Về chữ Thái cổ ở Nghệ An

12/02/2012 15:12

Những nét đẹp văn hóa trong cộng đồng các dân tộc thiểu số Nghệ An rất đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, có nhiều sản phẩm văn hóa của đồng bào đang trước nguy cơ mai một. Chuyên trang Miền núi - Dân tộc mở chuyên mục Giữ gìn vốn cổ với mong muốn góp một tiếng nói trong việc gìn giữ những nét văn hóa tốt đẹp trong cộng đồng các dân tộc trên địa bàn Nghệ An. Mong nhận được bài viết, ý kiến đóng góp từ quý bạn đọc...

LTS: Những nét đẹp văn hóa trong cộng đồng các dân tộc thiểu số Nghệ An rất đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, có nhiều sản phẩm văn hóa của đồng bào đang trước nguy cơ mai một. Chuyên trang Miền núi - Dân tộc mở chuyên mục Giữ gìn vốn cổ với mong muốn góp một tiếng nói trong việc gìn giữ những nét văn hóa tốt đẹp trong cộng đồng các dân tộc trên địa bàn Nghệ An. Mong nhận được bài viết, ý kiến đóng góp từ quý bạn đọc...

Người Thái ở Nghệ An là một quần cư lâu đời. Họ đến với mảnh đất miền tây xứ Nghệ đã ngót nghìn năm.Và bây giờ họ nghiễm nhiên là một dân tộc bản địa. Ngoài hát khắp, múa khèn, múa sạp… thì chữ viết là một sản phẩm văn hóa tinh thần vô cùng quan trọng của người Thái ở Nghệ An.

Tài liệu học chữ Thái mà tác giả là những nghệ nhân truyền dạy chữ Thái nói rằng chữ Thái có từ rất xa xưa. Người Thái định cư ở Nghệ An khoảng trước thế kỷ 14, trong đó có hình thành một tiểu quốc Bồn Mang. Rất có thể đó là thời kỳ thịnh hành của các hệ chữ Thái.

Hiện nay, các nghệ nhân chữ Thái xứ Nghệ đang rất tích cực trong việc góp phần bảo tồn thứ chữ viết này. Họ đã mở được nhiều lớp truyền dạy chữ viết cho người dân, trong đó có thể kể đến Sầm Văn Bình (Quỳ Hợp), Vi Khăm Mun, Lô Khăm Phi, Kha Văn Hợi (Tương Dương)… Bài bản nhất trong số này là nghệ nhân Sầm Văn Bình. Nghệ nhân này đã có gần 20 năm truyền dạy chữ Thái ở Quỳ Hợp,Quỳ Châu, Con Cuông. Gần đây anh Bình có tham gia lớp học truyền dạy chữ Lai Tay tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Nghệ An. Ngoài hệ Lai Tay, ở Nghệ An còn tồn tại hệ chữ Thái Xư Thanh và Lai Pao (Tương Dương). Riêng hệ chữ Xư Thanh có vùng ảnh hưởng khá rộng từ các huyện Lang Chanh, Bá Thước (Thanh Hóa) đến các huyện miền Tây Nam của Nghệ An như Con Cuông, Tương Dương.

Hệ chữ Lai Pao được cho là hệ chữ“bản địa” của người Thái ở Tương Dương. Nhiều năm nay, hệ chữ này được khôi phục và truyền dạy trên địa bàn một số xã Yên Hòa, Tam Thái (Tương Dương) do các nghệ nhân Vi Khăm Mun và Lô Khăm Phi truyền dạy.

Giữa năm 2011, tạixã Chi Khê (Con Cuông) xuất hiện lớp học chữ Xư Thanh do 2 nghệ nhân Kha Văn Hợi và Ngân Văn Toán (Tương Dương) truyền dạy. Lớp học đã thu hút được trên 30 người tham gia. Chủ yếu là học sinh THCS. Đó là lớp học chữ Thái đầu tiên của huyện Con Cuông vốn có rất đông đồng bào Thái sinh sống.

Theo tài liệu của Cầm Trọng ở Nghệ An thì người Thái dùng 2 hệ chữ Lai Tay (vùng Quỳ Hợp) và chữ Lai Pao (Tương Dương). Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi thì người Thái khu vực Tây Nam Nghệ An từng sử dụng hệ chữ Thái cổ Xư Thanh (Chữ của nhóm người Tày Thanh). Còn ở vùng Quỳ Hợp còn dùnghệ chữ Thái Lai Xừ có nguồn gốc từ các tỉnh phía Tây Bắc.

Sầm Văn Bình ở Châu Quang (Quỳ Hợp) được biết đến như là một người nghiên cứu và truyền dạy chữ viết Thái có tiếng bậc nhất ở Nghệ An có lần nói với tôi rằng: Dường như giới nghiên cứu chữ viết các dân tộc thiểu số cụ thể là chữ viết của người Thái chỉ nghiên cứu nhiều về chữ Thái vùng Tây Bắc chứ ít quan tâm đến chữ Thái Nghệ An.

Từ trước những năm 1950 trở về trước, chữ Thái vẫn phổ biến trong các cộng đồng người Thái ở Nghệ An. Sau đó vì những lí do khác nhau, chữ Thái không còn được phổ biến nữa. Về sách cổ chữ Thái ở các huyện Tây Nam Nghệ An hiện còn rất ít. Chúng tôi chỉ có cơ hội tiếp xúc với một số văn bản trong bộ sưu tập những vật dụng của người Thái từ xưa đến nay của anh Vi Văn Sơn ở thị trấn Con Cuông. Chủ nhân của hiện vật này cho hay, trước đây nó thuộc sở hữu của Mo Hậu ở xã Lục Dạ (Con Cuông).

Khi chúng tôi tìm đến Mo Hậu, cụ già đã ngoài 70 tuổi hành nghề thầy cúng này cũng không còn đọc được thứ chữ viết đó nữa. Cụ cho biết văn bản chữ Thái mà anh Sơn đang giữ do thân sinh của cụ trước đây từng giữ chức hương kiểm để lại. Cụ cũng chỉ nghe nói đó là văn bản về những bài thuốc dân gian ngày xưa.


Mai Sơn

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Về chữ Thái cổ ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO