Vào vụ trồng mới cây công nghiệp

08/08/2015 10:43

(Baonghean) - Thời gian qua, nắng hạn làm thiệt hại nhiều diện tích cây công nghiệp: chè, mía, cao su trên địa bàn tỉnh. Mưa xuống, cũng là lúc các địa phương tập trung chuẩn bị cho trồng mới vụ thu, vừa phát triển thêm diện tích, vừa khôi phục lại những đồi cao su, chè đã bị thiệt hại do nắng hạn...

Có 1 ha chè, trong đó 0,5 ha chè kinh doanh và 0,5 ha mới trồng năm 2014, nhưng đợt nắng hạn vừa qua đã làm gia đình anh Phạm Văn Hồng, ở Xí nghiệp chè Kim Long, xã Long Sơn (Anh Sơn) bị thiệt hại 1/2 diện tích chè kinh doanh; còn 0,5 ha chè trồng năm ngoái thì mất trắng. Hiện tại, cả gia đình anh đang tập trung nhổ những cây chè bị chết, làm đất bón phân để chuẩn bị trồng lại diện tích chè bị thiệt hại. “Mất trắng hai lứa chè, bây giờ lại phải trồng mới. Ngoài phân bón, còn phải mua thêm khoảng 8.000 cây giống, với giá 800 đồng/cây là mất thêm gần 6,5 triệu đồng. Mọi năm xí nghiệp còn cho nợ tiền giống nhưng năm nay không có nữa, nhưng cũng phải vay mượn đầu tư trồng...” - anh Hồng chia sẻ.

Chuẩn bị giống cao su cho vụ thu 2015.
Chuẩn bị giống cao su cho vụ thu 2015.

Cách vườn chè của gia đình anh Hồng không xa là đồi chè nhà anh Nguyễn Văn Hiệp - Đội 12/9. Trên đồi cao, những gốc chè còn màu xanh nằm xen lẫn bên những gốc chè đã ngả màu vàng úa. Trời mát, vợ chồng anh Hiệp vừa tranh thủ chăm sóc những cây chè chưa chết, vừa làm lại luống, bỏ phân chuồng trên diện tích chè mới trồng năm ngoái bị chết do nắng hạn. Anh Hiệp cho biết: Gia đình có 1,35 ha chè, trong đó có 0,8 ha chè kinh doanh và hơn nửa ha mới trồng năm ngoái. Nắng hạn làm 0,3 ha chè kinh doanh và một nửa diện tích chè trồng mới bị chết. Thế nhưng đợt này anh chỉ trồng lại trên diện tích chè trồng mới, còn chè kinh doanh thì không trồng lại vì chè chết nằm xen kẽ với những cây chè còn sống, nếu trồng lại thì phải nhổ bỏ hoàn toàn trong khi tiền đầu tư và phân bón còn rất khó khăn.

Đầu tư xây dựng vườn ươm chè từ 2 năm nay, chị Phan Thị Thanh Hương (ở Xí nghiệp chè Anh Sơn) cho biết, năm ngoái, chị cung cấp cho người dân quanh vùng được 30 vạn bầu chè giống. Tháng 10/2014, chị bắt đầu ươm chè cho trồng mới vụ thu với 70 vạn cây giống, dự kiến sẽ có khoảng 50 vạn cây đáp ứng tiêu chuẩn đem ra trồng mới, trong đó chủ yếu là giống chè LDP2 dày lá, có khả năng chịu hạn tốt. Theo chị Hương, 2 năm gần đây hạn hán liên tục, nhu cầu về nguồn giống tăng lên. Hạn hán trong mấy tháng vừa qua đã làm 110 ha chè kinh doanh của xí nghiệp bị thiệt hại, trong đó 50 ha cháy trên 70%; ngoài ra trong 24 ha chè kiến thiết cơ bản mới được trồng trong 2 năm (2013 và 2014) cũng có 15 ha bị chết. Tuy nhiên, chỉ còn lại được khoảng 5 ha, vì mấy năm hạn hán liên tục đã làm ảnh hưởng đến tâm lý người trồng chè, trong khi đó năm nay xí nghiệp cũng không còn chính sách cho nợ tiền giống 3 năm mới thu lại như trước đây.

Qua kiểm tra thực tế và tổng hợp từ báo cáo của các xã ở Anh Sơn, tính đến ngày 10/6/2015 diện tích chè kiến thiết cơ bản bị chết khoảng 300 ha (chủ yếu là diện tích trồng mới năm 2013 và 2014); diện tích chè kinh doanh bị ảnh hưởng là 1.500 ha. Ông Nguyễn Văn Minh, Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Đây là năm thứ 2 liên tiếp diện tích chè trồng mới bị chết do hạn. Trong kế hoạch trồng mới năm 2015, toàn huyện sẽ trồng thêm 156 ha chè công nghiệp, trong đó các xã là 126 ha và các xí nghiệp chế biến, dịch vụ chè và Tổng đội TNXP là 30 ha. Tuy nhiên, do nắng hạn nên sẽ có thêm khoảng 300 ha chè đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản phải trồng lại, ngoài ra, một số diện tích chè kinh doanh bị ảnh hưởng cũng phải phá bỏ trồng mới.

Hiện tại, huyện Anh Sơn cũng đang phối hợp với Công ty Mía đường Sông Lam chỉ đạo nông dân tập trung chăm sóc mía sau khi kết thúc nắng hạn để cây mía mau chóng hồi phục và phát triển; phía doanh nghiệp mía đường cũng đang chủ động nguồn giống, phối hợp với địa phương để triển khai trồng mía vụ thu trên những diện tích bị chết. Các xã, đơn vị thống kê chính xác diện tích chè chết để có phương án chuẩn bị đủ giống trồng lại, trồng dặm, chỉ đạo hướng dẫn bà con tăng cường chăm sóc ngay từ sau khi có mưa để chè kinh doanh phục hồi nhanh chóng, đặc biệt đối với diện tích bị cháy toàn bộ tán lá; làm đất trồng chè đảm bảo kỹ thuật, đúng tiến độ trước 15/9/2015; cân đối giống để chủ động trồng sớm khi điều kiện thời tiết thuận lợi; tổ chức tập huấn kỹ thuật cho nông dân từ khâu thiết kế, đào rãnh, bón phân, xả thành lấp rãnh, trồng cây phân xanh che bóng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh để trồng đến đâu đảm bảo đến đó. “Nguồn giống trên địa bàn không thể đủ cho số diện tích trồng mới phát sinh vì thiệt hại do nắng hạn. Trên cơ sở tính toán lại diện tích cần trồng, chúng tôi sẽ mua thêm giống từ Trung tâm giống cây trồng Phú Thọ, ưu tiên những giống chè chịu hạn” - ông Nguyễn Văn Minh cho biết.

Không bị thiệt hại nặng nề như cây chè, nhưng đợt nắng hạn khốc liệt cũng đã làm một số diện tích cao su trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng. Ông Phạm Xuân Chiến, Đội trưởng Đội 1- Nông trường TNXP 2 thuộc Tổng Công ty ĐTPT cao su Nghệ An cho biết: Đến nay, diện tích cao su của đội là 270 ha, đợt nắng hạn có khoảng 9.000 cây cao su mới trồng trong 2 năm (2014 và 2015) bị chết. Hiện công nhân tập trung đào hố, bón phân để bên cạnh thực hiện trồng mới theo chỉ tiêu, sẽ trồng bổ sung lại diện tích này trong tháng 8. Không khó khăn về nguồn giống như chè, trên địa bàn Nông trường TNXP 2 của Công ty cao su hiện có 2 vườn ươm, đáp ứng đủ cho nhu cầu sản xuất của đơn vị.

Ông Phạm Văn Trung, Đội trưởng Đội giống cho hay: Vườn ươm đang có gần 400 nghìn cây giống, từ đầu năm đến nay đã đưa ra trồng được khoảng 20 nghìn cây. Hiện cây đã có từ 2- 4 tầng lá, đạt tiêu chuẩn xuất vườn để trồng mới”. Trong kế hoạch của công ty giao cho Nông trường TNXP 2, năm 2015 sẽ trồng mới khoảng 600 ha, đến nay đơn vị đã thực hiện được trên 130 ha. Theo ông Phạm Văn Hiếu, Giám đốc nông trường, thì nhờ tầng đất canh tác dày, chăm sóc tốt nên dù nắng hạn gay gắt, trong 9.000 cây cao su bị chết, chủ yếu là diện tích mới trồng được vài tháng. Trong kế hoạch, nông trường sẽ trồng mới 600 ha cao su. Đơn vị đang chỉ đạo công nhân tập trung đào hố, bỏ phân, chờ ráo mưa, đường giao thông đi lại được để vận chuyển cây giống vào trồng, phấn đấu diện tích bị chết do hạn sẽ được khép kín hoàn toàn trong tháng 8. Những diện tích còn lại, đất đai được giải phóng đến đâu sẽ trồng ngay đến đó.

Trong kế hoạch của tỉnh, năm 2015 toàn tỉnh sẽ trồng mới 2.000 ha cao su, chủ yếu tại các huyện Quế Phong, Thanh Chương, Anh Sơn (do Công ty CP Đầu tư - Phát triển cao su Nghệ An thực hiện) và một số Công ty TNHH MTV nông, lâm nghiệp như: Công ty TNHH NLN Sông Hiếu, Công ty TNHH MTV nông nghiệp: Sông Con, 3/2, Xuân Thành... ngoài ra là một số diện tích nhỏ lẻ của hộ dân thuộc các huyện Tân Kỳ, Nghĩa Đàn; ngoài ra là 1.000 ha chè công nghiệp tại các huyện Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Kỳ Sơn (chè Tuyết shan 120 ha). Tuy nhiên, do nắng hạn, nên nhiều diện tích đã phát sinh thêm ngoài kế hoạch.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - ông Nguyễn Văn Lập, cho biết: Khó khăn nhất hiện nay là cây chè. Theo kế hoạch, toàn tỉnh chỉ trồng mới 1.000 ha chè công nghiệp, nhưng vì nắng hạn, diện tích cần trồng lên đến gần 1.900 ha. Vì thế, lượng giống trên địa bàn chỉ đáp ứng được trên 50% diện tích theo kế hoạch ban đầu. “Giống chè vừa thiếu, vừa bị ảnh hưởng chất lượng do nắng hạn. Chúng tôi đang chỉ đạo các địa phương tập trung rà soát lại quỹ đất, đồng thời cân đối nguồn giống để có kế hoạch phù hợp. Những diện tích nào đáp ứng được các điều kiện về giống, phân bón, đất đai thì mới tiến hành trồng, đảm bảo trồng bao nhiêu chắc bấy nhiêu; những diện tích khác có thể lùi sang năm sau chứ không chạy theo số lượng. Trong đó chú ý ưu tiên chọn các giống có khả năng chống chịu hạn”.

Vào vụ trồng mới cây công nghiệp năm 2015 này, theo Quyết định 87/2014/QĐ-UBND tỉnh, thì tỉnh sẽ hỗ trợ 1.500 đồng/bầu giống chè Tuyết shan, với mật độ trồng 3.300 bầu/ha; hỗ trợ giống chè LDP1, LDP2, chè chất lượng cao với mức 400 đồng/bầu, mật độ trồng 16.000 bầu/ha; hỗ trợ chi phí làm đất trồng mới chè mức 5.000.000 đồng/ha đối với các huyện: Con Cuông, Kỳ Sơn, Tương Dương, khu tái định cư Thủy điện Bản Vẽ tại huyện Thanh Chương và mức 2.000.000 đồng/ha đối các huyện còn lại; hỗ trợ 7.000 đồng/bầu giống cao su có năng suất, chất lượng cao (loại được sản xuất trong túi PE) cho các hộ dân có đất được cấp có thẩm quyền giao hoặc cho thuê trong vùng quy hoạch trồng cao su của tỉnh. Bên cạnh chính sách đó của tỉnh, các địa phương đẩy nhanh tiến độ rà soát, tổng hợp số liệu, hoàn chỉnh hồ sơ những diện tích bị thiệt hại do nắng hạn để có hỗ trợ trong thời gian sớm nhất nhằm giúp bà con có điều kiện khôi phục sản xuất.

Phú Hương

Vào vụ trồng mới cây công nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO