Văn Hà (Quang Sơn, Đô Lương): Làng không bình yên!

04/09/2014 10:54

(Baonghean) - Lớp ôn tập hè của Trường Tiểu học xã Quang Sơn (Đô Lương) đã diễn ra được 1 tháng, song con số học sinh con em làng Văn Hà, xã Quang Sơn đến trường vẫn chỉ dừng lại ở 10/73 em. Không những thế, liên tục từ giữa tháng 8 đến nay, làng Văn Hà không còn bình yên khi một số đối tượng xấu có những hành vi phá hoại, gây áp lực với các gia đình cho con, cháu đi học. Một số đối tượng còn vận động ngược các gia đình tiếp tục không đưa con em đến điểm trường chính học.

Sự việc đầu tiên được phát hiện vào lúc 21h 30 phút, ngày 16/8. Kẻ xấu đã lợi dụng bóng tối đốt rơm của gia đình anh Nguyễn Hàm Dương và chị Nguyễn Thị Hoa ở xóm 8. Tiếp sau đó 3 ngày, hơn 300m2 lúa đã đến ngày thu hoạch của gia đình anh chị Dương Hoa ở vùng đồng Su, 250m2 lúa của gia đình anh Nguyễn Hàm Tuấn ở khu vực đồng Cựa và 330m2 lúa của gia đình anh Nguyễn Hàm Dũng ở cánh đồng Eo bị kẻ xấu phá nát vào ban đêm. Tối 24/8, chúng đốt rơm của gia đình chị Nguyễn Thị Quý (xóm 10). Liên tiếp sau đó, chúng đốt rơm của gia đình anh Trần Văn Bình (Xóm trưởng xóm 9); gia đình anh Đặng Minh Năm (xóm 10). Dù thiệt hại về tài sản không lớn, nhưng những hành động phá hoại của các đối tượng này khiến bà con thực sự hoang mang. Trước sự việc trên, chính quyền xã Quang Sơn đã cắt cử người xuống trực tiếp thăm hỏi, động viên bà con, đồng thời trích một phần ngân sách để hỗ trợ. Theo nhận định của ông Lê Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND xã thì: Việc phá hoại liên tiếp trên địa bàn gây mất trật tự an ninh nông thôn. Diễn biến cho thấy, sự việc không đơn giản và có chủ mưu người đứng sau, giật dây, kích động…

Bên cạnh việc hủy hoại tài sản thì tình trạng người dân tụ tập đông cũng thường xuyên xảy ra. Trung bình một đêm có từ 130 – 150 người, kéo nhau đến hội quán bàn tán suốt đêm, kiên quyết không cho con em đến trường. Một số người còn đứng ra đi quyên góp ủng hộ tiền trong nhân dân. Trước thực tế này, tổ tuần tra của Công an xã Quang Sơn túc trực ở làng Văn Hà 24/24 giờ; Công an huyện Đô Lương và Công an tỉnh cũng đã cử người xuống địa bàn để nắm tình hình.

Cây rơm của gia đình anh Nguyễn Dương Hàm bị đốt cháy.
Cây rơm của gia đình anh Nguyễn Dương Hàm bị đốt cháy.

Đem con đi học được 4 bữa thì “rơm cháy đằng rơm, lúa hỏng đằng lúa”, nhiều người những tưởng vợ chồng anh chị Nguyễn Hàm Dương và Nguyễn Thị Hoa nhụt chí. Thế nhưng, hôm chúng tôi đến nhà vẫn thấy chị Hoa đang chăm chú ngồi ôn bài với hai con và sắp xếp lại sách chuẩn bị cho năm học mới. Chị tâm sự: Khi thấy đụn rơm nhà mình bị đốt, một số người bàng quang không chạy vào giúp, chị không bất ngờ, bởi đây là điều mà gia đình đã lường trước khi quyết định cho con đi học trở lại. Nhưng, dù thế nào đi chăng nữa, anh chị quyết tâm cho con đến trường, 1 năm để con nghỉ học ở nhà, làm bố, làm mẹ anh chị thấy ân hận rất nhiều. Chị Hoa kể: Con trai đầu Nguyễn Việt Dũng rất ham học, suốt một năm nghỉ học, sáng nào gọi con dậy ăn sáng nó cũng hỏi “ăn sáng làm gì hả mẹ, ăn rồi có đi học đâu?”. Rồi nó lại trách: Đáng lẽ con học lớp 3 rồi, tại vì bố mẹ nên nay con phải ở lại lớp 2… Từ ra Tết đến nay, lo cho con, hai anh chị cũng thay nhau ở nhà kèm cặp con ôn bài, nhưng chị biết rằng “dù có nỗ lực bao nhiêu cũng không bằng thầy, bằng cô ở trường được”. Trong câu chuyện với chúng tôi, chị luôn bày tỏ sự ân hận khi đã làm lỡ 1 năm học của con “Vợ chồng tôi cũng không muốn vậy, cực chẳng đã mà thôi…”.

Quyết tâm để con được đến trường cũng là điều chúng tôi cảm nhận rất rõ khi trò chuyện với anh Nguyễn Hàm Tuấn, phụ huynh em Nguyễn Thị Mỹ Lệ. Gia đình anh có 2 đứa con, con trai đầu Nguyễn Hàm Tài, là một trong những học sinh xuất sắc nhất khối 4, Trường Tiểu học Quang Sơn. Một năm em gái nghỉ học, chưa đủ lớn để hiểu vì lý do gì, nhưng lần nào cháu cũng nói với bố mẹ “Mần răng chứ em ta cứ nghỉ học a ri là bị mù chữ rồi đó. Mà mù chữ thì khổ lắm”. Làm cha, làm mẹ, anh Tuấn thấy có lỗi khi nghe con nói câu đó. Từ khi rơm của hàng xóm liên tục bị đốt, rồi ruộng của nhà anh bị phá hư hại, chưa đêm nào anh ngủ ngon... Biết là sẽ vất vả và không biết bao giờ sẽ hết tình cảnh này, nhưng anh quyết tâm: “Phá rứa, chứ phá nữa thì vẫn phải cho con đi học, ai nói răng thì nói”. Cũng theo anh, hiện có rất nhiều gia đình trong thôn mong muốn đưa con đến trường, nhưng vì lo sợ áp lực, lo bị dọa nạt nên còn e ngại, chần chừ. Anh bày tỏ mong muốn “cơ quan chức năng sớm điều tra làm rõ để ổn định tình hình”.

Vào thời điểm làng Văn Hà liên tục xảy ra những sự việc trên, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Quang Sơn vẫn kiên trì cắt cử giáo viên xuống từng nhà vận động phụ huynh đưa con em đến trường; sửa sang lại khuôn viên trường, lớp, mua sắm thêm trang, thiết bị để chuẩn bị cho năm học mới. Năm học 2014 – 2015, lần đầu tiên Trường Tiểu học Quang Sơn sẽ đưa vào 2 nội dung mới, đó là dạy tiếng Việt theo chương trình công nghệ mới cho học sinh lớp 1 và dạy chương trình tiếng Anh mới 10 năm, bắt đầu cho học sinh lớp 3. Chương trình mới cần rất nhiều đến phòng học thực hành, vì thế Hiệu trưởng Nguyễn Văn Sơn rất mong phụ huynh hiểu và tạo điều kiện để con em được đến học ở điểm trường chính, nơi điều kiện cơ sở vật chất và trang, thiết bị dạy học đảm bảo.

Trước sự việc xảy ra ở làng Văn Hà thời gian gần đây, ông Nguyễn Minh Hạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương khẳng định: Việc gây rối trong thời gian qua là hành vi gây mất trật tự an ninh nông thôn, cản trở quyền đến trường của con trẻ... Hiện nay, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đang điều tra làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Theo rà soát, quy mô trường lớp ở xã Quang Sơn là hoàn toàn hợp lý và chủ trương xóa bỏ điểm lẻ ở làng Văn Hà để tập trung học sinh khối 1, 2, 3 học tại điểm trường chính là phù hợp. Để tạo điều kiện cho con em đến trường, đoạn đường từ làng Văn Hà đến Trường Tiểu học Quang Sơn đã được nâng cấp, đổ đá dăm theo đúng kế hoạch. Chính quyền huyện, xã và nhà trường cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh làng Văn Hà như tổ chức dạy phụ đạo miễn phí, hỗ trợ học sinh học bán trú...

Một năm học mới lại đến, lẽ nào người dân làng Văn Hà - một ngôi làng nổi tiếng với truyền thống hiếu học, hiện trong làng có hơn 50 người làm giáo viên lại không nhận thức được điều đó? Và cam lòng để cho kẻ xấu lợi dụng, đẩy con em mình tiếp tục rơi vào cảnh thất học, đánh mất tương lai?

Theo Luật sư Trọng Hải - Văn phòng Luật sư Trọng Hải và cộng sự: Hành vi đốt rơm, phá hoại lúa của các gia đình cho con, cháu đi học của một số đối tượng tại làng Văn Hà có dấu hiệu của tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, được quy định tại Điều 143, Luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009):

1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ 500 nghìn đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 500 nghìn đồng, nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng chất nổ, chất cháy hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

c) Gây hậu quả nghiêm trọng;

d) Để che giấu tội phạm khác;

đ) Vì lý do công vụ của người bị hại;

e) Tái phạm nguy hiểm;

g) Gây thiệt hại tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:

a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Nhóm P.V

Mới nhất

x
Văn Hà (Quang Sơn, Đô Lương): Làng không bình yên!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO