Văn Hoành và giấc mơ “Đi tìm một nửa”

22/07/2013 18:25

(Baonghean) - Một buổi sáng hè trời Vinh vừa ngớt đợt mưa hoàn lưu cơn bão số 2, tôi bốc máy gọi nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Hoành, lần thứ nhất nghe nhà mạng báo “Thuê bao quý khách vừa gọi...”, lần thứ hai cũng thế. Lát sau thấy Văn Hoành gọi lại, bảo mình đang đi “chộp” (chụp ảnh), vừa qua đoạn mất sóng, đang ở bản Văng Môn (Xiêng My, Tương Dương), mới lên với đồng bào Ơ Đu, vui lắm, hôm nào về gặp sau nhé... Nghe tiếng nói cười rổn rảng, tôi biết ông đang rất hứng khởi với chuyến đi mới. Dù đã 65 tuổi, đã vài lần thử sức với căn bệnh “tai biến”, nhưng cứ hồi sức là Văn Hoành lại đi, bởi hình như ông chỉ có thể tìm thấy ý nghĩa và giá trị của mình trong cái sự đi…

Đi xe “Vĩnh cửu” để chụp hình cái chết!


Trong cuộc đời “làm ảnh” của mình, Văn Hoành ám ảnh nhất là thời ông phục vụ tổ công tác của Ủy ban điều tra tội ác của giặc Mỹ tại Nghệ An. Những năm 1969, 1970, sau khi tham gia lớp đào tạo phóng viên ảnh thời sự do Bộ Văn hóa – Thông tin phối hợp với Thông tấn xã Việt Nam tổ chức, Văn Hoành về công tác tại phòng thời sự - tài liệu của Ty Văn hóa Nghệ An. Đây là thời điểm giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc ác liệt, những xóm làng, những cánh đồng trên miền Bắc đã hứng chịu biết bao loạt bom đạn.

Lúc này, Ty Văn hóa tỉnh Nghệ An cử hai nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Đồng và Văn Hoành có nhiệm vụ chụp hình các hình ảnh do bom Mỹ gây ra trên địa bàn tỉnh để cung cấp cho tổ công tác của Ủy ban điều tra tội ác giặc Mỹ tại Nghệ An. Vì lúc đó còn là thanh niên trẻ tuổi nên Văn Hoành được giao chiếc xe đạp Vĩnh Cửu để đi chụp hình ở những địa bàn xa.

Những năm tháng đó, với chiếc xe Vĩnh Cửu, chiếc máy ảnh Praktica, Văn Hoành lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng. Nghe tin máy bay ném bom ở đâu, là lập tức lên đường đến đó để ghi lại hình ảnh phản ảnh sự mất mát tổn thất. Có khi bên Tỉnh Đội cho biết địa điểm phán đoán sẽ có máy bay ném bom, thế là lập tức đến ngay vùng đó, bất kể ngày đêm. Văn Hoành kể, mỗi lần đi vậy chẳng khác gì tự dẫn thân đến dưới “tọa độ chết”. Cứ sau mỗi lần nghe bom nổ dữ dội, biết mình thoát chết, lại lập tức lao ra nghe ngóng, tìm kiếm xem thử nơi nào bị tàn phá để đến làm nhiệm vụ.

Đến bây giờ, Văn Hoành vẫn chưa hết ám ảnh, day dứt về những cái chết oan ức, tức tưởi, đầy thường tâm của những người dân vô tội của một đất nước có chiến tranh. Đó là những lần bom ném xuống trường học ở xã Xuân Hòa (Nam Đàn) làm chết 8 em học sinh và nhiều em bị thương. Hay lần máy bay B52 trút bom xuống làng công giáo ở xã Đà Sơn (Đô Lương), có gia đình bị chết 7 người.

Rồi lần Mỹ ném bom ở xã Hội Sơn, bom rơi đúng vào nơi Nhà máy điện Vinh sơ tán, lấp luôn cả hang và cướp luôn sinh mạng của công nhân nhà máy điện. Rồi những lần cùng đứng trong hầm pháo mấy ngày liền với dân quân Nghi Hải (Nghi Lộc), ống kính cũng giơ lên cùng nòng pháo để ghi lại cảnh oanh tạc của máy bay… Không it lần, nước mắt chảy nhòe cả khe ngắm. Tay chỉnh ống kính mà cứ run lên bần bật bởi sự thảm khốc, man rợ, khủng khiếp diễn ra ngay trước mắt. Những lúc đó, ông chỉ biết chụp và chụp.

Sau đó lại vội vội vàng vàng trở về Vinh thật nhanh để vào phòng tối, làm phim, rửa ảnh, gửi ngay cho bộ phận công tác của Ủy ban điều tra tội ác chiến tranh. Có những bức ảnh khi lên hình tác giả cũng không dám nhìn vì sự khủng khiếp của chết chóc, thương vong. Ở mỗi bức hình như vậy, ông chỉ mong rằng nó là ngôn ngữ đanh thép, là minh chứng không thể chối cãi để góp phần cho các đoàn đàm phán của ta tố cáo tội ác của giặc Mỹ, để cuộc chiến tàn khốc này sớm kết thúc. Để người nghệ sĩ như ông được mặc sức đi khám phá vẻ đẹp thiên nhiên, cuộc sống, những mảnh đời, những số phận… chứ không phải chỉ ngồi xe Vĩnh Cửu để đi chụp hình cái chết như thế!

Từ chụp ảnh đến… “chộp” ảnh

Sau hòa bình lập lại một thời gian, Văn Hoành chuyển sang công tác ở mảng kỹ thuật nhiếp ảnh tại Công ty Nhiếp ảnh Nghệ An. Đây là thời kỳ bắt đầu sự thăng hoa trong “nghề” ảnh của ông. Văn Hoành vừa sáng tác, vừa tham gia giảng dạy lớp ảnh thời sự nghệ thuật do Ty Văn hóa Nghệ An mở, trong đó có cả những lớp Ty Văn hóa mở để các thầy giáo – nghệ sĩ Việt Nam dạy cho các nghệ sĩ nhiếp ảnh nước bạn Lào.

Thời kỳ này ông bắt đầu đi nhiều. Gần như ông rong ruổi đến tận mọi vùng miền, mọi đồng bào dân tộc trên mảnh đất xứ Nghệ. Điều thôi thúc ông ra đi, tìm đến, lại vẫn là những thân phận, những nổi khổ đau, sự truân chuyên của những nỗi đời, kiếp người. Phải chăng, những ám ảnh tận cùng của nỗi khổ, cái chết, sự mất mát thuở đất nước chiến tranh vẫn níu bám ông không dứt, để rồi, những nỗi buồn thương ấy lại tiếp tục hồi quang, khúc xạ trong những khuôn hình mà ông bắt gặp trên hành trình tìm kiếm, sáng tạo ở bộ môn nghệ thuật ánh sáng.



Tác phẩm "Mẹ"

Đó là bức ảnh “Mẹ” với hình hài và bước đi bươn chải trên con đường dâu bể mà trong một khoảnh khắc trời cho, Văn Hoành đã kịp “chộp” được ở một góc nhìn ngược sáng, và cũng chỉ ở góc nhìn ấy người nghệ sĩ mới “bắt” được ánh sáng tự nhiên hắt lên những đường nét mệt mỏi của ánh ngày tạc thành hình tượng người mẹ, đẩy không gian tồn tại của nhân vật trở nên sâu hơn, như thể diễn tả được cả chiều sâu và sức nặng vô hình của thời gian đang đè lên những bước đi nhọc nhằn yếu ớt trước biển đời vẫn chưa thôi vỗ sóng… Hay bức ảnh “Phía trước là hạt gạo”, khoảnh khắc Văn Hoành “chộp” được có tiền cảnh lại là phía sau của một người đàn bà đang cấy lúa, đập vào ống kính là một hình ảnh vừa dí dỏm hài hước từ ý tứ một câu ca dao xứ Nghệ (Cha mẹ em nặng nhọc nơi đâu/ Ngày ngày em chổng phao câu lên trời), vừa khơi gợi sâu xa từ cái quần vá chằng vá đụp, như thể những miếng vá đó đang đắp lên thân phận, số kiếp người phụ nữ nông thôn, hay chính cuộc đời đó, tấm thân đó đang được quàng đắp bởi tấm vải không có lấy một chỗ lành… Nhưng từ những bàn tay người phụ nữ đó, những hàng lúa cứ chạy dài ra tít tắp, gieo trồng lên mùa màng, sự no ấm cho cuộc đời mà nhiều khi không chắc đã có họ ở trong số đó…

Cứ như thế, những khoảnh khắc Văn Hoành “chộp” được dần để lại dấu ấn trong làng ảnh tỉnh nhà, khu vực Bắc miền Trung và bè bạn cả nước một phong cách riêng với những góc nhìn có phần gai góc, “bảo thủ”. Bởi dường như nói về ảnh của Văn Hoành, công chúng nhớ nhiều về sự dằn vặt trước những khổ cực, tảo tần, lam lũ... Cùng với “Mẹ”, “Phía trước là hạt gạo” còn có những tác phẩm đưa tên tuổi Văn Hoành gần gũi với mọi người như “Nước non trên vai mẹ”, “Hạt gạo miền Trung”, “Đường cày con gái”... Đôi khi, ảnh Văn Hoành cũng phản ánh những hiện thực không kém phần dữ dội.



Tác phẩm "Cạn kiệt đầu nguồn"

Bức “Cạn kiệt đầu nguồn” là khoảnh khắc ghi lại những đám gỗ ở bãi tập kết hạ nguồn sông Lam (khu vực sông Cửa Tiền) vào lúc triều rút, nước cạn… nhưng lại nói được rất nhiều điều ở thượng nguồn, và hơn cả là sự cảnh báo, dự báo về môi trường và môi sinh. Đó cũng là sự lên tiếng của người nghệ sĩ đầy trách nhiệm với cuộc đời, với hậu thế, là hình ảnh và sự vật cụ thể nhưng lại vượt ra khỏi cái nhìn cụ thể, không gian và thời gian hữu hạn, để nói lên những điều rộng dài hơn thế.

Văn Hoành tâm sự: “Tôi luôn kiếm tìm những khoảnh khắc tự nhiên. Vì thế tôi thích gọi khoảnh khắc mình bấm máy là “chộp”, chứ không hẳn chỉ là chụp. Những tác phẩm tôi “chộp” được là cuộc sống đã diễn ra, xảy ra như vậy. Tự thân cuộc sống đã hàm chứa ý tứ, đề tài, nội dung… Chứ tôi không bao giờ chủ động sắp đặt, tạo dựng ánh sáng hay bố cục “nhân tạo”. Vì vậy, muốn có khoảnh khắc đến với mình, tôi lại lên đường để “săn”, để chờ”.



Tác phẩm "Đi tìm một nửa"

Và một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất đối với Văn Hoành là bức ảnh “Đi tìm một nửa”. Vào một sáng trên dòng sông Lam, đoạn chảy qua rú Nguộc, địa phận huyện Thanh Chương, trong lúc những người dân vạn chài vừa đi đánh cá về giũ lưới phơi trên sông, một con vịt đang bơi lặng lẽ ngang qua trên dòng nước… “Chộp” được khoảnh khắc đó, Văn Hoành có tác phẩm ảnh nghệ thuật giàu chất thơ: Một con vịt lẻ loi trong liên tưởng về ý niệm một nửa trong một chỉnh thể có đôi, một nửa cây sào cắm xuống lòng sông, một nửa tấm lưới mỏng manh buông rũ… tất cả đang đổ bóng xuống mặt nước tạo thành những nửa còn lại rất gần, nhưng cũng rất xa vì đó chỉ là ảo giác.

Trong cái nhìn nghệ thuật của Văn Hoành, một nửa dù rất gần, nhưng vẫn mãi chỉ là ảo giác, ảo giác về một nửa của chính mình là cái không thể nắm bắt, vì vậy muôn loài vẫn mãi cô đơn vò võ trong sự kiếm tìm khắc khoải… Phải chăng, tác phẩm “Đi tìm một nửa” cũng là sự lý giải, là sự giải thoát cho chính những tâm trạng dồn nén của người nghệ sĩ suốt một đời luôn mải mê đi, mải mê khao khát tìm kiếm cái đẹp nghệ thuật, cái đẹp của cuộc đời.

Sinh ra và lớn lên ở thành phố Vinh, “trai thị xã Vinh chính gốc”, Văn Hoành trong mắt bạn bè đồng nghiệp là người tài hoa và cũng không kém phần hào hoa. Tuy vậy, “tạng” người ông lại có vẻ như không thật sự phù hợp với những gì ồn ả, đua tranh, gấp gáp nơi phố thị... Quả vậy, nơi chốn lôi cuốn bước chân ông là những núi cao, thung sâu, những bản làng, những sinh hoạt dân gian của người Thái, người Mông, Ơ đu, Khơ Mú... ở miền Tây xứ Nghệ.

Đã hàng trăm lần, Văn Hoành lầm lũi, lặng lẽ “độc hành” trên chiếc xe máy cà tàng để đến với Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, rẽ ngang qua Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp... để đến nay ông đã “giắt lưng” gần 200 bức ảnh tạo thành một bộ ảnh phản ánh mọi mặt về đời sống, tập tục sinh hoạt của đầy đủ các thành phần dân tộc trên đất Nghệ An.

Người nghệ sĩ rong chơi trên bộ môn nghệ thuật ánh sáng này đang đau đáu mong muốn sẽ dựng một tập sách về cuộc sống các đồng bào dân tộc Nghệ An để lưu lại những khoảnh khắc, những vẻ đẹp mà theo theo ông, đó là bản sắc, là bề dày nguồn cội, là sức sống mãnh liệt, nhưng cũng rất đỗi mong manh, cơ hồ dễ phai nhạt, chìm khuất hoặc mai một trước những biến thiên khôn lường của thời gian. Tôi tin rằng nghệ sĩ Văn Hoành sẽ thực hiện được dự định đầy trách nhiệm của mình.


Ngô Kiên

Mới nhất
x
Văn Hoành và giấc mơ “Đi tìm một nửa”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO