Vang mãi tiếng trống năm 30
(Baonghean) - “Ơ…chứ nước sông Lam biết khi mô cho cạn, cũng như tinh thần cách mạng của dân ta. Dù cho nắng đỏ mưa sa, Nghệ An Xô Viết vẫn là Nghệ An…”. Mang theo câu hát, điệu hò, chúng tôi tìm gặp “người xưa”, đến những nơi từng sục sôi đấu tranh của những năm 30-31 và nhìn thấy sự chuyển mình rất rõ của những vùng quê cách mạng…
(Baonghean) - “Ơ…chứ nước sông Lam biết khi mô cho cạn, cũng như tinh thần cách mạng của dân ta. Dù cho nắng đỏ mưa sa, Nghệ An Xô Viết vẫn là Nghệ An…”. Mang theo câu hát, điệu hò, chúng tôi tìm gặp “người xưa”, đến những nơi từng sục sôi đấu tranh của những năm 30-31 và nhìn thấy sự chuyển mình rất rõ của những vùng quê cách mạng…
Nơi đứng đầu dậy trước
Từ Quốc lộ 46, vượt cầu Rộ, bắc qua sông Lam, xã Võ Liệt của huyện Thanh Chương hiện lên với những cánh đồng ruộng nước, mang đậm không gian của vùng quê thuần nông. Giữa cánh đồng Rè, uy nghi đình Võ Liệt (được xây từ năm 1859), nơi thành lập chính quyền “xã bộ nông” đầu tiên trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh những năm 1930-1931. Chúng tôi tìm đến nhà cụ Phan Tố Đức, vị lão thành cách mạng duy nhất còn sống ở huyện Thanh Chương. Năm nay đã 97 tuổi, với 73 năm tuổi đảng, mặc dù đôi tai “hơi nặng” nhưng cụ Phan Tố Đức vẫn còn minh mẫn lắm. Khi nhắc tới những ký ức về “cao trào cách mạng 30-31” mà cụ từng tham gia, đôi mắt, nét mặt của cụ rạng ngời niềm hân hoan.
Qua lời kể, cụ cho biết: Vào tối 31/8, rạng sáng 1/9/1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng cuộc biểu tình lớn với sự tham gia của hơn 2 vạn nông dân từ 5 tổng kéo về huyện đường Thanh Chương với khí thế như “thác đổ, triều dâng” làm cho tri huyện, nha lại, lính tráng bỏ chạy toán loạn. Sau thắng lợi của cuộc biểu tình này, ngay chiều 1/9 chính quyền Xô viết được thành lập. Thời điểm đó, cụ Phan Tố Đức mới 14 tuổi, nhưng viết thông, đọc thạo được “mời” đi rải truyền đơn và đọc cho người dân nghe về những nội dung tuyên truyền của Đảng. Cũng từ đó, cụ đã gắn cuộc đời mình theo Đảng. Đến năm 1940, cụ được kết nạp vào Đảng Cộng sản và phân công giữ chức Bí thư Tổng ủy Võ Liệt. Nhưng chỉ sau một năm, cụ bị thực dân Pháp bắt giam, lưu đày. Đến sau ngày Quốc khánh 2/9/1945 cụ mới được thả và tiếp tục hoạt động cách mạng.
Từng trải qua nhiều vị trí công tác, ở nhiều địa bàn khác nhau nhưng khi nghỉ hưu, cụ Phan Tố Đức về lại quê nhà Võ Liệt. Ngôi nhà của gia đình cụ ở trên triền đồi, nhìn ra đình Võ Liệt. Với địa thế đó, cùng với truyền thống cách mạng được hun đúc, các thế hệ con, cháu, chắt của cụ học hành thành đạt. Đến nay, đại gia đình cụ có đến 10 đảng viên, 3 tiến sỹ, 4 thạc sỹ… Gắn bó với quê hương, chứng kiến nhiều đổi thay nhưng với trách nhiệm của người đảng viên, cụ vẫn còn những tâm huyết, mong muốn cho Võ Liệt phát triển hơn nữa trong giai đoạn mới. Bởi cho đến nay, vùng quê cách mạng này vẫn còn độc canh cây lúa, 80% lao động làm nông nghiệp; một số nghề như mộc, hàn, dịch vụ đã len lỏi trong làng quê nhưng chưa tạo được “cú hích” tích cực.
Thực hiện công cuộc xây dựng nông thôn mới, xã vẫn chưa “dồn điền, đổi thửa”, vì vậy còn chậm trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chậm ứng dụng máy móc nông nghiệp, khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Thừa nhận thực tế này, đồng chí Nguyễn Hữu Soại - Phó Bí thư Đảng ủy xã Võ Liệt cho hay: “Đúng là trong công cuộc phát triển, xã có nhiều lĩnh vực chậm đổi mới. Đến nay, xã mới chỉ đạt 6/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đảng ủy, chính quyền và nhân dân cũng đang trăn trở tìm hướng đi thích hợp để xứng đáng với vùng quê cách mạng từng “đi đầu, dậy trước”. Quá trình đó, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác vận động nhân dân, chúng tôi rất cần sự chung tay đầu tư của các cấp ngành, doanh nghiệp...”.
Thu hoạch chè công nghiệp ở vùng quê cách mạng Hạnh Lâm - Thanh Chương.
Dọc đường 12/9 lịch sử
Rời Võ Liệt, chúng tôi “xuôi về Vinh”, qua Nam Đàn - quê Bác, Hưng Nguyên - quê hương cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong - những miền quê Xô Viết đang tích cực chuyển mình với lúa ngô, rau màu năng suất cao cùng các công trình, nhà máy công nghiệp, thể hiện sự liên minh công-nông bền vững.
Ấn tượng đầu tiên khi bước chân vào Thị trấn huyện Hưng Nguyên là di tích Đài tưởng niệm các liệt sỹ Xô -Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931. Xưa, đài giương cao cây búa, lưỡi liềm nêu cao tinh thần đoàn kết công nông, nay đã trở thành nhà tưởng niệm, một công viên mở mà mỗi sáng sáng, chiều chiều người dân thường ra đây bách bộ. Từ đây rẽ trái là bước vào con đường lịch sử Tỉnh lộ 558 - con đường này người dân Nghệ vẫn quen gọi là đường 12/9. Đường cắt ngang đường tránh Vinh và nối Quốc lộ 46 với tuyến đường ven sông Lam. Đường 12/9 giờ rộng thênh thang, trải nhựa phẳng lì. Vượt qua khối 15, Thị trấn Hưng Nguyên với phố chợ đông đúc, đường chạy về với những cánh đồng quêlộng gió, rải vàng nắng mật ong và thơm mùi rơm rạ vừa sau vụ gặt.
Ngày ấy trên chính còn đường này, hơn tám nghìn nông dân kéo đến huyện lỵ hô vang khẩu hiệu "đả đảo chủ nghĩa đế quốc", "ruộng đất phải về tay dân cày". Đoàn biểu tình xếp hàng dài hơn 1 km, kéo về TP Vinh. Dòng người như thác đổ, càng đi càng đông thêm. Khi gần tới Vinh con số lên tới gần ba vạn người kéo dài tới hơn 4 km. Quần chúng kéo vào huyện lỵ, vây lính khố xanh, đốt huyện đường, phá nhà lao. Ðịch hoảng sợ, huy động máy bay ném bom vào đoàn biểu tình làm 217 người chết, 125 người bị thương. Lính Pháp đàn áp bằng vũ lực hòng xóa trắng phong trào cách mạng, nhưng khắp Nghệ Tĩnh phong trào cách mạng đã dâng lên từ Ðô Lương, Nam Đàn, Thanh Chương và Vinh - Bến Thủy.
Đường 12/9 giờ đây đã là một “con đường sáng”: Sáng từ ánh điện đường chiếu rực rỡ mỗi đêm; sáng là vì đường mở mang giúp giao thông thêm thuận tiện, người dân bám đường mở ra những dịch vụ thương mại, đưa hàng hóa thuận lợi ngược xuôi cả hai chiều và người cũng thêm năng động mở mang ra. Băng qua khu vực ngã tư giao cắt đường 12/9 với đường tránh Vinh đã thấy những nhà hàng và cả những khu du lịch. Xã Hưng Tân đón người về với cổng chào trang trọng.
Hưng Tân giờ đây đã giàu đẹp hơn xưa. Hào khí Xô Viết 1930 - 1931 đã làm nên một xã anh hùng lực lượng vũ trang, và truyền thống đó đã tạo nên một Hưng Tân ngày càng khởi sắc về phát triển kinh tế. Xã không còn “thuần nông” mà đã đẩy mạnh phát triển đa dạng các ngành nghề phù hợp, thu hút lao động địa phương, từng bước nâng cao đời sống cho người dân. Trong đó, tập trung phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống. Ông Nguyễn Hữu Thống, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Tân cho biết: Từ năm 2010 đến nay 9/9 xóm của xã đều đã đạt danh hiệu làng văn hóa, đến nay xã đã đạt 15/19 tiêu chí nông thôn mới và phấn đấu đến năm 2015, sẽ trở thành xã đạt chuẩn.
Rời Hưng Tân về với xã Hưng Thông – quê hương Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. Ở Hưng Thông, Đảng ủy xã vẫn chủ trương lấy nông nghiệp làm gốc, đảm bảo việc thực hiện tốt Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về đảm bảo an ninh lương thực vừa sản xuất nông sản hàng hóa. Ông Phạm Viết Nam, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã cho hay: Diện tích sản xuất nông nghiệp của xã là 240 ha. Chỉ tiêu của huyện giao vụ đông này là 56 ha. Xã coi vụ đông là một vụ sản xuất chính. Theo đó, ngoài chính sách của tỉnh, của huyện, xã Hưng Thông tập trung chỉ đạo hỗ trợ 100% giống bí xanh, hỗ trợ công bảo vệ cây ngô đông 1,2 triệu đồng/ha, hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật và tập huấn kỹ thuật.
Với hai loại cây ớt cay và cà rốt, ngoài hỗ trợ giống của huyện, công ty, xã cố gắng hỗ trợ 40% số còn lại”. Cùng với các địa phương khác, Hưng Xá - điểm cuối của con đường lịch sử 12/9, trong những ngày này cùng bừng lên hào khí cách mạng khi xã phối hợp với Bảo tàng Xô Viết – Nghệ Tĩnh, huyện ủy Hưng Nguyên tổ chức giao lưu “Quê hương và sự nghiệp cách mạng đồng chí Lê Xuân Đào”. Với hình thức hỏi đáp trực tiếp do học sinh 2 trường học trên địa bàn huyện Hưng Nguyên tham gia là một trong những hoạt động có nhiều ý nghĩa nhằm giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.
Chiều thu, trên bờ đê sông Lam nhìn về đường 12/9, đã thấy những mái đình, nhà thờ họ uốn lượn cổ kính nối tiếp nhau, tạo dáng vẻ hình hài phố thị trong nắng tà. Nhìn về dòng Lam là thuyền bè xuôi ngược. Giữa gió lộng, nghe văng vẳng như có tiếng hát vang lên từ loa phát thanh các xóm: “Ta đi trên đường 12-9/ Bỗng nhớ những người/ Bất khuất trung kiên/ Dậy trời Thái Lão/ Truyền thống đất Hưng Nguyên/ Trong cao trào Xô Viết/ Ngọn cờ búa liềm gọi vùng lên/ Ta không thể nào quên/ Không thể nào lãng quên”.
Vinh - Bến Thủy vùng lên
Phường Hưng Dũng xưa có tên gọi làng Yên Dũng Thượng, nằm phía Đông Bắc Thành phố Vinh. Trong Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh những năm 1930-1931, dưới sự lãnh đạo của đảng Yên Dũng Thượng đã vùng dậy đấu tranh. Ngày 3/4/1930, Chi bộ đảng xã Yên Dũng Thượng được thành lập, ngay sau đó, các tổ chức quần chúng cũng lần lượt được hình thành như: Nông Hội đỏ, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Đội Xích vệ. Trong những ngày tháng sôi sục khí thế đấu tranh của Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, Chi bộ đảng xã Yên Dũng Thượng đã tập hợp quần chúng nhân dân biểu tình, rải truyền đơn kêu gọi hưởng ứng ngày Quốc tế Lao động 1/5, đòi tăng lương cho công nhân, giảm sưu thuế cho nông dân.
Tháng 9/1930, tại xã Yên Dũng Thượng, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức, đòi lý trưởng, hào mục nộp con dấu, sổ sách, tài liệu, đồng thời tuyên bố xóa bỏ chính quyền cũ, thành lập chính quyền Xô Viết do Chi bộ đảng lãnh đạo. Đây cũng là thời kỳ Hưng Dũng được nhắc đến với cái tên “Làng đỏ”, ghi dấu trong lịch sử dân tộc như một cuộc tập dượt lớn cho thành công của Cách mạng tháng Tám.
Trong Cao trào cách mạng Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, cuộc biểu tình ngày 1/5 tại ngã ba Bến Thuỷ là điểm mốc quan trọng. Ở đó, cách đây 83 năm, tình đoàn kết công- nông đã làm nên giá trị lịch sử cho đến hôm nay và cả mai sau. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Phong Sắc - Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ, rạng ngày 1/5, trên 1.200 nông dân các làng Ân Hậu, Tân Hợp, Đức Hậu (huyện Nghi Lộc), Lộc Đa, Đức Thịnh, Yên Dũng Thượng (phủ Hưng Nguyên)... kéo về phía Nhà máy Trường Thi trong hàng ngũ chỉnh tề, thu hút nhiều người đi chợ tham gia.
Công nhân các nhà máy, Cảng Bến Thủy vượt tường rào ra ngoài gia nhập đoàn biểu tình, vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu: tăng tiền lương, ngày làm 8 giờ, giảm các loại sưu thuế. Đoàn người tay không tiến thẳng vào hàng rào lính đang giương súng đạn chặn ngang đường nối từ nhà máy Diêm sang Nhà máy Điện. Bây giờ, tại khu vực ngã ba Bến Thuỷ đã thông đường thành ngã tư sôi động, tượng đài công-nông với cờ búa liềm được nâng cấp, xây dựng kiên cố bằng đá hoa cương để lại muôn đời sau.
Một buổi sáng tháng 9, khi hừng đông chiếu sáng lấp lánh sau phía tượng đài công-nông, chúng tôi ghé thăm Cảng Bến Thủy - một trong những bến cảng đầu tiên của nước ta trên bản đồ thế giới (cảng được thực dân Pháp xây dựng vào năm 1923). Cán bộ, công nhân của cảng đang tích cực huy động phương tiện, thiết bị nhanh chóng bốc dỡ hàng. Những mặt hàng thông qua cảng vẫn là than, quặng… có tính truyền thống hàng chục năm qua. Ông Nguyễn Quang - Giám đốc cảng là một người trẻ nhưng khi nói về truyền thống của đơn vị rất tường tận, sôi nổi.
Ông cho biết thêm: “Tháng 4/1930, trong số các chi bộ đảng sớm thành lập ở Vinh, có chi bộ khuân vác Cảng Bến Thủy. Dưới sự chỉ đạo của chi bộ, anh em phu khuân vác và làm công ở cảng đã hòa nhập với đoàn biểu tình. Ngày 17/8/1945, công nhân Cảng Bến Thủy và các nhà máy ở Vinh đã vùng lên cùng nhân dân Yên Dũng, Đệ Thập cướp chính quyền, góp phần vào thắng lợi của Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng 8/1945. Trong thời kỳ chống giặc Pháp và đánh Mỹ bảo vệ Tổ quốc, có 30 cán bộ, công nhân của cảng đã anh dũng hy sinh…
Kế thừa truyền thống bất khuất đó, các thế hệ cán bộ, công nhân Cảng Bến Thủy luôn nỗ lực giải phóng hàng nhanh, phục vụ tốt nhất cho tàu ra vào cảng”. Cảng Bến Thủy có 6 cầu tàu, phục vụ cho tàu dưới 2 nghìn tấn ra vào. Thời kỳ cao điểm, cảng có trên 300 cán bộ, công nhân viên làm việc. Hiện tại, cảng có 85 cán bộ, công nhân với năng suất mỗi năm bốc xếp khoảng 300 nghìn tấn hàng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Tạm biệt bến cảng, phía các khối 10,13,15 của phường Bến Thủy, gần sát sông Lam, hệ thống loa phóng thanh đang phát bài hát “Tiếng hò trên đất Nghệ An”. Giọng hát của Nghệ sỹ nhân dân Thu Hiền trong trẻo, sâu lắng như thúc dục lòng người… “Ơ… Tiếng ai hò trên quê ta đó nhặt khoan, ấy tiếng dân quân luyện tập giữ làng, giữ trời Xô viết Nghệ An, ôi dòng nước Sông Lam chảy từ trên ngàn, qua những Anh Sơn, Thanh Chương, Nam Đàn, còn nghe, còn nghe tiếng hò ngày xưa vọng vang… Ấy tiếng công nhân Bến Thuỷ Núi Thành, trên đường gươm súng hành quân... Tiếng trống năm xưa Xô Viết dậy làng, giờ đây, giờ đây như giục lòng dân Nghệ An…”.
Bài, ảnh: Nguyên Chung