Vạn Yên bỗng vắng cánh cò

21/01/2013 19:05

"Đất lành chim đậu"

"Đất lành chim đậu"

Nằm ven Quốc lộ 7A, đoạn giáp ranh giữa hai huyện Yên Thành và Đô Lương, làng Vạn Yên (Hòa Sơn - Đô Lương) được bao bọc bởi núi rừng và hai hồ nước lớn là khe Du và khe Hồ. Giữa hồ nổi lên một ốc đảo với hàng trăm lũy tre ken dày đặc, gọi là động Tròn. Hơn 10 năm nay, động Tròn còn có tên gọi khác là động Cò, bởi đây là nơi trú ngụ của rất nhiều cò. Mỗi năm, cứ vào độ tháng 10 âm lịch, khi nước trong lòng hồ ăm ắp đầy, từng đàn cò lên đến hàng vạn con lại kéo nhau về đậu trắng cả rừng tre. Những ngọn tre to bằng bắp tay cong võng xuống bởi sức nặng của hàng chục con cò đứng rỉa lông rỉa cánh sau một ngày kiếm ăn. Hàng nghìn con cò vỗ cánh đi về, tiếng lao xao tranh giành chỗ trú ngụ làm náo động cả một vùng quê. Nhiều du khách đi qua đây, thấy rừng cò đẹp quá, dừng lại chụp ảnh. Và cứ thế, “động Tròn” trở thành một phần thân thiết, niềm tự hào của dân làng Vạn Yên.

Thưa vắng bóng cò

Thời điểm này những năm trước, động Tròn đã nhộn nhịp. Vậy mà hôm nay, chúng tôi đứng trên bờ hồ khe Du hơn 2 tiếng đồng hồ, nhìn về phía hồ, chỉ thấy vài đàn cò, mỗi đàn khoảng vài chục con. Anh Thái Văn Long - một hộ nuôi cá tại hồ khe Du cho biết: Hôm trước mấy anh phóng viên Đài truyền hình huyện dựng máy quay chờ cả buổi chiều đến tối, không có đàn cò nào về ngủ cả!".

Hỏi nguyên nhân vì sao động Tròn vắng cò, một số người dân làng Vạn Yên chia sẻ nỗi bức xúc trước tình trạng săn bắn diễn ra quá nhiều. Vào những ngày mưa gió, cò bị ướt cánh nên chỉ việc mang bao tải vào nhặt cò về bán. Giá một con cò khoảng 25 nghìn đồng, mỗi ngày họ cũng kiếm được hơn 5 trăm nghìn. Tệ hơn nữa là do đam mê thú săn bắn nên không ít cán bộ, công chức cũng mang súng đến săn cò. Dân làng Vạn Yên muốn bảo vệ đàn cò, nhưng "lực bất tòng tâm".

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Đình Lợi - Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đô Lương cho biết: "Việc đàn cò về đây trú ngụ trong nhiều năm qua mang tính tự nhiên. Chúng tôi chỉ cố gắng bảo vệ giữ gìn cảnh quan môi trường, chứ chưa tập trung đầu tư khai thác dịch vụ du lịch từ đây. Đặc điểm của loài cò là thích trú ẩn nơi yên tĩnh, trên có cây, dưới có nước, thích hợp nhất là cây tre. Thế nhưng, cứ đến độ tháng 4 âm lịch địa phương ở đây lại xả nước ở hồ khe Du và khe Hồ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Nước hồ khô cạn, cò lại cất cánh tìm về nơi khác". Công ty đã thuê một người dân địa phương kết hợp với lực lượng Công an xã Hòa Sơn để canh giữ đàn cò với mức lương 350 nghìn đồng/tháng. Thế nhưng, tình trạng săn bắn cò vẫn không kiểm soát được.

Ông Thái Đình Hường - Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn phân tích, cái khó của địa phương là không thể vì đàn cò mà làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp được. Hồ khe Du và khe Thơi được địa phương đắp nên nhằm đảm bảo nguồn nước tiêu cho đồng ruộng. Xã có một trạm bơm nước đặt ở cống Hiệp Hòa dẫn nước từ sông Đào về, công suất còn thấp. Nhưng có hơn 30 ha diện tích đất nông nghiệp của xã nằm trên cao, phụ thuộc hoàn toàn nước hồ. Việc nâng cấp trạm bơm và xây dựng một trạm bơm nước trung chuyển từ vùng thấp lên vùng cao, địa phương không đủ kinh phí. Từ khi đàn cò về đây, chính quyền địa phương luôn tăng cường công tác bảo vệ, xử lý nghiêm các đối tượng săn bắt cò. Còn để tạo môi trường tự nhiên thu hút đàn cò, xã không đủ khả năng…

Cần một dự án du lịch sinh thái

Việc thu hút đàn cò trở lại với Vạn Yên là không khó, bởi nơi đây vốn là mảnh "đất lành" nhưng cần sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và các nhà quản lý. Chỉ cần nâng cấp hệ thống mương máng và trạm bơm nước phục vụ sản xuất nông nghiệp thay cho việc tháo nước trong hồ ra, đồng thời trồng thêm một số tre ven hồ. Gần đây, đã có một số doanh nghiệp về thăm dò, nghiên cứu để phát triển du lịch sinh thái kết hợp vẻ đẹp tự nhiên của cánh đồi thông bạt ngàn, hồ nước trên núi và động Tròn. Nhưng đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào mạnh dạn đầu tư. Nên chăng chính quyền địa phương cần có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm khai thác lợi thế tiềm năng du lịch sinh thái kết hợp bảo vệ đàn cò.


Nguyễn Lê (CTV)

Mới nhất
x
Vạn Yên bỗng vắng cánh cò
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO