạng người lao động sang Hàn Quốc làm việc đã và sắp đến hạn hợp đồng ở lại cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc sẽ được giảm thiểu.

Bài, ảnh: Minh Quân

Mới nhất

x
Vận động lao động về nước đúng thời hạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO