Vận dụng Công ước 1982 vào giải quyết tranh chấp quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

14/09/2011 08:22

(Baonghean) - Trước hết phải khẳng định tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và đảo không phải là đối tượng giải quyết theo cơ chế của Công ước 1982. Song các quy định của Công ước về đảo, đá, bãi cạn nửa nổi nửa chìm, quần đảo, quy chế các đảo đá tự nhiên, đảo đá nhân tạo, đường cơ sở quần đảo, quốc gia quần đảo có ảnh hưởng đến việc giải thích và áp dụng các phạm vi cho 2 quần đảo.

Trung Quốc thường viện dẫn đường đứt khúc chín đoạn (đường lưỡi bò) thể hiện trên bản đồ Nam Hải chư đảo do Trung Hoa Dân quốc xuất bản năm 1947. Phía Trung Quốc giải thích đây là đường biên giới quốc gia trên biển, đường này bao gồm 80% diện tích Biển Đông và toàn bộ 2 quần đảo và họ coi vùng viển nằm trong đường đứt khúc 9 đoạn này như vùng nước lịch sử đặt dưới chế độ nội thuỷ. Trên cơ sở đường này, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đưa ra quy định quản lý nghề cá trong biển Đông có hiệu lực từ ngày 1/1/2004. Tuy nhiên, cơ sở lịch sử này của Trung Quốc là mơ hồ, không phù hợp với luật pháp quốc tế.

Ngày 15/5/1996, Trung Quốc lại quy định đường cơ sở quần đảo Hoàng Sa trong Tuyên bố hệ thống đường cơ sở Trung Quốc. Đường này gồm 28 điểm, nối liền các điểm nhô ra nhất của các đảo, đá, bão cạn nửa nổi nửa chìm ngoài cùng thuộc quần đảo. Diện tích mà hệ đường cơ sở này của Trung Quốc bao lấy vùng rộng lớn 17.300 km2 trong khi diện tích các đảo nổi của quần đảo Hoàng Sa là 10 km2. Chế độ pháp lý của vùng nước này nằm trong hệ thống đường này được hiểu là chế độ nội thuỷ. Từ đó Hoàng Sa tiếp tục có các vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa chồng lấn các vùng biển ở miền Trung Việt Nam.

Trung Quốc đã áp dụng phương pháp vạch đường cơ sở chỉ quy định cho các quốc gia quần đảo để vạch đường cơ sở cho quần đảo Hoàng Sa. Quy định đường cơ sở của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa đã vi phạm 2 nguyên tắc cơ bản: đó là sự vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam và vi phạm các quy định của Luật Biển quốc tế về vạch đường cơ sở. Mỹ, Inđônêxia và nhiều nước khác đã phản đối hành động này của Trung Quốc.

Tại Trường Sa, Trung Quốc không quy định rõ phạm vi nhưng lại đưa ra khái niệm "vùng nước phụ cận của quần đảo Trường Sa" và đề nghị "gác tranh chấp cùng khai thác". Năm 1992 họ ký hợp đồng đặc nhượng với Công ty Creston (Mỹ) về vùng biển có diện tích 25.250 km2 với lý do đây là vùng thuộc phậm vi 200 hải lý tính từ điểm Cực Tây của quần đảo Trường Sa. Thực chất đây là khu vực bãi ngầm Tư Chính trên thềm lục địa Việt Nam. Gần đây, Trung Quốc lại đưa ra các phản đối với các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của Việt Nam ở tận phía trong Côn Sơn, ngăn cản các hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam liên doanh với đối tác nước ngoài trên thềm lục địa Việt Nam là vô lý và không thể chấp nhận.
(còn nữa)


Phòng Bạn đọc - gt

Mới nhất

x
Vận dụng Công ước 1982 vào giải quyết tranh chấp quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO