Về đất thiêng Quảng Trị

22/07/2013 11:39

(Baonghean) - Trên khắp dải đất hình chữ S, đâu đâu cũng ghi dấu chiến công và sự hy sinh thầm lặng của các cựu binh, các thương binh, liệt sỹ, thế nhưng có lẽ, khốc liệt và đau thương nhất vẫn là mảnh đất thiêng Quảng Trị - nơi mà mỗi tấc đất, mạch sông đều thấm đẫm máu xương của ngàn vạn người con hy sinh cho nền hòa bình của Tổ quốc. Nhằm tri ân các anh hùng, liệt sỹ, hôm qua, Đoàn công tác của Tỉnh do đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu đã đến đặt vòng hoa và dâng hương tưởng niệm ở Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 và Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, tỉnh Quảng Trị.

Vượt hơn 200 km đường thiên lý Bắc- Nam, đoàn công tác của tỉnh Nghệ An đã có mặt tại Quảng Trị vào tối 20/7. Sau một đêm nghỉ lại ở TP. Đông Hà, cả đoàn bắt đầu chuyến hành trình từ rất sớm. Chuyến đi thêm ý nghĩa khi có thêm sự góp mặt của các cựu chiến binh - những nhân chứng sống của một thời hào hùng. Cựu chiến binh Nguyễn Đình Lan (sinh năm 1953), quê ở Nam Cát, Nam Đàn xúc động tâm sự: Giờ hai bên đường là rừng keo, rừng cao su bạt ngàn, khó mà hình dung được trước đây vùng đất này bom đạn cày xới ngày đêm tưởng như không có viên gạch, hòn đá nào nguyên lành.

Ông cho biết, ông nhập ngũ và vào chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị từ năm 1971, thuộc lực lượng trinh sát pháo binh. Cứ tầm 4 - 5 giờ chiều ông và đồng đội âm thầm vượt sông Bến Hải, xâm nhập vào vùng địch để xác định tọa độ cho pháo ta bắn sang bên kia giới tuyến. Ở mảnh đất này, ông có nhiều kỷ niệm không thể nào quên, vì thế dù khi hòa bình lập lại, nhiều lần trở lại Quảng Trị khi dấu tích chiến tranh đã gần như bị chìm khuất, thế nhưng lần nào ông cũng mang một xúc cảm khôn nguôi.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đường số 9 là một con đường chiến lược nối liền từ biên giới Việt Lào về tới Đông Hà. Dọc trục đường số 9, Mỹ - ngụy đã cho xây dựng các căn cứ quân sự, các cứ điểm và lô cốt nhằm cắt đứt sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Đường 9 đã đi vào huyền thoại của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ bởi những chiến công hào hùng và oanh liệt và cũng chính nó là nỗi ám ảnh kinh hoàng cho binh lính Mỹ - ngụy trong những năm 1965 - 1972.

Giờ đây, chiến trường đường 9 vang danh năm nào đã trở thành Quốc lộ 9 nhộn nhịp những chuyến xe đi. Nằm tựa lưng vào một quả đồi nhỏ, mặt tiền hướng ra Quốc lộ 9, Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Đường 9 là nơi yên nghỉ của hơn 1 vạn các anh hùng liệt sỹ với đầy đủ ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên xung phong đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận đường 9 và ở đất bạn Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đây cũng là nơi yên nghỉ của hơn 200 liệt sỹ quê Nghệ An. Trong không khí trầm mặc khói hương, những người trong đoàn công tác chúng tôi không ai bảo ai, đều tỉ mẩn dò theo những dòng chữ khắc trên mộ chí. Đây là liệt sỹ quê ở Nam Đàn, đây là liệt sỹ quê ở Hưng Nguyên, còn kia là liệt sỹ quê Đô Lương, Thanh Chương…



Thanh niên tình nguyện thắp nến tri ân tại Nghĩa trang liệt sỹ Việt - Lào. Ảnh: T.C

Thắp xong nén tâm hương cuối cùng, nhẹ nhàng đứng lên và bất giác nhìn quanh thấy ai cũng bùi ngùi nước mắt. Thương lắm, các anh, các chị ơi! Dẫu biết rằng trên dải đất Việt Nam, đâu cũng là quê hương xứ sở, nhưng có lẽ, vào khoảnh khắc cuối cùng của trận chiến, vẫn là những đôi mắt vời vợi nhớ về triền đê quê mẹ, về dòng sông Lam mát ngọt tắm đẫm thuở thiếu thời.

May mắn thay, các anh, các chị không cô đơn, đều đặn mỗi tuần, vẫn có những đôi bàn tay khéo léo của đoàn viên thanh niên từ các cơ sở Đoàn đến chăm sóc. Tâm sự với chúng tôi khi đang thoăn thoắt kết chùm hoa trạng nguyên đỏ thắm đặt lên khu hành lễ của nghĩa trang, đoàn viên Nguyễn Thị Lan Phương (Đoàn phường 4, Thị xã Đông Hà) chia sẻ: “Đây là hoạt động thường xuyên của chúng em chứ không chỉ trong dịp tháng 7 này. Chúng em luôn xác định những việc này tuy nhỏ bé nhưng phần nào thể hiện được lòng cảm phục đối với những chiến công lớn lao của các thế hệ cha anh đi trước!”

Rời Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Đường 9 trong cảm xúc nghẹn ngào, đoàn công tác của tỉnh tiếp tục hành trình đến với Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn. Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Đây là nơi yên nghỉ của hơn 10 ngàn liệt sỹ hy sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, trong đó có hơn 1.200 liệt sỹ quê ở Nghệ An.

Thành kính và xúc động, đồng chí Nguyễn Xuân Đường cùng đoàn công tác đã dâng hoa, dâng hương kính viếng anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh và các Anh hùng liệt sỹ tại Nhà khánh tiết và Đài tưởng niệm trung tâm, thỉnh lên 3 tiếng chuông nguyện cầu anh linh các Anh hùng liệt sỹ và cầu mong đất nước thái bình, phồn thịnh. Buổi chiều Gio Linh bình yên và tĩnh lặng quá, 3 tiếng chuông nhẹ thả vào thinh không và lòng người một cảm giác tự tại và an nhiên lắm! Bất giác có một người cựu binh đọc câu thơ:

“Khi cái chết nhẹ như lẽ thường
Quý biết mấy sự sống từng khoảnh khắc
Cứ đi vòng Cổ thành đổ nát
Nghe 81 ngày đêm bật hát dưới chân mình
Không bao giờ hoài phí sự hy sinh
Rằng cái chết bắt đầu cho sự sống
Rằng Quảng Trị vẫn là niềm xúc động
Trên hành tinh một vết sẹo câm…”

Trong dòng người viếng mộ, chúng tôi tình cờ gặp bà Nguyễn Thị Hiền (Nghĩa Sơn, Nghĩa Đàn) đang cùng đoàn Hội Phụ nữ huyện Nghĩa Đàn vào nghĩa trang thắp hương. Giữa nghi ngút khói hương, người phụ nữ luống tuổi ấy vẫn gắng khom người, lần dò từng dòng địa chỉ trên mộ chí, hy vọng mong manh gặp được phần mộ của người chồng là liệt sỹ Nguyễn Thanh Cung.



Bà Nguyễn Thị Hiền (Nghĩa Sơn, Nghĩa Đàn) tìm phần mộ của chồng tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn. Ảnh: T.D

Bà nghẹn ngào trong nước mắt: “11 năm trời tôi đi tìm mộ chồng. Không kể đường sá, nắng, mưa, hễ tích cóp đủ tiền tôi lại vào đây. Gia đình nhận được giấy báo tử của anh Cung ghi ngày 26/3/1972 tại mặt trận phía Nam, mù mịt quá chú ơi! Tôi già rồi, nguyện vọng duy nhất là được gặp chồng trước khi chết…”. “May mắn” hơn bà Nguyễn Thị Hiền và nhiều gia đình thân nhân liệt sỹ khác, gia đình cụ Đậu Thị Nhâm (Đại Thành, Yên Thành) đã tìm được phần mộ của người anh trai là liệt sỹ Đậu Đại Đồng, giấy báo tử năm 1968 tại chiến trường Khe Sanh, Quảng Trị. Năm nào cũng vậy, vào dịp tháng 7, đại gia đình cụ Nhâm đều bắt xe khách vào Nghĩa trang Trường Sơn để thăm nom phần mộ của liệt sỹ Đậu Đại Đồng. Năm nay, đặc biệt hơn khi có sự xuất hiện của đứa cháu nội chưa tròn 5 tuổi, đã ra dáng hiểu biết khi tự tay lau chùi và cắm hoa lên bia mộ của người ông chưa biết mặt.



Đoàn công tác của tỉnh Nghệ An thắp hương ở Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn. Ảnh: T.D

Trong đoàn công tác của chúng tôi cũng có một nhân vật đặc biệt, đó là anh Phạm Tuấn Vinh - Phó Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An. Anh Vinh có thể nói là nhân chứng “gián tiếp” của chiến tranh, bởi người bố của anh chính là một trong những người chiến sỹ Thành cổ anh dũng năm xưa. Những câu chuyện lửa đạn bi tráng qua lời kể của bố thấm đẫm tuổi thơ anh, để giờ đây, người đoàn viên chững chạc ấy nhận thức rõ sự quý giá của hòa bình, của hiện tại, và đóng góp hết sức mình cho công tác xã hội. Anh tâm sự: “Tôi nghĩ không chỉ riêng tôi mà tuổi trẻ trên quê hương Bác đều có chung một ý chí, một niềm tin vào tương lai để dựng xây đất nước. Không thể để máu xương cha anh ta đổ xuống thành vô nghĩa, mà phải luôn tâm niệm rằng mỗi việc làm tốt của chúng ta, dù nhỏ nhưng cũng là hành động tri ân công lao của các Anh hùng liệt sỹ!”

Buổi chiều Gio Linh nhuộm nắng mật o­ng trải dài khắp Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn. Trong dòng người viếng mộ, có giọng Bắc, giọng Trung, giọng Nam, tất thảy đều tìm về đây như một địa chỉ chung, một quê hương chung của khắp nẻo quê hương. Khẽ nắm một vốc đất Quảng Trị thiêng liêng trong tay, thấy trào dâng một niềm thương yêu vô hạn, lẫn trong mỗi tầng sâu tấc đất, trong mỗi hạt cỏ mầm cây, có một phần xương máu chiến công. Đất ấm nồng nâu thẫm như tình người Việt Nam máu đỏ da vàng, trong gian khó càng ngời sáng phẩm chất cách mạng, phẩm chất bộ đội Cụ Hồ. Về với đất thiêng Quảng Trị trong những ngày tháng Bảy, ta như được tắm mình trong truyền thống, để rồi hun đúc thêm niềm tự hào. Đó cũng là nguồn cội của sức mạnh để ta vững vàng trên hành trình đến với ngày mai.


Thành Duy

Mới nhất

x
Về đất thiêng Quảng Trị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO