Văn hóa phê bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Hóm hỉnh, nhân tình mà thẳng thắn

17/06/2011 19:23

(Baonghean) - Phê bình để người khác vui vẻ nhận ra và tiến bộ - điều đó quả không dễ. Từ cổ chí kim đã bàn nhiều về văn hoá phê bình, có thể rút ra bao nhiêu bài học thông qua gương sáng các vỹ nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một dẫn chứng…

Chuyện kể, thời kháng chiến có một cán bộ cấp cao rất hay nóng tính, nạt nộ nhiều khi đến vô lối với cấp dưới. Bác nghe được, một hôm cho gọi người đó đến, bảo đại ý chú nóng tính với cấp dưới nhưng chưa thấy chú nóng tính với Bác bao giờ? Vị cán bộ nọ, chắc sẽ ngộ ra cái thâm ý của Người về thói “nịnh trên nạt dưới” của một số cán bộ ta, mà Bác luôn không bằng lòng và tìm mọi cách để cảnh báo.

Năm 1958, miền Bắc hạn to, ruộng đồng nứt nẻ cả, Bác Hồ về thăm bà con nông đân tỉnh Hưng Yên. Gặp dân của 5 xã đang tập trung vất vả đào một con sông (sau này nhân dân gọi là sông Bác Hồ), Bác dừng lại thăm hỏi động viên rất ân cần, bà con thấy vậy thương quá cứ luôn miệng hoan hô... Bác xua tay: “Đừng hoan hô Hồ Chủ tịch, khi nào thấy nước về thì hãy hoan hô nước!”.

Đang đi, thấy một chủ tịch huyện áo quần sạch tinh đang đứng chờ chào Bác, thật bất ngờ, Bác yêu cầu vị ấy đưa tay cho Bác xem, rồi nói nhỏ: “Tay chú sạch quá! Các cán bộ cũng phải lao động với bà con chứ, có như vậy bà con mới thấy mình là người của nhân dân”. Khi đến xã cuối cùng, Bác rút trong túi ra một phong bì nhỏ trong đựng 7 chiếc huy hiệu của Người và dặn 5 chiếc tặng bà con 5 xã, một chiếc thưởng xã nào thi đua giỏi nhất. Chiếc còn lại thì tặng cụ Kiêu 82 tuổi lần ấy cũng tích cực tham gia đào sông... Ai yêu nước có công với quê hương thì không bao giờ Bác quên, nhưng những ai mà nhất là với cán bộ, có sai sót, bảo thủ thì Bác luôn tìm cách nhắc nhở, có khi chỉ trích thẳng thắn mà lại hết sức thuyết phục.


Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, công nhân Nhà máy cơ khí Vinh chiều ngày 9/12/1961, trong đó Người căn dặn: “Giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo, phải làm thế nào xứng đáng, phải làm thế nào là người lao động để người ta tin cậy.”

Cũng trong lần Bác về thăm Hưng Yên kể trên, một nhà báo Trung ương được phân công theo Bác để viết bài tường thuật. Thấy Bác Hồ đi bộ dưới nắng đến mấy cây số liền, nhà báo cũng phải tất tưởi chạy theo, rồi còn phải quan sát nghe ngóng, lấy số liệu ghi chép sao cho chính xác, sinh động... Tối đó về đến Hà Nội, nhà báo viết ngay bài tường thuật dài đăng báo Nhân Dân. Ngay sáng hôm sau, điện thoại từ văn phòng Chủ tịch nước mời tác giả bài tường thuật đến có việc. Bất ngờ và sung sướng, nhà báo được gặp Bác Hồ: “Bác đã đọc bài của chú trên báo, viết thế là được! Nhưng trong bài, chú cứ nhắc đi nhắc lại việc Hồ Chủ tịch đi bộ giữa cánh đồng. Vậy Bác hỏi chú, thế ra từ trước tới giờ Bác toàn đi xe, chưa từng lội bộ bao giờ à? Bác Hồ đi bộ là chuyện bình thường, có cái gì lạ đâu mà chú viết lắm thế?”. Trực tiếp nghe Bác khiển trách, ban đầu nhà báo rơi vào bối rối, sau lấy lại bình tĩnh, tác giả cảm ơn Bác và hứa sẽ rút kinh nghiệm cho nghề cầm bút của mình.

Với nhà báo nọ, câu chuyện đã trở thành một kỷ niệm, một bài học nhớ đời. Bốn năm sau đó, năm 1962 tại Hà Nội, Đại hội lần thứ 3 của Hội Nhà báo Việt Nam diễn ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh có bài nói chuyện thân tình với những người làm báo bấy giờ. Lúc bàn về mục đích của phê bình và tự phê bình, trên báo chí cũng như ở ngoài đời, Người cho đó là thứ vũ khí luôn cần thiết và vô cùng sắc bén. Nó giúp chúng ta sửa chữa sai lầm, phát huy ưu điểm. Chính vì khéo lợi dụng quan điểm phê bình và tự phê bình của Bác, cán bộ đảng viên và nhân dân ta mới có cơ hội tiến bộ. Nếu ngược lại, thì đó chính là một nguy cơ tiềm ẩn, hậu quả sẽ khôn lường... Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI (tháng 1/2011), chỉ rõ định hướng Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước và xã hội ta thông qua nhiều phương thức, trong đó đặc biệt chú ý tới hành động gương mẫu của mỗi đảng viên, và chủ trương thường xuyên tự phê bình và phê bình, đấu tranh không khoan nhượng chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, tệ nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí cùng nhiều biểu hiện chia rẽ, bè phái. Không chỉ đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch, cán bộ đảng viên còn phải biết phê phán, biết đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến” nữa. Các nhà báo của nền báo chí cách mạng, cũng cần nhận thức cho thật rõ quy luật này!

Hóm hỉnh, nhân tình mà thẳng thắn - phải chăng đó là một nét nổi bật trong văn hoá phê bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh, còn có giá trị tới hôm nay!


Kim Hùng

Văn hóa phê bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Hóm hỉnh, nhân tình mà thẳng thắn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO