Vật liệu xây dựng không nung - lung lay "chỗ đứng"

12/11/2014 11:07

(Baonghean) - Các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) không nung trên địa bàn tỉnh được hình thành, bước đầu đáp ứng yêu cầu thị trường. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, loại vật liệu được đánh giá nhiều hữu ích này lại chưa đứng vững trên thị trường…

Cung vượt quá cầu

Vỉa hè ở TP Vinh hiện được lát gạch block với khoảng 445.151 m2, còn tại các quảng trường, sân của các cơ quan, đơn vị, trường học, khu dân cư… cũng lát khá nhiều diện tích gạch block hoặc gạch terrazzo, là các loại gạch không nung màu sắc đa dạng, bóng, chịu được mọi thời tiết… Hiện nhu cầu sử dụng gạch không nung vào mục đích lát nền, vỉa hè trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng, thu hút nhiều cá nhân, đơn vị đầu tư vào sản xuất. Anh Phạm Hồng Vinh - Giám đốc Công ty CP VLXD ICEM ở phường Bến Thủy cho biết: “Năm 2009, đơn vị bắt đầu sản xuất gạch terrazzo và block, nhưng thời gian gần đây nhu cầu sử dụng loại gạch không nung tăng cao, nên chúng tôi đầu tư mua thêm thiết bị, máy móc để nâng cao năng lực sản xuất, đồng thời nghiên cứu sản xuất ngói màu không nung. 10 tháng đầu năm 2014, chúng tôi đã sản xuất hơn 55.000 viên gạch terrazzo và gần 1 triệu viên ngói màu cao cấp”.

Dây chuyền sản xuất gạch không nung của Công ty CP VLXD NTT (Sơn Thành - Yên Thành) đã ngừng sản xuất.
Dây chuyền sản xuất gạch không nung của Công ty CP VLXD NTT (Sơn Thành - Yên Thành) đã ngừng sản xuất.

TIN LIÊN QUAN

Do nguồn vốn đầu tư phát triển sản phẩm gạch lát và ngói không nung không tốn kém, lại có thị trường tiêu thụ, nên lĩnh vực này đang “nở rộ” và bắt đầu hình thành nên những vùng sản xuất gạch lát, ngói màu không nung tại TP. Vinh. Công ty CP VLXD Á Đông (tại Bến Thủy) mới đầu tư dây chuyền sản xuất VLXD không nung từ tháng 6/2014, nhưng đến nay cũng đã cung cấp cho thị trường Nghệ An, Hà Tĩnh hơn 13.000 viên gạch terrazzo, 70.000 viên gạch block. Cũng tại địa bàn phường Bến Thủy, Công ty CP VLXD Tân Cầu Đước mới đi vào hoạt động và có những thành công trong sản xuất các loại sản phẩm gạch, ngói không nung… Tại khu vực phường Cửa Nam, các đơn vị sản xuất VLXD không nung phát triển cũng khá sôi động. Công ty CP xi măng & VLXD Cầu Đước sau khi thực hiện chủ trương không đốt clanhker sản xuất xi măng, đã năng động chuyển sang sản xuất VLXD không nung và là đơn vị tiên phong lĩnh vực sản xuất sản phẩm gạch block, terrazzo và ngói màu không nung, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm công nhân… Hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 100 đơn vị (chủ yếu là các hộ tư nhân) sản xuất gạch không nung với công suất đạt khoảng 135 triệu viên/năm. Nhưng các cơ sở này chủ yếu sản xuất gạch táp lô.

Với tốc độ phát triển ồ ạt như hiện nay, trong thời gian tới, dự báo sản xuất gạch không nung dạng táp lô sẽ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Một điều đáng quan tâm là hầu hết các đơn vị, cơ sở sản xuất mặt hàng này quy mô vừa và nhỏ, công nghệ sản xuất lạc hậu. Vì vậy chất lượng sản phẩm chưa cao và đơn điệu, không tạo được bước đột phá để mở rộng thị trường tiêu thụ.

Đầu tư lớn, sản xuất “nhỏ giọt”

Mặc dù trên thị trường xuất hiện nhiều mẫu gạch không nung với giá thành hợp lý, nhưng có một thực tế là đa số người dân vẫn còn thói quen sử dụng gạch đất nung truyền thống. Vì thế làm cho không ít doanh nghiệp sản xuất gạch xây không nung bằng công nghệ mới trên địa bàn tỉnh lao đao, thậm chí là phá sản.

Công ty CP Đầu tư - Phát triển Lũng Lô 2.1 (tại Vinh Tân - TP. Vinh) từ năm 2008 đã mạnh dạn đầu tư 6 tỷ đồng sản xuất gạch không nung bằng công nghệ tạo bọt của Đức và trở thành một trong những doanh nghiệp tiên phong trong sản xuất gạch bê tông siêu nhẹ bằng công nghệ mới, nhưng từ khi đi vào sản xuất đến nay, chỉ duy nhất vào năm 2010 hoạt động hết công suất (20 m3 gạch/ngày), còn lại là hoạt động cầm chừng. Ông Đặng Xuân Dương - Cán bộ Công ty CP Đầu tư - Phát triển Lũng Lô 2.1 cho biết: “Sản xuất theo công nghệ tạo bọt nên sản phẩm gạch bê tông siêu nhẹ rơi xuống nước vẫn nổi, ngoài ra loại gạch này còn giúp giảm tải cho móng, cách âm, cách nhiệt, chống thấm rất tốt và phù hợp với các công trình xây dựng, nhất là nhà cao tầng. Tuy có nhiều lợi thế như vậy, nhưng việc tiêu thụ loại gạch này rất khó khăn. Sản phẩm làm ra chủ yếu chỉ để phục vụ cho toà nhà chung cư cao tầng do đơn vị làm chủ đầu tư. Vì khó đầu ra, nên dây chuyền đã ngừng sản xuất từ tháng 5/2012 ”. Dù vậy, đơn vị này vẫn “lưu xưởng” với hy vọng chờ đợi cơ hội mới, chính sách phù hợp để tiếp tục đầu tư sản xuất gạch bê tông siêu nhẹ. Cũng hoàn cảnh đó, Công ty CP VLXD & DVTM Mai Linh (tại phường Bến Thủy) đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất gạch không nung công nghệ mới sử dụng xi măng xanh thân thiện với môi trường; sản phẩm được khách hàng đánh giá cao, nhưng sau đó vẫn không thể cạnh tranh được với loại gạch đất nung truyền thống, nên phải tạm ngừng sản xuất…

Hiện nay, trên địa bàn TP Vinh, có một số doanh nghiệp đầu tư công nghệ sản xuất gạch không nung, bê tông nhẹ với công suất đạt hàng chục triệu viên/năm, nhưng đều ngừng sản xuất vì sản phẩm không cạnh tranh được với gạch đất nung. Công ty CP VLXD Trung Thành (ở Nghi Hưng - Nghi Lộc) năm 2012, đầu tư 20 tỷ đồng vào sản xuất VLXD không nung với dây chuyền sản xuất hiện đại, đồng bộ. Tuy nhiên, sản phẩm gạch xây cũng không “đứng” được trên thị trường. Cũng nhằm “đi tắt, đón đầu”, doanh nghiệp TECCO đầu tư dây chuyền sản xuất loại gạch không nung, nhưng rồi sản phẩm vẫn khó tiêu thụ, phần lớn cũng chỉ đưa vào các công trình xây dựng của doanh nghiệp. Hay tại TX. Hoàng Mai, nhà máy sản xuất gạch Block bê tông đá dăm công suất 10-15 triệu viên/năm hoạt động khó khăn vì không có thị trường…

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh còn có 2 dự án lớn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất VLXD không nung là Tổng Công ty Xi măng Việt Nam, sản xuất gạch block bê tông nhẹ tại khu công nghiệp Đông Hồi và sản xuất gạch block bê tông nhẹ tại Thị xã Thái Hòa (do Công ty CP ĐTXDTM và CN Hà Nội thuộc Ngân hàng CP Bắc Á làm chủ đầu tư) được xem là động lực để phát triển thị trường VLXD không nung, nhưng đến nay các dự án đều chậm tiến độ hoặc chưa triển khai.

Tìm kiếm giải pháp

Thấy rõ lợi thế của VLXD không nung, thời gian qua tỉnh đã xây dựng Đề án “Phát triển gạch xây không nung trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020”. Theo đó, mục tiêu đến năm 2013, sản xuất 100 triệu viên gạch không nung chất lượng cao, đây là cơ sở để bắt đầu thực hiện lộ trình từ năm 2014, các công trình xây dựng thuộc đầu tư công (trụ sở, trường học, bệnh viện) bắt buộc sử dụng gạch không nung chất lượng cao và các công trình cao tầng sử dụng 30% tổng số vật liệu là gạch không nung. Tuy nhiên với thực tế đáng buồn về lĩnh vực đầu tư, phát triển gạch không nung bằng công nghệ mới, cho thấy những mục tiêu đó khó trở thành hiện thực.

Ông Hoàng Trọng Kim - Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: “Để sản phẩm VLXD không nung trên địa bàn tỉnh phát triển, cần đẩy nhanh việc xóa bỏ lò gạch thủ công và từng bước hạn chế sản xuất gạch đất nung. Hiện nay, tỉnh đang tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành tại các huyện, thị, thành với 3 nội dung về việc chấp hành lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, tiến độ thực hiện các dự án sản xuất gạch không nung, giải quyết những vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Qua đợt kiểm tra này, sẽ tiếp tục có những bổ sung, điều chỉnh về cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích phát triển sản phẩm gạch không nung...”. Được biết, việc thời gian qua tỉnh chỉ đạo lập quy hoạch phát triển gạch xây không nung trên địa bàn là cơ sở quan trọng để thu hút đầu tư.

Theo quy hoạch, thì có 3 vùng trọng tâm của ngành sản xuất vật liệu không nung là khu vực phía Bắc (gồm các huyện Quỳnh Lưu, TX. Hoàng Mai, TX Thái Hòa, huyện Nghĩa Đàn), tại các địa phương này ưu tiên phát triển sản xuất gạch xây không nung bằng công nghệ bê tông khí chưng áp; khu vực phía Nam (các huyện Diễn Châu, Nghi Lộc, Thị xã Cửa Lò, TP. Vinh, Hưng Nguyên), tập trung triển khai các dự án sản xuất vật liệu xây không nung có quy mô vừa và lớn để đáp ứng nhu cầu phát triển trên địa bàn; Khu vực phía Tây là các huyện trên tuyến đường Hồ Chí Minh (gồm Đô Lương, Anh Sơn, Tân Kỳ) có tiềm năng phát triển lớn về phát triển xây dựng, nên ưu tiên đầu tư xây dựng các dự án sản xuất gạch xây dựng nung trên quy mô lớn, hiện đại...

Về chính sách vĩ mô, lĩnh vực sản xuất gạch không nung được Chính phủ phê duyệt “Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020” theo Quyết định 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ; Chị thị số 10/CT-TTg ngày 16/4/2012 về việc: “Tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung”. UBND tỉnh cũng đã ban hành “Quy định một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Nghệ An”... Ngoài các chính sách đó, tỉnh nghiên cứu ban hành thêm các chính sách mới như: Không hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung; soạn thảo các chính sách hỗ trợ phát triển gạch xây không nung; tiến tới có thể cụ thể hóa quy định yêu cầu các tổ chức tư vấn thiết kế và các chủ đầu tư khi thiết kế công trình phải áp dụng giải pháp kết cấu khung chịu lực để sử dụng gạch xây không nung loại nhẹ làm tường ngăn; hướng dẫn thực hiện các tiêu chuẩn quốc gia mới về vật liệu không nung; đề xuất cơ quan có thẩm quyền miễn thuế thu nhập với thời hạn phù hợp cho doanh nghiệp sử dụng tro bay, xỉ, phế thải công nghiệp làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng mới. Theo đó, các đơn vị xả thải, cung cấp tro xỉ, phế thải cho các doanh nghiệp khác làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây không nung được giảm phí bảo vệ môi trường... Những nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách của nhà quản lý luôn ủng hộ doanh nghiệp sản xuất gạch không nung, nhưng một giải pháp có tính quyết định là thay đổi “thói quen” sử dụng của người dân thì đang phải chờ…

Hoàng Vĩnh

Mới nhất
x
Vật liệu xây dựng không nung - lung lay "chỗ đứng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO