Vẫn khó vay vốn trong nông nghiệp

16/08/2013 10:27

Có một câu chuyện thực tế là ngân hàng “ngại” cho vay tới hộ nông thôn vì vốn giải ngân thì nhỏ mà chi phí giám sát thì lớn, trong khi đó về phía người nông dân, họ nhận thấy cơ chế, thủ tục cho vay phức tạp nên thay vì tới ngân hàng thì họ sẽ chạy sang vay hàng xóm.




Thích cho DN vay hơn là hộ nông dân!


Những năm gần đây, thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ, hệ thống ngân hàng đã triển khai nhiều chính sách ưu tiên nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp nông thôn. Bắt đầu khi có Nghị định 41 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn thì tín dụng cho nông nghiệp là 292.000 tỷ đồng, cho đến nay, sau 3 năm thì là 622.000 tỷ đồng, tăng 2,1 lần. Vốn tín dụng này chiếm trong tổng tín dụng của toàn ngành khoảng 18-19%, nếu cộng cả dư nợ của Ngân hàng Chính sách thì chiếm khoảng 20-22%, tương ứng với mức đóng góp cho GDP cả nước của ngành nông nghiệp. Như vậy, vốn tín dụng đưa vào nông nghiệp không quá nhỏ.


Tuy nhiên, do năng lực sản xuất lĩnh vực nông nghiệp nông thôn còn rất lớn nên chính sách tín dụng cho lĩnh vực này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và chưa phát huy hiệu quả như mong đợi.


Các hộ nông dân Việt Nam vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng mặc dù chúng ta có không ít định chế tín dụng hướng vào phục vụ cho nông dân. Hiện nay, các tổ chức tín dụng về nông thôn dường như thích cho doanh nghiệp vay hơn hộ nông dân. Điều này cũng có thể dễ hiểu bởi tín dụng cho nông nghiệp nông thôn chủ yếu là món vay nhỏ lẻ dẫn đến chi phí hoạt động cao. Bên cạnh đó, rủi ro trong nông nghiệp cũng lớn như trình độ năng lực quản lý của chính hộ vay, hạn hán thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh…


Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Đáp ứng tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng nay (15/8), ông Nguyễn Tiến Đông- Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank)- cho rằng: Món vay nhỏ, chi phí cao, rủi ro lớn, nên nếu không có lượng chi nhánh gần dân, sát dân, không đủ lượng cán bộ, thì muốn cho vay tới hộ dân thì cũng không cho vay được. Vì tín dụng chủ yếu là lòng tin, phải hiểu, phải tin thì mới đưa tín dụng ra được, chứ không hoàn toàn là vấn đề thế chấp, thế chấp chỉ là điều kiện cần, không phải là điều kiện đủ.


Hộ nông dân “ngại” vay vốn


Chính việc khó tiếp cận vốn tín dụng đã khiến cho người nông dân cũng ngại vay vốn. Theo số liệu điều tra tiếp cận nguồn lực hộ nông thôn VN (VARHS) 2006 - 2012, có 50% số hộ nông dân được khảo sát có vay nợ, 60% trong số đó ghi nhận có vay của ngân hàng. Tuy nhiên, quy mô vay rất thấp, chỉ chiếm 13,6% trong tổng lượng vay.


Lý giải vấn đề này, ông Nguyễn Viết Mạnh- Vụ trưởng Vụ tín dụng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam- cho rằng:Đối với tín dụng ngân hàng là phải có địa chỉ, mục tiêu cụ thể, và phải tính đến tập quán của người dân. Cũng như bà nội trợ ở nhà, ông chồng thấy không có việc gì nhưng thực ra là làm toàn việc không tên thì nhu cầu chi tiêu của hộ nông dân cũng vậy. Có những việc không đưa vào đối tượng vay được, thu nhập thì theo thời vụ nhưng chi tiêu theo hàng ngày và những việc lặt vặt không thể đến ngân hàng vay được, vì vậy đã xuất hiện thói quen vay lãi ngoài, vừa quen, vừa kịp thời. Còn về phía nhà tín dụng, đối tượng vay không rõ ràng cụ thể thì vốn cũng khó vào.


Ngân hàng “ngại” cho vay tới hộ nông thôn, còn người nông dân thì “ngại” đi vay vì cơ chế, thủ tục cho vay phức tạp, dẫn đến họ tìm đến “tín dụng đen”.ông Nguyễn Tiến Đông cho biết"Hiện nay, chúng tôi đã cử 7 đoàn cán bộ tiến hành nghiên cứu hộ nông dân để làm thế nào cho vay theo hạn mức tín dụng chi tiêu tổng hợp để vừa sức với nông dân.”.


Tăng cường nguồn vốn cho nông nghiệp


Nhu cầu về tín dụng cho nông nghiệp nông thôn là rất lớn và các vướng mắc rào cản về tín dụng cho lĩnh vực này đang được Chính phủ và các ngành chức năng quan tâm tháo gỡ. Nhưng để đáp ứng được nhu cầu phát triển của lĩnh vực tam nông, nhất là nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh của các hộ nông dân thì vẫn còn một khoảng cách khá lớn từ chính sách đến thực tiễn triển khai.


Để giúp bà con có thể vay vốn tốt nhất, ông Nguyễn Viết Mạnh cho biết: Từ nay đến cuối năm, hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai các chính sách tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân đã được quy định. Đồng thời sẽ tiếp tục thực hiện giãn, hoãn nợ; giảm một phần lãi đối với những khoản nợ xấu…

Bên cạnh đó, NHNN cũng đang nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất cho vay một số chương trình mới, phù hợp với quy trình sản xuất của bà con.

Ông Nguyễn Tiến Đông- Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank):


Trong thời gian tới, ngân hàng sẽ cải cách, đơn giản hóa thủ tục tiếp cận vốn, cũng như cho vay phù hợp với điều kiện sản xuất của bà con. Ví dụ, sẽ cho vay theo niên vụ cây trồng; cho vay theo hạn mức tín dụng. Về các vấn đề rủi ro khi có thiên tai, dịch bệnh thì sẽ khoanh nợ giãn nợ, cho vay tiếp để người dân có thể tái tạo sản xuất, sau vài mùa vụ có khả năng trả nợ và ổn định cuộc sống.


Ngoài ra, trong quá trình thực hiện Nghị định 41, những hộ nông dân ở khu vực giáp ranh ven đô thị không được vay theo quy định của Nghị định này. Hiện chúng tôi đang nghiên cứu, để cơ chế được lan tỏa đến những địa bàn không phải nông nghiệp theo Nghị định 41 nhưng nông dân vẫn được hỗ trợ như các xã.


Theobaocongthuong.P-H

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Vẫn khó vay vốn trong nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO