Vắng “trận địa thông tin”

14/10/2013 20:24

(Baonghean) - Đưa thông tin về cơ sở là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh… Tuy nhiên, ở Tân Kỳ, nhiều nơi vẫn đang xem nhẹ vấn đề này.

Khi chúng tôi bước vào phòng làm việc, đúng lúc Phó Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Hành (Tân Kỳ), ông Lê Văn Sơn đang cầm tờ Báo Nghệ An trên tay. Nhân tiện, tôi hỏi chuyện theo dõi thông tin trên báo đảng của cán bộ, bà con nông dân xã nhà, ông Phó Bí thư nói như phân trần: “Thú thật, bây giờ người ta xem truyền hình là chủ yếu. Còn báo chí thì hiếm người chú ý lắm”.

Ông cho biết, Nghĩa Hành có 18 chi bộ, trong đó 14 chi bộ xóm, có 4 chi bộ nhà trường và trạm xá với gần 250 đảng viên và trên dưới 2.000 hộ dân. Tuy nhiên, số đầu báo rất “khiêm tốn”. Riêng báo đảng chỉ có 7 số báo Nghệ An, 1 số Tạp chí Cộng sản, 1 số Bản thông tin nội bộ của tỉnh, của huyện. Riêng báo Nhân Dân thì… không có số nào(!). Vẫn biết Trung ương, tỉnh và huyện Tân Kỳ đều có chỉ thị về quản lý và sử dụng báo đảng và không phải xã không quan tâm nhưng “ngặt” lắm. Nhất là cái khoản “ngân sách”! Khi chúng tôi đề cập đến việc trong quy định sử dụng đảng phí có 1 phần dành cho đặt mua báo chí, ông Sơn bảo, biết thế nhưng số tiền này ở các chi bộ xóm ít lắm, phải trích ngân sách Đảng bộ xã để mua báo, trong khi xã cũng có nhiều khoản phải chi.

Ông Thái Quang Huy (bưu tá xã Kỳ Tân) chuẩn bị đưa báo đảng về xã.
Ông Thái Quang Huy (bưu tá xã Kỳ Tân) chuẩn bị đưa báo đảng về xã.

Ở Tân Kỳ không chỉ có Nghĩa Hành, một số xã việc mua báo đảng đang ở mức thấp như xã Giai Xuân chỉ có 3 số báo Nghệ An, không có báo Nhân Dân; xã Nghĩa Hợp có 9 số báo Nghệ An, còn các báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản không có hoặc rất ít… Nếu đổ cho thiếu ngân sách như lãnh đạo xã Nghĩa Hành thì chưa hẳn đúng. Bằng chứng là ở Tân Kỳ có những địa phương đặt mua báo Nghệ An với số lượng hơn hẳn Nghĩa Hành như các xã Nghĩa Bình 17 số, Nghĩa Đồng 21 số, Kỳ Sơn 23 số, Nghĩa Phúc 21 số. Vẫn biết, về kinh tế có xã giàu, xã nghèo nhưng số tiền do đảng phí được trích lại chẳng hơn kém nhau là mấy.

Tuy nhiên, theo đồng chí Bùi Thanh Bảo, Phó Bí thư Huyện ủy Tân Kỳ: “Khó khăn cho cơ sở là khi phân bổ ngân sách, cơ quan có thẩm quyền không nêu cụ thể có bao nhiêu phần trăm dành cho việc đặt mua báo đảng nên dẫn tới lãnh đạo xã còn nhẹ việc này”. Thiết nghĩ, khắc phục vấn đề này hoàn toàn nằm trong tầm tay cấp huyện, cấp đảng ủy cơ sở. Bởi số tiền trích từ đảng phí được để lại do chi bộ, đảng bộ quản lý, trong khi đó, theo quy định kinh phí đặt mua báo đảng của các tổ chức cơ sở đảng được phép lấy từ nguồn này.

Trả lời chúng tôi về vấn đề này, một chuyên viên Ban Tuyên giáo Huyện ủy khẳng định, từ đầu năm 2013 đến nay, Tân Kỳ hết sức quan tâm các chỉ thị của Trung ương cũng như của tỉnh về công tác quản lý và sử dụng báo đảng. Riêng Huyện ủy Tân Kỳ đã ra Chỉ thị 16 ngày 27/7/2013 nhằm đôn đốc các đảng bộ, chi bộ cơ sở đặt mua báo đảng. Đến nay có 100% chi bộ, đảng bộ cơ sở đặt mua báo Nghệ An, báo Nhân Dân là 84,7%. Nếu so sánh với thời gian trước khi có Chỉ thị 16 của Huyện ủy thì số lượng báo đảng phát hành trên địa bàn Tân Kỳ tăng gấp 1,5 lần.

Nếu đem so với những vấn đề chúng tôi nêu trên cùng với nhận xét của bưu điện huyện thì rõ ràng có sự chênh lệch về số liệu, 100% số đảng bộ xã đặt mua báo Nghệ An thì đúng nhưng tỷ lệ chi bộ xóm, chi bộ trường học thì rõ ràng khác so với thực tế, còn có khoảng cách khá lớn. Tuy nhiên, lãnh đạo một số xã như Kỳ Sơn, Nghĩa Bình, Nghĩa Hoàn đều cho biết, Chỉ thị 16 của Huyện ủy đã tác động không nhỏ đến nhận thức của các cấp ủy cơ sở về quản lý và sử dụng báo đảng. Theo ông Trần Đình Hướng, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đồng cho biết: “So với một số xã khác trên địa bàn, xã chúng tôi có khá hơn về kinh tế, mỗi chi bộ đặt mua 1 vài số báo đảng không phải là chuyện lớn. Riêng Nghĩa Đồng mỗi chi bộ có 1 tờ báo Nghệ An, chưa kể thường trực Đảng ủy. Vấn đề là cấp ủy có quan tâm hay không”.

Trong khi việc quản lý, sử dụng báo đảng chưa được đảng bộ, chi bộ xã, xóm quan tâm đúng mức thì hệ thống Đài Truyền thanh cơ sở ở Tân Kỳ đang lâm vào tình trạng bi đát hơn. Trên “giấy tờ” hiện 22/22 xã, thị trấn của huyện đều có Đài Truyền thanh cơ sở, nhưng qua tìm hiểu ở một số địa phương có đến trên 80% số xã hệ thống này gần như bị tê liệt. Số còn lại phần đa hoạt động chập chờn, lúc có lúc không. Theo một cán bộ chuyên trách ở Phòng Văn hóa huyện thì có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như bị hỏng do sét, do sử dụng đã lâu và vô vàn lý do khó nói khác.

Dù lý do nào đi chăng nữa thì nguyên nhân thiếu kinh phí vẫn là chủ yếu. Khác với đặt mua báo chí, để sửa chữa hay mua mới các thiết bị để lắp một hệ thống truyền thanh không đơn giản. Cách đây vài năm, xã Nghĩa Đồng đã mạnh dạn chi đến 370 triệu đồng lắp lại toàn bộ hệ thống truyền thanh, đồng thời bố trí 2 nhân viên có chuyên môn đảm nhận công tác này. Hiện nay hệ thống truyền thanh xã Nghĩa Đồng có 17 cụm loa lắp ở 15 xóm, hàng tuần đều có chương trình truyền thanh của xã, đọc một số tin trên báo có liên quan. Còn lại, tiếp âm đài phát thanh của huyện và của tỉnh vào buổi sáng mỗi ngày. Đặt mua báo đảng mà còn thiếu kinh phí thì 80% hệ thống đài truyền thanh cơ sở ở Tân Kỳ bị tê liệt cũng không có gì đáng ngạc nhiên!

Tại xã Nghĩa Hành, chúng tôi được gặp ông Nguyễn Văn Tân, một cựu chiến binh làm Chi hội trưởng Chi hội Nông dân xóm 7. Ông là người thích sưu tầm những bài báo nói về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi về phổ biến cho bà con nông dân trong xóm để tìm hiểu và áp dụng. Hiện nay ông Tân là một điển hình làm kinh tế của xã. Ông cho rằng, nếu báo chí có nội dung phong phú, đa dạng và phù hợp với tâm lý nhu cầu thì bà con nông thôn vẫn thích đọc.

Qua tìm hiểu thực tế công tác đưa thông tin về cơ sở, trong đó có việc quản lý và sử dụng báo đảng trong thời gian gần đây cho thấy, Tân Kỳ đã có nhiều biện pháp để thực hiện vấn đề này. Điển hình như tháng 7/2013, Huyện ủy đã ra Chỉ thị 16 nhằm đôn đốc việc quản lý sử dụng báo đảng, xây dựng thành công đề tài “Quản lý sử dụng báo đảng và thông tin nội bộ”. Đồng thời, tổ chức tập huấn cho cán bộ lãnh đạo cơ sở áp dụng đề tài vào địa phương. Đồng chí Bùi Thanh Bảo, Phó Bí thư Huyện ủy cho biết, vừa qua, Tân Kỳ đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác đưa thông tin về cơ sở, trong đó có việc quản lý và sử dụng báo đảng, tạp chí nội bộ. Tuy nhiên, hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn. Thời gian tới, huyện sẽ đưa công tác này để đánh giá kết quả trong bình xét thi đua cuối năm 2013.

Việt Long

Vắng “trận địa thông tin”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO